"Phần đông các Bộ trưởng của các Bộ theo tôi cả những bộ quan trọng không quan tâm cải cách thể chế, chất lượng quy luật pháp luật và họ dành phần lớn thời gian cho việc khác", ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

Tại Hội thảo khởi động Cuộc bình chọn các quy định pháp luật tốt nhất và tồi nhất diễn ra sáng 22/12 tại VCCI, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho biết, mặc dù từ năm 1997, các chuyên gia cũng như các nhà làm chính sách đã thảo luận có thể tiếp cận ngang hàng với OECD về mặt tư duy. Nhưng trên thực tế chất lượng văn bản pháp luật của Việt Nam cơ bản là tồi.

"Tìm kiếm 10 cái xấu thì quá nhiều trong khi tìm kiếm 10 cái tốt nhất hơi khó. Theo tôi cái tồi nhiều hơn", ông Cung nhấn mạnh.

Theo Viện trưởng CIEM, các quy định cần phải có mục tiêu, chính sách rõ ràng và có thể đạt được mục tiêu với chi phí ít nhất trong khi, văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam rất ít khi xác định mục tiêu, chỉ chung chung là "quản lý" nhưng quản lý không phải là mục tiêu, mục tiêu quan niệm dưới dạng của cơ quan nhà nước áp đạt xuống.

Thứ hai, văn bản pháp luật phải có cơ sở khoa học và pháp lý rõ ràng nhưng phần lớn thiếu cơ sở khoa học và thực tiễn, vẫn dựa trên mong muốn như bảo vệ lợi ích thẩm quyền và chức năng của ai đó, không dựa trên chứng cứ để chứng minh tại sao có văn bản này.

Thứ ba, lợi ích phải vượt chi phí.

Thứ tư, quy định đặt ra phải thúc đẩy cạnh tranh công bằng không được hoặc hạn chế, làm méo mó thị trường.

Dẫn chứng về điều này, ông Cung cho biết, khi đặt ra các điều kiện kinh doanh, xuất khẩu gạo phải có nhà máy xay, kho bãi 10.000 tấn là không có cơ sở khoa học thực tiễn và làm méo mó cạnh tranh, bảo vệ lợi ích của một nhóm người. Điều ưu tiên trong môi trường hiện nay là phải hạn chế kho tàng, bến bãi, hạn chế thấp nhất chi phí nhưng các điều kiện kể trên lại làm tăng chi phí hoạt động kinh doanh.

Toàn cảnh hội thảo sáng 22/12. Ảnh: N.Thảo

Nhấn mạnh thêm sự "tồi" của các văn bản pháp luật, ông Cung cho biết, cách thức tổ chức thực hiện đang theo hình phiễu từ Luật, Thông tư, văn bản điều hành.

"Cách như vậy là cách triển khai tồi tạo ra quyền lực cho một ai đó. Ví dụ Luật Vệ sinh an toàn thực phẩm quy định người sản xuất phải hiểu biết về Vệ sinh an toàn thực phẩm, cơ quan quản lý cần đưa ra những nội dung tối thiểu về quy định nhưng chúng ta tổ chức 3-4 ngày và sau đó cấp chứng chỉ. Như vậy là độc quyền. Tại sao Bộ lại làm việc này? Bộ làm như vậy trở nên tuân thủ một cách hình thức", ông Cung nói.

Nguyên nhân được ông Cung chỉ ra là do, trong việc xây dựng chính sách kinh tế hiện nay, tư duy kế hoạch hóa tập trung và hành chính vẫn ảnh hưởng lớn trong điều hành, hoạt động của cơ quan nhà nước.

"Các Bộ trưởng dường như không quan tâm đến cải cách thể chế, nâng cao chất lượng văn bản pháp luật, họ dành thời gian công sức cho việc khác. Trong khi theo tôi nhiệm vụ hàng đầu của Bộ trưởng là cải cách thể chế. Tư duy các Bộ trưởng chưa thay đổi, kể cả học ở Anh, Mỹ, Úc…khi về dường như họ quên hết những thứ đã học. Nếu họ quan tâm, hoàn toàn có cửa vận dụng", ông Cung nói.

Nêu quan điểm tại hội thảo, ông Lê Hồng Sơn, nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, với cương vị là chuyên gia Bộ Tư pháp, ông cho rằng cần "sục" vào các Bộ tìm hàng loạt các "bẫy" quy định, từ đây bật ra hàng loạt quy định, cơ chế trói buộc doanh nghiệp, tạo cơ chế độc quyền cho cơ quan Bộ.

Nguyễn Thảo (BizLive)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.