Bỏ cơ nghiệp đã gây dựng tại nước ngoài để về Việt Nam đầu tư lại từ đầu, xây dựng nhà máy công nghệ cao tại một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, không vì lợi nhuận, cũng không vì danh vọng, đó chính là Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan.
Sau khi đi từ TP.HCM mất hơn 2 tiếng, qua 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre, tôi đã đến bến phà Cổ Chiên, nối liền 2 tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, và mất 20 phút lênh đênh sông nước, tôi đã đến tỉnh Trà Vinh. Qua phà, xe chở tôi đi một đoạn đường ngoằn nghèo và hẹp trong khoảng 30 phút có khá nhiều căn nhà tranh, rồi cả những lò gạch nhỏ.

Nhà máy giống… resort

Khi bắt đầu đi vào Khu công nghiệp, trước mắt tôi là rất nhiều đất trống, các nhà máy xây dựng khá thưa thớt. Đi thêm một đoạn tôi bắt đầu chú ý một cụm nhà máy với tường được sơn màu kem nhã nhặn và viền màu xanh lơ cũng rất nhiều cây cối bên trong.

Khi xe dừng lại trước cổng chính của cụm nhà máy này, tôi mới biết đây là trụ sở của Tập đoàn Mỹ Lan. Trên đường đi vào nhà ăn, là nơi Tập đoàn Mỹ Lan đón và tiếp khách, nhìn các nhà máy với vẻ bên ngoài cực kỳ gần gũi chứ không “công nghiệp” kiểu kim loại, sắt thép, rồi ống khói nhả khói, bao quanh là những vườn cây xanh ngát, tôi vô cùng ngạc nhiên và liên tưởng đến khu resort nào đó. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan cùng phu nhân của mình là bà Bùi Thị Nhàn niềm nở bắt tay chào đón tôi.

Chỉ mới đây, tôi đã so sánh nhà máy của Mỹ Lan giống như resort, thì khi vào nhà ăn, tôi thầm nghĩ sao lại dùng từ “nhà ăn” cho một nơi sang trọng và sạch không kém gì những nhà hàng tại các thành phố lớn. Cửa sổ nhà ăn được thiết kế rất rộng với kính cường lực để khách có thể nhìn và thưởng thức khu vườn hoa bên ngoài. Phần bếp sử dụng cửa kính, đúng chuẩn các tiệm ăn uống tại nước ngoài, để người bên ngoài có thể mục sở thị...

Hồng Diệu, Trưởng bộ phận nhân sự của Tập đoàn Mỹ Lan cho biết, “nhà ăn” thực chất có khá nhiều cách gọi. Nguyên nhân là vì nhà ăn có thể là nơi ăn trưa của công nhân viên, nhưng khi các lãnh đạo chính quyền, nguyên thủ quốc gia thì đây lại là một cafeteria hoặc restaurant với những món ăn cực ngon và thức uống hảo hạng. Nơi đây cũng được tổ chức để ký kết những hợp đồng và sự kiện quan trọng của Tập đoàn Mỹ Lan. Hằng ngày, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ cùng gia đình của mình cũng dùng bữa tại đây cùng nhân viên. Không căng-tin, không nhà ăn công nhân, không phân biệt chủ tớ, hay khác biệt giữa sếp và nhân viên khiến tôi cảm nhận được một sự gần gũi chân thành rất rõ nét.

Nặng lòng với quê hương

Năm 1999, từ Canada trở về Việt Nam sau hơn 20 năm, ông đã mất gần một ngày để đi từ thành phố Hồ Chí Minh về tỉnh Trà Vinh, nơi ông được sinh ra. Tên của Tién sỹ Nguyễn Thanh Mỹ xuất phát từ nơi ông cất tiếng khóc chào đời, làng Thanh Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Xúc động, hạnh phúc khi gặp lại người thân, bạn bè nhưng nhìn quê hương còn rất nghèo, trẻ em không học hành đến nơi đến chốn, thanh niên lặn lội lên thành phố tìm đường mưu sinh, ông rất nặng lòng.

Đầu những năm 2000, tại Canada và Hoa Kỳ, giới khoa học biết đến Nguyễn Thanh Mỹ là một nhà khoa học với một loạt các sáng chế quan trọng trong ngành in và quang điện tử. Trong vai trò là một doanh nhân, Nguyễn Thanh Mỹ là ông chủ của American Dye Source, Inc (ADS), chuyên đầu tư, nghiên cứu, sản xuất và cho thuê bằng phát minh trong các lĩnh vực hóa học, vật liệu ngành in và quang điện tử. Trong gia đình, ông là một người chồng, người cha mẫu mực. Ông kể, thời điểm mới thành lập Công ty ADS vào năm 1997, với 30.000 USD lợi nhuận đầu tiên từ việc sản xuất và bán một loại hóa chất ông đã mua một chiếc xe hơi tặng vợ.

Ở cái tuổi hơn 40, giai đoạn rực rỡ nhất của người đàn ông, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ đã có đủ, sự nghiệp thành công, gia đình hạnh phúc tại Canada. Nhưng sau lần trở về Việt Nam vào năm 1999, ý định làm một điều gì đó thật sự có ý nghĩa cho quê hương đã thôi thúc và dần lớn lên trong suy nghĩ của ông. Nắm tay vợ mình, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ cho biết, nếu không có sự ủng hộ của gia đình thì mong ước xây dựng quê hương cũng không trở thành hiện thực. Bà Bùi Thị Nhàn mỉm cười cho biết, dù rất cảm động trước mục đích của chồng, nhưng cũng rất lo lắng vì đầu tư công nghệ cao tại một tỉnh nghèo lại xa xôi là cự kỳ… phi lý. Với 10 triệu USD đầu tư ban đầu, hệ thống nhà máy của Tập đoàn Mỹ Lan được khởi công vào năm 2004 và hoàn thành vào năm 2006. Trên một khu đất, tiếng là khu công nghiệp nhưng thực tế lại là đất ruộng. 6 năm hoạt động, Tập đoàn Mỹ Lan đã trở thành nhà sản xuất bản kẽm CTP mang tầm cỡ quốc tế. Hiện nay, sản phẩm của Tập đoàn đã được xuất khẩu đến gần 10 nước như Mỹ, Canada, Tây Ban Nha, Trung Quốc. Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ chia sẻ: “Rất nhiều nhân viên của tôi, 5-6 năm trước còn rụt rè bỡ ngỡ, nay đã liên tục đi đến các nước, sử dụng ngoại ngữ thành thạo, với chuyên môn cao để gặp gỡ các đối tác, khách hàng. Bên cạnh sản phẩm bản kẽm CTP, chúng tôi còn có những sản phẩm liên quan đến công nghệ vật liệu, hóa chất, vật liệu ngành in với hàm lượng chất xám rất cao. Những sản phẩm này hiện đang được sản xuất tại Tập đoàn Mỹ Lan và bán cho các Tập đoàn hàng đầu thế giới. Đây là niềm tự hào cho trí tuệ người Việt Nam nói chung và người Trà Vinh nói riêng”.

Đầu tư cho con người

Trao đổi với tôi, ngoài Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ và phu nhân, còn có những Giám đốc, Trưởng phòng các bộ phận quan trọng của Tập đoàn Mỹ Lan. Với vẻ mặt và giọng nói đầy sự tự hào, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ giới thiệu đội ngũ nhân sự của mình chính là tài sản quý giá nhất của Tập đoàn Mỹ Lan. Trò chuyện với các nhân viên cũng như các cấp quản lý của Mỹ Lan, điều tôi ngạc nhiên nhất chính là xuất phát điểm không hề “hoành tráng” trong một công ty, lẫn ngành nghề đòi hỏi nhiều chất xám. Rất nhiều nhân sự chủ chốt của Mỹ Lan, chỉ tốt nghiệp những trường đại học kém danh tiếng, thậm chí chỉ có bằng cao đẳng, trung cấp hay các chương trình đào tạo liên kết.

Tiễn sỹ Nguyễn Thanh Mỹ phân tích: “Người Việt Nam vốn thông minh, nhưng vì nhiều lý do từ điều kiện, đến cách thức học tập, rồi môi trường nên không thể phát huy. Nhà máy ở Trà Vinh, nếu chọn phương án tuyển dụng từ những trường đại học lớn tại TP.HCM là bất khả thi. Chưa kể, đầu tư ở Trà Vinh thì phải tạo cơ hội tốt nhất cho người Trà Vinh phát triển”. Ông quyết định chọn phương án tuyển dụng nhân tài, đào tạo lại và tìm kiếm nhân tài ngay từ đầu. Năm 2006, ngoài việc điều hành một nhà máy mới đi vào hoạt động, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ kết hợp với Trường Đại học Trà Vinh mở khoa Hóa học ứng dụng và đích thân ông làm Trưởng khoa và đứng lớp giảng dạy trực tiếp. Với cách làm này, ông đã lựa chọn những sinh viên xuất sắc nhất về làm việc cho Tập đoàn Mỹ Lan.

Đối với nhân sự tuyển dụng trực tiếp để làm việc, theo Tiễn sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, ngoài vấn đề chuyên môn, 3 điểm quan trọng nhất cần phải đào tạo là tính sáng tạo, tự chủ và khả năng làm việc nhóm. Ông Phan Nguyên Khải, Giám đốc Sản xuất của Công ty Sản xuất Vật tư Ngành in Mỹ Lan cho biết: “Trước khi làm việc tại Mỹ Lan, tôi không giỏi làm việc theo nhóm, trong khi “độc lập tác chiến” không bao giờ tạo ra hiệu quả cao. Nhưng với sự hướng dẫn của Chú Mỹ, giờ đây, ngoài việc kết hợp hiệu quả với người đồng cấp, tôi lại có thể hướng dẫn nhân viên của mình cách cùng nhau tìm tòi, không chỉ trong công việc mà cả trong việc tìm kiếm những ý tưởng sáng tạo.

Ông Đặng Thái Thượng, Giám đốc Kỹ thuật của Tập đoàn Mỹ Lan là một trong những người đầu tiên làm việc tại Tập đoàn Mỹ Lan từ ngày mới thành lập, ông đã có những sáng kiến giúp cho Tập đoàn tiết kiệm hàng chục tỷ đồng tiền điện mỗi năm. Theo ông Thượng, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ đã không ngần ngại khuyến khích nhân viên sáng tạo, thậm chí chấp nhận chi phí tốn kém trong thử nghiệm. Những sáng tạo cho dù thất bại đi nữa cũng luôn được tôn trọng. Vì vậy, mà Tập đoàn Mỹ Lan luôn đầu tư trang thiết bị, máy móc cho hệ thống phòng thí nghiệm và trung tâm công nghệ của mình.

Theo Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ đến tham quan từng phòng ban, tôi thật ngạc nhiên khi ông nhớ tên từng nhân viên trong gần 400 nhân viên đang làm việc tại Tập đoàn Mỹ Lan. Đến Hội trường của công ty, tôi nhìn thấy các nhân viên đang chuẩn bị cho buổi hội thảo về việc phổ biến kiến thức liên quan đến bệnh viêm gan. Tôi lại được nghe thêm những câu chuyện về Tập đoàn Mỹ Lan đã chăm sóc sức khỏe cho nhân viên như thế nào, từ việc mời các bác sỹ ở TP.HCM về khám bệnh, cho đến việc đích thân Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ phải khuyên nhủ nhân viên trong việc khám bệnh và bảo vệ sức khỏe, rồi cả những khoản chi phí không nhỏ trong việc hỗ trợ nhân viên chữa dứt điểm các căn bệnh của mình.

“Nhân viên vừa có chuyên môn, thu nhập tốt vừa có sức khỏe mới có thể chăm lo cho cuộc sống, gia đình của mình, từ đó mới yêu cuộc sống và làm việc tốt hơn”, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ cho biết. Không ít doanh nghiệp đầu tư cho con người, nhưng đầu tư xây dựng những điều tốt đẹp cho cuộc sống của nhân viên lại là một nét rất riêng của Tập đoàn Mỹ Lan của nhà quản trị nhân văn Nguyễn Thanh Mỹ.

Tiến Sỹ Nguyễn Thanh Mỹ

Năm 1979 sang Canada định cư.

1986: Tốt nghiệp Đại học Concordia (Montreal) ngành hóa học ứng dụng.

1988: Nhận bằng thạc sỹ tại Đại học Concordia và 2 năm sau trở thành tiến sĩ thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khoa học năng lượng vật liệu Canada.

1997: Thành lập Công ty ADS (American Dye Source) tại Canada.

2006-2009: Thành lập các công ty Hoá chất Mỹ Lan, Sản xuất Vật tư ngành in Mỹ Lan và Quang điện tử Mỹ Lan tại Trà Vinh.

2/2010: Ra mắt Tập đoàn Mỹ Lan (Mylan Group) với 4 thành viên trên.
Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Khởi nghiệp ở tuổi xế chiều và thách thức quỹ thời gian hạn hẹp

    Khởi nghiệp ở tuổi xế chiều và thách thức quỹ thời gian hạn hẹp

    22/05/2018 10:47 AM

    Khởi nghiệp ở tuổi 60, ông Nguyễn Thanh Mỹ, sáng lập Mỹ Lan Group có nỗi lo rất khác, đó là không còn nhiều thời gian để hoàn thành các dự định. Nhưng ông chưa bao giờ ngừng lại.

  • Tiến Sỹ Nguyễn Thanh Mỹ: Nhà quản trị nhân văn

    Tiến Sỹ Nguyễn Thanh Mỹ: Nhà quản trị nhân văn

    28/09/2012 8:04 PM

    Bỏ cơ nghiệp đã gây dựng tại nước ngoài để về Việt Nam đầu tư lại từ đầu, xây dựng nhà máy công nghệ cao tại một trong những tỉnh nghèo nhất Việt Nam, không vì lợi nhuận, cũng không vì danh vọng, đó chính là Tiến sỹ Nguyễn Thanh Mỹ, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Mỹ Lan.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.