Trong mấy ngày gần đây, sự việc ông Nguyễn Đức Kiên (bầu Kiên) bị bắt tạm giam đã gây rúng động trên nhiều phương diện, lĩnh vực khác nhau...

Nhưng sự thật về sự rúng động ấy ra sao? Ông bầu tóc bạc, “tuổi 49” này có khả năng gây “khủng hoảng” như lời đồn đại hay chỉ là sự “thổi lửa” quá cao của giới truyền thông?

Bất ngờ?
Có lẽ, cả một chặng đường dài 49 năm qua của “bầu” Kiên là một chuỗi những bất ngờ. Bất ngờ bởi đại gia tóc bạc này đã từng là một người lính được cử đi học Trường kỹ thuật quân sự Zalkamatê, Hunggary (1981 - 1985). Tức là, ông có ít nhất 5 năm được cử đi học ngành kỹ thuật quân sự ở nước ngoài nhưng khi về nước, theo tiểu sử ngắn ngủi đăng trên báo chí thì ông lại làm cán bộ của ngành dệt may?
Bất ngờ tiếp theo là từ ngành vải vóc đùng một cái nhiều người biết đến ông Kiên khi là Phó Chủ tịch HĐQT của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB). Rồi cả cái ghế “rất lạ” mà theo như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết là thành lập sai quy định của pháp luật: “Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng TMCP Á Châu”. Và từ đó ông như một cầu thủ chơi đa năng trên tất cả phần sân đặc biệt là nắm cổ phần trong lĩnh vực ngân hàng.
“Bầu” Kiên luôn có những phát ngôn gây sốc trước giới truyền thông
Thế nhưng, phải chờ đến khi “cướp diễn đàn” rồi “chém” một tràng dài về những yếu kém của Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) khiến những quan chức của tổ chức này “tắc họng” thì bầu Kiên mới thực sự được biết đến khi leo được vào ghế Phó Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) và Chủ tịch CLB Bóng đá Hà Nội. Tên ông được xướng nổi như cồn trên lĩnh vực sân cỏ. Đây cũng là sự kiện vô cùng bất ngờ với không ít người quan tâm đến bóng đá nước nhà. Nhất là khi ông đã lật ngược tỷ số trong cái “hợp đồng quái quỷ” về bản quyền truyền hình giữa Liên đoàn Bóng đá Việt Nam với AVG gây xôn xao dư luận.
“Đá” trên nhiều vị trí, nhiều lĩnh vực nhưng lĩnh vực nào bầu Kiên cũng thành công rực rỡ. Thế nhưng, có ai ngờ “cầu thủ” đa tài Kiên tóc bạc lại bị “treo giò” trên trận chiến thương trường mà chưa ai rõ nguyên nhân.
“Xung” của truyền thông?
Tối 20-8, ông chủ đầy quyền uy, nói ra lửa đã vã mồ hôi trên chiếc xe Bentley Continental flying Super chứa đầy những dấu chấm hỏi kiêu căng chạy vào sân Hàng Đẫy hôm nào. Tất cả vẫn im lặng chờ kết luận điều tra chính thức, chỉ có giới truyền thông là nháo nhác.
Ngay khi bầu Kiên “ngã ngựa” truyền thông đã đặt ra quá nhiều câu hỏi và nghi ngại sự “khủng hoảng” của nhiều lĩnh vực trong đó có chứng khoán, tiền tệ, thể thao… Vậy, sự thực có đến nỗi u ám và trầm trọng đến thế không?.
Sau khi được tin bất ngờ, nhiều ngân hàng, tổ chức đồng loạt phủ nhận vai trò của ông Nguyễn Đức Kiên với đơn vị mình. Điều này thường thấy ở ta bởi chẳng ai muốn có quan hệ gì với người bị tra tay vào còng cả. Dư luận nghi ngờ về những thông tin phủ nhận đó nhưng sự thực là thế thật. Bởi tại ngân hàng ACB, theo như lãnh đạo ngân hàng này cho biết thì bầu Kiên là cổ đông chỉ nắm giữ dưới 5% cổ phần và không giữ bất kỳ vai trò gì trong lãnh đạo, điều hành hoạt động của ngân hàng này. Tại Eximbank, nơi ông Kiên từng tuyên bố là “cổ đông chính” thì cũng chỉ nắm giữ 0,21%. Và, họ khẳng định là có hàng ngàn cổ đông như “bầu” Kiên và việc ông này bị bắt không ảnh hưởng gì cả.

Xe sang của “bầu” Kiên
Phía sau hệ thống ngân hàng TMCP thì còn có Ngân hàng Nhà nước và cả một hệ thống quản lý an ninh tài chính dày đặc. Một mình cá nhân ông Kiên với một số cổ phần không lớn có đủ sức tạo ra sự lung lay, đổ vỡ? Chắc chắn là không thể nào.
Trên thị trường chứng khoán ít nhiều có sự biến sắc. Nhiều nhóm cổ phiếu ngân hàng giảm kịch sàn, giao dịch bán ra ồ ạt khiến cổ phiếu rớt giá mạnh. Nhưng những tác động trên thị trường này có phải bắt nguồn từ “cú ngã” của ông Kiên hay không? Lại một câu trả lời là không. Bởi, hiện tượng này chỉ bắt đầu khi giới truyền thông đưa ra quá nhiều những nghi ngờ kích thích vào tâm lý đám đông khiến họ hoang mang, lo lắng. Các chuyên gia nhận định đó chỉ là biến động nhỏ và sẽ sớm trở lại bình thường. Bản thân đại gia đầu bạc với khối tài sản khổng lồ của mình nhưng còn quá nhỏ để bẻ gãy hay đánh gục cả một thị trường chứng khoán. Đó là điều không nằm ngay cả trong tưởng tượng.
Một câu hỏi lớn khác mà truyền thông đặt ra là tương lai của Bóng đá Việt Nam, của VPF và CLB BĐ Hà Nội sẽ về đâu khi không có bầu Kiên? Thế mới thấy rằng, chúng ta đang ỷ lại, nền bóng đá cũng đang ỷ lại và ăn bám vào một cá nhân mà “coi khinh” vai trò tập thể. Không có tiền, không có “bầu” Kiên thì bóng đá sẽ chết. Họ đang nghĩ một cách tiêu cực như thế!
Ấn tượng của bầu Kiên với người yêu trái bóng tròn trong nước đậm nét cũng bởi ông là nhà tài phiệt quá giàu. Tiếng nói của ông trong sự thay đổi của bóng đá là không thể phủ nhận. Nhưng thay đổi về lượng thì có còn về chất thì dường như vẫn giậm chân tại chỗ cho dù “bầu sữa” của các ngân hàng, các đại gia vẫn liên tục…vắt. Và, như gáo nước lạnh đổ lên đầu những người quá thần tượng “bầu” Kiên khi chính Chủ tịch HĐQT VPF nói rằng “sự việc của ông Kiên không ảnh hưởng gì cả đến VPF cũng như các giải bóng đá”.
Ngoài lề, có một đồng nghiệp nào đó lo lắng có vẻ rất thừa rằng, “bầu” Kiên bị bắt thì những “xế khủng” về đâu? Có người lại lần mò về những ký ức xa xưa thời tóc để chỏm của “bầu” Kiên mà than vãn. Ôi thôi, quá sức tưởng tượng.
Có lẽ đến giờ này, dư luận nên chờ xem kết luận điều tra và xử lý sai phạm trong hoạt động kinh doanh của ông Nguyễn Đức Kiên thì tốt hơn là hoảng hốt, lo lắng cho việc không thể xảy ra bởi sự quá “xung” của truyền thông. Nếu ông Kiên phạm pháp thì ắt bị xử lý đó là điều hiển nhiên còn trái bóng thì ngày mai vẫn cứ lăn thôi.
TS. Lê Đăng Doanh: Mọi người nên bình tĩnh
Việc công luận rất chú ý và trên các trang tin điện tử có rất nhiều bình luận, nhiều lời đồn đoán là một điều không bình thường. Bởi điều này chứng tỏ đang có rất nhiều hồ nghi.
Tôi nghĩ rằng, các cơ quan có trách nhiệm nên mau chóng tổ chức họp báo và đưa ra nhiều thông tin đầy đủ hơn nữa để trấn an dư luận. Đồng thời sớm cho công luận, cho mọi người an tâm về sự thật của vụ việc. Nếu không, chừng nào còn thiếu thông tin chính thức thì những thông tin đồn đoán còn có chỗ sống.
Trong lịch sử kinh tế học đã có một trường hợp mà hiện nay các giáo sư giảng dạy về ngân hàng thường giảng dạy về chuyện: Có một con chó bị kẹt xe chết trước một ngân hàng, mọi người xúm đông quanh đó xem. Khi có người hỏi về chuyện gì xảy ra, tức thì có người la to rằng ngân hàng này đang phá sản. Vì thế, mọi người kéo nhau đi rút tiền khỏi ngân hàng khiến sự việc trở nên rất phức tạp. Sau một thời gian nhất định, người dân mới biết sự thật đó chỉ là tin đồn đoán thiếu căn cứ.
Cho nên, hiệu ứng tâm lý đám đông là hiệu ứng có thực. Hiệu ứng này cần phải được xử lý bằng cách cung cấp thông tin công khai, minh bạch và kịp thời trước công luận.
Theo tôi, mọi người nên bình tĩnh, không nên nghe theo những lời đồn đoán, cần phải nghe theo những thông tin đáng tin cậy từ Ngân hàng Nhà nước và từ các cơ quan điều tra.
(Theo VOV)
Hòa Phát xem xét việc mua lại hai đội bóng của bầu Kiên
Theo một số nguồn tin từ Hòa Phát, dù các lãnh đạo tập đoàn này rất quan tâm đến số phận hai đội bóng CLB Hà Nội và trẻ Hà Nội, họ cũng chưa có ý muốn mua lại hai đội bóng. “Đây là vấn đề rất lớn, chúng tôi phải xem xét kỹ. Hơn nữa, tình hình chỗ anh Kiên vẫn chưa biết thế nào, biết đâu vài ngày tới, anh ấy được thả thì sao”, một thành viên của Ban điều hành Hòa Phát cho biết.
Rất nhiều cầu thủ Hòa Phát cũ đang đá cho hai CLB mà bầu Kiên sở hữu. Bầu Long và bầu Tuấn là những người yêu bóng đá chẳng kém gì bầu Kiên, nên nếu hai ông bầu này “tái xuất giang hồ”, mua lại hai đội bóng của bầu Kiên cũng không quá khó hiểu và bất ngờ.
(Theo VNEX)
Chủ tịch Ngân hàng Eximbank: Tranh luận không giải quyết được gì
Ông Lê Hùng Dũng - Chủ tịch Ngân hàng Eximbank nói: Ông Kiên chỉ “to mồm” chứ hoàn toàn không có ảnh hưởng gì tại Eximbank, chưa nói là ảnh hưởng lớn.
Theo ông Dũng, việc ông Kiên tuyên bố là “ông chủ” của Eximbank chỉ có ý nghĩa về mặt hình thức - “Không phải cứ anh Kiên mà ngay cả một anh đạp xích lô hay bác xe ôm, nếu có nắm giữ 5-10 cổ phiếu Eximbank cũng có quyền xưng là “ông chủ” của ngân hàng này, vì theo điều lệ thì cổ đông đều là ông chủ của Eximbank” .
Theo ông Dũng, bản thân ông Nguyễn Đức Kiên hiện chỉ nắm 0,21% vốn cổ phần của Eximbank. Liên quan đến tuyên bố của ông Kiên là cổ đông lớn của Eximbank, ông Dũng khẳng định đây là thông tin hoàn toàn sai sự thật nhưng bản thân ông không tiện tranh luận vì “anh Kiên cũng là cổ đông của Eximbank”, hơn nữa có tranh luận cũng chẳng giải quyết được điều gì.
(Theo TTO)
Imai Masayuki: Không nghiêm trọng đến mức phải gấp rút tháo chạy
Chuyên gia kinh tế - chứng khoán Việt Nam Imai Masayuki, trong buổi phỏng vấn của kênh truyền hình chứng khoán tại Tokyo, bình luận: Thông tin về vụ ông Nguyễn Đức Kiên bị bắt thu hút rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Nhật Bản nói riêng.
Sự cố của một doanh nhân mà làm lung lay cả một thị trường chứng khoán rộng lớn là điều hiếm thấy. Nếu có xảy ra thì cũng chỉ trong ngắn hạn, giúp thị trường điều chỉnh lại sau nhiều phiên tăng điểm liên tiếp… Tâm lý hoang mang vô tình làm lu mờ tất cả, khiến các nhà đầu tư trong nước chỉ biết nhắm mắt bán tháo…
Chuyên gia Imai kết luận rằng niềm tin của nhà đầu tư Nhật Bản đối với chứng khoán Việt Nam vẫn không thay đổi, và sự cố này không nghiêm trọng đến mức phải gấp rút tháo chạy. Không phải dễ gì tìm được thị trường chứng khoán với PER dự phóng chỉ có 10 lần, tỷ lệ cổ tức cao, giá cổ phiếu rẻ như Việt Nam.
(Theo FNN)
Theo Báo Công lý
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.