Trong bài phát biểu đầu tiên trên cương vị mới vào ngày 17.3.2013, Chủ Tịch Tập Cận Bình đã nêu khẩu hiệu “Giấc mơ Trung Quốc”. Hàm ý của ông có thể được hiểu về khát khao tiếp tục đưa Trung Quốc tiến ra biển lớn, vực dậy giấc mơ về một Trung Quốc vĩ đại. Giấc mơ mà Trung Quốc đã âm thầm chuẩn bị cách đây hơn 2 thập niên từ lời kêu gọi “ẩn mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình.

Kinh tế tiếp tục cất cánh?

Trung Quốc sẽ đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới

Thành tựu tăng trưởng kinh tế trong trong quá khứ đã biến Trung Quốc từ một quốc gia nghèo đói trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, thâm chí Trung Quốc cũng không dấu diếm tham vọng vượt qua Mỹ trở thành nền kinh tế thống trị thế giới.

Trung Quốc sẽ vượt Hoa Kỳ? Có rất nhiều những tranh luận về vấn đề này, một số học giả cho rằng Trung Quốc sẽ sớm vượt Mỹ chỉ trong vài thập niên tới, nhưng cũng không ít ý kiến cho rằng Trung Quốc sẽ chưa thể làm được điều này từ chính những mâu thuẫn của bản thân nền kinh tế.

Đơn cử, với mô hình tăng trưởng kinh tế khá ấn tượng nhưng cũng đã để lại những hậu quả không nhỏ đối với Trung Quốc. Tự nhiên bị tàn phá nặng nề, ô nhiễm môi trường, khai khác khoáng sản đến mức cạn kiệt. Mô hình tăng trưởng dựa trên mức vốn đầu tư quá cao, tín dụng nới lỏng dễ dàng cũng khiến nước này trở thành một trong những quốc gia có tỷ lệ tín dụng/GDP hiện thuộc hàng cao nhất thế giới.

Thời gian qua, chiến lược xuất khẩu hàng hóa giá rẻ giúp Trung Quốc có thăng dư thương mại khổng lồ nhưng cũng gây ra tình trạng mất cân bằng cán cân thương mại thế giới. Việc giữ giá thấp đồng Nhân dân tệ so với giá trị thực đã góp phần thúc đẩy xuất khẩu nhưng cũng nhận được sự phản đối mạnh mẽ từ các nước Phương Tây.

Michael Pettis, một chuyên gia kinh tế nổi tiếng về Trung Quốc, hiện là giảng viên tại Đại học Bắc Kinh cho rằng, nhất định Trung Quốc phải cân bằng lại nền kinh tế để có thể duy trì tăng trưởng bền vững trong thời gian tới gồm tiếp tục đẩy mạnh tiêu dùng trong nước và kềm chế việc cung cấp tín dụng dễ dãi cho các dự án đầu tư.

Ông Pettis đề nghị Chính phủ nước này trước hết nên chuyển giao nguồn lực từ các tập đoàn kinh tế nhà nước vốn đang thống trị nền kinh tế sang hộ gia đình, giúp họ chi tiêu nhiều hơn, tức nâng cao mức sống của người dân, góp phần vừa mang lại lợi ích cho Trung Quốc vừa cho cả thế giới. Nhưng rõ ràng, đây là điều không dễ thực hiện cho bộ đôi Tập Cân Bình - Lý Khắc Cường vì sẽ đung chạm đến các nhóm lợi ích vốn đã ăn rễ quá sâu trong xã hội cùng với những đặc quyền không giới hạn.

Năm, 2012, cựu Thủ Tướng Ôn Gia Bảo từng tuyên bố sẽ cải tổ hệ thống Ngân hàng Nhà nước vốn đã hưởng lợi rất nhiều từ chính sách hỗ trợ của Chính phủ. “Phải thừa nhận một cách trung thực rằng hệ thống ngân hàng của chúng ta kiếm tiền quá dễ. Vì sao? Do nhóm nhỏ các ngân hàng lớn nhất đang giữ vị thế độc quyền. Chúng ta phải cho phép vốn tư nhân được phép tham gia thị trường tài chính nhiều hơn”, cựu Thủ Tướng Trung Quốc nói.

Vì vậy tân Thủ Tướng Lý Khắc Cường vốn có học vị tiến sĩ kinh tế và cả bằng cử nhân luật, chắc chắn hiểu rõ điều ông Ôn muốn nói, nhưng việc ông Lý sẽ tiếp tục cải tộ mạnh mẽ theo chính sách của người tiền nhiệm vẫn cần thời gian để đánh giá.

Tiếp tục bành trướng sức mạnh kinh tế của mình, vài năm gần đây, nhờ nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ và tình hình suy thoái của các quốc gia Phương Tây, các tập đoàn kinh tế nhà nước của Trung Quốc đã tăng cường việc thâu tóm các nguồn tài nguyên và tài sản lớn khắp thế giới.

Năm 2012, tập đoàn dầu khí quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đã chi ra 15,1 tỉ USD để thâu tóm công ty dầu khí Nexen (Canada). Dù gặp nhiều phản đối từ anh cả Hoa Kỳ, nhưng Chính phủ Canada cuối cùng đã đồng ý cho tiến hành thương vụ này vào cuối năm qua.

Nhằm đảm bảo an ninh năng lượng, Trung Quốc cũng cung cấp tín dụng cho các quốc gia Mỹ La tinh giàu tài nguyên như Venezuela, Brazil, Ecuador để đổi lại những hợp tác tiền tỉ về năng lượng. Chiếc vòi của Trung Quốc còn vươn tới Châu Phi, Úc, Mông cổ và Kazakhstan.

Đối với khu vực Eurozone, Trung Quốc cũng đã thâu tóm hải cảng nổi tiếng Piraeus của Hi Lạp và mua lại công ty đóng du thuyền nổi tiếng Ferretti của Ý. Các công ty đầu tư nhà nước cũng đã thâu tóm các dự án bất động sản nổi tiếng tại Anh Quốc như Winchester House, mua 40% cổ phần của tập đoàn UPP - nhà cung cấp các cơ sở hạ tầng đại học hàng đầu của Anh.

Tất nhiên, quá trình bành trướng của Trung Quốc chắn chắn sẽ bị các quốc gia lớn như Ấn Độ, Nga, Nhật, Hàn Quốc, Mỹ săm soi kỹ lưỡng. Họ vừa muốn bắt tay làm ăn với Trung Quốc, vừa liên kết với nhau để chống lại sự bành trướng này.

Ngoài ra, cách làm ăn của các doanh nghiệp Trung Quốc cũng đang gây ra nhiều rắc rối tại các quốc gia mà họ đầu tư. Cuối 2012, tại một làng nhỏ của Myanmar, người dân tại đây đã biểu tình phản đối các dự án khai khác đồng của Trung Quốc vì lý do phá hủy môi trường. “Nước, không khí, và đất đai đã bị ô nhiễm nặng. Chúng tôi không thể uống nước từ giếng. Bầu khí quyển thì bị bao phủ bởi mùi vị của acid lưu huỳnh. Chúng tôi không thể trồng trọt được nữa”, một nông dân nói trên tờ GlobalPost.

Chính trị liệu có ổn?

Dù đã là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới nhưng Trung Quốc vẫn là quốc gia đang phát triển với khoảng 128 triệu người sống ở mức nghèo đói. Sự phát triển mất cân đối giữa thành thị và nông thôn, khoảng cách giàu nghèo mở rộng, tham nhũng nghiêm trọng, những cuộc phản đối của các hộ nông dân bị mất đất sẽ là những thách thức lớn cho Chủ Tịch Tập Cân Bình trong sách lược ổn định tình hình chính trị xã hội trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình.

“Xây dựng một xã hội thịnh vượng, hoàn thành mục tiêu xây dựng một quốc gia hiện đại hài hòa, phát triển, dân chủ, thịnh vượng và mạnh mẽ. Cần phải làm sống lại giấc mơ Trung Quốc”, Chủ tịch Tập thể hiện tinh thần dân tộc trong bài phát biểu trước Quốc hội hôm 17.3.

Ngoài những vấn đề trong nước, thế hệ lãnh đạo thứ năm của Trung Quốc sẽ phải đối mặt với các thách thức lớn từ quốc tế, mà đối thủ lớn nhất chính là Mỹ.

Thời gian qua, Mỹ ngày càng củng cố liên kết với các quốc gia đồng minh trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Philippines, Singapore, Thái Lan cùng việc cải thiện mối quan hệ với các quốc gia khác trong khu vực như Việt Nam, Myanmar, Ấn Độ và Indonesia.

Các vấn đề nhạy cảm về Đài Loan, Tây Tạng, Triều tiên cùng những cuộc xung đột lãnh hải với các quốc gia láng giềng cũng góp phần đẩy rủi ro chính trị tăng cao trong thời kỳ của Tập Cận Bình so với người tiền nhiệm Hồ Cẩm Đào.

Để đối phó với những thách thức này, Trung Quôc đã tăng cường mối quan hệ với các quốc gia không có tranh chấp lợi ích trực tiếp với mình như Pakistan để tiến vào Ấn Độ Dương, củng cố vai trò tại Đông Nam Á thông qua quan hệ với Campuchia, Thái Lan. Đặc biệt, Trung Quốc ngày càng mở rộng quan hệ kinh tế với các quốc gia Châu Phi và Mỹ La Tinh.

Gần đây, Trung Quốc cùng với các nhóm các nền kinh tế BRICS còn công khai ý định thành lập ngân hàng quốc tế chung để đối chọi với các định chế tài chính toàn cầu là World Bank và IMF.

“Vực dậy một Trung Quốc vĩ đại”, mong muốn của Chủ tịch Tập chắc chắn sẽ gặp khá nhiều thách thức và chỉ có thời gian mới trả lời tất cả.

Sơn Nguyễn (Đất Việt)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.