Nền kinh tế đã làm được gì, và sẽ phải đối diện với những thách thức gì trong năm tới? Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online lược ghi lại ý kiến của một số chuyên gia kinh tế.

Nền kinh tế dù đã ổn định về vĩ mô, nhưng còn đối diện nhiều thách thức cơ cấu. Ảnh TL SGT.

Ông Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương: Hi vọng từ năm 2016

Trong năm 2014 đã có những cải cách. Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực sẽ tiếp tục giảm rào cản gia nhập của thị trường. Quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được đảm bảo chắc chắn. Họ được tự do kinh doanh những ngành nghề mà luật không cấm.

Việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ về nâng cao năng lực cạnh tranh cải thiện môi trường kinh doanh, cùng với các luật này đã gỡ bỏ rào cản, giảm chi phí tuân thủ và tăng mức độ thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất là thông quan lại chưa có cải thiện đáng kể theo Nghị quyết.

Chính phủ cũng đã khoan sức cho doanh nghiệp khi Luật thuế mới sửa 4 luật thuế được ban hành năm 2014 bằng cách bỏ quy định về mức trần chi phí quảng cáo, mở rộng thêm đối tượng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, đơn giản hoá việc nộp thuế doanh nghiệp, thu hẹp phạm vi, mức độ và quyền can thiệp của Nhà nước tới hoạt động của doanh nghiệp. 2015 là năm có nhiều hiệp định thương mại tự do mới có hiệu lực như là Cộng đồng ASEAN, rồi Việt Nam-Hàn Quốc, Liên minh thuế quan-Việt Nam, Việt Nam-EU, …

Như vậy, trong năm 2014 và năm 2015 đã và đang có nhiều yếu tố tích cực xảy ra cùng lúc. Cùng với việc kinh tế vĩ mô ổn định, tôi hi vọng những yếu tố này tạo được nguồn sinh khí mới, động lực mới cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, tôi cho rằng, chỉ có thể vọng một luồng khí thế kinh doanh mới từ 2016 trở đi.

Ông Trương Đình Tuyển – Nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại: Cải cách thể chế rất quan trọng.

Năm 2014 Chính phủ đã cải cách hành chính theo hướng thị trường; quyết tâm cải cách môi trường kinh doanh. Cụ thể, lấy tiêu chuẩn ASEAN 6 để buộc các bộ, ngành phải theo, không lý gì các nước làm được mà chúng ta lại không. Đây là cách tốn ít chi phí nhất. Các tồn tại yếu kém chắc chắn sẽ có cải thiện trong năm 2015.

Để nâng cao năng lực cạnh tranh không thể dùng công cụ tỷ giá, nhưng trong bối cảnh hiện nay đồng đô la Mỹ đang cao nên chính sách tỷ giá phải linh hoạt.

Tôi là người rất thận trọng với tỷ giá. Lâu nay nhiều chuyên gia yêu cầu hạ giá đồng Việt Nam để có lợi cho xuất khẩu, nhưng tôi cho rằng phải thận trọng. Tôi là người duy nhất phản đối phá giá đồng Việt Nam hơn 9% vào cuối 2011. Trước đây khi chúng ta phá giá tiền đồng thì khoảng cách giữa thị trường chợ đen và chính thức bị giãn trong thời gian ngắn, nhưng sau cú phá giá tới hơn 9% thì khoảng cách này ngày càng nới rộng.

Việc quy định doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước là một tiết lộ mới. Điều quan trọng ông nào quyết định hoạt động của doanh nghiệp? Đó chính là cổ đông. Ông Nhà nước vẫn nắm vốn, vẫn là những con người cũ thì vẫn phát triển theo phương thức cũ, không tạo ra điều kiện mới. Muốn cải thiện về chất thì phải tiếp tục cổ phần hóa DNNN có vốn Nhà nước lớn. Đây là con đường tạo ra nguồn cung mới.

Hiện tại, doanh nghiệp Việt Nam đang yếu đi ngay trên trên thị trường Việt Nam. Tôi rất lo lắng điều này bởi doanh nghiệp chúng ta không có máu kinh doanh cha truyền con nối, thấy có lời là bán luôn, không tạo được động lực, tinh thần khởi nghiệp.

Môi trường kinh doanh vẫn phải tiếp tục cải thiện, song vẫn phải cải cách mạnh thể chế. Môi trường kinh doanh luôn bị khống chế bởi thể chế, nên phải tập trung phân tích mối quan hệ giữa môi trường kinh doanh và thể chế. Nếu không tình thế có thể bị đảo ngược, môi trường kinh doanh bị hạn chế…

Điều quan trọng nhất là cải cách thể chế, tạo ra một thể chế thị trường cạnh tranh mới.

Ông Lê Đình Ân - Nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Kinh tế trong nước đang trì trệ.

Mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa có gì thay đổi. Thực tế cho thấy, lạm phát giảm sâu, tỷ giá ổn định, xuất khẩu tăng (vẫn do FDI là chính), sản xuất công nghiệp tăng, tăng trưởng GDP vẫn tăng trong 3 năm qua…hoàn toàn không phải là do kết quả thực hiện việc tái cấu trúc nền kinh tế đưa lại, mà chủ yếu là các giải pháp điều hành tình huống đưa lại là chính.

Câu hỏi đặt ra là, những tín hiệu ấm lên của nền kinh tế có phải là do thành tích, kết quả của việc tái cấu trúc kinh tế không?

Trả lời được câu hỏi đó, chính là để thống nhất và làm rõ thực tế kết quả của việc tái cấu trúc nền kinh tế, từ đó có giải pháp đúng đắn cho một sự nghiệp đổi mới của đất nước.

Nếu nhìn thẳng vào thực tế kinh tế hiện nay, phải nói rằng việc thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế gắn với mô hình phát triển mới chúng ta làm quá chậm. Chậm so với đòi hỏi của nền kinh tế, chậm so tiến độ đặt ra.

Chúng ta mới ban hành được quyết định tái cấu trúc hệ thống ngân hàng; quyết định phê duyệt đề án tổng thể tái cấu trúc DNNN; trong lúc chưa có đề án tổng thể đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế Việt Nam; chưa có đề án tổng thể tái cấu trúc đầu tư công; chưa có các đề án tổng thể tái cấu trúc các ngành kinh tế, vùng kinh tế…

Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang dừng lại ở việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém.

Tái cấu trúc DNNN đang tiến hành thủ tục cổ phần hóa, mà chủ yếu đã thoái vốn DNNN đầu tư ngoài ngành.

Tái cấu trúc đầu tư công, chưa có đề án tổng thể, mới thực hiện việc cắt, giảm công trình không hiệu quả, quản lý chặt việc khởi công công trình mới; xây dựng và thông qua luật đầu tư công…

Phải nhìn nhận khách quan, đúng hiện trạng thì mới có giải pháp đúng đắn, đẩy nhanh thực hiện các chủ trương quanh việc tái cấu trúc nền kinh tế.

Kinh tế trong nước đang trì trệ, không bền vững do tổng cầu quá yếu; chúng ta vẫn đi vào khai thác tài nguyên, gia công lắp ráp và sử dụng lao động thủ công rẻ để tăng trưởng. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam thấp nhất so các nước ASEAN.

Việc hội nhập cộng đồng ASEAN, các hiệp định thương mại mới tự do mới (FTA) sẽ đi vào vận hành càng đòi hỏi cấp thiết phải chuyển đổi nhanh mô hình tăng trưởng và tái cấu trúc lại các ngành kinh tế. Đây là yêu cầu thực tế, cấp bách. Muốn thực hiện nó phải coi đây là cuộc cách mạng, một cuộc đổi mới thứ 2 thì mới thực hiện có hiệu quả.

GS Nguyễn Quang Thái, chuyên gia kinh tế: Sức ì còn quá lớn.

Chúng ta cần tái cơ cấu nền kinh tế vì mô hình cũ không thích hợp, nhưng mô hình mới lại được hiểu một cách lờ mờ. Khi nói vừa thâm canh vừa quảng canh thì làm sao biết đầu đúng sai. Tái cơ cấu kinh tế phải là cuộc cách mạng liên tục, không ngừng để đưa đất nước thoát khỏi nghèo nàn, lạc hậu, … song có vẻ ý chí chiến thắng nghèo nàn, lạc hậu chưa thật mạnh mẽ.

Khi ban hành Nghị quyết về tái cơ cấu, những người đọc để quán triệt đã nhận thấy còn nhiều khó khăn, không phải chỉ vì câu chữ viết còn chung chung, quá khái quát, mà còn vì có cái gì đó vướng bên trong, chưa tháo cởi ra được.

Thậm chí, ba đột phá chiến lược quan trọng là vậy mà trong Nghị quyết XI cũng chỉ ghi trong ba dòng thì làm sao các cấp quán triệt được. Sự nghiệp tái cơ cấu kinh tế không chỉ là chuyện tăng hay giảm sản phẩm này khác, để hay bỏ dự án này khác; mà cần có cái nhìn hệ thống, tạo ra cách làm ăn mới, có năng suất, chất lượng, thích hợp với giai đoạn mới. Và như vậy, nó đụng đến thói quen, tư duy cũ và đụng cả đến cả lợi ích cục bộ, địa phương.

Chẳng hạn đầu tư công cần phải đình, hoãn, dãn thậm chí bãi bỏ theo Chỉ thị 1792. Vậy cắt ai, hoãn ai? Ai cũng muốn làm, nhưng đụng đến ngành và địa phương mình ít nhất. Đôi khi, có địa phương, bằng cách này hay cách khác “xin” được thêm kinh phí, mở thêm dự án nhờ các ngày nọ, lễ kia…Một số địa phương không thể cân đối vốn thì “liên kết” để làm thêm dự án quy mô lớn đi qua địa phương mình. Dù đã có đường cao tốc, nhưng lại muốn đầu tư tiếp nâng cấp đường bộ 1A đi song song, làm căng thẳng cân đối ngân sách. Đó cũng là tâm lý ham tăng trưởng bằng mọi giá, và thực chất là chưa muốn “tái” cơ cấu.

Đổi mới khu vực công và cải tổ DNNN còn bị nhận thức chậm. Bộ Văn hóa còn giữ lại nhà xuất bản mà số vốn chỉ độ 100 triệu đồng, bán đi cũng khó trả lương đủ. Các địa phương rất muốn giữ công ty xổ số riêng của từng tỉnh, còn Bộ Tài chính lại muốn có công ty xổ số điện toán của mình. Vì lợi ích cục bộ mà giữ lại quá nhiều cái không cần giữ. Cổ phần hóa DNNN nhưng tỷ lệ đa sở hữu rất thấp, Nhà nước vẫn nắm cổ phần chi phối. Cái đó không còn là tâm lý, mà là lợi ích. Có lẽ ai cũng thấy, nhưng ngại nói, sợ đụng chạm quan điểm.

Đối với hệ thống ngân hàng, cũng có hàng loạt chuyện làm được…Nhưng chỉ một lời tuyên bố không để ngân hàng nào chết cũng có thể đã là cái khiên vững cho sự làm ăn tùy tiện kéo dài. Đó cũng là tâm lý ngại phá bỏ cái cũ, sai trái nhưng cũng có phần bị lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm lợi dụng chăng ?

Chính phủ đã ban hành đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, nhưng thiếu cụ thể, chi tiết để thực thi. Vướng gì? Thể chế là một nguyên nhân sâu xa, lớn nhất bên cạnh nguyên nhân thiếu phương tiện vật chất, và cả chất lượng của bộ máy. Thành ra sức ỳ của hệ thống lại làm quá trình này quá chậm.

Tư Giang (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.