Suốt những ngày qua, tin sốt trong tất cả các báo là vụ tìm kiếm máy bay B777-200 mang ký hiệu MH370 của Malaysia mất tích. Quân đội và các tổ chức cứu nạn cứu hộ của 10 nước đã tham gia với hàng chục máy bay và tàu. Đến nay, sau gần 20 ngày tìm kiếm vẫn chưa thấy tung tích của chiếc máy bay và số phận của gần ba trăm hành khách.

Riêng ngày 11.3.2014 Việt Nam đã huy động 9 máy bay (trong tổng số 23 trong đó Trung Quốc 4, Malaysia 4 và Singapore 2) và 9 tàu (trong tổng số 31 tàu trong đó Malaysia 9, Trung Quốc 6, Mỹ 3, Singapore 3, và Thái Lan 1).

Có thể nói chi phí tìm kiếm cứu nạn cứu hộ không nhỏ, song không thể tính bằng cuộc sống của hơn 200 con người và hãng hàng không Malaysia đã phải trả giá rất đắt với vụ này, nhất là uy tín và có thể đo được bằng giá cổ phiếu rớt mất 18%. Nhưng còn nhiều tổn thất khác chưa được tính đến. Đấy một phần là cái giá của sự thiếu minh bạch.

Trong thế giới này khó có thể giấu được bất cứ điều gì và sự thiếu minh bạch có thể phải trả một cái giá hết sức đắt. Thông tin trái ngược nhau là chuyện bình thường và việc xác minh, xác nhận hay bác bỏ kịp thời một cách có trách nhiệm là hết sức cần thiết. Đáng tiếc trong vụ này sự việc đã không được như mong muốn.

Thông tin về tín hiệu từ máy bay mà hãng nói đã không nhận được gì từ hệ thống báo cáo tự động của máy bay trong khi hãng sản xuất động cơ máy bay thì nói đã nhận được hai báo cáo tự động về động cơ và điều đó chứng tỏ hệ thống ấy hoạt động chứ không phải bị tê liệt và người ta nghi ngờ sự minh bạch của hãng máy bay.

Tương tự về ý kiến được cho là của radar quân đội về việc máy bay quay trở lại phía tây Malaysia gần 1 giờ sau khi được cho là mất tích ở phía đông, ảnh hưởng nhiều đến công việc tìm kiếm. Rồi đến chuyện vài năm trước viên lái phụ đã tiếp hai cô gái xinh đẹp người Úc trong buồng lái.

Báo chí cho biết, cơ quan chức năng của Việt Nam chỉ nhận được thông tin trao đổi từ một Ủy viên quân sự của Malaysia nhưng ông này chủ yếu đề nghị phía Việt Nam cung cấp thông tin về việc triển khai tìm kiếm, chứ cũng không cung cấp cho phía Việt Nam thông tin nào khác về dấu hiệu máy bay hay quá trình tìm kiếm của cơ quan chức năng Malaysia. Minh bạch thông tin là có vấn đề.

Không chỉ chuyện này mà chuyện hàng loạt cầu ở Việt Nam gặp sự cố cũng liên quan đến minh bạch thông tin. Chuyện cầu Chu Va 6 với thiệt hại nhiều sinh mạng; cầu Vĩnh Tuy với trụ H22 có một vết nứt chính dài khoảng 10m, xung quanh còn những vết nứt khác cùng các trụ H23, H24 cũng xuất hiện một số vết nứt tương tự nhưng ngắn hơn; chuyện cầu Rồng, cầu Thuận Phước ở Đà Nẵng; rồi chuyện cầu Đà Rằng ở Tuy Hòa,...Sự thiếu minh bạch về hồ sơ đấu thầu, về các nhà xây dựng, về sự giám sát có thể đã dẫn đến những hậu quả là sinh mạng con người và không biết bao nhiêu tiền của.
Trong thế giới kết nối này, nếu không bị bưng bít một cách có chủ ý, thì sự minh bạch thông tin không phải là việc khó. Rồi mọi sự cũng bị lộ ra hết. Minh bạch ngay từ đầu có thể giảm thiểu những thiệt hại, cái giá phải trả và có thể góp phần đắc lực vào sự phát triển nói chung. Cái giá của sự thiếu minh bạch là hết sức cao, xin đừng đùa với nó.

Mai Quang Hòa (Lao Động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.