Ông Tareq Muhmood đã tiếp nhận vị trí Tổng giám đốc (CEO) ngân hàng ANZ Việt Nam cách đây hơn 1 năm với nhiều thách thức: phải đảm bảo mức tăng trưởng mạnh của ANZ tại thị trường Việt Nam trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều bất ổn với chính sách tiền tệ hay thay đổi và cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các ngân hàng.

Trong vòng hơn 6 tháng sau khi trở thành CEO ANZ Việt Nam, ông Tareq đã thay đổi khá nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt để phù hợp với chiến lược mới.

Thừa kế

Người tiền nhiệm của ông Tareq ở Việt Nam là một phụ nữ đáng nể theo đánh giá của giới tài chính - bà Đàm Bích Thủy. Bà Thủy là nữ Tổng Giám đốc duy nhất trong số các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam, đã nắm vai trò đứng đầu Ngân hàng ANZ Việt Nam từ năm 2005. Trong thời gian này, ANZ trở thành một trong những ngân hàng 100% vốn nước ngoài đầu tiên được phép kinh doanh toàn diện tại Việt Nam và đạt mức tăng trưởng doanh số lên tới 70% ngay trong năm đầu tiên có được giấy phép.

Khi ông Tareq tiếp nhận vị trí Tổng Giám đốc, bà Thủy đã chuyển sang nắm giữ vai trò Phó Chủ tịch của ANZ tại khu vực Đông Dương và hỗ trợ chặt chẽ cho ông Tareq trong việc xây dựng chiến lược mới cho ANZ Việt Nam. Đây là một lợi thế lớn cho ANZ tại thị trường Việt Nam khi có được sự kết hợp về cả sự thấu hiểu và kinh nghiệm tại thị trường nội địa của bà Thủy lẫn kiến thức và kinh nghiệm tài chính quốc tế và năng lượng của ông Tareq.

Thành tích và kinh nghiệm của người tiền nhiệm là tài sản vô giá đối với ANZ, nhưng đồng thời cũng là thách thức lớn đối với người kế nhiệm. Những gì bà Thủy đã gây dựng ở ANZ là rất đáng nể và không dễ vượt qua. Tuy nhiên, đối với ông Tareq, đây chính là động lực lớn nhất vì ông là người đam mê chinh phục những thử thách mới.

Và thay đổi

Ngay khi đặt chân đến ANZ, cùng với các cộng sự, ông Tareq đã đưa ra những thay đổi lớn mà theo ông sẽ giúp Ngân hàng đạt được mục tiêu chiến lược mới tại thị trường này.

Chỉ trong vòng hơn 6 tháng sau khi ông Tareq trở thành CEO ANZ Việt Nam, khá nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt đã được thay đổi. “Điều đó không có nghĩa là tôi không đánh giá cao về tính hiệu quả của đội ngũ trước, mà là sự thay đổi trong đội ngũ lãnh đạo vào lúc này sẽ giúp chúng tôi thích hợp với chiến lược mới hơn”, ông nói.

Không chỉ thay đổi về nhân sự, ông Tareq cũng xem xét đến từng sản phẩm cụ thể. “Khi tiếp nhận vị trí này, tôi phải nói chuyện với đồng nghiệp của mình, tìm hiểu xem những mảng nào chúng tôi có thể cải thiện. Và hầu hết các thay đổi đều xuất phát từ những cuộc trao đổi cởi mở giữa ban lãnh đạo và giữa lãnh đạo với nhân viên. Trong đó, có nhiều ý tưởng đến từ nhân viên vì họ có kinh nghiệm và sự thấu hiểu ngân hàng. Tôi luôn trân trọng những kinh nghiệm quý báu đó”, ông cho biết.

Trong 1 năm qua, ANZ Việt Nam đã liên tục đưa ra các sản phẩm mới phù hợp với điều kiện thay đổi của thị trường như giới thiệu thẻ tín dụng ANZ Visa Platinum hay các sản phẩm đầu tư mới.

Với ưu thế là một trong những ngân hàng nước ngoài đầu tiên có mặt tại Việt Nam sau năm 1975, ANZ đã tạo được một vị thế khá vững chắc trên thị trường, đặc biệt với các hoạt động thanh toán thương mại của doanh nghiệp. Hoạt động ngân hàng bán lẻ cũng được chú trọng từ sớm và nay được ông Tareq đẩy mạnh hơn nữa. “Đối với chúng tôi, dịch vụ ngân hàng bán lẻ dành cho khách hàng cá nhân cũng quan trọng như dịch vụ dành cho khách hàng doanh nghiệp”, ông nói.

Trong lĩnh vực bán lẻ, ông Tareq sớm nhận ra rằng ANZ sẽ không cạnh tranh được với các ngân hàng nội địa về số lượng chi nhánh trên cả nước. Vì thế, ông đã vạch ra một cách tiếp cận khác. “Các giám đốc ngân hàng trong nước thường rất tự hào về mạng lưới chi nhánh của họ. Chúng tôi không đi theo hướng mở 200-300 chi nhánh trên cả nước mà tập trung vào các kênh dịch vụ khác như bán hàng trực tiếp”, ông cho biết.

ANZ hiện có 8 chi nhánh tại Hà Nội và TP.HCM. Các chi nhánh này đều được đặt ở vị trí trung tâm, thuận lợi và dễ tiếp cận. Các nhân viên ngân hàng sẽ trực tiếp đi gặp khách hàng tại bất kỳ nơi nào được yêu cầu. Ngân hàng còn có quầy thẻ tín dụng tại sân bay Tân Sơn Nhất để khách hàng có thể trực tiếp mở thẻ tín dụng ở đây. Với kinh nghiệm có sẵn trên thị trường quốc tế, ANZ cũng đang nhắm tới đối tượng khách hàng thu nhập cao với dịch vụ ngân hàng cao cấp Signature Banking.

Trong cạnh tranh bán lẻ, ANZ đôi khi đi trước cả thị trường, chẳng hạn như việc đưa ra lãi suất vay mua nhà mang tính cạnh tranh hơn hồi tháng 3 năm nay, khi lãi suất chung trên thị trường chưa đi xuống và Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa đưa ra các biện pháp hành chính để hạ nhiệt lãi suất. Vào thời điểm cuộc phỏng vấn được diễn ra, khách hàng đã được hưởng mức lãi suất cạnh tranh, điều mà họ đã được nhận từ ANZ vài tháng trước đó.

Một trong những thay đổi lớn khác tại ANZ Việt Nam là hoạt động tiếp thị, truyền thông và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Hoạt động này được ông Tareq cho là hết sức quan trọng và bộ phận này hiện nay báo cáo trực tiếp lên CEO.

Đội ngũ quản lý và nhân viên Việt Nam, đa số trẻ tuổi, được ông Tareq coi như một đội bóng. “Tôi vẫn thường nói với họ, không có một vị trí nào là an toàn cả, kể cả chiếc ghế của tôi. Ai làm việc không tốt thì đều có thể bị thay đổi. Và đương nhiên, những nhân viên làm tốt sẽ luôn nhận được phần thưởng xứng đáng”. Mọi nhân viên của ANZ Việt Nam đều biết đến giải thưởng T’s Award, một trong những sáng kiến của ông Tareq nhằm vinh danh các nhân viên xuất sắc.

Ông Tareq cho biết ông rất tự hào vì đang sở hữu một đội hình tốt nhất và tin tưởng đội bóng gần 800 cầu thủ này sẽ cùng ông chinh phục được những thử thách mới.

Theo Nhịp cầu Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.