Theo khám phá của Tiến sĩ Phan Minh Liêm, những thử nghiệm ban đầu cho thấy protein 14-3-3sigma có khả năng tấn công hữu hiệu các tế bào ung thư.
Những ngày đầu hè ở Houston, Trung tâm ung thư MD Anderson nằm yên bình trên Đại lộ Holcombe, trải dài dọc theo công viên Grant Fay, nơi những cây sồi cổ thụ đã khoác mầu lá mới xanh mướt. Tại bức tường danh dự của Trường Cao học Y sinh - Viện Anderson, lần thứ 4 liên tiếp trong lịch sử 75 năm của viện ung thư hàng đầu của Mỹ, vinh danh nhà nghiên cứu khoa học người Việt tiến sỹ Phan Minh Liêm. Anh là tác giả sở hữu số công trình và giải thưởng nghiên cứu khoa học quốc tế còn nhiều hơn số tuổi đời 33 tuổi.
Không phải xứ sở cờ hoa mà cơ duyên bắt đầu từ nước Pháp. Nhà khoa học trẻ, khuôn mặt tuấn tú và đôi mắt sáng, cất giọng trầm ấm nhớ lại khoảng thời gian năm 1998 khi lần đầu tiên được nhận học bổng của tổ chức Soleil Francophone sang Pháp du học khi mới 15 tuổi. Lần đầu được tự tay thực hành thí nghiệm môn sinh học với chai lọ và ống nghiệm, người thanh niên trẻ tuổi đã ngay lập tức xác định được đam mê của cuộc đời mình: bước chân vào lĩnh vực nghiên cứu y sinh, tìm ra các phương pháp chữa bệnh cứu người. Tuy vậy, Phan Minh Liêm cũng thẳng thắn thừa nhận động lực ẩn sâu đằng sau mơ ước 18 năm trước chính bắt nguồn từ sự chứng kiến những cơn đau dai dẳng của người thân và bạn bè mắc căn bệnh ung thư.
Tiến sĩ 33 tuổi Phan Minh Liêm (trái) đã mang lại hy vọng cho bệnh nhân ung thư với phát hiện của mình
Nơi nào có ý chí, nơi đó có một con đường
Theo anh “những khó khăn và thử thách sẽ gieo mầm và nuôi dưỡng hi vọng”. Năm 2005, ngay khi được học bổng nghiên cứu tiến sỹ của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) khi mới là sinh viên năm 3 của ngành Công nghệ sinh học của Trường ĐH Khoa học tự nhiên TP HCM, quá trình tiếp xúc với những số phận kém may mắn bị ung thư của Phan Minh Liêm bắt đầu trên cương vị mới, không chỉ dừng lại thương cảm và cần phải chia sẻ với bệnh nhân bằng hành động: quyết tâm nghiên cứu nguyên nhân và cách chữa trị căn bệnh ung thư.
Việc phát hiện ra protein 14-3-3sigma không phải phép mầu tình cờ. Nhà khoa học trẻ Phan Minh Liêm tận mắt chứng khiến hàng nghìn bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối sống trong đau đớn. Có những bệnh nhân những phút cuối cùng vẫn nắm tay cảm ơn bác sĩ đã cố gắng và tin tưởng sẽ có ngày tìm ra phương thức chữa trị. Họ nói sẽ dõi theo bước đường và mong muốn thế hệ sau không phải chịu đau đớn khi mang căn bệnh này.
Dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, Tiến sỹ Liêm hơn ai hết luôn ghi nhớ một thực tế: tỉ lệ thất bại trong nghiên cứu ung thư là rất cao. Vì vậy, người làm khoa học y sinh, với vai trò kép vừa tham gia điều trị và vừa nghiên cứu, tố chất quyết định cả quá trình nghiên cứu không phải chỉ dừng lại ở sự tâm huyết, niềm tin mà còn rất nhiều sự dũng cảm và trên hết là tính kiên trì và ý chí nỗ lực đến cùng vì bệnh nhân ung thư. Ngoài sự thuận lợi khi được làm việc tại trung tâm ung thư số 1 của Mỹ, môi trường nghiên cứu khoa học “trong mơ” của hàng ngàn bác sĩ, nhà khoa học nghiên cứu chống ung thư trên toàn thế giới, thì có lý do khác khiến Phan Minh Liêm duy trì được niềm tin vào con đường khoa học anh đã chọn. “Khi đang nghiên cứu, tôi có cảm giác có nhiều người, nhiều linh hồn đang dõi theo mình nên không thấy đơn độc trên con đường đường này”, tiến sỹ Liêm tâm sự.
Mới đây, nhóm nghiên cứu của tiến sĩ Liêm đã phát hiện một gene có khả năng ức chế, triệt tiêu hiệu quả quá trình tạo năng lượng của khối u, đó là protein 14-3-3sigma (được mã hoá bởi gene 14-3-3sigma). Theo các kết quả nghiên cứu, nhiều dòng tế bào ung thư ác tính không hấp thu được chất dinh dưỡng, hoặc lấy được dinh dưỡng nhưng không chuyển hóa được thành năng lượng một khi gene này được kích hoạt. Nói cách khác, nhóm đã tìm ra một cơ chế mới có khả năng đảo ngược quá trình tiến hoá trong sản xuất năng lượng, trao đổi chất của tế bào ung thư và tiêu diệt ung thư hiệu quả. Thông thường, trong quá trình phát sinh ung thư, các tế bào khỏe mạnh tích lũy các đột biến và dần trở thành tế bào ung thư, hình thành khối u, di căn và gây tử vong cho bệnh nhân ung thư. Khả năng tiến hoá và biến đổi liên tục của tế bào ung thư khiến cho chúng có thể trở nên ngày càng hung hãn, ác tính và khó tiêu diệt. Khi protein 14-3-3sigma hoạt động mạnh, tế bào ung thư nhanh chóng bị cạn kiệt năng lượng vì quá trình hấp thu dinh dưỡng, trao đổi chất và sản xuất năng lượng của khối u bị ức chế. Điều này khiến tế bào ung thư bị tiêu diệt hoặc ngưng tăng trưởng, mở ra một tương lai hi vọng mới cho người bị bệnh ung thư vì các thử nghiệm ban đầu cho thấy protein 14-3-3sigma có khả năng tấn công hữu hiệu nhiều dòng tế bào ung thư ác tính, hung hãn, di căn mà không làm ảnh hưởng nhiều đến các tế bào lành.
Các phát hiện này có ý nghĩa rất lớn đối với việc điều trị ung thư. Nhiều nghiên cứu y học và thử nghiệm lâm sàng gần đây cho thấy các hợp chất ức chế quá trình đường phân và trao đổi chất có tác dụng hữu hiệu đối với nhiều loại ung thư. Theo dự đoán của các nhà khoa học thế giới, trong vòng 5 đến 10 năm tới, các thuốc ức chế quá trình đường phân và chuyển hoá năng lượng của tế bào ung thư sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc điều trị căn bệnh này. Các kết quả nghiên cứu này đóng góp vào việc phát triển những phương pháp điều trị mới có thể tiêu diệt ung thư hiệu quả, chính xác và giảm khả năng di căn, ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư mà không gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm. Bên cạnh các nghiên cứu cơ bản, tiến sĩ Liêm còn tập trung vào các nghiên cứu ứng dụng như phát triển các thiết bị mới kết hợp công nghệ nano và vi mao dẫn để phát hiện bệnh ung thư, bệnh truyền nhiễm và các bệnh khác.
Những người bệnh tham gia thử nghiệm lâm sàng biết thử nghiệm có thể thành công nhưng cũng có thể ra đi. Để đạt được những thành công bước đầu như hiện nay, tiến sĩ Liêm cho biết, bản thân anh nhiều lúc bất lực vì kết quả không mong muốn, trong khi người bệnh lại mong chờ quá nhiều. Tuy vậy, trong mọi hoàn cảnh, các bác sĩ và nhà khoa học phải vừa duy trì lời thề vì bệnh nhân, vừa nghiên cứu, điều trị, vừa sát cánh động viên họ tiếp tục “chiến đấu” với bệnh tật trong đau đớn để nuôi dưỡng hi vọng duy trì sự sống. Theo triết lý nghề nghiệp của tiến sỹ Liêm, quá trình dẫn đến thành công cần có sự nỗ lực liên tục trên cả 3 phương diện: đạo đức, sức khỏe và tài năng; bao gồm cả khả năng chuyên môn và các kỹ năng cần thiết để sống chan hòa và đóng góp cho cộng đồng.
Khi sang Mỹ học, các giáo sư, tiến sĩ của Viện hàn lâm Khoa học Mỹ đều khuyên Phan Minh Liêm nên hợp tác lâu dài với Trung tâm ung thư MD Anderson, để theo đuổi đam mê nghiên cứu. Tuy nhiên, nhà khoa học trẻ khi bước chân vào thế giới y sinh học và nghiên cứu ung thư với sự ghi nhớ lời dặn dò của các thầy cô từ ngay còn ở Việt Nam: “Nhà khoa học vốn dĩ đối mặt với nhiều áp lực cao và liên tục. Hãy quay về đóng góp cho quê hương khi đã thành tài”.
Trí tuệ và ngân sách quốc gia
Giáo sư Mong Hong Lee, Tổng biên tập và là người sáng lập tạp chí khoa học Cancer Hallmarks, công tác tại Khoa Phân tử và tế bào ung thư, Viện Ung thư MD Anderson nhận xét: “ Sau 8 năm làm việc với Liêm, tôi đặc biệt ấn tượng ở Liêm bởi năng lực lãnh đạo và tinh thần vì cộng đồng. Cộng đồng ở viện Anderson đánh giá cao tài năng và đạo đức của tiến sỹ Liêm”. Cũng theo giáo sư Mong Hong Lee, từ sự kết nối của tiến sỹ Liêm, ông đã có cơ hội làm việc với các chuyên gia về phòng chống ung thư ở Bộ Khoa học - Công nghệ VN và lãnh đạo các bệnh viện ung thư, viện nghiên cứu và trường đại học lớn tại Việt Nam. Tuy vậy, ông nhận thấy còn rất nhiều cản trở để những công trình nghiên cứu khoa học tầm cỡ quốc tế được triển khai cùng nghiên cứu và ứng dụng vào Việt Nam.
Theo quan điểm thẳng thắn của tiến sỹ Liêm, nghiên cứu thành công gene tiêu diệt tế bào ung thư ở quốc tế đã khó, chuyển giao công nghệ này về quê nhà có thể sẽ càng khó hơn nhiều nhưng anh sẽ luôn nỗ lực vì bệnh nhân ung thư tại Việt Nam và trên thế giới. Phan Minh Liêm khẳng định sẽ trở về Việt Nam khi các nghiên cứu của anh thành công. Vì mặc dù nước Mỹ rất tốt với những điều kiện tuyệt vời và quốc gia này cho anh cơ hội học tập, nghiên cứu nhưng dòng máu Việt vẫn chảy trong huyết quản của nhà khoa học trẻ tuổi này.
Dân số Việt Nam đang ngày càng già đi nên số người mắc bệnh ung thư sẽ tăng trong thời gian tới. Quá trình phòng ngừa có thể giảm được 2/3 nguy cơ mắc ung thư. 1/3 nguy cơ còn lại là do gene di truyền và những yếu tố khác. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong do ung thư là 74,8%, thuộc hàng cao nhất trên thế giới, với hơn 150.000 ca ung thư mới được phát hiện tại Việt Nam mỗi năm. Trong đó, đa số trường hợp ung thư tại Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn hoặc rất muộn khiến việc điều trị rất khó khăn. Trăn trở trước khi về nước của tiến sĩ trẻ là đất nước có nhiều người giỏi nhưng cơ sở vật chất, cách tổ chức quản lý, đầu tư thiếu đồng bộ, chưa phát huy được hết khả năng của các nhà khoa học Việt Nam. Bản thân Phan Minh Liêm muốn truyền tải công nghệ tốt nhất điều trị ung thư cho đất nước nhưng rào cản đầu tiên và lớn nhất vẫn là tài chính.
Bản thân anh mong muốn được xây dựng công nghệ mới nhất để điều trị ung thư, chuyển những công nghệ điều trị của MD Anderson về Việt Nam. Điều này nhóm anh đã làm từ lâu nhưng kết quả chưa như mong muốn vì nhiều lí do, trong đó lí do về tài chính là yếu tố then chốt. Từ kinh nghiệm nghiên cứu điều trị ung thư ở Anderson, anh cho biết bí quyết thành công trong điều trị ung thư là sự kết hợp ba yếu tố điều trị, phòng ngừa - đào tạo - nghiên cứu. “Ngay tại trung tâm MD Anderson, có khoảng 1700 giáo sư bác sĩ, 600 nhóm nghiên cứu, 21.000 nhân viên, điều trị 1,3 triệu lượt bệnh nhân/năm, thực hiện hơn 12 triệu quy trình và có hơn 1100 thử nghiệm lâm sàng để phát triển thuốc mới. Việc phối hợp này là bí quyết thành công của MD Anderson. Bất kì một bệnh viện, trung tâm y tế nào muốn thành công đều nên phối hợp giữa điều trị + phòng ngừa, nghiên cứu, và đào tạo” nhà khoa học trẻ với đôi mắt kiên định chia sẻ.
Với những nhà khoa học trẻ muốn dấn thân vào con đường nghiên cứu khoa học, tiến sĩ Phan Minh Liêm, dựa trên sự trải nghiệm hơn 14 năm đã đưa ra những góc nhìn quan trọng. Vượt trên cả tâm huyết, tính kỷ luật và đam mê, thì lĩnh vực y sinh học (sự giao thoa giữa y học, dược, sinh học, và các ngành khoa học cơ bản khác) đòi hỏi 2 khát vọng lớn. Đó là khát vọng cống hiến và tấm lòng vì bệnh nhân.
1998- 2005: Nhận học bổng của Tổ chức Soleil Francophone để sang Pháp học năm 15 tuổi. Nhận học bổng tiến sỹ của Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF) và sang Mỹ du học năm 22 tuổi.
Năm 2010:
- Được bầu làm Chủ tịch Hội Sinh viên Cao học của Trường Cao học Y sinh của Viện MD Anderson và ĐH Texas tại Houston; Giải thưởng Phục vụ cộng đồng của Hiệp hội Sinh viên ĐH Texas tại Houston.
- Giải thưởng và học bổng dành cho các nhà nghiên cứu ung thư xuất sắc của các tổ chức Rosalie B. Hite Foundation, Cancer Answer Foundation, Andrew-Huggins Foundation,...
- Danh hiệu Học giả của tổ chức Sylvan Rodriguez, Viện Ung thư MD Anderson dành cho các nhà khoa học nghiên cứu ung thư xuất sắc và cống hiến cộng đồng.
Năm 2010-2016:
- Giải thưởng của Quốc hội Mỹ và Bộ Quốc phòng Mỹ về nghiên cứu y học.
- Tác giả và đồng tác giả của 25 công trình nghiên cứu khoa học về công nghệ sinh học và ung thư, như tạp chí của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ (Proceedings of The National Academy of Sciences), tạp chí của Viện Ung thư quốc gia Mỹ (Journal of National Cancer Institute, tạp chí Nature Communications,...
- Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2014.
- Năm 2012, 2013, 2014, bắc nhịp cầu đưa các giáo sư của Trung tâm ung thư MD Anderson sang VN tổ chức thành công 2 khóa học về các con đường truyền tín hiệu trong tế bào ung thư, nhằm cung cấp các kiến thức mới về ung thư cho hơn 400 các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ.
- Thành lập tạp chí khoa học Việt Nam trực tuyến (Vietnam Journal of Science, www.vjsonline.org) cùng với các cộng sự để giúp cung cấp các thông tin khoa học và đóng góp vào sự phát triển của khoa học công nghệ tại VN. Tham gia vào Ban Cố vấn của Hiệp hội các học giả của Quỹ Giáo dục Việt Nam và Ban Điều phối của Hội Thanh niên Sinh viên Việt Nam tại Hoa Kỳ.
- Thành lập công ty Orchid Magic Inc. tại Hoa Kỳ cùng với các giáo sư bác sĩ của Trung tâm MD Anderson, với mục tiêu nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu y học hiện đại nhằm cung cấp các giải pháp phòng ngừa ung thư cho cộng đồng.
Công trình nghiên cứu:
- Đăng ký các bản quyền công trình nghiên cứu gene tiêu diệt tế bào ung thư và phương pháp chẩn đoán ung thư tại Trung tâm Ung thư MD Anderson (trụ sở tại Houston, Texas, Mỹ), trung tâm ung thư số 1 của Mỹ do tạp chí US News xếp hạng trong 12 năm qua. Đây là các công trình nghiên cứu với sự tham gia của hơn 50 nhà khoa học các nước, thực hiện trong gần 8 năm.
Nguyệt Nguyễn (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.