Từ ngày 25-2, truyền thông nhà nước Trung Quốc đồng loạt đăng các bài phân tích và lập luận về thuyết “Tứ toàn”, nêu những điểm chủ chốt để phát triển đất nước do ông Tập đề xuất.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: THX

“Tứ toàn” là gì ?

Bài xã luận đăng trên trang nhất Nhân dân nhật báo nhận định học thuyết chính trị mới "có trọng lượng to lớn". Theo thứ tự, “Tứ toàn” lần lượt bao gồm: Xây dựng một xã hội thịnh vượng toàn diện, cải cách sâu sắc toàn diện, thực hiện nhà nước pháp quyền toàn diện, thực hiện kỷ cương Đảng toàn diện.

Cụm từ “xã hội thịnh vượng toàn diện” xuất hiện từ thời ông Đặng Tiểu Bình vào năm 1979, từ đó trở thành tầm nhìn dài hạn cho Trung Quốc hiện đại. Nhân dân nhật báo cho rằng ông Tập cũng kế tục thuật ngữ đó và đặt nó làm mục tiêu trung tâm, ba “toàn diện” còn lại hỗ trợ mục tiêu trung tâm này. Phấn đấu cho “xã hội thịnh vượng toàn diện” - trên thực tế là định nghĩa trực tiếp của “Giấc mơ Trung Hoa”, khái niệm khá mơ hồ được ông Tập giới thiệu vào năm 2013.

Mục tiêu trung tâm kéo theo ba phương diện khác cần được quan tâm. Thứ nhất là cải cách sâu sắc toàn diện, mà theo ông Tập cần kết hợp cải cách mạnh mẽ cả chính sách kinh tế lẫn chính trị. Theo đó, Trung Quốc sẽ tập trung vào tăng trưởng chậm nhưng chắc và ít gây hại cho môi trường, dành nhiều thời gian và nguồn lực phát triển các ngành kinh doanh tập trung vào dịch vụ thay vì dựa vào xuất khẩu từ nhà máy và các mảng công nghiệp khác. Chính phủ Trung Quốc đã hạ mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP), giảm xuống còn 7,4% năm 2014 từ mức 14,2% năm 2007. Ông Tập gọi đây là “sự bình thường mới”.

Tiếp đến là quản lý đất nước theo pháp luật toàn diện, thiết lập các tòa án bán độc lập để thúc đẩy quyền tự do tư pháp và giảm thiểu sự can thiệp của các quan chức đảng tại địa phương.

Cuối cùng là thực hiện kỷ cương Đảng toàn diện, mục tiêu liên quan mật thiết đến chiến lược cải cách chính trị sâu rộng do ông Tập chủ trương. Từ năm 2012, ông Tập đã bắt tay cải tổ nhân lực của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên diện rộng, loại trừ quan tham, trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp của cựu Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Chu Vĩnh Khang.

Những khái niệm trên sẽ mang lại sự thay đổi thực tế gì cho Trung Quốc trong thời gian tới vẫn còn là vấn đề mơ hồ. Giới học giả cho rằng thuyết "Tứ toàn" nếu chỉ là một lý luận đơn thuần, sẽ khó giành được sự ủng hộ của người dân, cần đưa vào áp dụng trong thực tiễn.

Học thuyết “Tứ toàn” có gì mới?

Việc đưa ra học thuyết chính trị mang đậm dấu ấn cá nhân là truyền thống của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Những khẩu hiệu tương tự từng được những người tiền nhiệm của ông Tập đưa ra, chẳng hạn như "Tam siêu" của ông Hồ Cẩm Đào hay "Ba đại diện" của ông Giang Trạch Dân.

Ba điểm “toàn diện” đầu tiên là những nội dung khá quen thuộc với các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, điểm thứ tư có vẻ như đang nói đến chiến dịch chống tham nhũng mà ông Tập đang tiến hành.

Tân Hoa xã nhận định chống tham nhũng chính là để dọn đường cho cải cách, thúc đẩy nhà nước pháp quyền. Tờ báo này viết: "Cải cách cần loại trừ sự cản trở của các nhóm lợi ích, cần một môi trường hoàn thiện và kiện toàn hơn, cần có ý thức về nguyên tắc, cần một đội ngũ cán bộ có năng lực cải cách".

Di sản của ông Tập

Tờ Wall Street Journal cho rằng việc quảng bá chính thức cho học thuyết mới của ông Tập vào thời điểm này không phải ngẫu nhiên, nhất là khi được công bố trước phiên họp Quốc hội và Chính hiệp thường niên tại Bắc Kinh vào tháng 3-2015.

Một số tờ báo đã cho rằng sự quảng bá rầm rộ học thuyết mới có thể phục vụ cho ý đồ kết nạp khẩu hiệu bốn điểm của ông Tập vào cương lĩnh của Đảng Cộng sản Trung Quốc, chuẩn bị cho kỳ đại hội đảng sắp tới, nhiều khả năng diễn ra vào năm 2017.

Như vậy, sau hai năm cầm quyền, ông Tập đã chính thức công bố lý thuyết sẽ trở thành di sản của cá nhân của ông trong lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc, sau những khẩu hiệu như “Bốn hiện đại hóa” của Chu Ân Lai, “Cải cách và mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, “Ba đại diện” của Giang Trạch Dân và “Tầm nhìn phát triển khoa học” của Hồ Cẩm Đào.

Tuy nhiên, câu hỏi liệu những khái niệm trên sẽ mang lại sự thay đổi thực tế gì cho Trung Quốc trong thời gian tới vẫn còn là vấn đề mơ hồ. Giới học giả cho rằng thuyết "Tứ toàn" nếu chỉ là một lý luận đơn thuần, sẽ khó giành được sự ủng hộ của người dân, cần đưa vào áp dụng trong thực tiễn

Phúc Minh (TBKTSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.