Cập nhật 15/06/2020 8:04 AM
Tiến sĩ nghiên cứu tâm lý tại Đại học Harvard đã chỉ ra những đặc điểm của người sở hữu trí thông minh cảm xúc - yếu tố tạo ra sự khác biệt của những người thành công.

Để một người thành công trong công việc, chắc chắn phải kể tới các yếu tố như kiến thức, sự thông minh và tầm nhìn. Thế nhưng, điều thực sự tạo ra sự khác biệt ở các lãnh đạo thành công nhất trên thế giới đó là trí thông minh cảm xúc, hay còn gọi là khả năng xác định và điều tiết cảm xúc của bản thân và những người xung quanh.

Ngày nay, các công ty thường đề cao các ứng viên có trí thông minh cảm xúc và thúc đẩy nhân viên của họ trau dồi kỹ năng này, bởi rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người có trí thông minh cảm xúc tốt thì hiệu suất làm việc sẽ càng cao.

Daniel Goleman là một nhà tâm lý học và tác giả của những cuốn sách về trí thông minh cảm xúc bán chạy nhất. Daniel nhận bằng tiến sĩ tâm lý học và phát triển nhân cách từ Đại học Harvard. Sau khi dành 25 năm để viết sách và thúc đẩy nghiên cứu về chủ đề này, ông đã chỉ ra 4 đặc điểm chính bao gồm 12 năng lực thường thấy ở những người sở hữu trí thông minh cảm xúc.

Bằng cách xem xét các năng lực dưới đây, và đánh giá trung thực về điểm mạnh và điểm yếu của mình, bạn có thể tìm ra hướng phát triển bản thân để thành công hơn trên con đường xây dựng sự nghiệp phía trước.

1. Khả năng tự nhận thức

Tự nhận thức là khả năng điều chỉnh cảm xúc của chính mình. Nó giúp bạn biết bản thân đang cảm thấy thế nào và những cảm xúc đó đang giúp đỡ hay làm phá hoại những gì bạn đang làm.

Phẩm chất thuộc năng lực tự nhận thức:

Tự nhận thức về cảm xúc của bản thân: Là khả năng hiểu những điểm mạnh và hạn chế của chính mình; biết rõ khả năng của mình và biết khi nào nên dựa vào người khác trong nhóm.

Phát triển các kỹ năng này như thế nào?

Mỗi khoảnh khắc là một cơ hội để bạn thực hành kỹ năng tự nhận thức. Một trong những chìa khóa là thừa nhận điểm yếu của bạn. Ví dụ, nếu bạn đang gặp khó khăn với một nhiệm vụ nào đó trong công việc, hãy trung thực về các kỹ năng bạn cần phải trau dồi để thành công.

Bạn cũng nên ý thức về các tình huống và sự kiện diễn ra trong cuộc sống hàng ngày. Nếu bạn gặp thất bại, hãy xác định những lý do đằng sau và đừng bỏ qua bất kỳ tín hiệu nào đi kèm với cảm giác của bạn trong thời điểm đó.

2. Khả năng tự quản lý

Tự quản lý là khả năng giữ những cảm xúc đứt gãy và bốc đồng trong tầm kiểm soát. Đây là một kỹ năng cần thiết đối với các nhà lãnh đạo, đặc biệt trong những tình huống mà họ cần phải bình tĩnh để trấn an nhân viên vượt qua các cuộc khủng hoảng.

Những phẩm chất quan trọng thuộc năng lực tự quản lý:

Tự kiểm soát cảm xúc: Là khả năng giữ bình tĩnh trước những áp lực và hồi phục nhanh chóng sau những khó khăn; biết cách cân bằng cảm xúc của mình vì lợi ích của bản thân và người khác, hoặc vì lợi ích của một nhiệm vụ, sứ mệnh, tầm nhìn nhất định.

Khả năng thích ứng: Những người có phẩm chất này thường rất nhanh nhẹn, linh hoạt với sự thay đổi và không chắc chắn. Họ có thể tìm ra các giải pháp mới để đối phó với những thách thức nhanh chóng và có thể cân bằng nhiều nhu cầu cùng một lúc.

Định hướng thành tích: Những người định hướng thành tích luôn phấn đấu để đáp ứng, thậm chí vượt qua những tiêu chuẩn đề ra. Họ thích được nghe những đánh giá về sự thể hiện của mình và không ngừng tìm cách để làm mọi thứ tốt hơn.

Tầm nhìn tích cực: Đây là những người luôn nhìn thấy những điều tốt đẹp và tích cực trong mọi việc. Đây là một phẩm chất vô cùng quý giá, giúp xây dựng khả năng phục hồi và tạo tiền đề cho những đổi mới và cơ hội phát triển.

Phát triển các kỹ năng này như thế nào?

Để phát triển bộ kỹ năng quan trọng thuộc năng lực tự quản lý, lời khuyên là đừng hoảng loạn hay nghiền ngẫm nỗi buồn khi khó khăn xảy đến. Hãy hít thở sâu và quản lý cảm xúc của bạn. Thêm vào đó, hãy chấp nhận rằng sẽ luôn có những thay đổi và thử thách bất ngờ trong cuộc sống. Cố gắng hiểu bối cảnh của tình huống và điều chỉnh chiến lược hoặc ưu tiên của bạn dựa trên những gì quan trọng nhất tại thời điểm đó.

3. Khả năng nhận thức xã hội

Khả năng nhận thức xã hội được biểu hiện thông qua việc đọc và giải thích chính xác cảm xúc của những người khác, chủ yếu thông qua các tín hiệu phi ngôn ngữ. Các nhà lãnh đạo có khả năng nhận thức xã hội tốt giỏi lắng nghe, giao tiếp hiệu quả và có thể làm việc với nhiều loại người khác nhau.

Những phẩm chất quan trọng thuộc năng lực nhận thức xã hội:

Đồng cảm: Những người có khả năng đồng cảm luôn chú ý tới người xung quanh và dành thời gian để lắng nghe và chia sẻ với cảm giác của đối phương.

Nhận thức có tổ chức: Người sở hữu kỹ năng này có thể dễ dàng đọc được các dòng cảm xúc và động lực trong một nhóm hoặc tổ chức. Đôi khi họ thậm chí có thể dự đoán cách một người nào đó trong nhóm có thể phản ứng trong các tình huống nhất định, cho phép họ tiếp cận các tình huống một cách chiến lược.

Phát triển các kỹ năng này như thế nào?

Yếu tố đầu tiên và quan trọng nhất để có khả năng nhận thức xã hội tốt là lắng nghe tốt. Đừng luôn giành phần nói, thay vào đó hãy đặt câu hỏi và lắng nghe mọi người xung quanh. Thêm vào đó, hãy gạt bỏ những định kiến và đặt mình vào vị trí của đối phương. Khi bạn làm những điều này, bạn sẽ hiểu hơn về những gì đối phương đang trải qua và ít phán xét hay trêu chọc họ.

4. Khả năng quản lý các mối quan hệ

Quản lý các mối quan hệ là kỹ năng cho phép một người hành động theo cách thúc đẩy, truyền cảm hứng và hòa hợp với người khác; đồng thời duy trì các mối quan hệ quan trọng.

Những phẩm chất thuộc năng lực quản lý các mối quan hệ:

Ảnh hưởng: Khả năng tập hợp sự ủng hộ từ mọi người xung quanh, xây dựng một nhóm gắn kết và sẵn sàng chinh phục mọi nhiệm vụ.

Huấn luyện và cố vấn: Thúc đẩy việc học tập lâu dài bằng cách đưa ra phản hồi và hỗ trợ; đặt quan điểm cá nhân để thuyết phục mọi người có động lực và hiểu hơn về những kỳ vọng của họ.

Quản lý xung đột: Khả năng xử lý các bất đồng giữa nhiều bên và tìm cách làm hài lòng tất cả các bên.

Làm việc nhóm: Khả năng tương tác tốt như một thành viên trong nhóm và có thể làm việc với những người khác; tích cực tham gia vào các nhiệm vụ, chia sẻ trách nhiệm và phần thưởng, và đóng góp vào sự thành công của cả nhóm.

Truyền cảm hứng: Khả năng truyền cảm hứng và hướng dẫn người khác hướng tới tầm nhìn tổng thể.

Phát triển các kỹ năng này như thế nào?

Nếu bạn là một người tiêu cực, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc quản lý các mối quan hệ lâu dài. Lời khuyên là thay vì tập trung vào những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra, thì hãy cố gắng xem bản thân là một tác nhân của sự thay đổi tích cực. Chú ý chăm sóc các mối quan hệ cũ, mở rộng thêm các mối quan hệ mới, điều này sẽ rất có ích cho cuộc sống và sự nghiệp của bạn.

Hoàng Lan (Tổ quốc)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….