“Người kinh doanh thường có cái đầu lạnh, do đó cần phải giữ một trái tim ấm”, Tiến sĩ Phan Bích Thiện nói.

Gia đình Tiến sĩ Phan Bích Thiện.

Không chỉ là bà chủ khách sạn đẹp bậc nhất Hungary năm 2010, Tiến sĩ kinh tế Phan Bích Thiện còn là 1 trong 50 nữ doanh nhân thành đạt nhất nước này. Chị gặp chồng, anh Thuróczy Laszlo thời du học ở Nga những năm 1980. Họ lấy nhau và lập nghiệp tại Nga. Cho đến năm 1998, công việc kinh doanh của chị bị ảnh hưởng bởi khủng hoảng tài chính ở Nga, 2 người đã quyết định về quê hương anh lập nghiệp.

Mua lại một tòa lâu đài cổ được xây dựng từ đầu thế kỷ trước, anh chị đã cải tạo, mở rộng thành khách sạn. Không chỉ hấp dẫn du khách bằng vẻ bề ngoài, khách sạn lâu đài Fired còn gây ấn tượng bởi nội thất phương Đông với những đồ trang trí có xuất xứ từ làng nghề Đồng Kỵ cùng những món ăn thuần Việt.

Tháng 3.2011, một bộ phim tài liệu về chị đã được phát sóng trên kênh DUNA TV như một dẫn chứng cho việc người Việt Nam hòa nhập tốt với xã hội Hungary. “Những ngày đầu do chưa biết tiếng Hung, tôi chán nản vô cùng nhưng từ từ tôi đã vượt qua nhiều rào cản, nỗ lực làm việc để có được thành công”, chị chia sẻ.

Cuộc sống của gia đình chị tại Hungary thế nào?

Tôi thật may mắn vì có một gia đình hạnh phúc. Chồng tôi tuy không thạo tiếng Việt nhưng luôn ủng hộ việc tôi dạy 2 con gái là bé Thurózy Karolina MyLan và Thurózy Viktória Ly Anh nói, viết tiếng Việt thành thạo. Tôi luôn nói chuyện với các cháu bằng tiếng Việt nên khi gia đình về Việt Nam chơi, 2 cháu đều không bỡ ngỡ.

Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc kinh doanh của Khách sạn có gặp khó khăn không, thưa chị?

Trong tình hình khủng hoảng kinh tế, lĩnh vực du lịch, Khách sạn cũng bị ảnh hưởng. Nhưng có một câu ngạn ngữ mà tôi tâm đắc. Đó là “Biển lặng thì không bao giờ có thể đào tạo được những thủy thủ cừ khôi”. Chính trong khó khăn, doanh nghiệp nào năng động, biết cách sử dụng lợi thế của mình thì sẽ thành công. Sau khi hoàn thành dự án với sự tài trợ của Liên minh châu Âu nhằm phát triển du lịch hồi năm ngoái, công suất và hiệu quả của Khách sạn đã tăng cao hơn.

Đóng góp vào kết quả đó, tôi nghĩ có nhiều yếu tố từ giá trị văn hóa Việt Nam như đồ gỗ chạm trổ, sàn tre; chúng đã tạo cho Khách sạn nét đặc biệt. Toàn bộ khu du lịch của Khách sạn có tổng diện tích là 19 ha, bao gồm 3 tòa nhà với 3 phong cách khác nhau: Lâu đài Fried; Khu Người đi săn và Khu nghỉ dưỡng spa Hoa huệ. Ngoài ra, trong khu còn có nhiều ruộng nho, hầm rượu 200 năm tuổi, khu vui chơi của trẻ con. Chính sự đa dạng đã hấp dẫn du khách.

Chị có định về Việt Nam kinh doanh?

Khi đã mang được một góc Việt Nam sang Hungary thì tôi cũng mong muốn làm điều ngược lại. Tôi đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm trong kinh doanh khách sạn. Tôi hy vọng có thể áp dụng những kinh nghiệm đó ở Việt Nam.

Công việc có làm cuộc sống gia đình chị bị xáo trộn?

Với tôi thì không, quan trọng là phải biết sắp xếp và điều chỉnh quỹ thời gian. Tất nhiên đối với nữ doanh nhân, việc hòa hợp giữa sự nghiệp và gia đình đòi hỏi sự cố gắng lớn. Họ cũng cần phải độc lập, quyết đoán, nhưng vẫn không mất đi sự mềm mỏng, nhẹ nhàng để có một gia đình hạnh phúc và sự nghiệp thành công.

Được biết chị còn làm thơ. Vậy sự lãng mạn của thơ có đối chọi với sự cứng rắn của nhà điều hành?

Cái khó ở đây không phải là do tâm hồn lãng mạn không tìm được chỗ đứng trong kinh doanh mà do sự thiếu thốn về thời gian. Khi kinh doanh tôi phải sử dụng lý trí, phải tính lỗ lãi. Nhưng điều đó không có nghĩa tôi mất đi những phút về với tâm hồn mình, với cảm xúc của trái tim. Những phút chìm đắm trong thơ đã giúp tôi thư giãn, lấy lại được cân bằng, thấy cuộc đời đẹp hơn. Người kinh doanh thường có cái đầu lạnh, do đó cần phải giữ một trái tim ấm.

Có thể hình dung như thế nào về cuộc sống của người Việt tại Hungary?

Cộng đồng người Việt ở Hungary không lớn, chỉ khoảng 4.000 người. Phần lớn người Việt đều kinh doanh quần áo ở các chợ hay các trung tâm thương mại. Những năm sau này một số doanh nghiệp đã mở cửa hàng trong phố. Một số doanh nghiệp thành đạt thì đầu tư vào khách sạn, nhà hàng. Những năm gần đây cộng đồng người Việt ở Hungary còn có thêm nhiều khuôn mặt mới thuộc thế hệ thứ hai, đó là các cháu theo bố mẹ sang Hungary khi còn nhỏ hoặc được sinh ra ở đây. Thế hệ này hội nhập tốt và thường đi làm cho các công ty của Hungary hay nước ngoài.

Những năm gần đây, một số kiều bào tại các nước Đông Âu gặp khó khăn và quyết định hồi hương. Chị nhìn nhận vấn đề này thế nào?

Đây cũng là một sự sàng lọc. Người Việt nào tuân thủ luật lệ thì vẫn trụ lại được. Còn những người làm ăn theo kiểu chụp giật sẽ khó có cơ hội để tồn tại và tất nhiên, sẽ có người chọn cách hồi hương.

Chị nhận xét thế nào về chính sách thu hút kiều bào về nước đầu tư?

Hiện nay, chỉ một phần nhỏ trong số tiền từ kiều bào chuyển về được sử dụng vào phát triển sản xuất. Về sản xuất, nên chú trọng hơn thị trường nội địa. Trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu thì việc tận dụng hiệu quả thị trường nội địa sẽ giúp giảm bớt nhập siêu. Nếu không, nguồn kiều hối về Việt Nam lại được sử dụng để nhập khẩu hàng hóa, vô hình trung ngoại tệ lại chảy ngược ra nước ngoài. Do vậy, theo tôi nên có chính sách khuyến khích mạnh mẽ hơn đối với việc đầu tư kiều hối cho lĩnh vực sản xuất.

Chị có nhiều bạn bè về Việt Nam đầu tư?

Có. Và phần lớn họ đầu tư vào bất động sản, khách sạn và khu nghỉ dưỡng.

Theo Nhịp cầu Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.