Bất chấp tuyên bố mạnh mẽ, bộ trưởng thương mại các nước trong cuộc họp tại Chile tuần trước vẫn phải chấp nhận thực tế là triển vọng Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang rất yếu...

Ngoại trưởng Chile Heraldo Munoz (trái) cùng Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Takao Ochi và Thứ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Toshinao Nakagawa tại cuộc họp ở Chile ngày 14/3/2017. Nguồn: Reuters

Các bộ trưởng và quan chức đại diện 12 nước thành viên TPP, cùng với Trung Quốc và Hàn Quốc, đã có cuộc họp tại Chile hôm 14/3. Đây là cuộc gặp gỡ nhằm mục tiêu cứu lấy TPP trong bối cảnh có biến động dẫn tới khả năng sụp đổ của hiệp định thương mại này, nhưng Reuters cho biết chưa hề có quyết định nào chắc chắn.

Nhật Bản hay Trung Quốc?

TPP ban đầu gồm 12 thành viên: Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam. Ngày 4/2/2016, đại diện 12 nước đã chính thức đặt bút ký thỏa thuận thương mại này và TPP dự kiến sẽ có hiệu lực vào 2 năm sau đó, sau khi được quốc hội các nước thành viên phê chuẩn.

TPP vốn là hiệp định thương mại tự do rất được chờ đợi, vì các thành viên này chiếm 40% tổng GDP toàn cầu. Tuy nhiên mọi thứ trở nên đặc biệt không chắc chắn sau khi Mỹ chính thức rút khỏi các cuộc đàm phán từ ngày 23/1, sau sắc lệnh của tân Tổng thống Donald Trump.

Việc vắng bóng một thành viên quan trọng như Mỹ khiến số phận TPP gặp nghi ngờ. Nhật Bản là nước được kỳ vọng sẽ thay Mỹ làm đầu tàu cho hiệp định này. Nhưng bất chấp một số biểu hiện cam kết vực dậy TPP, ít nhất một lần Thủ tướng Shinzo Abe thừa nhận "TPP sẽ vô nghĩa nếu không có Mỹ”.

Hoài nghi về TPP thể hiện rõ trong cuộc họp ở Chile. Bộ trưởng Thương mại New Zealand Todd McClay nói thẳng: "Chúng tôi xem đây là dịp để có một cuộc thảo luận thẳng thắn để đánh giá vị trí của mỗi nước chúng ta, và sau đó thử xem làm thế nào để cân nhắc bước đi tiếp theo, nếu có. Tôi không đến đây với kỳ vọng sẽ có được quyết định ngay trong tuần này".

Giới quan sát quốc tế nhìn nhận rằng Nhật Bản - trong lúc cũng cần TPP để tự định đoạt một tương lai không có Mỹ ở khía cạnh kinh tế này, có thể sẽ dẫn dắt TPP. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cũng nghiêng về Trung Quốc.

Phía Trung Quốc cũng cử đại diện đến Chile, nhưng khẳng định "không nói về TPP". Đó là động thái cho thấy Bắc Kinh cũng tìm kiếm vị trí để khai thác nhu cầu của những thành viên còn lại trong TPP, bằng việc giữ vai trò ở một cuộc chơi khác: Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại tự do gồm 10 nước thành viên ASEAN và 6 nước có hiệp định thương mại tự do (FTA) với ASEAN bao gồm Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Chọn giải pháp nào?

Trong khi về cơ bản, RCEP có thể là sự thay thế đủ tầm cho TPP, nhất là khi các nước gần hết lựa chọn. Nhưng cũng như dự án Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), sáng kiến của Trung Quốc tồn tại đôi chút lấn cấn về địa chính trị.

Thời báo tài chính Financial Times tuần trước khẳng định cuộc chơi đang là sự cạnh tranh của Nhật Bản và Trung Quốc. Và các quan chức Nhật cũng như ASEAN không muốn Trung Quốc là kẻ dẫn đầu, người bảo vệ cho thương mại tự do toàn cầu với mục đích chính trị. Trong khi đó, truyền thông Mỹ như đài CNN thẳng thừng nhận xét rằng ông Trump đang đẩy các thành viên khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương về phía Trung Quốc, với quyết định rút khỏi TPP.

Một lựa chọn hợp lý hơn cho tất cả vào lúc này là một dạng "TPP-1". Theo Bộ trưởng Thương mại Úc Steve Ciobo, một hiệp định thương mại mới có thể giúp Úc đẩy mạnh xuất khẩu cho các nước. Ông kỳ vọng rằng một cuộc họp mới sẽ được tổ chức trong "vài tuần nữa".

Ngoài ra, Úc cũng như New Zealand đều đang hướng tới hiệp định thương mại liên minh Thái Bình Dương (Pacific Alliance trade deal), hiệp định đang có khối 4 nước gồm Mexico, Colombia, Peru và Chile. Một sự "tan rã" xét trên khía cạnh nào đó đang hình thành, ít nhất là ở ý định. Trang australian.com.au cho rằng rất có thể cuộc họp các lãnh đạo thương mại ở sự kiện APEC tại Hà Nội ngày 20/3 sẽ đưa ra thêm các thảo luận, giải pháp dự kiến.

Thái độ từ chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump đã và đang tiếp tục ảnh hưởng sâu rộng tới các hiệp định đa phương. Vừa qua, đại diện của Mỹ vẫn có mặt, và khẳng định vẫn rất quan tâm tới thỏa thuận thương mại với các thành viên TPP còn lại. Nhưng cũng giống như tư tưởng chủ đạo của ông Trump, nhiều khả năng đó chỉ là những thỏa thuận song phương.

Thái Bảo (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.