Khi tái tranh cử vào năm 1980, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã bế tắc trước tình trạng suy thoái kinh tế và khủng hoảng quốc gia.

Giống như người tiền nhiệm Jimmy Carter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đang phải đối mặt với hàng loạt rắc rối khi tái tranh cử. Giờ đây, mức độ uy tín của ông chịu ảnh hưởng nặng nề vì đại dịch Covid-19 kéo theo cuộc suy thoái kinh tế và khủng hoảng quốc gia.

Khi ngày bầu cử (3/11) chỉ cách hơn 1 tuần, số phiếu bầu thâm hụt của Tổng thống Trump là 10%, giống tỷ lệ làm nên thất bại của cựu Tổng thống Jimmy Carter trước đối thủ Ronald Reagan vào mùa bầu cử năm 1980.

Diễn biến khó lường

Năm 2000, cựu Tổng thống George Bush bất ngờ giành chiến thắng chung cuộc dù bị đối thủ Al Gore dẫn trước ở nhiều tiểu bang. Tương tự, ông Trump cũng đắc cử vào năm 2016 dù có số phiếu bầu phổ thông thấp hơn so với đối thủ Hillary Clinton.

Trên thực tế, bầu cử tổng thống Mỹ luôn chứa đựng nhiều yếu tố bất ngờ. Điều này đồng nghĩa với việc ông Trump có cơ hội tái đắc cử ngay cả khi tình hình không mấy khả quan tại những khu vực đã hoàn thành việc bỏ phiếu.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng viên từ đảng Dân chủ Joe Biden. Ảnh: AP.

Thay vì dẫn trước các cuộc thăm dò cấp quốc gia, ông Trump đang vận động bầu cử khá hiệu quả ở nhiều bang chiến trường. Amy Walter, biên tập viên của Cook Political Report, nhận xét: “Ngay cả khi dẫn đầu 8 điểm, đảng Dân chủ khó lòng giành được sự ủng hộ từ những bang mang tính quyết định như Ohio, Iowa chứ đừng nói đến Florida”.

Chiến thắng sít sao của ông tại các bang nghiêng về bảo thủ như Georgia, Iowa và North Carolina cũng giúp sức đảng Cộng hòa trong cuộc đua vào Thượng viện. Năm 2016, các vị trí trong Thượng viện đều thuộc về những người cùng đảng với ứng viên tổng thống giành chiến thắng tại tiểu bang.

Dù vậy, có một vài ý kiến cho rằng ông Trump đang đối mặt với nguy cơ bại trận như bậc tiền bối Jimmy Carter. Ông Dave Wasserman, chuyên gia hàng đầu về các cuộc đua vào Hạ viện, cho biết khảo sát ở các khu vực cạnh tranh cho thấy mức chênh lệch nhất quán khoảng 8-10% nghiêng về phía ông Joe Biden.

Chuyên gia Wasserman cũng tính toán tỷ lệ thắng cuộc của hai ứng viên tổng thống dựa vào các nhóm nhân khẩu học chính. Theo đó, ông Joe Biden, giống như cựu Tổng thống Ronald Reagan 40 năm trước, sẽ giành chiến thắng với phần lớn số phiếu từ đại cử tri.

Thời thế thay đổi

Đắc cử vào năm 2016 chỉ với 46,1% phiếu bầu, ông Trump luôn được coi là một vị tổng thống gây tranh cãi. Phần lớn cử tri ủng hộ ông là những người Mỹ da trắng hoặc những người sống tại vùng nông thôn và không có học vấn cao.

Trong bối cảnh đại dịch hoành hành, kinh tế suy thoái và bất ổn chủng tộc lan rộng, tổng thống thường xuyên có những hành động thất thường và gây chia rẽ. Dù vậy, những cử tri trung thành vẫn đặt niềm tin ở ông Trump và thể hiện ý kiến này trong các cuộc thăm dò dư luận. Cụ thể, một cuộc khảo sát hồi tuần trước của trang fivethirtyeight.com cho thấy 42,5% người Mỹ vẫn lựa chọn ông Trump cho nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tham gia tranh luận. Ảnh: AP.

Larry Sabato, người đứng đầu Trung tâm Chính trị của Đại học Virginia, nhận định rằng Tổng thống Trump đã không thể hiện tốt trong vai trò đứng đầu nước Mỹ, giới sử học không phải tranh cãi nhiều về điều này, nhưng "ông ấy đã xây dựng được cơ sở chính trị vững chắc".

Tương tự, nhờ các cử tri da trắng bảo thủ, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã giành chiến thắng vào năm 1976. Song ở thời đại này, không còn nhiều người đồng tình với tư tưởng “người da trắng thượng đẳng”. Điều này đồng nghĩa với việc thu hẹp khả năng chiến thắng của ông Trump trong mùa bầu cử năm nay.

Xem thêm bài viết về: Donald Trump
Uyên Uyên (Zingnews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.