Ông Vikram Pandit (trái), người vừa từ chức CEO Citigroup, và ông Mike Corbat, người vừa được bổ nhiệm vào vị trí mà ông Pandit để lại - Ảnh: Bloomberg.
Chưa rõ đâu là nguyên nhân cụ thể dẫn tới vụ từ chức đột ngột nói trên của ông Pandit. Tuy nhiên, nguồn tin thân cận nói với tờ Wall Street Journal rằng, đây là kết quả của mâu thuẫn giữa ông Pandit với Hội đồng Quản trị xung quanh vấn đề chiến lược cũng như kết quả hoạt động kinh doanh ở một số lĩnh vực như phục vụ khách hàng tổ chức.
Cùng từ chức với ông Pandit là ông John Havens, Giám đốc hoạt động (COO) của Citigroup. Hãng tin tài chính Bloomberg bình luận, việc hai ông Pandit và Havens cùng rời Citigroup đánh dấu sự ra đi của một ê-kíp đã đưa ngân hàng này thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.
Cùng với tuyên bố từ chức của ông Pandit được công bố, Citigroup, ngân hàng lớn thứ ba của Mỹ, bổ nhiệm ông Mike Corbat vào ghế CEO.
Mặc dù mức lợi nhuận quý 3 mà Citigroup công bố vào ngày 15/10 là một con số tích cực, ông Pandit từ đầu năm đến nay đã gặp nhiều trở ngại, bao gồm việc các nhà chức trách không thông qua kế hoạch của ông về tăng cổ tức, các cổ đông phản đối gói thù lao của ông, trong khi đối tác Morgan Stanley thắng thế trong một cuộc tranh chấp trị giá hàng tỷ USD liên quan tới một liên doanh môi giới giữa hai bên.
“Xét tới những gì mà chúng tôi đã làm được trong mấy năm qua, tôi đi tới kết luận rằng đã đến lúc để người khác giữ vai trò lãnh đạo. Ông Mike Corbat chính là người phù hợp để giải quyết những thách thức trước mắt”, ông Pandit nói.
Ông Corbat, tân CEO của Citigroup, thì nói rằng, ông “là một người thực sự tin tưởng vào công ty này” sau khi dành toàn bộ sự nghiệp của mình cho Citigroup. “Tôi sẽ dành vài tuần tới đây để rà soát tình hình. Những đánh giá này sẽ dẫn tới một vài thay đổi”, ông Corbat tuyên bố.
Sau thông tin về vụ thay CEO của Citigroup được phát đi, giá cổ phiếu ngân hàng này tăng 0,2% trong buổi sáng ngày 16/10 tại New York. Từ đầu năm đến nay, cổ phiếu Citigroup đã tăng 39%, nhưng vẫn thấp hơn 90% so với thời điểm ông Pandit bắt đầu ngồi ghế CEO ngân hàng này vào tháng 12/2007. Khi đó, thua lỗ lớn liên quan tới khủng hoảng tài chính đã đẩy người tiền nhiệm Charles O. “Chuck” rời tập đoàn.
“Chúng tôi tôn trọng quyết định của ông Vikram Pandit. Kể từ khi nhậm chức vào đầu cuộc khủng hoảng tài chính tới nay, ông Pandit đã tái cơ cấu và tìm các nguồn vốn mới cho ngân hàng, tăng cường sức mạnh cho mạng lưới toàn cầu của chúng tôi, và xác định lại trọng tâm cho hoạt động kinh doanh”, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Citigroup, ông Michael E. O'Neill, nói về những việc mà ông Pandit đã làm được tại ngân hàng này.
Nếu không có gì thay đổi liên quan tới thù lao của ông Pandit, thì ông nhận được tổng cộng khoảng 261 triệu USD trong nhiệm kỳ CEO 5 năm tại Citigroup.
Tân CEO Corbat của Citigroup đã làm việc gần 30 năm trong ngân hàng này kể từ khi ông tốt nghiệp Đại học Harvard vào năm 1983. Trước đây, ông đã từng đảm nhiệm vai trò CEO của Citigroup ở châu Âu, Trung Đông và châu Phi. Đầu năm nay, ông Corbat, 52 tuổi, chuyển tới London và dự định sẽ ở lại đó vô thời hạn.
Theo báo Wall Street Journal, đối với những ai đang làm việc ở Citigroup, bao gồm cả các quản lý cấp cao, vụ từ chức của ông Pandit được xem như một cú sốc. Tại văn phòng của Citigroup ở London, một số người đọc được thông tin về vụ từ chức của ông Pandit từ các tờ báo mạng trước khi văn bản nội bộ chính thức của công ty về vụ việc được công bố.
Một số quản lý của Citigroup cho biết, sự ngạc nhiên của họ xuất phát từ việc họ cảm thấy là ngân hàng này đang vững dần lên kể từ sau khi suy sụp trong thời gian khủng hoảng tài chính 2008. Một số khác thì ngạc nhiên bởi vì họ biết tin này từ báo chí, thay vì từ nội bộ công ty.
Trang CNBC bình luận, nhiệm kỳ CEO của ông Pandit tại Citigroup được đánh dấu bằng những cột mốc trái ngược. Ông nhậm chức khi cuộc khủng hoảng tài chính chuẩn bị bùng nổ trên toàn cầu, và ông ra đi ngay khi ngân hàng này vừa có vẻ như ổn định trở lại.
Hôm đầu tuần, Citigroup báo lợi nhuận quý 3 giảm 88% so với cùng kỳ năm trước, còn 468 triệu USD do giá trị các khoản nợ bị giảm và vụ bán lại cổ phần trong liên doanh môi giới với Morgan Stanley. Doanh thu lõi ở các mảng kinh doanh chính của Citigroup vẫn đang tiếp tục được cải thiện.
-
Citigroup cảnh báo giá vàng thất thường vì ông Donald Trump
28/09/2016 10:17 PMGiá vàng có thể lên xuống thất thường trong quý 4/2016 khi ứng viên đảng Cộng hòa Donald Trump hiện có 40% cơ hội để chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống còn giới đầu tư thì sẵn sàng cho lãi suất Mỹ lên cao.
-
Sức ép của ông chủ Citigroup
30/03/2015 1:41 PMWilliam Brady và Howard Sheperd đã bỏ ra hơn 30 năm chinh chiến tại National City Bank trước khi trở thành các nhà lãnh đạo tại đây vào năm 1948. Nhưng thậm chí sau ngần ấy năm, cả hai vẫn chưa tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: Đế chế tài chính rộng lớn mà sau này trở thành Citigroup đã kiếm ra lợi nhuận như thế nào?
-
CEO ngân hàng giấu mình khi bão nổi
04/12/2013 4:58 PMMột buổi tối, Michael L. Corbat -Tổng giám đốc Citigroup, một trong những ngân hàng lớn nhất thế giới - bước vào một nhà hàng hạng sang của TP. New York, không một ai nhận ra người đàn ông ấy. Một luật sư hàng đầu New York đang dùng bữa ở đó, khi được hỏi về Corbat, thậm chí hỏi lại “Michael nào cơ?”.
-
Đại gia ngân hàng nguy cơ mất cả tỷ USD lợi nhuận
30/09/2013 8:30 PMGiới phân tích dự đoán 5 ngân hàng lớn nhất Phố Wall có khả năng thiệt hại hơn một tỷ USD trong tháng trước, khi doanh thu giao dịch lao dốc và chi phí pháp lý tăng cao.
-
CEO Citigroup áp thẻ điểm cho toàn tập đoàn
07/03/2013 7:33 PM“Bạn nói bạn sẽ làm, thế bạn đã làm chưa?” là câu hỏi xuyên suốt cách tiếp cận quản lý của Corbat.
-
10 công ty bị ghét nhất nước Mỹ
23/01/2013 8:57 AMDựa theo chỉ số thỏa mãn khách hàng ASCI, Business Insider đưa ra danh sách 10 công ty sẽ bị ghét nhiều nhất năm nay, trong đó có cả Facebook, Nokia, Citigroup...