Cùng bị truy tố với ông bầu Nguyễn Đức Kiên là một loạt nguyên lãnh đạo Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), trong đó có ông Trần Xuân Giá, nguyên Chủ tịch HĐQT ACB. Khi biết tin ông Giá bị khởi tố cùng bầu Kiên, rất nhiều người từng biết ông trước đó tỏ ra tiếc nuối, bởi không thể ngờ một người từng giữ chức Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), đã có nhiều đóng góp trong việc xây dựng Luật Doanh nghiệp ở Việt Nam, cuối đời lại lâm vào vòng lao lý…

"Cha đẻ" của Luật Doanh nghiệp

Người ta tiếc cho ông Trần Xuân Giá bởi nhìn lại quá khứ, có thể nói ông Giá có một hành trình thăng tiến khiến nhiều người phải mơ ước. Sinh năm 1939 tại Thừa Thiên - Huế, ông Trần Xuân Giá thuộc thế hệ cán bộ đầu tiên được đào tạo bài bản ở nước ngoài về kinh tế. Năm 1966, sau khi tốt nghiệp Đại học Kinh tế ở Liên Xô, ông Giá trở về làm giảng viên Trường đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội.

Năm 1977, sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ kinh tế ở Liên Xô, ông được bổ nhiệm Chủ nhiệm khoa Vật giá, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội. Năm 1989, ông là Phó chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng (nay là Văn phòng Chính phủ). 7 năm sau đó, sau khi kinh qua các chức vụ: Phó chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước; Thứ trưởng Bộ KH-ĐT, năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ KH-ĐT.

Ở cương vị Bộ trưởng Bộ KH-ĐT, ông Trần Xuân Giá được ghi nhận là người có nhiều đóng góp vào công cuộc đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Dấu ấn lớn nhất của ông Giá chính là việc tham gia xây dựng và triển khai Luật Doanh nghiệp năm 1999 - văn bản được xem là quan trọng nhất đối với lịch sử phát triển kinh tế Việt Nam trong hơn 10 năm qua.

Năm 2003, sau khi rời Bộ KH-ĐT, ông chuyển sang làm Trưởng ban Nghiên cứu của Thủ tướng, giúp việc cho Thủ tướng Phan Văn Khải. Trên cương vị này, ông cũng có nhiều đóng góp quan trọng trong việc xây dựng, ban hành các chính sách kinh tế.

Vì thế, cuối năm 2006, sau khi nhận quyết định nghỉ hưu, ông vẫn khá "đắt sô" khi có nhiều doanh nghiệp mời về làm việc, trong đó có công ty nước ngoài, có quỹ đầu tư, công ty chứng khoán…

Khi biết ông Giá quyết định làm việc cho Ngân hàng ACB, nhiều người đã bất ngờ trước quyết định này bởi đó là việc chưa từng có tiền lệ ở Việt Nam.

Vì sao ông lại chọn ACB? Có lẽ không phải vì tiền. Cũng chưa chắc phải vì quyền, bởi với một người đã từng là quan chức Chính phủ thì chức vụ ở một ngân hàng thương mại cổ phần có lẽ không phải quá hấp dẫn đối với ông.

Sau này, trong một bài viết dài in ở ấn phẩm kỷ niệm 15 năm thành lập ACB, ông đã lý giải việc ông chọn ACB làm "bến đỗ" sau khi về hưu rằng: "Thực sự mình có nhu cầu làm việc, không phải vì thu nhập bởi ngoài lương hưu, nếu thiếu con mình đủ sức đảm bảo cuộc sống cho hai vợ chồng già. Trong khi đó, nhiều nơi lại cần mình. Vậy thì tại sao không?".

Chức Chủ tịch "cá cảnh" ở ACB

Sau hơn 1 năm giữ vai trò cố vấn HĐQT, tháng 3/2008, sau đại hội cổ đông, ông Giá được bầu làm Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB nhiệm kỳ 2008-2012. Thông thường, chức vụ Chủ tịch HĐQT thường dành cho người nắm giữ số lượng lớn cổ phần. Nhưng với ông Giá thì "chẳng có đồng nào cả bởi ông tham gia với tư cách thành viên HĐQT độc lập".

Theo lời ông thì "tôi làm việc vì danh dự và trách nhiệm của một con người. Tôi chẳng đại diện cho một cổ đông cụ thể nào và tôi làm việc theo luật. Tôi là người chủ trì dự thảo Luật Doanh nghiệp, theo tinh thần đó, tôi không thể làm điều gì trái với những gì mà mình mong muốn xã hội làm". Vì vậy, "ông Giá cũng đã từng ra điều kiện cho ACB, nếu ông làm Chủ tịch HĐQT thì mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải theo luật chứ không được theo bất cứ một mối quan hệ nào".

Ông Trần Xuân Giá.

Cũng trong bài viết nhân kỷ niệm 15 năm thành lập ACB, ông Giá cho biết: "Đối với các công ty đại chúng, cơ chế thành viên HĐQT độc lập là rất hay và cần thiết bởi các thành viên này có nghĩa vụ hài hòa lợi ích của công ty với lợi ích của toàn xã hội; lợi ích của các nhóm cổ đông nhằm giúp công ty phát triển bền vững. Ở Việt Nam, Luật Doanh nghiệp, Luật các tổ chức tín dụng đều có quy định về vấn đề này nhưng việc áp dụng chưa được phổ biến, chưa thành nếp.

Trước đây, khi tham gia xây dựng Luật Doanh nghiệp, tôi đã từng nghĩ đến vấn đề này, nhưng không có kinh nghiệm thực tế. Việc tham gia vào HĐQT của quỹ đầu tư nước ngoài đã giúp tôi nối dài suy nghĩ và với kinh nghiệm thực tế của mình, tôi sẽ có điều kiện góp ý cho việc sửa luật của ta liên quan đến cơ chế thành viên HĐQT độc lập…".

Quả thực, những điều mà ông Giá ấp ủ là rất hay. Nhưng, như người ta vẫn bảo "có nằm trong chăn mới biết chăn có rận". Và rồi ông đã không tránh được sai lầm khi mà tiếng là Chủ tịch HĐQT, nhưng ông đã bị biến thành người thực hiện những chỉ đạo của ông bầu Nguyễn Đức Kiên.

Dù từ cuối năm 2007, bầu Kiên đã không tham gia HĐQT Ngân hàng ACB nhưng để chỉ đạo mọi hoạt động của ACB, ông Kiên đề nghị HĐQT ra quyết định thành lập Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB và ông ta làm Phó chủ tịch. Hội đồng sáng lập có chức năng tư vấn cho HĐQT; thành viên Hội đồng sáng lập được tham gia và cho ý kiến tại tất cả các cuộc họp của HĐQT và Thường trực HĐQT, được cung cấp đầy đủ các tài liệu về hoạt động kinh doanh của Ngân hàng ACB. Nghĩa là tuy không giữ chức danh do Ngân hàng Nhà nước chuẩn y nhưng với vai trò là Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập và đại diện nhóm cổ đông chiếm 9,03% vốn điều lệ, bầu Kiên có vai trò chỉ đạo, chi phối toàn bộ hoạt động quản trị, điều hành Ngân hàng ACB.

Có lẽ ông Giá, dù là chuyên gia kinh tế, từng nhiều năm tham gia hoạch định chính sách kinh tế cũng không thể hình dung được việc điều hành trực tiếp một doanh nghiệp nó lại phức tạp và lắt léo như vậy. Và cái sai chết người, khiến ông trở thành bị can trong vụ án này chính là đã cùng với các ông: Lê Vũ Kỳ, Phó chủ tịch HĐQT; Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc; Phạm Trung Cang và Trịnh Kim Quang, thành viên HĐQT ký vào biên bản cuộc họp Thường trực HĐQT Ngân hàng ACB ngày 22/3/2010.

Nguồn cơn của việc làm vi phạm pháp luật này là do trong thời gian từ 2005- 2011, Ngân hàng ACB huy động được từ dân lượng tiền nhiều với lãi suất cao trong khi việc cho vay lại gặp khó khăn, việc gửi liên ngân hàng không thực hiện được vì nhiều ngân hàng cũng trong tình trạng tương tự như ACB nên không có nhu cầu nhận.

Ngày 22/3/2010, Thường trực HĐQT ACB triệu tập cuộc họp của Thường trực HĐQT, có sự tham gia của Trưởng ban kiểm soát, Hội đồng tín dụng, Hội đồng đầu tư và Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB là ông Trần Mộng Hùng (Chủ tịch) và ông Nguyễn Đức Kiên (Phó chủ tịch) để bàn phương án giảm tồn lượng tiền huy động từ dân để tránh thiệt hại cho Ngân hàng ACB. Tại cuộc họp, ông Trần Mộng Hùng đưa ra phương án giảm lãi suất huy động tiền gửi để giảm áp lực bị lỗ khi nhận tiền tiết kiệm mà không cho vay được.

Nhưng Nguyễn Đức Kiên có ý kiến chỉ đạo: không được giảm tổng tài sản của Ngân hàng ACB, theo đó không chấp nhận giảm lãi suất huy động. Lý Xuân Hải, Tổng giám đốc ACB đề xuất phương án ủy thác cho nhân viên Ngân hàng ACB mang tiền của ACB đi gửi vào các ngân hàng để vừa nhận được lãi suất tiền gửi, vừa được hưởng thêm "hoa hồng", khuyến mại theo quy định của từng ngân hàng.

NguyễnThiêm (CAND)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • 'Thần gió' bầu Kiên mạnh miệng trước tòa

    'Thần gió' bầu Kiên mạnh miệng trước tòa

    22/05/2014 4:20 PM

    Đứng trước vành móng ngựa, bầu Kiên lạnh lùng phủ nhận các kết luận trong cáo trạng và cho rằng mình: Không lừa đảo, không phạm tội và không buôn vàng...

  • Lê Vũ Kỳ: Tiến sỹ toán vỡ mộng theo Bầu Kiên

    Lê Vũ Kỳ: Tiến sỹ toán vỡ mộng theo Bầu Kiên

    22/05/2014 8:34 AM

    Nguyên Phó chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB Lê Vũ Kỳ - bị cáo trong vụ án Nguyễn Đức Kiên - là một lãnh đạo kín tiếng. Tuy nhiên, trong giới tài chính ông khá nổi tiếng, được biết đến như một người thức thời với cái mới, nghiêm túc và nhiệt huyết cao trong công việc.

  • Truy vấn mua bán vàng vụ bầu Kiên

    Truy vấn mua bán vàng vụ bầu Kiên

    21/05/2014 5:27 PM

    Hôm nay (21/5), phiên xử Nguyễn Đức Kiên và đồng phạm tiếp tục diễn ra tại TAND TP Hà Nội. Bị cáo Kiên cho rằng: "Tất cả nhân viên ACB đều nhận ra giọng nói của tôi vì tôi đã có 20 năm làm việc tại đây. Nhân viên ACB phải có trách nhiệm ghi nhận từng giọng nói của từng giao dịch và báo cáo".

  • Ông Trần Xuân Giá vẫn chưa có mặt tại phiên tòa Bầu Kiên

    Ông Trần Xuân Giá vẫn chưa có mặt tại phiên tòa Bầu Kiên

    20/05/2014 9:55 AM

    Sáng nay 20-5, TAND TP Hà Nội mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên (còn gọi là Bầu Kiên) cùng các đồng phạm trong vụ sai phạm xảy ra tại Ngân hàng Á Châu - ACB.

  • Ông Trần Xuân Giá khó hầu tòa trong vụ bầu Kiên

    Ông Trần Xuân Giá khó hầu tòa trong vụ bầu Kiên

    19/05/2014 1:05 PM

    Ngày mai, TAND Hà Nội mở lại phiên xử cựu phó chủ tịch Ngân hàng ACB Nguyễn Đức Kiên cùng 8 người liên quan, tuy nhiên chưa rõ cựu chủ tịch Trần Xuân Giá có thể đến hầu tòa hay không.

  • Vợ ông Trần Xuân Giá: Tuổi 80 vẫn nhẫn cưới trên tay

    Vợ ông Trần Xuân Giá: Tuổi 80 vẫn nhẫn cưới trên tay

    13/05/2014 5:12 PM

    Ông Giá hướng ánh mắt trìu mến về phía cuối giường, nơi vợ ông đang đứng với đôi bàn tay gầy guộc níu chặt vào thành giường inox. Tôi chợt để ý, ở tuổi 78, tay bà cũng vẫn đeo nhẫn cưới.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.