Tăng trưởng bền vững là một trong những mục tiêu chính của doanh nghiệp. Để thực hiện điều này các ông chủ doanh nghiệp cần biết những yếu tố nào tác động tới tăng trưởng của doanh nghiệp

Nhìn từ thế giới

Theo Tài liệu “Top-line Growth” của Harvard Business Review, tăng trưởng doanh thu đến từ 3 yếu tố căn bản là cải tiến sản phẩm (innovation), tập trung tiếp thị đến khách hàng (customer) và đưa ra giải pháp cho những vấn đề tiêu dùng (solution).

Ông George Nolen, Cựu Chủ tịch Tập đoàn công nghiệp Đức Siemens, từng đúc kết ra công thức hoàn hảo cho tăng trưởng gồm 6 yếu tố chủ đạo: nền tảng chiến lược, hiểu biết thị trường, phân phối tốt, hệ thống sản phẩm đa dạng, quan hệ khách hàng và tinh thần đổi mới của chủ doanh nghiệp.

Một tác giả khác cho rằng sự sẵn có của các nguồn lực tài chính, nhân sự và xã hội; các kỹ năng quản lý và kỹ thuật để ứng phó với sự biến động của môi trường kinh doanh; tiềm năng phát triển đội ngũ nhân sự; khả năng nhận biết cơ hội và sáng tạo là những yếu tố chính quyết định tốc độ tăng trưởng của doanh nghiệp.

Ngoài ra, còn có cách thức tăng trưởng khác là thông qua hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A). Chính các thương vụ M&A đã giúp giải quyết mục tiêu tăng trưởng bền vững cho doanh nghiệp, trước hết là cho những doanh nghiệp mới vào thị trường và nuôi tham vọng trở thành những đế chế kinh doanh với tốc độ tăng trưởng nhanh, sau là cho những doanh nghiệp sắp hay đang “đụng nóc” tăng trưởng xét về nội lực và cần chuyển sang giai đoạn mới nếu không muốn lâm vào cảnh thoái trào.

Quan điểm tăng trưởng lợi nhuận đang dần được chú trọng hơn

Các nhà quản trị của những công ty hàng đầu luôn phải đau đầu trước câu hỏi tại sao chiến lược “chiếm thị phần cao trên thương trường” trong suốt thập kỷ 80 - 90 đã rất thành công thì giờ đây lại gặp thất bại? Trong trật tự kinh tế cũ, thời đại của thị phần, lượng tăng trưởng là yếu tố bảo đảm thành công. Tăng trưởng là mục tiêu chính yếu mà các nhà quản trị luôn theo đuổi. Nó giúp tạo ra lợi nhuận cao hơn các công ty nắm ít thị phần. Giờ đây các kết quả của các doanh nghiệp cho thấy sự tăng trưởng kinh doanh truyền thống khi lấy thị phần là trọng tâm và được xây dựng trên cơ sở nền sản xuất dần dần không còn “đất sống”.

Những các công ty lừng lẫy trên thế giới như Gillette, Polaroid, Lucent, Procter & Gambler, Maytag… đã đánh mất tới 40- 100% giá trị thị trường của mình (giá trị cổ phiếu) khi lợi nhuận không đạt như mọng đợi.

Do vậy, cho dù doanh nghiệp tăng trưởng nhanh qua một thời kỳ đủ dài (từ 4-5 năm trở lên) luôn là một thành tích đang ghi nhận và tôn vinh, tuy nhiên, các nhà quản trị ngày càng thừa nhận những đặc tính tốt của sản phẩm còn quan trọng hơn cả thị phần.

Việc “chú trọng vào lợi nhuận” chứ không chỉ tập trung vào thị phần đã mang lại những dấu hiệu phục hồi ấn tượng. Kết quả là nhiều công ty dẫn đầu thị phần trước đây có thêm động lực để xem xét lại những giả định làm nền tảng cho mô hình kinh doanh hiện tại của mình. Hiện tại, đa số các công ty Việt Nam vẫn còn đang tư duy quản trị theo kiểu cũ, tư duy của thị phần mà chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuỗi giá trị gia tăng và sự nỗ lực tạo ra giá trị cho mình để đạt giá trị gia tăng cao và qua đó tăng giá trị công ty.

Các yếu tố góp phần tạo nên tăng trưởng của các DN Việt

Trong khuôn khổ các hoạt động của Câu lạc bộ FAST500 – Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất, Vietnam Report đã tiến hành điều tra các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp tăng trưởng nhanh về các yếu tố đóng góp cho tăng trưởng doanh thu trong giai đoạn 2012-2013 và các yếu tố có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng trong năm 2014.

Nâng cao hiệu quả quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ hậu mãi và quan hệ khách hàng, và mở rộng thị trường trong nước được các doanh nghiệp đánh giá là 3 yếu tố chính đóng góp cho sự tăng trưởng doanh thu của các doanh nghiệp lớn trong năm 2012 và 2013. Phần đông cho rằng, nâng cao hiệu quả quản lý đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong tăng trưởng doanh thu năm 2013. Trái lại, chưa tới 10% doanh nghiệp nhận định tăng giá bán sản phẩm dịch vụ là phương cách giúp tăng trưởng doanh thu của họ trong năm 2013.

Những yếu tố đóng góp tạo nên sự tăng trưởng Doanh thu của DN, 2012-2013

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện (tháng 1/2013, tháng 1/2014)

Bên cạnh đó, hầu hết các DN đều e ngại những thay đổi trong chính sách vĩ mô của Chính phủ, lạm phát, sự tăng giá chi phí nguyên nhiên vật liệu là những quan ngại chính có thể ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của DN, được coi như các yếu tố ảnh hưởng dây chuyền và không dễ dự báo. Điểm khác biệt là trong năm 2014, nợ xấu của các doanh nghiệp không còn là mối lo ngại lớn như năm 2013. Mặt khác, các doanh nghiệp cũng thể hiện sự lạc quan hơn khi đa số các cột màu xanh đều thấp hơn các cột màu đỏ trong hình 2, đồng nghĩa với việc tỷ trọng doanh nghiệp quan ngại về các yếu tố có ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh trong năm 2014 thấp hơn con số tương tự trong cuộc điều tra đầu năm 2013.

Những yếu tố có thể ảnh hưởng tới tăng trưởng của doanh nghiệp, 2013-2014

Nguồn: Khảo sát các doanh nghiệp VNR500 do Vietnam Report thực hiện (tháng 1/2013, tháng 1/2014)

Thành công trong hoạt động M&A của DN Việt

Trong thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp Việt đã thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng thông qua các hoạt động M&A nhằm đẩy mạnh ưu thế của doanh nghiệp mình cũng như khắc phục các điểm yếu đã tồn tại trong thời gian khá dài trước đó.

Chẳng hạn như thương vụ Masan mua chi phối Vinacafe, doanh nghiệp đầu ngành cà phê với tỉ lệ 50,11%. Nhìn vào những con số tài chính của Vinacafe cũng có thể thấy được tiềm năng tăng trưởng của Masan sau thương vụ M&A này.

Năm 2010, sản lượng cà phê hòa tan của Vinacafe đạt khoảng 17.000 tấn và doanh thu khoảng 65 triệu USD. Chắc chắn trong câu chuyện tăng trưởng của Masan thời kỳ tiếp theo sẽ không thể vắng bóng Vinacafe, nhưng Masan và Vinacafe làm gì trong câu chuyện tăng trưởng ấy thì vẫn còn là chuyện hậu trường.

Một trường hợp khác là Công ty CP Diana. Diana là doanh nghiệp luôn tiên phong khai phá những thị trường mới, ứng dụng công nghệ sản xuất mới nhằm tạo ra một chuỗi sản phẩm đa dạng, thích hợp với nhu cầu của mọi lứa tuổi. Diana cũng có hệ thống phân phối được xây dựng theo mô hình chuẩn của các tập đoàn đa quốc gia.

CEO của Diana, ông Đỗ Anh Tú là một trong những nhà quản lý có nhiều kinh nghiệm làm việc cho các tập đoàn quốc tế. Chiến lược tăng trưởng của công ty đã rất thành công khi Diana đạt tăng trưởng bình quân 30%/năm với doanh thu hơn 1.000 tỉ đồng năm 2010.

Tuy nhiên, vào năm 2011, dù vẫn đà tăng trưởng tốt nhưng dường như Diana đã “đụng nóc” tăng trưởng xét về nội lực. Các sản phẩm được mở rộng thêm như tã giấy và giấy tissue vẫn chưa thực sự nổi bật.

Trong khi đó, cuộc cạnh tranh trong ngành ngày càng khốc liệt và các sản phẩm mà Diana đang kinh doanh cũng không phải là sản phẩm thế mạnh của Việt Nam. “Cách thức để đưa công ty tiếp tục tăng trưởng là gia nhập vào một đế chế kinh doanh lớn”, ông Tú cho biết. Để giải quyết những thách thức trong bối cảnh toàn cầu hóa, sự lên ngôi của công nghệ, sức ép tiêu dùng và cạnh tranh, Diana lựa chọn con đường tham gia các định chế toàn cầu. Sự thay đổi mang tính chiến lược đầu tiên của Diana là bán lại 95% cổ phần cho Unicharm (Nhật).

Doanh nghiệp cần làm gì?

Khi nền kinh tế vẫn quanh quẩn ở đáy khủng hoảng, mối quan tâm chính của doanh nghiệp chính là cắt giảm chi phí, hạn chế ngân sách nhằm tăng khả năng tồn tại của doanh nghiệp. Để đạt được mục đích này, các doanh nghiệp cần/có thể tập trung các biện pháp như kiểm soát doanh thu, chi phí chặt chẽ, tiến hành khảo sát xác định rõ khách hàng và nhu cầu thị trường về sản phẩm, chú trọng hơn tới đào tạo nhân viên. Bên cạnh đó, các biện pháp như tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh truyền thông, marketing và xây dựng thương hiệu cũng sẽ đóng góp đáng kể cho mục tiêu tăng trưởng của doanh nghiệp.

Lễ công bố chính thức Bảng xếp hạng FAST500 – Top 500 DN tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, sẽ được tổ chức sáng ngày 04/4/2014 tại Trung Tâm Hội Nghị Quốc Gia, TP. Hà Nội, Đây là lần thứ tư liên tiếp Bảng xếp hạng FAST500 được công bố nhằm nghi nhận những nỗ lực và tôn vinh những doanh nghiệp năng động và tăng trưởng nhanh nhất – Những ngôi sao đang lên của nền kinh tế Việt Nam. Sau đó một ngày (05/4) cũng trong khuôn khổ sự kiện công bố Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam, tại KS. Fortuna, Ban tổ chức FAST500 sẽ tổ chức Hội nghị: Truyền thông hiện đại: Bài học từ truyền thông các sản phẩm giải trí bom tấn. do Giáo sư Anita Elberse đến từ Trường kinh doanh Harvard làm diễn giả. Thông tin chi tiết về chương trình xem tại: www.fast500.vn
Minh Phan (VietNamNet)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.