Nỗ lực thâu tóm công ty ngoại ở mức kỷ lục của doanh nghiệp Trung Quốc đang vấp phải nhiều “chướng ngại vật”. Giới chính trị gia phương Tây lo ngại về tác động tiềm năng từ cơn bão mua sắm của Đại lục.
Từ Mỹ, Anh đến Úc, Đức, nhiều chướng ngại vật đặt ra trước mắt các doanh nghiệp Trung Quốc (thường là được nhà nước hậu thuẫn) đang gia tăng nỗ lực thâu tóm hoặc đầu tư vào mạng lưới điện, nhà máy hạt nhân, công nghệ lưu trữ dữ liệu và robot.
Doanh nghiệp Đại lục đang chi tiêu nhiều hơn bao giờ hết vào các thương vụ thâu tóm ở nước ngoài, và giới chính trị gia phương Tây lo lắng về các tác động tiềm năng của nhiều thương vụ liên quan đến công nghệ và cơ sở hạ tầng quan trọng, theo CNN.
“Khi nói về người mua Trung Quốc, có nguy cơ an ninh quốc gia cao hơn được cảm nhận. Việc này cũng được kết nối với môi trường chính trị quốc tế”, Ke Geng, đối tác hãng luật O'Melveny & Myers, công ty tư vấn đầu tư nước ngoài cho doanh nghiệp Trung Quốc cho biết.
Chỉ mới tuần trước, chính phủ Úc chặn lời chào mua một nhà cung cấp điện lớn, được công ty điện quốc doanh Trung Quốc và doanh nghiệp tư nhân Hồng Kông đưa ra. Úc lấy an ninh quốc gia làm lý do cho động thái trên.
Sự việc này chỉ xảy ra vài tuần sau khi chính phủ Anh bất ngờ tuyên bố họ đang xem xét kế hoạch để một doanh nghiệp quốc doanh Đại lục giúp xây dựng nhà máy điện hạt nhân 24 tỉ USD mới. Cố vấn cấp cao của Thủ tướng Anh Theresa May trước đó từng cảnh báo việc “cho phép một nhà nước khác có quyền dễ dàng truy cập vào cơ sở hạ tầng quan trọng của đất nước”. Lý do thực sự đằng sau hành động của Anh cũng có thể là lo ngại an ninh.
Các quyết định trên không được Bắc Kinh chấp nhận dễ dàng. Trung Quốc cáo buộc Úc hành động theo chủ nghĩa bảo hộ, cảnh báo Anh rằng mối quan hệ hai bên treo trên sự cân bằng của dự án hạt nhân.
“Cho rằng Trung Quốc sẽ cố gắng “bắt cóc” mạng lưới điện của các nước cho động cơ kín đáo nào đó là vô lý và khá hài hước, vì thế giới đã công nhận rộng rãi rằng uy tín kinh doanh là quan trọng với bất kỳ hoạt động làm ăn nào”, Tân Hoa xã viết.
Tại Mỹ, các thương vụ lớn của Trung Quốc cũng đang nằm dưới sự giám sát. Hồi tháng 2, công ty lưu trữ dữ liệu Western Digital hủy kế hoạch nhận 3,8 tỉ USD đầu tư từ một hãng Đại lục vì Ủy ban Đầu tư nước ngoài tại Mỹ quyết định điều tra thỏa thuận trên. Các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Ủy ban xem xét việc mua lại Sàn Giao dịch chứng khoán Chicago và thương vụ thâu tóm nước ngoài lớn nhất của Trung Quốc: doanh nghiệp quốc doanh ChemChina mua công ty hạt giống và thuốc trừ sâu Syngenta với giá 43 tỉ USD.
Trở lại châu Âu, việc Đại lục tiếp quản công ty sản xuất robot Kuka của Đức góp phần vào lời kêu gọi dấy lên ở khu vực này, đòi các biện pháp gắt gao hơn đặt ra trước làn sóng đầu tư từ Trung Quốc. Căng thẳng xung quanh một số thương vụ đáng chú ý là một phần kết quả của việc Trung Quốc gia tăng nhanh chóng các thương vụ ở nước ngoài.
“Nếu có nhiều thương vụ hơn thì sẽ có nhiều động thái như việc xem xét an ninh quốc gia, và sẽ có nhiều thương vụ bị chặn bởi chính phủ các nước”, chuyên gia Geng nói. Dù vậy, ông Geng và nhiều chuyên gia khác không cho rằng doanh nghiệp Trung Quốc sẽ nản lòng trước tình hình hiện tại.
“Tôi không nghĩ rằng loại trải nghiệm này sẽ ngăn chặn các nỗ lực trong tương lai. Hoạt động mua bán, sáp nhập xuyên biên giới là xu hướng đang diễn ra, không chỉ đối với các doanh nghiệp nhà nước, mà bạn còn thực sự thấy nhiều công ty tư nhân Đại lục cố gắng thâu tóm các mục tiêu nước ngoài”, Giáo sư tài chính Chen Lin thuộc Đại học Hồng Kông cho hay.
Khách mua Trung Quốc thường ý thức được những thách thức mà họ phải đối mặt để hoàn thành thương vụ. Xem xét an ninh quốc gia là mối lo ngại hàng đầu của họ. Ông Geng cho hay doanh nghiệp Đại lục có thể giảm rủi ro bằng cách lên kế hoạch trước cho những đợt từ chối có khả năng xảy ra.
Thu Thảo (Thanh niên)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.