Quả thực bên cạnh một bộ phận doanh nghiệp không thể phát triển được thì không ít doanh nghiệp đang “ngại” lớn. Doanh nghiệp lo ngại nếu phát triển lớn hơn thì sẽ mất nhiều chi phí hơn, “rắc rối” hơn...
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đã chia sẻ như vậy trong cuộc trao đổi với BizLIVE.
Quý I kết thúc, tốc độ tăng trưởng GDP thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Có nhiều nguyên nhân được đưa ra, trong đó ngành công nghiệp tăng trưởng thấp được cho là chủ yếu. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
Tăng trưởng GDP quý I năm nay đạt 5,1%, thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Trước đó, quý I/2015 là 6,12%; quý I/2016 là 5,48%. Điều này cho thấy Việt Nam đang đi vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại.
Cả khai khoáng dầu thô, khí, than đều giảm, dẫn đến kết quả chung toàn ngành khai khoáng chỉ đạt 90%, âm 10%. Việc giảm sản lượng công nghiệp khai khoáng là do Nhà nước chủ động thu hẹp và cũng do giá thế giới giảm, khai thác thì lỗ. Ngành nông nghiệp chưa phục hồi.
TS. Nguyễn Minh Phong.
Tuy nhiên, có hai điều “an ủi” mà chúng ta vẫn kỳ vọng, đó là bao giờ GDP quý I cũng thấp nhất trong 4 quý. Nhiều năm trở lại đây đều có xu hướng quý sau cao hơn quý trước. Hy vọng năm nay cũng thế. Thế giới họ đánh giá nếu 2 quý liên tiếp suy giảm thì mới là suy thoái.
Một điều đáng ghi nhận là, mặc dù sản xuất công nghiệp giảm song có một số ngành kinh tế đang được cải thiện. Chẳng hạn như xuất khẩu rau quả lại tăng cao hơn dầu thô. Điều này cho thấy nếu tiếp tục cải tiến cơ cấu nông nghiệp, áp dụng kỹ thuật cao thì tiếp tục sẽ có những đột phá mới. Đây là những dấu hiệu tích cực của nền kinh tế.
Tôi cho rằng việc vố gắng đạt mục tiêu GDP năm 2017 tăng 6,7% không phải là không làm được. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng đó là duy trì mức độ tăng trưởng đủ nhanh nhưng vẫn phải đảm bảo ổn định vĩ mô, chống lạm phát. Còn tất nhiên nếu chúng ta có biện pháp làm cho khu vực tư nhân phát triển vượt lên để đạt được con số 6,7% thì là điều quá tốt.
Ông có đề cập tới việc thúc đẩy sự phát triển khu vực tư nhân như là một giải pháp bền vững cho mục tiêu tăng trưởng. Tuy nhiên, có một vấn đề được một số chuyên gia kinh tế đề cập đến hiện nay đó là tâm lý “ngại” lớn của doanh nghiệp>
Quả thực bên cạnh một bộ phận doanh nghiệp không thể phát triển được thì không ít doanh nghiệp đang “ngại” lớn. Một phần là nguyên nhân là do hệ lụy của tư duy định kiến về kinh tế tư nhân một thời.
Thứ hai là do bản thân các doanh nghiệp dù đang phát triển vẫn khai giấu đi để bớt đi sự chú ý của các quan chức nhà nước. Nguyên nhân vì nếu phát triển lớn hơn thì doanh nghiệp sẽ mất nhiều chi phí hơn, “rắc rối” hơn.
Còn một yếu tố nữa đó là ngay bản thân doanh nghiệp cũng chưa có định hướng đầu tư dài hạn, chỉ thích làm việc một mình, không muốn liên kết, cổ phần… Trong khi đó, đáng ngại hơn là một số doanh nghiệp không lớn, nhưng lại tự thổi phồng lên.
Việc tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng quá lớn thì cũng không phải điều gì tiêu cực cả. Bởi vì doanh nghiệp nhỏ và vừa họ cũng có lợi thế đó là rất linh hoạt… Tuy nhiên, trong nền kinh tế phải hệ thống 2 tầng. Bên cạnh tầng doanh nghiệp nhỏ và vừa là mạng lưới doanh nghiệp lớn, có vai trò như xương sống.
Các doanh nghiệp lớn có tính cạnh tranh cao, tạo nên sức bật của nền kinh tế. Nếu không có những doanh nghiệp này, nền kinh tế sẽ kém sức cạnh tranh, không kéo về được những hợp đồng lớn. Các ngành quan trọng dễ bị nước ngoài thâu tóm và chúng ta mãi mãi chỉ làm thuê…
Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ đã có rất nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ông cảm nhận như thế nào về vấn đề này, giải pháp phát triển kinh tế tư nhân ra sao trong thời gian tới?
Thủ tướng đã có hai thông điệp quan trọng, thứ nhất là Chính phủ kiến tạo, liêm chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế tư nhân, thứ hai là doanh nghiệp phải đứng đầu, trở thành lực lượng chủ chốt, thậm chí doanh nghiệp cũng là người hiến kế kiến tạo lại nhà nước… Đây là tư duy rất phát triển, tạo tâm lý hứng khởi cho người dân, doanh nghiệp.
Nhưng điều quan trọng, Thủ tướng nói và ở dưới thực thi như thế nào. Chính Thủ tướng cũng từng phát biểu, chỉ một Thủ tướng thì không đạt được hiệu quả, phải chuyển động cả hệ thống. Cả hệ thống phải chuyển động, cả hệ thống phải thực sự phục vụ nhân dân không thì mới đem lại chuyển biến tích cực được.
Về giải pháp phát triển hệ thống kinh tế tư nhân sắp tới, tôi cho rằng có hai nhóm giải pháp quan trọng nhất, thứ nhất là tiếp tục định hình, hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân, cộng với một số tổng công ty nhà nước như đang có.
Thứ hai là thực hiện chính sách liên kết được chuỗi các doanh nghiệp, tức là có sự tương tác giữ doanh nghiệp lớn với doanh nghiệp nhỏ và vừa. "Đầu" ông này nối với được với "đuôi" ông kia để hình thành hệ thống khép kín, từ đó tạo ra giá trị gia tăng cao hơn...
Các doanh nghiệp Việt hiện nay hầu hết làm ăn rời rạc như "bịch" khoai tây, tự làm tự tiêu thụ. Thiếu đi sự liên kết sẽ tạo ra bất lợi trong thương lượng với nước ngoài hoặc đối tác khác. Dễ nhận thấy nhất là câu chuyện Trung Quốc thu mua nông sản ở Việt Nam.
Trong câu chuyện phát triển doanh nghiệp, ngoài vai trò của các bộ ban ngành, địa phương thì nổi lên hơn nữa đó là vai trò của hiệp hội doanh nghiệp, ngành nghề. Vai trò của họ từ trước đến nay đang bị mờ nhạt.
Xin trân trọng cám ơn ông!
N.Mạnh (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Vì sao doanh nghiệp Việt “ngại” lớn?

    Vì sao doanh nghiệp Việt “ngại” lớn?

    18/04/2017 10:57 PM

    Quả thực bên cạnh một bộ phận doanh nghiệp không thể phát triển được thì không ít doanh nghiệp đang “ngại” lớn. Doanh nghiệp lo ngại nếu phát triển lớn hơn thì sẽ mất nhiều chi phí hơn, “rắc rối” hơn...

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.