Tin vào sự trợ giúp tới 70% của ông Trời, bầu Hiển âm thầm làm việc và thỉnh thoảng làm quả sốc, khi là thương vụ thành công trong kinh doanh, lúc vinh danh trên sân cỏ.

Ông Đỗ Quang Hiển là Chủ tịch Tập đoàn T&T, đồng thời là Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB). Ông không chỉ được biết đến với những thương vụ đầu tư trong các lĩnh vực công nghiệp, tài chính, bất động sản mà còn gây "ồn ào" trong đời sống bóng đá Việt mấy năm qua bởi sự mạnh tay chi tiền và có phần hơi... kỳ bí của mình. Chẳng biết từ khi nào, giới mê bóng đá gọi ông bằng cái tên đầy thân mật - bầu Hiển.


Bầu Hiển lúc nào cũng tươm tất. Mọi người ấn tượng ông ở thái độ nhỏ nhẹ, bình tĩnh trong công việc, hầu như chưa bao giờ trên sân cỏ thấy ông phấn khích thái quá hay vung vãi ngôn từ. Chính vì cái kiểu "yêu thể thao" rất riêng này nên đôi lúc chẳng thể đoán nổi ông có máu bóng đá hay không.


"Tôi không thích nói nhiều mà muốn khẳng định bằng việc làm", bầu Hiển tâm sự với VnExpress.net. Nếu để tự nói về mình, ông chỉ gói gọn một câu rằng đơn giản rằng: "Tôi là người may mắn và thành công đạt được có sự trợ giúp tới 70% của ông Trời. Vì lẽ này mà tôi không cho phép mình dừng lại. Bởi nếu dừng lại tức là tôi đã phụ công trời đất, phụ công những gì cuộc đời dành cho tôi", bầu Hiển nói.


Thất bại bạc tỷ của bầu Hiển

Khát vọng của bầu Hiển là có tên trong danh sách tỷ phú đôla của thế giới. Ảnh: Hoàng Hà.

Theo ông, đã là kinh doanh, ai cũng mong đạt được mục đích, mà đích cuối cùng là lợi nhuận. Tuy nhiên, có một cái khác lớn lao hơn, vượt trên tiền bạc và danh vọng mà nhiều doanh nhân cũng như ông đang phấn đấu không ngừng nghỉ, đó là giá trị thương hiệu, uy tín xã hội và niềm đam mê cá nhân.


Ở cái tuổi đã đạt được độ chín về trải nghiệm, bầu Hiển được đánh giá là một trong số doanh nhân thành công. Thế nhưng, có một bầu Hiển khác mà ít ai biết đến đó là những thương vụ thất bại, đang đứng ở ngưỡng thành công lại ngập sâu trong nợ nần. Chính từ những thất bại này đã hình thành trong ông một quan điểm sống, quyết tâm thực hiện mục tiêu. Và cũng từ đây, bầu Hiển đã tìm cho mình một triết lý kinh doanh duy nhất là "cẩn thận không bao giờ thừa". Có nghĩa là không có ai đứng mãi ở vị trí dẫn đầu, và thành công không bao giờ là vĩnh cửu, nếu không có sự chuẩn bị, thất bại có thể ập đến bất cứ lúc nào.


Sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức mẫu mực ở Hà Nội, sau khi tốt nghiệp ĐH Tổng hợp khoa Vật lý, kỹ sư Đỗ Quang Hiển về công tác tại Đài Phát Thanh Hà Nội. Chưa đầy 3 năm sau, ông chuyển sang làm tại Công ty Điện tử Hà Nội rồi Viện nghiên cứu Công nghệ Quốc gia. Cứ ngỡ kỹ sư Đỗ Quang Hiển sẽ gắn cả đời mình với công việc ở Viện nghiên cứu vì ở đó môi trường làm việc phù hợp với năng lực và hoàn cảnh gia đình. Tình cờ do cơ quan phân công, ông có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với thị trường, và rồi ngẫu nhiên, sự sôi động trong kinh doanh đã cuốn hút ông và trở thành niềm đam mê thấm trong từng huyết quản từ lúc nào không rõ.


Có tín với bạn hàng, lại được đối tác và bạn bè khích lệ, ông quyết định “dấn thân” vào kinh doanh, mạnh dạn nhận làm đại lý độc quyền cho một số hãng điện tử nổi tiếng như Panasonic, National, Mitsubishi… Những năm làm đại lý cho các hãng điện tử tên tuổi, Đỗ Quang Hiển đã tích lũy cho mình được những kinh nghiệm về thị trường và một hệ thống phân phối rộng khắp mà nhiều người mơ ước. Năm 1993 được coi là bước ngoặt lớn trong cuộc đời, ông xin ra khỏi biên chế nhà nước, thành lập Công ty TNHH T&T hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh các mặt hàng điện tử, điện lạnh, điện gia dụng. Bằng sự nhanh nhạy, linh hoạt, chịu khó tìm tòi học hỏi và những trải nghiệm trong thực tế, kỹ sư Đỗ Quang Hiển đã từng bước đưa T&T vượt qua khó khăn của những ngày đầu khởi nghiệp và khẳng định uy tín trên thương trường.


Hồi những năm 1995-1996, sản phẩm của ông được xếp vào diện bán chạy trên thị trường với doanh thu rất cao, thị phần tiêu thụ ngày càng được mở rộng. Ông như người đi trong mơ với kết quả đạt được khá ấn tượng này. Thừa thắng xông lên, bầu Hiển đặt lệnh đưa hàng về chất đầy kho. Thế nhưng thương vụ năm ấy, bầu Hiển tổn thất nặng do bị hàng lậu cạnh tranh. Số nợ lên tới gần 40 tỷ đồng, gồm 7 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu và trên 30 tỷ đồng nằm trong kho. Ngân hàng thúc nợ, cơ quan thuế phát lệnh truy thu, bầu Hiển rơi vào tình cảnh khó khăn chưa từng có. Lúc bấy giờ, ông mới giật mình nhìn lại xung quanh chẳng có ai gánh hộ món nợ và có thể chung tay cùng ông vượt qua giai đoạn khó khăn.


"Tôi đã nói với anh em rằng, tôi là kẻ thất bại và khó khăn mình tôi sẽ gánh chịu chịu. Tôi đã quyết định sai, tôi sẽ là người đứng ra gánh vác trách nhiệm", ông nói. Bầu Hiển đau đớn quyết định "giải phóng" nhân viên giỏi sang làm việc ở đơn vị khác vì không muốn họ vì mình mà lỡ dở sự nghiệp. Những người còn lại ông động viên cùng mình vượt qua khó khăn và ông hứa sẽ mang lại cuộc sống tốt đẹp cho họ và gia đình. Lời hứa của ông đã mang lại giá trị, sau khoảng một năm lăn lộn ra thị trường, cùng bán hàng và chào sản phẩm ở khắp mọi nơi, bầu Hiển đã bước đầu "gỡ" được vốn. Lượng hàng tồn trong kho được giải phóng và ông cũng dần lấy lại được thị phần. "Quả là khi ấy tôi thấm thía được thế nào là nỗi cơ cực của kẻ bị thúc nợ", bầu Hiển tâm sự.


Cũng chính lúc khó khăn nhất, bầu Hiển hiểu rằng nếu chỉ kinh doanh thương mại thuần túy, làm đại lý cho nước ngoài, rủi ro cao và ông sẽ mãi chỉ là người phân phối sản phẩm, gia công và mượn thương hiệu của người khác. Chẳng có cái gì là của riêng ông và làm lên giá trị của chính mình.


Năm 1998, bầu Hiển quyết định đầu tư sang lĩnh vực lắp ráp xe máy. Khi quyết định chuyển hướng kinh doanh, ông nhận thấy xe máy là thị trường tiềm năng mà chưa có doanh nghiệp nào tham gia. Xe máy lúc bấy giờ cũng là phương tiện mơ ước của nhiều người. Nghĩ là làm, năm 2000, nhà máy sản xuất động cơ xe máy T&T Hưng Yên ra đời với số vốn đầu tư khoảng 20 triệu USD. Đến năm 2003 chiếc xe máy đầu tiên mang thương hiệu Việt ra mắt thị trường, với tỷ lệ nội địa hóa đến 90% và giá rẻ bằng 1/3 sản phẩm ngoại.


Xe máy mang hiệu T&T ra đời đã nhanh chóng nhận được sự cảm tình của và trở thành phương tiện phục vụ đời sống của người dân VN tại các vùng nông thôn. T&T cũng tiến hành xuất khẩu sang các nước Nam Mỹ và châu Phi đạt kim ngạch 5 triệu USD mỗi năm. T&T còn có thế mạnh trong các sản phẩm khác như điều hòa không khí Kamikaze, điện thoại di động Bird. Điều hòa Kamikake (Gió thần) hiện đang chiếm 20% thị phần miền Bắc và phát triển tại Nam Bộ và miền Trung.


Năm 2005, T&T chuyển sang lĩnh vực tài chính theo đúng mô hình phát triển của một tập đoàn như góp vốn đầu tư ngân hàng, công ty chứng khoán, Quỹ đầu tư, Bảo hiểm, mở công ty bất động sản.


Khi sự nghiệp kinh doanh đã đạt được độ chín, ông mới quyết định theo đuổi niềm đam mê từ nhỏ của mình ở bộ môn bóng đá. Ông đặt tham vọng xây dựng một nền công nghiệp bóng đá tại Việt Nam.


Ông sôi nổi nói về lần gặp cầu thủ bóng đá đội Thể Công - Triệu Quang Hà cách đây 5 năm. Hai người rất tâm đắc với ý tưởng thành lập một câu lạc bộ bóng đá. Ít lâu sau, Câu lạc bộ bóng đá mang tên T&T VN ra đời đi từ hạng 3 rồi dần dần lên hạng nhất rồi lọt vào V-League. Khi ấy, nhiều người hỏi ông sao không mua ngay một câu lạc bộ bóng đá danh tiếng, ông chỉ mỉm cười. Không có cái gì vinh quang hơn bằng chính công sức mà mình bỏ ra.


Sau gần 5 năm nhảy sang lĩnh vực bóng đá, số tiền bầu Hiển đã chi mà chưa thu lại được một đồng nào đã lên tới 70 tỷ đồng. Mỗi lần xuất chi, kế toán sốt ruột lắm. "Và tôi cũng hiểu rằng, nếu không có niềm đam mê thì không làm được bóng đá. Hay nói cách khác là làm bóng đá khó hơn kinh doanh. Bạn biết không, tôi đã được hưởng niềm vui chiến thắng của một nhà vô định. Cảm giác khó tả và không thể mua được bằng tiền và chẳng kém gì khi mình gặt hái được thành công trong kinh doanh", ông nói.


Theo ông, trong kinh doanh cũng như bóng đá nếu muốn thành công, ngoài niềm đam mê còn phải có mục tiêu rõ ràng. Bầu Hiển thừa nhận trong bóng đá, ông mới thành công một nửa. Khi nào bóng đá chưa mang lại nguồn thu tức là chưa thành công. Và giống như bao doanh nhân khác, bầu Hiển cũng có một khát vọng là ước mơ trở thành người Việt Nam đầu tiên lọt vào danh sách tỷ phú của thế giới. "Đây là khát vọng và niềm tự hào dân tộc mà tôi tin bất cứ doanh nhân nào cũng mong muốn đạt được và đang phấn đấu để thành công", bầu Hiển nói.


Theo Hồng Anh (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.