Cách đây hơn 1 năm, vào khoảng nửa cuối tháng 3, lãnh đạo các nước phương Tây sôi sùng sục đòi đánh Libya với lý do không thể nhắm mắt làm ngơ trước tình trạng mà họ gọi là “chính phủ thảm sát dân thường” ở đất nước Bắc Phi. Một năm sau, tình hình ở Syria diễn ra không khác gì ở Libya nhưng phương Tây lại tìm cách né tránh khả năng can thiệp quân sự vào đây. Đâu là lý do khiến phương Tây có hai cách xử lý hoàn toàn khác nhau đối với một tình huống tương tự như vậy?

Tổng thống Syria


Tổng thống Assad


Vào ngày 19/3/2011, lãnh đạo các nước phương Tây với lý do quan ngại sâu sắc về cuộc khủng hoảng ở Libya đã bỏ phiếu thông qua một nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cho phép các nước “dùng mọi việc pháp cần thiết” để chấm dứt tình trạng đổ máu ở đất nước Bắc Phi. Ngay sau đó, NATO phát động một chiến dịch tấn công quân sự mạnh mẽ vào Libya. Với hơn 10.000 cuộc không kích, liên minh quân sự phương Tây đã góp phần quyết định trong việc lật đổ chính quyền 42 năm tuổi của Tổng thống Muammar Gaddafi trong vòng 7 tháng.

Sự sụp đổ của chính quyền Gaddafi dường như đã khích lệ cho cuộc nổi dậy ở đất nước Syria bùng phát dữ dội. Rất nhiều các cuộc biểu tình rầm rộ chống chính phủ đã diễn ra với hàng chục nghìn người tham gia. Các cuộc biểu tình này sau đó cũng leo thang thành những cuộc đụng độ đẫm máu giữa quân chính phủ và phe nổi dậy. Tình hình ở Syria diễn biến không khác là mấy so với những gì đã xảy ra ở đất nước Libya trước đây. Nhiều người cho rằng phương Tây sẽ thực hiện một chiến dịch can thiệp quân sự tương tự vào Syria giống như Libya. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

Mặc dù cũng lên án mạnh mẽ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad, đòi ông này từ chức đồng thời thể hiện sự ủng hộ đối với phe đối lập Syria nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây lại tránh nói đến kịch bản can thiệp quân sự vào đất nước Trung Đông nhằm lật đổ Tổng thống Assad như đã làm với ông Gaddafi. Đây là một động thái gây khó hiểu của phương Tây.

Có nhiều nguyên nhân lý giải cho việc phương Tây chưa “đánh” ông Assad như quân đội Syria mạnh, phe nổi dậy yếu, phương Tây đang gặp khó khăn về tài chính.... Những lý do này đã được người ta nhắc đến rất nhiều. Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng, có một nguyên nhân khá đặc biệt giúp ông Assad vẫn “né” được “hòn tên mũi đạn” của phương Tây. Đó chính là tính cách của ông này.

Đối với nhà lãnh đạo Gaddafi oai hùng một thời, người ta tin rằng ông ta phải chịu một kết cục bi thảm như vậy một phần là do tính cách có phần kỳ quái và ngạo mạn của mình.

Dư luận vẫn còn nhớ, trong những bài phát biểu gay gắt và cứng rắn ở thủ đô Tripoli hồi tháng 2 và tháng 3 năm ngoái, ông Gaddafi đã liên tục thách phương Tây tấn công Libya. Ông này cũng tỏ thái độ coi khinh, không thèm đếm xỉa gì đến rất nhiều đề xuất và thương lượng được các nhà lãnh đạo phương Tây đưa ra. Thậm chí, ông Gaddafi không ngần ngại tuyên bố công khai ý định sẽ “làm thịt toàn bộ một thành phố như lũ chuột”, cụm từ thường được ông này dùng để miêu tả phe nổi dậy. Thái độ này của ông Gaddafi rõ ràng là khiêu khích, thách thức và chọc tức phương Tây, khiến phương Tây có thêm lý do, động lực để quyết đánh đổ bằng được chính quyền ông này.

Ngoài thái độ thách thức và những phát biểu “lộng ngôn”, ông Gaddafi còn là một nhà lãnh đạo có lối sống, phong cách và cách ứng xử kỳ dị đôi lúc có phần quái đản. Những điều này đã được các phương tiện truyền thông phương Tây tận dụng, khai thác tối đa để “vẽ” lên hình ảnh một nhà lãnh đạo Libya không mấy tốt đẹp. Trong những tháng ngày ông Gaddafi phải vật lộn trong cuộc chiến với phe nổi dậy thì báo chí phương Tây cũng thường xuyên đăng tải những câu chuyện về cuộc sống xa hoa của gia đình ông, về việc ông có một đội vệ sĩ gái đồng trinh như người mẫu, về cách ăn mặc lòe loẹt với gu thời trang đồng bóng và rất nhiều những sở thích kỳ dị khác của ông này... Tất cả những bài báo như thế đã gây hậu quả rất lớn với ông Gaddafi. Nhiều người dân trên thế giới có cái nhìn thiếu thiện cảm về ông này. Đây rõ ràng là thất bại của ông Gaddafi trong cuộc chiến tuyên truyền với phương Tây.

Hình ảnh và tính cách trên của ông Gaddafi hoàn toàn đối ngược với Tổng thống Assad hiện giờ của Syria. Thay vì thái độ ngạo mạn, thách thức, ông Assad tỏ ra khéo léo hơn rất nhiều. Ông này luôn thể hiện sự điềm tĩnh, thận trọng, có tiến có lui đúng thời điểm. Một mặt, ông Assad chỉ trích phương Tây hậu thuẫn cho các băng nhóm vũ trang chống chính phủ nhưng mặt khác ông này luôn bày tỏ sự sẵn sàng đối thoại, sẵn sàng thực hiện những cải cách chính trị. Những phát biểu của Tổng thống Assad cũng tỏ ra chừng mực hơn, lịch sự hơn dù không kém phần quyết liệt. Thực sự, ông Assad cũng cứng rắn không kém ông Gaddafi nhưng cách thức ông này thể hiện sự cứng rắn lại khôn khéo hơn rất nhiều.

Trong khi ông Gaddafi không ngại ngần phô trương cuộc sống vương giả và có phần kỳ dị thì Tổng thống Assad lại giữ kín cuộc sống cá nhân, giữ một hình ảnh khá bình dị và gần như không có tì vết. Vì thế, báo chí phương Tây không khai thác được nhiều yếu điểm của ông Assad để khiến thế giới chống lại ông ta.

Cũng vì tính cách của mình, cựu Tổng thống Gaddafi hầu như không có bạn bè nên khi bị phe nổi dậy và phương Tây chống lại, Nhà lãnh đạo Libya gần như bị cô lập. Trong khi đó, Tổng thống Assad lại có những bạn bè quyền lực và những người bạn này cho đến nay vẫn đứng bên cạnh ủng hộ cho ông.

Với sự khéo léo và linh hoạt cùng rất nhiều “vũ khí” khác đang có trong tay như quân đội hùng mạnh, lòng trung thành của các quan chức Syria, sức mạnh của các đồng minh, chính quyền của Tổng thống Assad được cho là sẽ tiếp tục duy trì vững chắc quyền lực, ít nhất là trong thời gian trước mắt. Trong tương lai xa hơn, không ai có thể nói trước được điều gì.

Theo Vnmedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.