CafeLand – Chia sẻ trong một chương trình tọa đàm trực tuyến, Chủ tịch HĐQT Sunhouse Nguyễn Xuân Phú cho rằng có đến 90% các startup thất bại ngay lần đầu khởi nghiệp.

Shark Nguyễn Xuân Phú

Khởi nghiệp kiểu phong trào

Một nghiên cứu vừa được công bố tại Diễn đàn Khởi nghiệp trẻ cho biết, Việt Nam đang đứng đầu thế giới về Chỉ số tinh thần khởi nghiệp.

Có đến 91% người Việt được hỏi cho biết họ xem chuyện bắt đầu một công việc kinh doanh mới như một cơ hội nghề nghiệp đáng ao ước. 95% có thái độ tích cực với tinh thần khởi nghiệp, làm chủ. Đồng thời, 96% cho rằng họ hoàn toàn cảm thấy thoải mái với việc tìm kiếm và thu hút khách hàng tiềm năng.

Sự thật là tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ Việt Nam đang được lan tỏa mạnh mẽ. Năm 2017 còn được xem như là năm khởi nghiệp. Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, nước ta đang có khoảng 1.500 startup.

Thế nhưng có một vướng mắc còn đang tồn tại đó là đa số các doanh nghiệp startup “chết” từ khi còn trong trứng nước, chỉ còn 10% startup trụ lại được sau 1 năm và rất ít trong số đó thành công lớn mạnh.

Lý giải về những thất bại của các startup, Shark Phú cho rằng đa số các bạn trẻ khởi nghiệp theo phong trào, chưa nắm rõ thị trường và còn quá ít kinh nghiệm trong việc quản lý.

Vậy làm như thế nào để hạn chế rủi ro và tiến tới thành công?

Và đây là những điều shark Phú đã chỉ ra mà các startup cần lưu ý:

Sản phẩm phải hướng đến khách hàng

Nhiều người khi khởi nghiệp, thành lập một startup luôn khăng khăng cho rằng những sản phẩm do mình tạo ra là tối ưu. Nghĩ rằng những sản phẩm ấy rất tốt, rất đẹp và chắc chắn sẽ bán được rất nhiều.

Thế nhưng thực tế có thể không như mong đợi. Nhiều sản phẩm khi tung ra thị trường không được mấy người quan tâm và sử dụng.

Lý giải cho việc thất bại này, shark Phú cho rằng đó là vì các startup chưa chú trọng đến việc thu thập thông tin người dùng, chưa hiểu được xu hướng thị trường và hiểu khách hàng họ đang cần gì.

“Một startup muốn trụ vững thì nhất thiết phải tạo ra được sản phẩm thu hút người dùng”, shark Phú nhấn mạnh.

Phải tạo dựng uy tín để huy động nguồn vốn

Điều các startup suy nghĩ đầu tiên đó là ý tưởng, có ý tưởng mới có thể tạo nên sản phẩm để bán ra thị trường. Thế nhưng rất nhiều doanh nghiệp startup lại bỏ qua việc tìm nguồn đầu tư và quản lý nguồn tài chính dẫn đến “chết” giữa đường vì thiếu vốn.

Shark Phú tâm sự rằng ông từng khởi nghiệp vào thời điểm đất nước vừa đổi mới vì khi ấy ông nhận ra rằng hàng hóa chưa đa dạng, còn thiếu nhiều mặt hàng để phục vụ nhu cầu của mọi người. Tuy không phải bận tâm về đối thủ cạnh tranh vào thời điểm đó, nhưng việc thiếu vốn cũng khiến ông rơi vào tình cảnh khó khăn một thời gian.

Thế nên ông cho rằng là một startup thì phải có tiền. Có đủ tiền mới có thể cạnh tranh với những đối thủ khác, mới có thể trang trải chi phí để duy trì công ty… Vì để người dùng biết đến và sử dụng dịch vụ thì cần phải có thời gian và rất tốn chi phí marketing.

“Thông thường, các startup vì mới nên hay ảo tưởng, cảm tưởng rằng ý tưởng của họ là ghê gớm, là một cái gì đấy chinh phục được hết mọi người. Nhưng để làm được điều đó còn rất nhiều thứ xung quanh, đặc biệt vấn đề tài chính”, ông Phú chia sẻ.

Vì vậy để tồn tại đủ lâu, các startup cần tạo dựng được uy tín để có thể huy động được nguồn vốn từ các nhà đầu tư khác. Đồng thời phải biết tiết kiệm, biết tính toán làm sao để có thể tồn tại được đến ngưỡng hòa vốn cho đến khi sản phẩm thực sự được thị trường chào đón.

Phải tạo được sự khác biệt, gây chú ý đến người dùng

Khi đã có vốn rồi, điều tiếp theo phải làm đó là dồn hết sức lực để tạo ấn tượng cho sản phẩm nhằm gây chú ý đến người dùng.

Shark Phú đã từng kinh doanh sản phẩm bình lọc nước với chất lượng tương đương thương hiệu Korea King nổi tiếng lúc ấy nhưng không thể bán được mặc dù đã giảm giá 5%.

Đứng trước tình cảnh đó, quyết định của ông lúc ấy là dùng ưu đãi mua một tặng một và hiệu ứng được lan tỏa mạnh mẽ.

“Giảm 5% sẽ không ăn thua, nhưng nếu có ưu đãi lớn hơn thì khi ấy người dùng bắt đầu thay đổi thói quen. Các cửa hàng thấy lợi nhuận cao thì cũng sẽ thay mình quảng cáo đến khách hàng”.

Hay như Uber và Grap đã thay đổi thói quen người tiêu dùng bằng cách chịu lỗ nhiều năm liền. Từ đó khách hàng thấy được sự khác biệt khi sử dụng Uber, Grap sẽ dễ dàng hơn, rẻ hơn và tiện hơn.

Chính vì vậy, để sản phẩm được chào đón trên thị trường, nhất thiết doanh nghiệp startup phải tạo được sự khác biệt cho sản phẩm ấy và gây được sự chú ý của người dùng.

Phải là người trụ lại cuối cùng trong bất kỳ lĩnh vực nào

Khi mới bắt đầu khởi nghiệp một lĩnh vực nào đó còn mới mẻ, thì các startup không có quá nhiều sự cạnh tranh. Nhưng khi thị trường đó càng phát triển, các startup nhảy vào lĩnh vực ấy càng nhiều, việc cạnh tranh là không thể tránh khỏi.

Từ bài học của các thương nhân người Hoa, khi họ bán mặt hàng nào, họ chỉ tập trung một mặt hàng đó. “Ví dụ như họ bán phở, thì họ chỉ tập trung bán phở thôi”. Điều đó cho thấy rằng họ chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất để khai thác và phát triển thế mạnh của mình. Nhờ vậy họ có thể đánh bật những đối thủ khác và trụ lại với lĩnh vực mà họ giỏi nhất.

Vì vậy shark Nguyễn Xuân Phú đã đúc kết được rằng “Người thành công là người trụ lại cuối cùng trong bất kỳ lĩnh vực nào. Dồn hết nguồn lực để có thể trụ lại ở đó”.

Phải liên tục thay đổi để thành công

Shark Phú cho rằng điểm yếu lớn nhất của các doanh nghiệp lớn đó là luôn làm theo quy trình, bó hẹp trong những quy trình và định mức đó. Điều đó khiến các doanh nghiệp lớn trở nên già cỗi, không nắm bắt được sự dịch chuyển của người dùng dẫn đến phá sản.

Như những năm 1990, những chiếc điện thoại được ưa chuộng nhất và bán chạy nhất là Motorola. Thế nhưng sau đó thì sao? Motorola nhanh chóng tụt lại phía sau và biến mất chỉ vì những hãng điện thoại khác trẻ trung hơn, đổi mới nhanh hơn và cho ra những sản phẩm tốt hơn…

Ngay cả công cụ tìm kiếm một thời huy hoàng như Yahoo cũng dần bị thay thế vì quá chậm chạp trong việc mở rộng phạm vi hoạt động và cải tiến các tính năng.

Hay sự biến mất của hãng điện thoại Nokia nổi tiếng cũng là minh chứng rõ nhất cho việc dù có phát triển lớn đến đâu nhưng nếu không thực sự đổi mới mình, không cải tiến sản phẩm và nắm bắt thị hiếu người tiêu dùng thì cũng sẽ thất bại.

Trừ khi bạn phải luôn để doanh nghiệp startup của mình trong tình thế luôn sẵn sàng và chấp nhận thay đổi, cải tiến để luôn tiên phong bước lên phía trước và thành công, còn không sẽ bị hất ra khỏi cuộc chơi.

Những nhà kinh doanh thành công luôn là những người hoạt động liên tục, không ngừng cải thiện bản thân mình. Họ luôn tìm mọi cách để đổi mới, cải thiện công việc kinh doanh, mở rộng thị trường, sản phẩm và dịch vụ. Họ nhận thức được rằng nếu không cải thiện, phát triển kinh doanh, họ sẽ đẩy mình vào đường cùng của sự nghiệp. Điều đó cũng luôn đúng với một doanh nghiệp startup.

Phải “rạch ròi” khi khởi nghiệp chung cùng bạn bè, người thân

Có nhân viên cũ hào hứng khoe với shark Phú rằng sẽ lập nghiệp cùng một số người bạn. Shark Phú lắc đầu “Đố bọn em tồn tại qua 3 năm”. Và quả đúng như vậy, những nhân viên ấy thành lập công ty startup một thời gian rồi cũng tan rã.

Để lý giải cho điều này, shark Phú nói rằng lúc còn gian khó thì mọi người luôn hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau và cố gắng làm việc mà không hề tính toán. Nhưng khi có chút thành quả rồi thì mọi người lại bắt đầu phân chia thiệt hơn. Ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Người nào sẽ lãnh đạo? Rồi hưởng lương như thế nào?...

Ngay cả shark Nguyễn Xuân Phú khi thành lập công ty Sunhouse chung cùng các anh, em ruột của mình cũng phải sòng phẳng cả trong việc tài chính. Sau khi thành công thì mỗi người thành lập một công ty nhỏ, chia nhau ra để quản lý. “Việc vợ chồng, anh em làm chung phải rạch ròi. Cổ phần minh bạch, cùng nhau chia ra”, là những gì mà shark Phú khuyên nhủ.

Để lập nghiệp thành công và đi cùng nhau trên một con đường, nhất thiết phải có những người đứng đầu dám nhún nhường và chịu thiệt hơn một chút. Cần thiết phải phân chia tách bạch quyền điều hành và quyền sở hữu của từng người.

Điều quan trọng nữa là cần phải tìm những người có sở thích và lĩnh vực khác mình để hỗ trợ lẫn nhau, tránh “dẫm lên chân nhau” trong quá trình làm việc.

Dương Huy
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.