Vào Harvard nhờ thành tích quần vợt, Jorge Paulo Lemann chinh phục thương trường Brazil bằng việc thâu tóm các hãng bia và hiện có tài sản 26,5 tỷ USD.

Ít ai biết những thương hiệu quen thuộc như thức ăn nhanh Burger King, tương cà Heinz, bia Budweiser có mặt khắp các con phố ở Mỹ và châu Âu lại thuộc quyền sở hữu của tỷ phú người Brazil, Jorge Paulo Lemann.

Tỷ phú Jorge Paulo Lemann vẫn thường xuyên xuất hiện tại các diễn đàn kinh tế, dù đã bước qua tuổi 79. Ảnh: Forbes.

Ông là người sáng lập quỹ đầu tư 3G Capital, đứng sau những thương vụ mua bán và sáp nhập đình đám trong ngành công nghiệp thực phẩm của các thương hiệu nổi tiếng như: Kraft, Heinz, Burger King, Tim Hortons, Anheuser Busch và SAB Miller. Lemann được Forbes xếp hạng là người giàu thứ 29 thế giới và tổng giá trị tài sản ước tính khoảng 26,5 tỷ USD tính đến tháng 7/2018.

Tuổi trẻ nổi loạn

Jorge Paulo Lemann sinh năm 1939 tại thành phố Rio de Janeiro, Brazil. Bố ông là doanh nhân người Thụy Sĩ sinh trưởng trong gia đình có truyền thống kinh doanh hơn 300 năm và chuyển đến Brazil năm 1920.

Thời thơ ấu của Lemann là những chuỗi ngày rong chơi thú vị bắt đầu trước khi bình minh lên với nhiều hoạt động thể thao. Cậu thiếu niên Lemann thường chạy bộ vài cây số dọc theo bờ biển ở Leblon rồi đến câu lạc bộ thể thao ngoài trời để chơi quần vợt hoặc lướt sóng. Lemann thích thả hồn mình theo những con sóng biển hơn là tập trung vào việc học.

Đam mê quần vợt và tập luyện như vận động viên chuyên nghiệp giúp ông 5 lần giành chức vô địch quần vợt Brazil. Ông cũng có mặt trong đội tuyển quốc gia Thụy Sĩ và Brazil tham dự giải đấu quốc tế Davis Cup và Wimbledon.

Nhờ thành tích thể thao ấn tượng, năm 17 tuổi, Lemann được nhận vào Đại học Harvard, chuyên ngành Kinh tế. Ông nhớ lại: "Những ngày đầu tiên tại Harvard thật khủng khiếp. Boston quá lạnh đối với tôi, không có bãi biển và ánh mặt trời ấm áp. Tôi không quen với việc học và thực hành quá nhiều ở Harvard. Điểm số của tôi rất tệ”.

Ở tuổi ngoài 70, tỷ phú Lemann vẫn thường xuyên tập luyện bộ môn quần vợt yêu thích. Ảnh: Money.

Trước kỳ nghỉ hè năm thứ nhất, Lemann đã đốt pháo hoa để ăn mừng ngay giữa sân trường Harvard và bị cấm học một năm. Chán nản, ông định bỏ học nhưng bị mẹ ngăn cản. Để thoát cảnh buồn chán, ông đặt mục tiêu hoàn thành việc học chỉ trong vòng ba năm. Ông dành toàn bộ thời gian đến thư viện đọc sách, nghiên cứu các đề thi của năm cũ. Nhờ đó, điểm số của ông dần được cải thiện trong một thời gian ngắn.

Hoàn thành mục tiêu, Lemann tốt nghiệp Harvard khi mới 20 tuổi và trở về Brazil làm việc cho công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia Credit Suisse, đồng thời viết bài cho trong mảng kinh doanh của tờ báo lâu đời nhất Brazil, Jornal do Brasil.

Bắt đầu sự nghiệp kinh doanh khi đã ngoài 30

Năm 1971, Lemann, khi đó 32 tuổi, quyết định mua lại công ty đầu tư Banco Garantia với giá 800.000 USD. Lấy cảm hứng từ tập đoàn tài chính Goldman Sachs (Mỹ), ông xây dựng lại hệ thống vận hành Banco Garantia theo mô hình của công ty này.

Bộ ba nhà đầu tư huyền thoại Brazil (từ trái sang): Marcel Telles, Jorge Paulo Lemann và Carlos Sicupira

Những năm 1980, công ty ông trở thành nơi người trẻ khao khát được làm việc bởi mô hình quản lý tập trung 100% vào nhân tài. Lemann tuyển dụng nhân viên dựa trên ba tiêu chí: hoàn cảnh khó khăn, thông minh và khát khao làm giàu. Lemann thu hút nhân tài bằng cách tài trợ học bổng cho họ đi học ở các đại học danh tiếng như Harvard, Stanford. Carlos Brito (CEO của AB InBev) và Bernardo Hees (CEO của Kraft Heinz) đều được ông tài trợ tiền học phí. Gia đình Lemann còn thành lập quỹ Fundação Lemann nhằm cải tiến hệ thống giáo dục Brazil.

Tại Banco Garantia ông gặp được hai cộng sự là Marcel Telles và Carlos Sicupira (hiện đều là tỷ phú) cùng xây dựng và phát triển công ty. Bộ ba Jorge Paulo Lemann, Marcel Telles và Carlos Sicupira được mệnh danh là "Ba chàng lính ngự lâm" khi chinh phục thương trường Brazil bằng việc mua lại chuỗi cửa hàng bán lẻ Lojas Americanas SA năm 1982 với giá 24 triệu USD.

Năm 1989, Lemann mua lại công ty bia Cia Cervejaria Brahma với giá 50 triệu USD. Brahma là bước đi đầu tiên để Lemann thâu tóm các hãng bia khác và nhân rộng mô hình kinh doanh.

Huyền thoại ngành bia thế giới

Cuộc khủng hoảng kinh tế tại châu Á năm 1997 khiến công ty Banco Garantia rơi vào khủng hoảng và phải bán lại cho tập đoàn Credit Suisse với mức giá 675 triệu USD một năm sau đó.

Lemann nhớ lại: "Đó là cú sốc tinh thần rất lớn khi phải bán đi đứa con mà mình dành tâm huyết tạo dựng nên. Thất bại cho tôi bài học về cách quản trị tài chính và kinh doanh, không nên quá tham vọng dẫn đến kiêu căng".

Năm 1999 mở ra bước ngoặt mới trong sự nghiệp của Lemann khi ông thành lập tập đoàn bia AmBev. Năm 2004, AmBev sáp nhập cùng công ty bia Bỉ Inter Brew với giá 11 tỷ USD để trở thành AmBev IB.

Trụ sở của Anheuser-Busch InBev tại thành phố St. Louis, bang Missouri, Mỹ. Ảnh: Business.

Chỉ sau một năm sáp nhập, cổ phiếu công ty tăng hơn 40%, bia AmBev IB chiếm 15% thị trường Trung Quốc và 70% thị trường Argentina. Năm 2008, công ty AmBev IB tiếp tục hợp nhất với thương hiệu Anheuser-Busch để trở thành Anheuser-Busch InBev và chính thức là công ty bia lớn nhất thế giới. Anheuser-Busch InBev chiếm tới ¼ thị trường bia toàn cầu và sở hữu những thương hiệu bia nổi tiếng như: Budweier, Corona, Beck’s….

Bộ ba doanh nhân Jorge Paulo Lemann, Marcel-Telles và Beto Sicupira trở thành những cổ đông chính của Anheuser-Busch InBev với doanh thu hàng năm đạt 37 tỷ USD. Công ty bia lớn nhất thế giới này sở hữu danh mục hơn 200 thương hiệu bia có mặt trên khắp thế giới.

Ông trùm của đầu tư mạo hiểm

Năm 1999 còn đánh dấu cột mốc quan trọng khác trong sự nghiệp kinh doanh của Lemann khi ông thành lập quỹ đầu tư mạo hiểm 3G Capital. Lemann kêu gọi vốn đầu tư từ những gia tộc giàu có ở Mỹ và châu Âu như gia đình tài phiệt Santo Domingo (Colombia), Reimann (Đức), tỷ phú Warren Buffett…

Hai nhà đầu tư huyền thoại Jorge Paulo Lemann và Warren Buffett tại sự kiện Laedership, New York 2017. Ảnh: The Lead.

Năm 2010, Lemann mua lại chuỗi thức ăn nhanh Buger King đang đứng trước nguy cơ phá sản với mức giá 3,3 tỷ USD. Sau đó 3 năm, 3G Capital tiếp tục mua lại nhà sản xuất thực phẩm Heinz (Mỹ) với giá 28 tỷ USD.

Năm 2017, 3G Capital dưới sự dẫn dắt của Lamann hợp tác cùng tỷ phú Warren Buffet đưa ra lời đề nghị mua Unilever với số tiền 143 tỷ USD. Dù rút lại lời đề nghị mua lại chỉ 48 giờ sau đó, hành động này chứng tỏ sức mạnh tài chính và tham vọng của 3G Capital có thể "nuốt chửng" bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào.

Vị tỷ phú Brazil này chưa có ý định dừng lại khi tiếp tục đa dạng hóa lĩnh vực đầu tư vào nhiều startup công nghệ khác.

Là tỷ phú nhưng Jorge Paulo Lemann giữ lối sống giản dị, hàng ngày vẫn dậy sớm chơi quần vợt, tập thể dục và đi chiếc xe cũ trên 10 năm đến văn phòng làm việc trước 9h.

Thảo Nguyên (Ngôi sao)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.