Thu hoạch hành tím ở Vĩnh Châu.

Nước mắt mùa thu hoạch

Những ngày này, về Vĩnh Châu, nơi nào cũng bắt gặp hành tím được chất đống ngoài ruộng chờ thương lái đến mua. Bà Châu Thị Sáu ở khóm Cà Lăng B, buồn bã: “Hai năm trước, giá cả bấp bênh, gia đình tui trồng hành toàn thua lỗ. Đến đầu vụ này, tui vay 5 triệu đồng cộng với tiền nhà tiếp tục đầu tư 2 công hành tím. Mấy ngày qua, thu hoạch được hơn 4 tấn hành, chờ mỏi mắt mới có thương lái đến mua. Họ trả giá rẻ mạt, chỉ 3.500đ/kg. Ban đầu tui định không bán, nhưng sợ mặc cả, thương lái bỏ đi, nên đành bán tháo bán đổ. Với giá này còn chưa đủ hoàn vốn, lấy đâu ra tiền trả nợ đầu vụ và thua lỗ hai năm trước”. Tương tự, chị Thạch Thương (cũng ngụ khóm Cà Lăng B) than thở: “Năm trước, hành tím rớt giá thảm hại, nên tui quyết định trữ lại chờ giá lên. Nào ngờ, chỉ hơn tháng sau, toàn bộ 6,5 tấn hành của 3 công đất đều bị thối do thời tiết xấu. Năm nay, hành thu hoạch xong thương lái chỉ trả giá 2.000đ/kg nên đành để lại, mong giá tăng lên chút ít để gỡ lại phần nào chi phí. Nhưng hơn 20 ngày qua, 6,5 tấn hành vẫn còn y nguyên, chưa ai đến hỏi mua”.

Theo tính toán của các nông hộ, năm nay, mọi chi phí đầu vào đều tăng, mỗi công hành, bà con phải đầu tư đến 13 triệu đồng (tăng 2 - 5 triệu đồng so với vụ trước). Phòng Kinh tế Thị xã Vĩnh Châu cho hay, giá thành sản xuất mỗi cân hành tím là 7.000đ, nhưng thời điểm này, giá bán các loại hành, dù chất lượng tốt, củ to, đẹp cao nhất cũng chỉ được 5.000 - 7.000đ/kg, nông dân coi như từ hòa đến lỗ. Anh Trịnh Văn Đức - một thương lái thu mua hành ở Vĩnh Châu - không giấu giếm: “Do hành đang bí đầu ra, nên phải thu mua với giá rẻ. Có người chỉ bán được 1.500đ/kg, tui đưa tiền, họ cầm trên tay mà mặt buồn não nuột. Có hộ trước đây trồng tới 15 - 20 công hành/vụ, giờ chỉ dám trồng 2 - 3 công, vì sợ ôm nợ…”.

Bán không được, sao vẫn nhập từ Ấn Độ?

Ông Lê Minh Chí - Phó Phòng kinh tế Thị xã Vĩnh Châu - cho biết: “Hiện đã có hơn 2.600ha trên tổng số 5.200ha trồng hành được bà con thu hoạch, số còn lại đang trong giai đoạn thu hoạch rộ. Từ nhiều năm nay, mỗi khi bà con bước vào thu hoạch vụ hành sau tết là ngành nông nghiệp như ngồi trên đống lửa, bởi điệp khúc “được mùa, mất giá” đến nay vẫn chưa có hồi kết. Bằng nhiều nỗ lực, thị xã đã hỗ trợ người dân áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chọn giống tốt… Hiện nay, năng suất, chất lượng hành tím Vĩnh Châu luôn đứng đầu cả nước, chỉ ngặt một nỗi, đầu ra vẫn “tắc”, nên bài học thị trường đến nay chỉ là nỗi lo treo lơ lửng”.

Trước đây, hành tím Vĩnh Châu xuất khẩu sang Indonesia đến 70 - 80%, nhưng giờ rất hạn chế, nhỏ giọt. Mỗi năm, hành tím Vĩnh Châu luôn khan hàng, sốt giá vào dịp giáp tết. Nhưng thời điểm đó, hành chỉ trồng được trên gò đất cao với diện tích chưa đến 1.000ha. Trong khi vụ hành sau tết là chủ lực lại luôn gặp cảnh mất giá triền miên. Bà Lý Thị Hương - một thương lái lâu năm - phân tích: “Trước đây, chủ yếu xuất sang Indonesia, nhưng giờ nước bạn không nhập nữa, dẫn đến tắc đầu ra. Trớ trêu là trong khi hành trong nước chất đống, bán không được, mình lại liên tục cho nhập hành từ Ấn Độ”.

Còn theo ông Chí, dù rất nỗ lực, nhưng đến nay hành tím Vĩnh Châu vẫn chưa thể vào được các siêu thị nội địa. “Qua công tác xúc tiến thương mại, chúng tôi nhận thấy thị trường Brazil là rất tiềm năng, nhưng địa lý quá xa xôi, tốn kém nhiều chi phí, ở cấp thị xã không thể nào kham nổi, nên cũng đành… bó tay” - ông Chí chua chát.