Hậu bản đồ “đường 10 đoạn” nuốt trọn toàn bộ biển Đông khiến hàng xóm tức giận, thế giới chỉ trích, Trung Quốc vẫn khẳng định không phải là mối đe dọa, luôn theo đuổi hòa bình.

Ông Tập Cận Bình hiện đang đón tiếp hàng xóm Ấn Độ và Myanmar trong lễ kỷ niệm 60 năm thiết lập Nguyên tắc 5 nguyên tắc về việc cùng tồn tại một cách hòa bình giữa các bên.

Ông Tập Cận Bình. Ảnh: Reuters

Trong năm 1954, Trung Quốc, Ấn Độ và Myanmar cùng ký bản thỏa thuận 5 nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình, hứa hẹn không xâm lược, không can thiệp nội bộ của nhau. Những ý tưởng này sau đó được đưa vào Phong trào không liên kết của các quốc gia chẳng muốn chọn lựa giữa Mỹ và Liên Xô. Tuy nhiên, sau đó mối quan hệ ba nước trở nên căng thẳng những năm 1960. Khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ chiến tranh biên giới còn lãnh đạo quân sự Myanmar ủng hộ các cuộc bạo loạn chống Trung Quốc.

Gần đây, Trung Quốc khiến tình hình khu vực trở nên căng thẳng khi liên tục gây hấn ở biển Đông bằng những hành động khiêu khích, tranh chấp chủ quyền với Nhật Bản, Philippines, Việt Nam. Hơn thế, bản đồ “đường 10 đoạn” ngông cuồng, tham vọng càng làm cho hình ảnh Trung Quốc xấu xí trong mắt bạn bè quốc tế.

Bản đồ tham vọng của Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Đứng trước 700 đại biểu tại Đại lễ đường nhân dân ở Bắc Kinh, trong đó có Tổng thống Myanmar Thein Sein, Phó Tổng thống Ấn Độ Hamid Ansari Mohammad, ông Tập Cận Bình khẳng định Trung Quốc không bao giờ là quốc gia cố tìm kiếm quyền bá chủ khi trở nên mạnh hơn.

“Trung Quốc không đồng ý quan điểm một nước sẽ cố gắng trở nên bá quyền khi mạnh lên. Chủ nghĩa bá quyền hay chủ nghĩa quân phiệt không có trong genes người Trung Quốc. Trung Quốc sẽ luôn theo đuổi con đường hòa bình vì nó tốt cho Trung Quốc, tốt cho châu Á và thế giới… Phô diễn sức mạnh quân sự chỉ cho thấy sự thiếu đạo đức, tầm nhìn chứ không phản ảnh sức mạnh. An ninh chỉ vững chắc và lâu dài khi nó được xây dựng dựa trên nền tảng tinh thần và tầm nhìn” – ông Tập Cận Bình tuyên bố.

Điều khôi hài là những phát ngôn cố thuyết phục châu Á rằng hành động của Trung Quốc đều hướng đến hòa bình này lại mâu thuẫn với những gì mà Tân Hoa Xã trích dẫn phát ngôn của ông Cận Bình thời gian gần đây. “Nói về quốc phòng, người ta không thể không nghĩ về lịch sử hiện đại của Trung Quốc khi nước chúng ta quá yếu, thiếu thốn bị nước khác bắt nạt. Kẻ xâm lược đã chia cắt đất đai và biển đảo chúng ta hàng trăm lần làm giảm sức mạnh dân tộc Trung Hoa” – Tân Hoa Xã dẫn lời ông Bình. Ông này còn kêu gọi người dân không quên “lịch sử ô nhục” đó và ra sức củng cố biên giới nhất là trên biển.

Rõ ràng, những phát biểu “nhân danh hòa bình” trên chẳng thể nào khiến tình hình giảm căng thẳng khi mới đây Trung Quốc tung bản đồ ngang ngược tuyên bố chủ quyền ở biển Đông, với việc tô đậm “đường 10 đoạn” lấn sát các bờ biển của Việt Nam, Malaysia, Philippines và Brunei, đồng thời nuốt gần trọn biển Đông - kể cả 2 quần đảo Hoàng Sa , Trường Sa của Việt Nam và bãi cạn Scarborough của Philippines. Nhờ " đường lưỡi bò " này mà chiều dài Trung Quốc giãn ra tới 5.500 km trong khi chiều rộng là 5.200 km.

Đăng tải tấm bản đồ bất hợp pháp này, hãng thông tấn Tân Hoa xã của Trung Quốc còn ngông cuồng tuyên bố rằng tấm bản đồ sẽ cung cấp cho độc giả một nhận thức toàn diện và trực quan về bản đồ tổng thể Trung Quốc... Từ đó, người đọc sẽ không bao giờ phải phân vân về việc lãnh thổ của Trung Quốc có tuyên bố chính và phụ".

Nhiều phản đối dữ dội những tuyên bố ngang ngược của Trung Quốc nổ ra. Mới đây, Bộ Ngoại giao Ấn Độ cũng kịch liệt phản đối “đường 10 đoạn”, không chấp thuận tấm bản đồ mới vì trong bản đồ này thể hiện Arunachal Pradesh, bang Đông Bắc Ấn Độ như một phần thuộc Tây Tạng. Bộ Ngoại giao Ấn Độ nói rõ Arunachal Pradesh là một phần nước này và vấn đề này cũng đã được Ấn Độ nhiều lần truyền tải rõ ràng với Trung Quốc.

M.Khuê (Người lao động)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.