Dự án Xi măng Đô Lương (Nghệ An) sẽ về với chủ mới là Tập đoàn Xi măng The Vissai (Ninh Bình). Thương vụ này liệu có quá mạo hiểm với The Vissai?

The Vissai hiện có 5 nhà máy xi măng đang hoạt động. Ảnh: S.T

Tiếp sau thành công của thương vụ mua lại Nhà máy Xi măng Hòa Phát (huyện Thanh Liêm, Hà Nam) năm 2011, Tập đoàn Xi măng The Vissai đang hoàn tất các thủ tục pháp lý mua lại Dự án Xi măng Đô Lương (Nghệ An). “Về cơ bản, mọi việc đã xong từ vài tháng nay”, đại diện Tập đoàn The Vissai xác nhận như vậy khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về thương vụ này. The Vissai đang nỗ lực dồn vốn để đưa dự án này vào triển khai trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Nam Định, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết, Sở đang chờ CTCP Xi măng Đô Lương và Tập đoàn Xi măng The Vissai báo cáo về việc mua bán này, trên cơ sở đó sẽ tiến hành cấp lại Giấy chứng nhận đầu tư cho chủ mới.

Dự án Xi măng Đô Lương, có tổng mức đầu tư 1.738,9 tỷ đồng được triển khai từ năm 2007, do 4 cổ đông sáng lập là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama), Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 4 (Cienco 4), Tổng công ty Xây dựng số 1 (CCNo1) và CTCP Xi măng Cầu Đước. Tất cả hợp thành CTCP Xi măng Đô Lương với vốn điều lệ 450 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian góp vốn, Cienco 4 và CTCP Xi măng Cầu Đước đã lần lượt rút khỏi Dự án, đồng thời Lilama rút khỏi vị trí cổ đông chi phối, và nhường vị trí này cho Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị (HUD). Tiếp sau đó, CCNo1 và Lilama cũng lần lượt có văn bản xin rút khỏi tư cách cổ đông sáng lập của Dự án trong năm 2010 và 2011.

Trước sự rút lui của các cổ đông, CTCP Xi măng Đô Lương đã bất thành trong việc kêu gọi một số nhà đầu tư tham gia Dự án. Chính vì vậy, với quyết tâm mua lại Dự án trong thời điểm thị trường xi măng trong nước cực kỳ khó khăn, hàng sản xuất ra bán chậm, nhiều doanh nghiệp tồn kho rất lớn, liệu The Vissai có tự đưa mình vào thế khó?

Với việc mua lại Dự án Xi măng Đô Lương, The Vissai sở hữu 6 nhà máy xi măng, với tổng công suất trên 7 triệu tấn/năm. Năm 2010, The Vissai là doanh nghiệp đầu tiên trong ngành xi măng ký được hợp đồng xuất khẩu 1,2 triệu tấn clinker trị giá 50 triệu USD sang Bangladesh. Tuy vậy, việc phải huy động số vốn lên đến trên 1.700 tỷ đồng để tiếp nhận một dự án sản xuất xi măng lại là câu chuyện hoàn toàn khác.

Ông Nguyễn Vũ Thanh, Phó tổng giám đốc The Vissai thừa nhận, để lo được vốn đảm bảo tiến độ xây dựng Dự án Xi măng Đô Lương, doanh nghiệp rất mong chờ sự hỗ trợ từ Chính phủ tạo điều kiện tiếp cận được nguồn vốn. Trả lời câu hỏi, nếu việc huy động vốn cho Dự án Xi măng Đô Lương gặp khó, The Vissai có tính đến phương án liên doanh, liên kết cùng doanh nghiệp khác, ông Thanh cho biết, quyết định trên đã được Tập đoàn cân nhắc kỹ lưỡng.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.