Ở nước này, mỗi lần vào Internet, nhiều người ở độ tuổi 20 thậm chí xem bảng giá chứng khoán trước cả khi lướt mạng xã hội.

Annie An - một trong những sinh viên đại học 22 tuổi tại Trung Quốc cho biết: "Khi tôi tham gia vào thị trường, tất cả mọi người đều đang kiếm được tiền. Ai cũng cho rằng ngay cả những kẻ ngốc nghếch cũng có thể có lãi".

An dĩ nhiên không phải là một kẻ ngốc. Cô là một sinh viên đại học chăm chỉ ở Bắc Kinh, có thể tự trả tiền học phí cho mình. An đã làm thêm từ nhiều năm nay và đầu tư khoản tiền tiết kiệm của mình vào thị trường chứng khoán từ tháng 6/2015. Cô hy vọng mình có thể kiếm được lợi nhuận từ đó.

Nhưng rồi chứng khoán Trung Quốc bắt đầu lao dốc, vốn hóa bốc hơi hàng nghìn tỷ USD chỉ trong vài tuần. Với An, điều đó cũng có nghĩa gần một nửa số vốn 20.000 NDT (3.200 USD) đã biến mất. Đối với một sinh viên Trung Quốc phải tự trả học phí, số tiền nêu trên là rất lớn.

Ngày càng nhiều sinh viên Trung Quốc thích chơi chứng khoán. Ảnh: Reuters

Cô nói: "Tôi đã rất buồn. Đó là quãng thời gian quá khó khăn. Tôi cần số tiền đó". Vì vậy, An cắt lỗ, rút lui khỏi thị trường và thề rằng không bao giờ quay lại.

"Tất cả những người mà tôi biết đều đã xóa ứng dụng đầu tư khỏi điện thoại. Không ai muốn làm bất cứ điều gì với nó nữa", An cho biết.

An là một trong hàng triệu người đã mở tài khoản giao dịch trong nửa đầu năm 2015 tại Trung Quốc. Khi đó, chứng khoán nước này tăng chóng mặt và các phương tiện truyền thông nhà nước cũng thường xuyên đưa tin rằng xu hướng đó chỉ mới bắt đầu.

Những người có rất ít kiến thức về chứng khoán và rủi ro đầu tư đã đổ hết tiền tiết kiệm vào đây. Và thế là khi thị trường chao đảo, họ gần như mất trắng.

Chính phủ Trung Quốc đã áp dụng rất nhiều biện pháp can thiệp để ổn định thị trường, như bơm hàng tỷ USD nhằm tăng thanh khoản. Hoạt động chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) bị đình chỉ và các cổ đông lớn bị cấm bán ra. Nhờ đó, thị trường đã ổn định lại trong một thời gian ngắn.

Vì thế, dù An đã thề không quay lại thị trường, cô vẫn đầu tư một khoản tiền vào cuối năm 2015, với hy vọng gỡ gạc phần nào những gì đã mất.

Nhưng một lần nữa, cô lại phải hối tiếc về quyết định của mình. Ngay trong ngày giao dịch đầu tiên của năm nay, thị trường chứng khoán lại lao dốc.

Việc giảm giá đã kích hoạt cơ chế ngắt giao dịch tự động vừa được áp dụng, thế là thị trường đóng cửa sớm sau khi mất gần 7%. Các biện pháp mới được thiết kế ra để bình ổn. Nhưng thay vào đó, chúng chỉ làm thị trường thêm hoảng loạn, và bị hủy bỏ chỉ sau 4 ngày áp dụng.

Sau hai tuần giao dịch năm 2016, chứng khoán Trung Quốc đã chính thức bước vào thị trường giá xuống, khi mất 20% từ đỉnh tháng 12. Riêng An đã mất khoảng 500 USD.

Tuy vậy, cô vẫn rất lạc qua. "Các bạn tôi nói rằng thị trường sẽ tăng trở lại vào tháng 7. Tiền của tôi có thể tăng lên gấp đôi. Vì vậy, tôi sẽ đợi".

Minh Châu (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.