Tổng giám đốc CSG, ông Phạm Ngọc Cầu đã công khai quan điểm cá nhân rằng, việc giải thể Công ty chủ yếu là quyết định từ phía cổ đông lớn SAM.

Sau khi HĐQT của CTCP Cáp Sài Gòn (CSG) công bố nghị quyết giải thể Công ty vào ngày 1/8, nhiều ý kiến cho rằng, đây là sự tiền hậu bất nhất của HĐQT khi nhanh chóng thay đổi phương án giảm vốn điều lệ trước đó.

CSG: rắc rối nội bộ và sự chờ đợi cơ quan chức năng

Ông Phạm Ngọc Cầu -Tổng giám đốc CSG

Trả lời báo giới sau khi HĐQT CSG ban hành Nghị quyết về việc giải thể Công ty, ông Cầu cho biết: “Quyết định này chỉ liên quan đến cơ cấu tài chính của CTCP Đầu tư và Phát triển Sacom (SAM), tùy thuộc vào cổ đông lớn Sacom và một số đối tác là cổ đông lớn, chứ không phải bất đồng gì. Quan điểm của tôi là muốn xây dựng lại CSG. Thực ra, Công ty làm ăn vẫn có lời và có đóng góp cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, hiện các cổ đông lớn đã quyết định nên tôi phải theo”.

“Trong ĐHCĐ bất thường của CSG vừa qua có đề cập đến thời hạn chờ ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK), theo tôi thì nên chờ. Tuy nhiên, phía HĐQT quá sốt ruột, không muốn chờ đợi nữa nên họ ra quyết định lựa chọn phương án còn lại là giải thể”, ông Cầu nói.

Với phát biểu nêu trên, nhà đầu tư có cảm tưởng ông Cầu chỉ làm Tổng giám đốc CSG, nhưng thực tế, ông Cầu còn là một trong 5 thành viên HĐQT và cả 5 thành viên này đều đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết giải thể Công ty. Theo nguyên tắc hoạt động của HĐQT là “đối nhân”, tức dù không đại diện cho tỷ lệ sở hữu cao như Chủ tịch HĐQT, nhưng ông Cầu cũng có một lá phiếu biểu quyết ngang bằng với Chủ tịch HĐQT và các thành viên khác. Vậy tại sao ông Cầu không bày tỏ chính kiến của mình bằng lá phiếu đồng ý hay không đồng ý với Nghị quyết HĐQT giải thể CSG vừa qua?

Cho dù một lá phiếu phản đối của ông Cầu không thể làm thay đổi quyết định của HĐQT CSG, nhưng rõ ràng, một thành viên HĐQT phải có trách nhiệm bày tỏ chính kiến qua lá phiếu trước khi bày tỏ bằng các phương thức khác.

Tại ĐHCĐ vừa qua, việc Ban kiểm soát của CSG nhắc nhở Ban giám đốc về việc gửi 34 tỷ đồng của CSG vào một công ty chứng khoán, thay vì gửi vào ngân hàng, khiến một số cổ đông đặt dấu hỏi về sự chuyên nghiệp trong điều hành DN này.

Trở lại câu chuyện vì sao CSG nhanh chóng chuyển từ kế hoạch giảm vốn điều lệ sang giải thể Công ty. Thực tế, ngay từ đầu năm 2012, cổ đông lớn của CSG là Sacom đã muốn thực hiện phương án giải thể. Tuy nhiên, khi phương án này được đưa ra xin ý kiến ĐHCĐ thường niên CSG thì không nhận được sự đồng tình của một nhóm cổ đông, đại diện là ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch HĐQT. Phía ông Sơn, với sự ủng hộ của ông Cầu, đề nghị tiếp tục phát triển CSG theo kế hoạch kinh doanh mà ông Sơn vạch ra. Tại ĐHCĐ thường niên này, ông Sơn đã có số phiếu vừa đủ để kế hoạch giải thể không được thông qua.

Mặc dù vậy, Sacom vẫn là cổ đông lớn nhất ở CSG, nên nếu không nhận được sự ủng hộ của Sacom và ông Đỗ Văn Trắc (Phó chủ tịch HĐQT Sacom, Chủ tịch HĐQT CSG), thì ông Sơn không thể triển khai phương án kinh doanh đặt ra cho CSG. Tại đại hội, ông Trắc thể hiện quan điểm không tin tưởng vào phương án kinh doanh mà ông Sơn vạch ra và cho rằng, giải thể vẫn là phương án tốt nhất cho CSG. Ở đây, nguyên tắc “đối vốn” được thể hiện quyết liệt (số phiếu biểu quyết căn cứ theo số cổ phiếu sở hữu). Cuối cùng, cả hai bên chấp nhận lùi một bước là chọn phương án giảm vốn điều lệ tối đa trên lượng tiền mặt hiện có để bảo toàn vốn cho cổ đông và chỉ duy trì Công ty ở mức vốn điều lệ 53,3 tỷ đồng, với nhà xưởng, máy móc hiện có. CSG sau khi giảm vốn, sẽ vay vốn ngân hàng để hoạt động.

Tuy nhiên, việc một DN niêm yết giảm vốn là chưa có tiền lệ, buộc phải hỏi ý kiến cơ quan chức năng. Vì thế, phương án thứ hai được nêu ra trong Nghị quyết ĐHCĐ bất thường của CSG, đó là trong trường hợp phương án giảm vốn không được cơ quan chức năng cho phép thì HĐQT thực hiện giải thể Công ty.

Không có được câu trả lời của cơ quan chức năng trong vòng 1 tháng như nguyện vọng của DN, CSG đã chuyển từ phương án giảm vốn sang giải thể Công ty.

Giải thể để thu hồi vốn đầu tư

“Giải thể là cách thức triệt để nhất theo nguyên tắc thị trường để giải quyết vấn đề của CSG hiện nay. Sacom và cá nhân tôi là cổ đông sáng lập của CSG, khi giá cổ phiếu CSG lên 60.000 đồng/CP cũng không bán. Giờ Công ty giải thể, nhận được phần chênh lệch so với vốn góp khoảng 30%, cộng với cổ tức nhận các năm trước, tính ra cũng không phải là nhiều sau hơn 6 năm đầu tư”, ông Đỗ Văn Trắc chia sẻ.

Cho đến thời điểm này, CSG là công ty niêm yết đầu tiên quyết định giải thể. Việc đó khiến cho nhiều nhà đầu tư mua cổ phiếu CSG ở mức giá cao thất vọng. Tuy nhiên, cổ đông CSG còn may, vì CSG còn nhiều tiền mặt và không có những khoản lỗ lớn do đầu tư tài chính, một sai lầm mà không ít công ty niêm yết mắc phải. Trên sàn, hiện không hiếm công ty dường như không có cơ hội để giải thể, mà chỉ có thể sống lay lắt, mất thanh khoản, hủy niêm yết...

Theo Đầu tư chứng khoán
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.