Mô hình kinh tế chia sẻ như Uber, Lyft, Airbnb, Couchsurfing, TaskRabbit đang trên con đường cách mạng làm ảnh hưởng tới các ngành đã có chỗ đứng từ lâu theo cách mà trước đây ít người có thể mường tượng ra.

Ảnh minh họa Getty Images

Nếu bạn làm nghề taxi hoặc lái xe limousine thì Uber và Lyft là cơn ác mộng ghê gớm nhất.
Những công ty này bất ngờ xuất hiện và trở thành đối thủ cạnh tranh thu hút khách hàng với sự tổng hợp về tiện lợi trong giá cả, hiệu quả và thậm chí là dịch vụ “sành điệu”.
Tương tự, Airbnb đang chiếm thị phần trong mảng khách sạn và nhà trọ.
Thế còn TaskRabbit, mà thực nó chỉ là một trong nhiều doanh nghiệp mới lập kiểu này - nhằm liên kết những người có việc cần làm xong với những người có thể làm việc đó cho họ, thí dụ đi mua hàng, viết bài luận, dọn dẹp nhà để xe - đang sẵn sàng làm thay đổi cách thức bạn sử dụng gần như bất kỳ dịch vụ gì.
Chắc chắn đó là một cuộc cách mạng, nhưng là cuộc cách mạng mà cho đến nay một phía định đoạt do xuất phát từ nhu cầu.
Vậy còn đối với những người chào mời sử dụng dịch vụ này mà phần lớn họ làm việc cho các công ty lớn nhưng không được coi là nhân viên thì sao? Vào lúc này, họ là một nhóm cung cấp dịch vụ vô tổ chức. Nhưng điều đó có thể thay đổi, với những hậu quả khó lường.
Nền kinh tế chia sẻ phụ thuộc vào những người có dư thừa khả năng cung cấp thứ gì đó có giá trị cho những người khác. Và họ hẳn có ước mơ kiếm tiền từ khả năng ấy.
Đối với trường hợp của Uber and Lyft đó là những người có xe; với Airbnb và Couchsurfing là người có phòng và căn hộ còn dư; với TaskRabbit đó là một chút hiểu biết chuyên môn và rất nhiều thời gian rỗi rãi.
Chẳng hạn Uber dựa vào người có xe ô tô và họ quyết định chở ai đó từ điểm A tới điểm B và tính tiền dịch vụ. Những người này không phải là nhân viên của Uber, do vậy công ty thậm chí còn hạn chế chi phí quản lý lực lượng lao động này. Công ty chỉ trả đủ tiền để kéo họ về làm lái xe, còn việc quản lý mọi thứ là do tương tác giữa máy tính và điện thoại di động.
Kết quả là một lượng lớn cá nhân đã thực sự làm việc cho Uber mặc dù thực tế họ không có hợp đồng thuê mướn chính thức nào. Tiền dịch vụ thì hoàn toàn do Uber xác định mà không liên quan gì đến bất kỳ quyền hạn nào của người làm thuê. Ta có thể gọi họ là nhân viên không biên chế và không được hưởng an sinh xã hội.
Hình thức kinh tế này, đôi khi được gọi là một “hạ tầng phi ràng buộc”, chỉ yêu cầu những cá nhân đó mong muốn thực hiện giao dịch với một công ty để phục vụ các khách hàng được công ty đó kiếm về. Đơn giản chỉ là vậy. Các cá nhân chịu tất cả các chi phí cố định (sửa xe, bảo hiểm, rủi ro an toàn) và gần hết chi phí gián tiếp (đào tạo, thiết bị).
Nhưng về phía cung cấp dịch vụ thì sao? Thế còn những người có xe, có căn hộ hoặc nơi ở dư thừa, hoặc có thời gian làm việc vặt cho người khác, tất cả những người này thì sao?
Câu hỏi lớn là họ sẽ làm gì? Họ có tiếp tục hoạt động như một chủ sở hữu độc lập theo hình thức giao dịch không? hay là họ tìm cách tổ chức theo kiểu nào đó để có sức mạnh (nghĩa là để kiếm nhiều tiền hơn) với các công ty đưa tới khách hàng này về cho họ?
Sự nổi loạn từ bên trong
Một mặt, vì sao những người này lại làm điều gì đó để phá bỏ cái mà họ đã giành được? Họ vẫn làm việc của họ, thời gian làm việc là tùy họ, và họ được trả tiền vì cái mà họ vẫn có từ trước, cái mà trước đây chỉ nằm ỳ mà không tạo ra thu nhập.
Mặt khác, điều gì sẽ xảy ra nếu như những người lái xe Uber quyết định thành lập công đoàn, hoặc một tổ hợp của những người có thể mặc cả có lợi hơn?
Động thái này xem ra gần như có thể đoán trước được. Cộng thêm giá trị cực lớn của công ty (và tài sản của công ty) đã và đang tuyển mộ những người đang làm việc cho họ thì ta dễ tưởng tượng ra một kịch bản theo đó sẽ có thay đổi. Uber và những dịch vụ khác hiện đang lợi dụng một cơ hội vô cùng lớn và đáng được hoan nghênh. Nhưng điều đó có thể thay đổi.
Tất nhiên rằng không thể đơn giản như thế được. Vì một lẽ nếu những người lái xe Uber liên kết lại đòi tăng lương thì liệu Uber sẽ chỉ dựa vào những lái xe không đòi tăng tiền? Tức là dựa vào người không đòi hòi gì nhiều hơn là có công ăn việc làm.
Nó cũng giống như mối quan tâm của các cổ đông trong một công ty là khác nhau và việc tập hợp một lực lượng có mục tiêu chung là khó.
Có thể cuộc cách mạng mới sẽ nổ ra từ bên trong. Công đoàn hiện hoạt động theo một giải pháp của thế kỷ 20 để phân chia không đều thu nhập giữa chủ và thợ. Uber dựa vào hàng ngàn lái xe, mỗi người làm việc độc lập với nhau và chẳng ai biết tới ai.
Tôi có thể tưởng tượng một ai đó trẻ tuổi tạo ra một ứng dụng cho phép các lái xe chia sẻ thông tin một cách liền mạch, là một bước để tạo ra một tập hợp chặt chẽ những người có điểm gì đó chung với nhau. Và rồi lại có một người khác thậm chí còn thông minh hơn có thể tạo ra một doanh nghiệp chào mời dịch vụ cho cộng đồng này trong khi đồng thời vẫn khai thác sự mất cân bằng vốn có của quyền lực vốn là đặc trưng của làn sóng đầu tiên của nền kinh tế chia sẻ.
Cũng như Uber, Airbnb, và các thứ khác, tất cả dường như xuất hiện từ hư vô để rồi tự xác lập như những ''kẻ phá rối'', thế thì tại sao kịch bản mà tôi mô tả lại không thể xảy ra và lần này là phá những kẻ phá rối?
Bizlive
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.