CafeLand - Bắt đầu từ tuần tới, các nhân viên của Unilever ở New Zealand sẽ chỉ làm việc bốn ngày một tuần nhưng vẫn được trả lương cho cả năm ngày. Chương trình thử nghiệm về giờ làm việc này sẽ kéo dài trong một năm.

Động thái này nhằm đánh giá liệu việc rút ngắn tuần làm việc xuống một ngày có thể "mang lại sự thay đổi quan trọng trong cách nhân viên làm việc hay không", Giám đốc điều hành Unilever New Zealand Nick Bangs cho biết trong một tuyên bố.

Bangs nói: “Chúng tôi tin rằng cách làm việc cũ đã lỗi thời và không còn phù hợp nữa”.

Unilever có 81 nhân viên tại New Zealand. Tháng 12 của năm tới, khi quá trình thử nghiệm kết thúc, công ty sẽ đánh giá liệu có nên mở rộng tuần làm việc bốn ngày cho 155.000 nhân viên trên toàn cầu hay không.

Vào tháng 5, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết các công ty tại đây nên xem xét thực hiện tuần làm việc bốn ngày để tăng năng suất của nhân viên, cung cấp cho người lao động sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn, đồng thời khuyến khích du lịch trong nước để bù đắp sự thiếu hụt do đại dịch gây ra khiến lượng khách nước ngoài tới New Zealand sụt giảm.

“Tôi thực sự khuyến khích mọi người nghĩ về tuần làm việc bốn ngày nếu bạn là một nhà tuyển dụng và phù hợp để đưa ra quyết định như vậy”, Ardern nói vào tháng Năm.

Bangs cho biết đại dịch đã thay đổi các phương thức làm việc truyền thống và khiến Unilever quyết định thử tuần bốn ngày tại New Zealand.

Một công ty quy hoạch bất động sản ở New Zealand là Perpetual Guardian cũng đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày vào năm 2018, và báo cáo về năng suất làm việc tăng 20%, mức độ căng thẳng thấp hơn, và sự hài lòng trong công việc của nhân viên. Cuộc thử nghiệm đã thu hút sự chú ý của toàn cầu, và người sáng lập công ty cho biết "không có nhược điểm nào" đối với việc rút ngắn tuần làm viêc. Cuối năm đó, Perpetual Guardian đã thực hiện chính sách tuần làm việc bốn ngày vĩnh viễn.

Bangs của Unilever cho biết công ty đã "lấy cảm hứng" từ Perpetual Guardian cho chương trình tuần làm việc bốn ngày.

Tuần làm việc ngắn hơn không phải là một ý tưởng mới. Nhà kinh tế học người Anh John Maynard Keynes, viết năm 1930, dự đoán rằng vào năm 2030, công nghệ sẽ phát triển đến mức hầu hết mọi người sẽ làm việc 15 giờ mỗi tuần trong khi năng suất tăng lên.

Năm 1956, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon cho biết tuần làm việc bốn ngày sẽ diễn ra ở quốc gia này trong "tương lai không xa".

Các nhà hoạt động vì quyền của người lao động và bảo vệ môi trường đã ủng hộ chương trình làm việc bốn ngày trong tuần với lý do chúng có lợi cho người lao động và giảm lượng khí thải. Một bài báo trên Tạp chí Sức khỏe Môi trường năm 1997 đã tuyên bố "Tuần làm việc bốn ngày cải thiện môi trường".

Các nhà tuyển dụng phản đối tuần bốn ngày thì lập luận rằng nhân viên sẽ làm việc ít hơn và một tuần ngắn hơn có thể khiến các công ty thiếu sức cạnh tranh hơn vì họ sẽ không sẵn sàng khi khách hàng đưa ra yêu cầu.

Năm ngoái, Microsoft Nhật Bản đã thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày và cho biết năng suất đã tăng 40% và hiệu quả được cải thiện trong các lĩnh vực khác, bao gồm giảm 23% chi phí điện năng.

Microsoft Nhật Bản cho nhân viên nghỉ vào các ngày thứ Sáu trong thời gian thử nghiệm, trong khi Perpetual Guardian cho phép nhân viên chọn bất kỳ một ngày trong mỗi tuần để nghỉ.

Bangs cho biết công ty muốn thay đổi cách thực hiện công việc và tránh tình trạng nhân viên làm việc nhiều giờ hơn để bù đắp cho một tuần ngắn hơn, điều mà theo ông sẽ bỏ sót mục đích chính của thử nghiệm. Unilever đang hợp tác với Trường Kinh doanh Đại học Công nghệ ở Sydney, Australia để đo lường kết quả của cuộc thử nghiệm.

Cuộc thử nghiệm của Unilever khiến họ trở thành công ty đa quốc gia đầu tiên ở New Zealand thử nghiệm với tuần làm việc bốn ngày. Gã khổng lồ hàng tiêu dùng này sở hữu một số thương hiệu nổi tiếng nhất thế giới, bao gồm trà Lipton, kem Ben & Jerry, sốt cà chua Heinz và các sản phẩm làm đẹp như Dove.

Lam Vy (Fortune)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.