Châu Phi là một thị trường tiềm năng, nhất là đối với những nước có nền nông nghiệp như Việt Nam, nhưng hiện tại Việt Nam nhập khẩu nhiều hơn xuất khẩu từ thị trường này.

Các đại biểu đến từ các nước Tây Phi và Trung Phi trao đổi với nhau bên lề diễn đàn phát triển kinh doanh và hợp tác Nam - Nam giữa các nước châu Phi và các nước Mê Kông Pháp ngữ - Ảnh: Thành Hoa

Số liệu xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và các nước châu Phi thuộc Liên minh Kinh tế và Tiền tệ Tây Phi (UEMOA) từ năm 2007 đến 2014 cho thấy Việt Nam ngày càng nhập khẩu nhiều từ châu lục này.

Những số liệu này (xem box) được ông Hoàng Đức Nhuận, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Phi, Tây Á, Nam Á thuộc Bộ Công Thương, nêu ra tại “Diễn đàn phát triển kinh doanh và hợp tác Nam - Nam giữa các nước châu Phi và các nước Mê Kông Pháp ngữ” được tổ chức tại TPHCM hôm nay, 19-11.

Trao đổi thương mại Việt Nam - UEMOA 2007 - 2014 (Nguồn: Tổng cục hải quan Việt Nam)

Đơn vị: Triệu USD

2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014

Xuất khẩu của Việt Nam

sang UEMOA

92,4 247,3 298,3 269,2 402,7 361,8 382,8 293,3

Nhập khẩu của Việt Nam

từ UEMOA

88,2 189,4 130,6 246,5 405,8 307,0 552,4 560,8
Tổng 180,6 436,7 428,9 515,7 808,5 668,8 935,2 854,1

Theo bảng số liệu này thì từ năm 2007 đến 2014, trong cán cân thương mại của Việt Nam với tám nước thuộc UEMOA, gồm Bờ Biển Ngà, Benin, Burkina Faso, Guinea Bissau, Mali, Niger, Senegal, và Togo thì có ba năm 2011, 2013 và 2014 Việt Nam nhập siêu.

Đặc biệt trong hai năm 2013 và 2014 Việt Nam nhập siêu với giá trị khá lớn: năm 2013 Việt Nam chỉ xuất khẩu được 382,8 triệu đô la Mỹ nhưng nhập tới 552,4 triệu đô la Mỹ, và năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam giảm còn 293,3 triệu đô la Mỹ trong khi nhập tiếp tục tăng lên 560,8 triệu đô la Mỹ.

Những sản phẩm của Việt Nam xuất vào thị trường UEMOA chủ yếu là gạo, chiếm tới 50 - 70% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang khu vực này, tăng từ 51,7 triệu đô la Mỹ năm 2007 lên 135,5 triệu đô la Mỹ năm 2014. Ngoài ra, Việt Nam còn xuất khẩu các nhóm hàng dệt may, linh kiện phụ tùng ô tô, xe máy, nguyên liệu thuốc lá… Trong khi đó mặt hàng Việt Nam nhập khẩu chính từ thị trường UEMOA là hạt điều và bông, chiếm tới 89% tổng giá trị nhập khẩu, bên cạnh sắt thép phế liệu, gỗ…

Còn với Cộng đồng Kinh tế và Tiền tệ Trung Phi (CEMAC) gồm sáu quốc gia là Cameroon, CH Trung Phi, CH Congo, Gabon, Guinea Xích đạo và CH Tchad, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này cũng giảm đáng kể, nhưng nhập khẩu lại tăng lên qua các năm.

Năm 2007 xuất khẩu của Việt Nam qua CEMAC đạt 37,6 triệu đô la Mỹ, trước khi đạt đỉnh vào năm 2013 với 153,65 triệu đô la Mỹ, nhưng năm 2014 xuất khẩu của Việt Nam vào CEMAC giảm đáng kể, chỉ còn 64,72 triệu đô la Mỹ. Trong khi đó nhập khẩu từ thị trường này thì tăng lên.

Trao đổi thương mại Việt Nam - CEMAC 2007 - 2014 (Nguồn: Tổng cục hải quan Việt Nam)

Đơn vị: Triệu USD

2007 2008 2009 2010 2011 2012 2013 2014

Xuất khẩu của Việt Nam

sang CEMAC

37,6 80,5 70,7 79,7 139,4 94,36 153,65 64,72

Nhập khẩu của Việt Nam

từ CEMAC

27,4 67,2 68,7 94,9 127,7 122,2 155,84 276,1
Tổng 65,0 147,7 139,4 174,6 267,1 216,5 309,4 340,8

Các mặt hàng Việt Nam xuất qua CEMAC cũng chủ yếu là gạo, chiếm tới 50% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này, và nhập khẩu chủ yếu là gỗ.

Như vậy, trong thương mại với hai thị trường Tây Phi và Trung Phi gồm 14 nước, xuất khẩu của Việt Nam giảm dần, trong khi đó nhập khẩu lại tăng lên.

Việc xuất khẩu gạo của Việt Nam vào thị trường CEMAC bị giảm xuống từ 85 triệu đô la Mỹ năm 2013 còn 25,1 triệu đô la Mỹ trong năm 2014, do sự cạnh tranh của gạo Thái Lan tại thị trường này, ông Nhuận nói.

Theo bà Thái Kiều Hương, Phó chủ tịch diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam - Châu Phi - Trung Đông, thì châu Phi là thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, sự hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về thị trường này còn hạn chế nên đầu tư làm ăn tại thị trường này còn nhiều rủi ro.

“Diễn đàn phát triển kinh doanh và hợp tác Nam - Nam giữa các nước châu Phi và các nước Mê Kông Pháp ngữ” diễn ra trong hai ngày 19 và 20-11 tại TPHCM, với sự tham gia của 30 doanh nghiệp của Tây Phi và Trung Phi cùng 100 doanh nghiệp của Việt Nam. Tại diễn đàn này, các bộ ngành, cơ quan xúc tiến đầu tư, thương mại và các chủ doanh nghiệp của hai khu vực sẽ thảo luận về thương mại, chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, các ngân hàng giữa hai bên có cơ hội trao đổi trực tiếp về các giải pháp hợp tác tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận nguồn vốn, đảm bảo tính an toàn trong các giao dịch thương mại giữa các doanh nghiệp hai bên, đặc biệt trong lĩnh vực lương thực thực phẩm.

Theo Tổ chức Lương-Nông nghiệp Thế giới (FAO) thì Hợp tác Nam-Nam là sự chia sẻ và trao đổi các giải pháp phát triển, kinh nghiệm thực tiễn về chính sách, công nghệ và nguồn nhân lực giữa các quốc gia đang phát triển. Hợp tác Nam-Nam được xem là mô hình bổ sung trong hợp tác phát triển đối với mô hình truyền thống Bắc Nam, nhằm vượt qua các thách thức chung và để đạt được an ninh lương thực, giảm nghèo và quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Thành Hoa (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.