Dư luận không còn mấy bàng hoàng khi mới đây, Cục Quản lý chất lượng sản phẩm hàng hóa (Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng) công bố kết quả kiểm nghiệm búp bê đầu trái cây và bóng hơi nhập khẩu từ Trung Quốc chứa chất độc phthalate vượt mức cho phép. Tuy nhiên, người tiêu dùng không khỏi đặt câu hỏi, DN Việt đang ở đâu trong “cuộc chơi” này ?
Hơn 90% thị trường đồ chơi trẻ em hiện nay là hàng nhập ngoại

Theo kết quả báo cáo mới đây, có khoảng hơn 90% thị trường đồ chơi trẻ em hiện nay là hàng nhập ngoại, trong đó chủ yếu là các sản phẩm của Trung Quốc với chất lượng không đảm bảo. Thị phần ít ỏi còn lại cho thấy, các nhà sản xuất đồ chơi trong nước dường như vẫn phải đứng bên lề cuộc chơi.

Nhà sản xuất gồng mình

Mang câu chuyện nguồn hàng trong nước khan hiếm, chúng tôi chia sẻ với đại diện lãnh đạo Cty TNHH Thiết bị giáo dục và đồ chơi Văn Minh - một Cty trong nước có tiếng chuyên sản xuất đồ chơi và cung cấp các thiết bị giáo dục, vui chơi giải trí cho trẻ em, đại diện Cty này chia sẻ, nguyên nhân chính là do DN trong nước quan tâm và đầu tư không đúng mức cho thị trường nội địa, chỉ tập trung cho các đơn hàng xuất khẩu. Trong khi đồ chơi Trung Quốc đáp ứng hầu hết các nhu cầu của khách hàng trong nước thì các sản phẩm sản xuất trong nước nghèo về mẫu mã, không có bộ phận chuyên thiết kế mẫu mới, giá cả và chất lượng còn nhiều bất cập.

Để có được một ngành đồ chơi Việt, thương hiệu đồ chơi Việt có uy tín, Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho ngành công nghiệp này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay mặc dù các DN sản xuất đồ chơi trong nước (trong đó có các nhà sản xuất đồ chơi gỗ lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế) thương hiệu cũng đã rất cố gắng tìm cách phát triển dòng hàng đồ chơi gỗ có riêng nhưng còn gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là giá thành sản phẩm cao hơn tới 30% so với sản phẩm cùng chất lượng nhập của nước ngoài. Hơn nữa, với nguồn vốn đầu tư còn hạn chế, các sản phẩm đồ chơi gỗ có thương hiệu riêng chỉ dừng lại khoảng 20 - 30 mẫu sản phẩm.

Vẫn còn nhiều cơ hội

Theo các chuyên gia, VN có những ưu thế nhất định khi tham gia vào ngành công nghiệp sản xuất đồ chơi, đó là giá nhân công rẻ, thợ có tay nghề khéo léo, nguồn nguyên liệu đầu vào (gỗ) sẵn có. Tuy nhiên, đặc thù ngành này đòi hỏi DN tham gia cần có kế hoạch đầu tư lâu dài, hướng nhiều về cộng đồng, tăng cường hoạt động nghiên cứu và phát triển một cách bài bản, có chiến lược xây dựng thương hiệu ngay từ khi tham gia thị trường. Vì vậy, để có được một ngành đồ chơi Việt, thương hiệu đồ chơi Việt có uy tín, Nhà nước cần có chính sách đầu tư thỏa đáng cho ngành công nghiệp này chứ không chỉ trông đợi vào nguồn đầu tư của một vài cá nhân, một vài Cty hay vài quỹ đầu tư tư nhân như hiện nay.

Mai Thanh (DĐDN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.