Dù chưa biết tương lai thế nào, nhưng ở thời điểm hiện tại, Nhựa Bình Minh (CTCP Nhựa Bình Minh – BMP) vẫn đang là DN dẫn đầu về những chuỗi ngày tươi đẹp trong hoạt động kinh doanh ngành nhựa VN…
Nếu xét thị phần trong ngành, Nhựa Bình Minh chưa phải là DN chiếm miếng bánh lớn nhất, nhựa Thiếu niên Tiền Phong (NTP) mới là đơn vị đang chiếm thị phần lớn nhất với tỉ lệ khoảng 25% toàn ngành, trong đó chủ yếu là 70% thị phần ở khu vực miền Bắc.

Miếng bánh lớn có là miếng bánh ngon ?

Ngược lại, Bình Minh đang thống lĩnh thị trường miền Nam với 90% thị phần và tính chung cả miền Trung là 50% thị phần, nhờ đó chỉ đứng sau Nhựa Tiền Phong về tỉ lệ thị phần xét trên toàn ngành với tỉ lệ 20%.

Tính toán chi li hơn, sẽ thấy dù vẫn dẫn đầu thị phần nhưng miếng bánh của Nhựa Tiền Phong có vẻ đã thu hẹp đi nhiều trong hai năm trở lại đây, căn cứ theo một thống kê từ Hiệp hội Nhựa VN VPA. Tại thời điểm thống kê năm 2010, Nhựa Tiền Phong chiếm gấp đôi thị phần hiện tại trên toàn ngành (tương đương 55%) còn Nhựa Bình Minh mới chỉ đạt phân nửa thị phần của NTP lúc đó (tương đương 20%). Rõ ràng, đã có một sự thay đổi kích cỡ của miếng bánh.

Có thể hiểu đơn giản là trong khi Nhựa Bình Minh tăng trưởng thị phần, thì Nhựa Tiền Phong – cũng là DN hoạt động cùng phân khúc chính với Nhựa Bình Minh là nhựa vật liệu xây dựng – lại đã có một bước lùi. Điều đáng ngạc nhiên là sự tăng trưởng của Nhựa Bình Minh lại được đặt trong bối cảnh ngành bất động sản đóng băng – nguyên nhân cơ bản khiến ngành nhựa vật liệu xây dựng cũng chững lại. Điều này đã thay đổi cơ cấu các phân khúc mà theo đó, phân khúc nhựa vật liệu xây dựng giảm trong khi nhựa gia dụng và nhựa kỹ thuật vẫn giữ mức ổn định. Còn nhựa bao bì tiếp tục giữ cơ cấu cao nhất do ăn theo sự tăng trưởng bất chấp khó khăn của ngành hàng tiêu dùng. Một số liệu từ ông Hồ Đức Lam - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VPA cũng cho biết thêm, tính đến cuối năm 2011, đã có 20% trong tổng số hơn 2.000 DN ngành nhựa phải đóng cửa. “Co cụm, khó khăn của DN này là cơ hội của DN kia”, có vẻ ứng với Nhựa Bình Minh. Vì vậy, dù miếng bánh lớn có thể chưa hẳn đều là miếng bánh ngon, nhưng dư vị trong phần thưởng thị phần đã nở ra của Nhựa Bình Minh, lại có vị ngọt đáng kể.

Thuật “làm nở bánh”

Tất nhiên, không phải bỗng dưng Nhựa Bình Minh tận dụng được thời cơ khó khăn của ngành để lấn lướt. Nếu nhìn trên toàn ngành nhựa, từ năm 2010 đến nay đều không hoàn toàn là những ngày bình minh tươi sáng. Trong thời gian này, ngành nhựa đã trải nghiệm quá nhiều khó khăn ở trên mọi phân khúc… với nguyên nhân không chỉ vì sự bất ổn nền kinh tế, thị trường co hẹp, từ biến động nguyên vật liệu, tỉ giá mà còn từ các chính sách quản lý, thuế suất cho hoạt động của DN ngành nhựa. Thậm chí nhiều DN cho rằng trong khoảng hơn 35 năm hoạt động của ngành, họ chưa bao giờ gặp khó khăn như vậy.

Song riêng với Nhựa Bình Minh, bề dày 35 năm lại là một lợi thế về mặt thời gian đủ cho DN tạo dựng thương hiệu, xây dựng các dòng sản phẩm, tìm kiếm khách hàng và củng cố vị thế trong top 500 DN lớn nhất VN. Và đủ sức để tỏa sáng cả giữa những ngày xám xịt.

Mỗi DN có một bí quyết khác nhau để tỏa sáng. Mỗi DN có một cách thức khác nhau để làm nở miếng bánh thị phần của mình. Với Nhựa Bình Minh, việc chiếm lĩnh thị trường trong nước được đặt ra ngay từ ban đầu, là mục tiêu nền tảng của DN. Nhưng đó không là mục tiêu duy nhất. Có thể hiểu nôm na là việc làm nở miếng bánh thị phần, cũng phải tỉ lệ thuận với việc tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, mở rộng con đường phát triển DN, đó mới là miếng bánh thực sự ngọt… Tất cả những mục tiêu, bí quyết này nghe chừng khá quen thuộc và thậm chí “chung chung” với nhiều DN, nhưng vận dụng nó để đạt được tốc độ phát triển nhanh mà không nóng vội, lại là một chuyện khác. Chuyện của những nhà kinh doanh biết tận dụng “thiên thời, địa lợi, nhân hòa”.

Có thể lấy ví dụ cụ thể hơn về thuật làm nở bánh của Nhựa Bình Minh. Chẳng hạn tại thời điểm hiện nay, trên thị trường VN, Nhựa Bình Minh vẫn có tiếng là DN đầu tiên sản xuất thành công các loại ống nhựa cỡ lớn: PVC đường kính 630 mm và HDPE đường kính đến 1.200 mm. Các sản phẩm ống nhựa này đóng góp tỉ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu và chủng loại sản phẩm của Cty, cũng là những sản phẩm có nhu cầu tiêu thụ cao không chỉ ở thị trường nội địa, do sản phẩm ống nhựa được sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực như xây dựng, nông nghiệp, công nghiệp, bưu chính, viễn thông… Điều này đương nhiên khẳng định vị thế thương hiệu Nhựa Bình Minh trong lòng người tiêu dùng.

Về mặt phân phối, ngoài chuyện quyết liệt xây dựng các đại lý phân phối trải rộng Bắc – Trung – Nam, có lẽ, Bình Minh cũng là DN nhựa tiên phong và duy nhất tính đến nay “dám” tổ chức hội nghị hệ thống cửa hàng phân phối sản phẩm tại Thái Lan ngay trong năm 2012 – thời điểm cực kỳ khó khăn với đại đa số DN. Hội nghị quy tụ hơn 600 nhà phân phối bán hàng trong nước của Nhựa Bình Minh. Và Nhựa Bình Minh hẳn đã đạt được mục tiêu kép: Ghi điểm son đối với các nhà phân phối cũng như với cổ đông lớn thứ hai của Nhựa Bình Minh hiện nay – Nawaplastic Industries (Saraburi) - Cty chuyên sản xuất và phân phối ông nhựa PVC và hiện đang là Cty mẹ của một tổ chức liên doanh chuyên cung ứng đầu vào cho Nhựa Bình Minh. Điều đáng nói, Saraburi do Thai Plastic and Chemicals PCL (TPC) nắm 100% vốn. Còn TPC lại do SCG - Tập đoàn Thái Lan đứng thứ 620 trong bảng tổng sắp các DN hàng đầu thế giới – nắm 45% vốn sở hữu. Chiến lược của SCG đang là nhắm vào nhiều DN VN trong các ngành vật liệu xây dựng thông qua hoạt động M&A để củng cố vị thế của mình, mở rộng “hậu phương” ở ngay “đất khách” mà Bình Minh, cũng như Nhựa Tiền Phong, là hai trong số các đích nhắm.

Quản trị tài chính cũng là thế mạnh của Nhựa Bình Minh, thể hiện qua sự ổn đinh dòng tiền và các quyết định sử dụng đồng vốn đầu tư hiệu quả. Nhựa Bình Minh đã từng góp vốn với một Cty để xây dựng cao ốc tại trụ sở ở đường Hậu Giang, quận 6, TP HCM. Dự án này đã được đình lại khi thị trường địa ốc khó khăn. Đổi lại, tại thời điểm hiện nay, Nhựa Bình Minh lại tiếp tục quyết định đầu tư cho lĩnh vực chính trong khi “chờ thời” địa ốc: Sẽ di dời nhà máy (trụ sở) về Long An. Bình Minh hiện cũng đang có 2 nhà máy ở Bình Dương và Hưng Yên – 2 đầu thành phố công nghiệp Bắc- Nam mà nhờ đó, đã tiết giảm được khá nhiều chi phí vận chuyển, chi phí phân phối bán hàng tới các đại lý, cũng như chi phí khai thác, tiếp cận và cung ứng cho khách hàng trực tiếp. Với tỉ lệ chi phí thấp nhất về tài chính (0,5%), bán hàng và quản lý (5,1%), gần như liên tục đảm bảo tỉ lệ lợi nhuận ròng so với doanh thu đạt mức cao nhất ngành nhựa - thuật làm nở bánh của Bình Minh có thể nói là rất “cổ điển”, nhưng không phải DN nào cũng làm được.

Ông Hồ Tôn Vương, cựu Giám đốc Marketing của Nhựa Đại Đồng Tiến cho rằng có bốn lý do để cho rằng, hàng nhựa VN có thế cạnh tranh tốt hơn, đó là dựa vào công nghệ, tay nghề, quản trị sản xuất và hệ thống phân phối. So ra, Nhựa Bình Minh đều “đạt chuẩn” cả 4 điều đó. Miếng bánh không nở mới là chuyện lạ.

Dấu hỏi về mục tiêu của một cổ đông ngoại?

Việc cổ đông ngoại lớn nhất của Nhựa Bình Minh có ý muốn nâng tỷ lệ sở hữu từ mức 20,4% hiện nay, lên kịch room 49%, đang khiến nhiều nhà đầu tư và các DN ngành nhựa quan ngại.

Miếng bánh ngon đương nhiên sẽ có nhiều người thèm muốn. Việc cổ đông ngoại lớn nhất của Nhựa Bình Minh có ý muốn nâng tỉ lệ sở hữu từ mức 20,4% hiện nay, lên kịch room 49%, đang khiến nhiều nhà đầu tư và các DN ngành nhựa quan ngại. Sự thay đổi tới đây của Nhựa Bình Minh ra sao, chắc chắn, sẽ phụ thuộc không nhỏ vào sự quyết định không chỉ của Ban lãnh đạo, HĐQT, mà còn phụ thuộc vào quyết định rất quan trọng của đại diện cổ đông lớn nhất từ nhà nước SCIC, chưa kể bên cạnh đó là một vài cổ đông ngoại khác từ các quỹ đầu tư vẫn đang có những động thái khó hiểu về việc vừa nỗ lực gom BMP, vừa phủ quyết (dù không đạt kết quả phủ quyết) các quyết định của HĐQT.

Nhìn về phía SCIC, rất khó tiên đoán khả năng đổi chiều của tiếng nói này. SCIC đã từng khẳng định chức năng của mình là trách nhiệm đầu tư vốn nhà nước, trước hết bảo toàn vốn và sau đó là mang lại lợi nhuận tốt nhất cho nguồn vốn đầu tư. Do đó, họ không có lý do gì để từ chối nếu các nhà đầu tư ngoại có thể thương thảo một mức giá cao, thật sự tốt hơn gấp nhiều lần với lợi tức kỳ vọng, cho số cổ phần BMP đang nắm giữ. Sự vụ SCIC mang cả chục ngàn tỉ đồng gửi ngân hàng năm qua cũng cho thấy rõ định hướng của TCty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước - như một DN. Và theo đó, nếu các nhà đầu tư từ Thái nắm được tỉ lệ cổ phần chi phối như mong đợi tại Nhựa Bình Minh, song song là Nhựa Tiền Phong, thì khoan hãy nói đến chuyện họ sẽ khuynh đảo và chi phối thị trường nhựa, ít nhất ở phân khúc nhựa vật liệu xây dựng VN ra sao. Chỉ riêng chuyện đây có còn là bình minh tươi đẹp của Nhựa Bình Minh, hay sẽ là hoàng hôn của một thương hiệu nhựa hàng đầu VN, cũng đã là chuyện rất đáng bàn.

Ngược lại, nếu khả năng khuynh loát và nắm giữ, thậm chí dẫn hai DN Bình Minh – Tiền Phong đi đến con đường sáp nhập theo chiều ngang để tăng sức mạnh của các nhà đầu tư Thái không trở thành hiện thực, mọi chuyện sẽ càng khó tiên đoán. Bởi rồi đây, không biết Nhựa Bình Minh và Nhựa Tiền Phong sẽ tiếp tục “so găng” ra sao, khi cả hai đều cùng cạnh tranh quyết liệt từng cen-ti-met trên một phân khúc của thị trường và trong khi đó, họ lại cùng có chung một cổ đông “lớn”, mà cổ đông này vừa có thể “tọa sơn quan hổ đấu”, vừa ở ngay trong ruột hai DN ?!

Lê Mỹ (Diễn đdàn doanh nghiệp)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.