Tính đến thời điểm hiện nay, Sacombank là một trong những ngân hàng TMCP hàng đầu Việt Nam có mạng lưới rộng khắp với 415 điểm giao dịch tại khu vực Đông Dương; là ngân hàng tiên phong mở rộng phạm vi hoạt động tại Lào (năm 2008) và tại Campuchia (năm 2009).

Ông Phan Huy Khang

Trong đó, riêng tại Campuchia, Sacombank đã nâng cấp hoạt động của Chi nhánh lên thành Ngân hàng 100% vốn nước ngoài - Sacombank (Cambodia) Plc. vào ngày 01/10/2011. Nhân sự kiện Sacombank (Cambodia) Plc. vừa kỷ niệm 1 năm ngày nâng cấp thành Ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ĐTCK đã có cuộc trao đổi với ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Sacombank về những mục tiêu của Sacombank tại thị trường Đông Dương.

Hiện có một số ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu gia nhập thị trường tài chính tại Lào và Campuchia, ông có nhận định gì qua thời gian Sacombank tiên phong hoạt động tại các nước này?

Việt Nam - Lào - Campuchia là ba nước láng giềng có truyền thống quan hệ hữu nghị, hợp tác lâu đời. Đặc biệt, trong những năm qua, mối quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa 3 nước ngày càng tăng trưởng và phát triển. Do đó, việc các ngân hàng Việt Nam gia nhập thị trường tài chính Lào và Campuchia là điều tất yếu. Riêng đối với Sacombank, từ lâu chúng tôi đã nhận thấy tiềm năng các thị trường này và nhanh chóng hiện thực hóa chiến lược phát triển tới năm 2010 của mình bằng việc mở chi nhánh hoạt động tại khu vực này. Và sau 4 năm thành lập Chi nhánh tại Lào và 3 năm tại Campuchia, trước những thành quả bước đầu, Sacombank hoàn toàn tự tin đã mang đến cho thị trường này những tiện ích ngân hàng hiện đại và giải pháp tài chính trọn gói nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng; đồng thời góp phần thúc đẩy thị trường tài chính - tiền tệ tại khu vực Đông Dương.

Ông vui lòng chia sẻ những thành quả mà Sacombank (Cambodia) Plc. đã đạt được, cũng như những định hướng sắp tới của Sacombank tại Campuchia?

Sau hơn 3 năm hoạt động tại Campuchia, Sacombank đã xây dựng được hình ảnh đặc trưng và tính cách riêng đầy ấn tượng trong lòng người dân tại đất nước Chùa tháp. Hiện nay, quy mô hoạt động của Sacombank (Cambodia) Plc. gồm 1 trụ sở chính và 4 chi nhánh trực thuộc cùng 135 CBNV năng động, nhiệt huyết, trong đó gần 80% là nhân sự địa phương. Tính đến ngày 30/9/2012, Sacombank (Cambodia) Plc. có tổng huy động vốn đạt 54,9 triệu USD, tổng dư nợ cho vay 58,4 triệu USD và phục vụ nhu cầu tài chính của hơn 3.000 khách hàng cá nhân và doanh nghiệp trên địa bàn.

Trong thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới chi nhánh - phòng giao dịch đến khắp các khu vực kinh tế trọng điểm của Campuchia, tập trung nghiên cứu phát triển các sản phẩm - dịch vụ phù hợp với đặc thù tập quán ở mỗi vùng miền; đồng thời chú trọng mở rộng quan hệ liên kết với các tổ chức tín dụng cư trú trên địa bàn để qua đó phát huy cao nhất sức mạnh hợp tác, nhằm tạo ra giá trị gia tăng cho khách hàng và cộng đồng xã hội. Song song đó, chúng tôi cũng sẽ từng bước áp dụng phương thức địa phương hóa nguồn nhân lực, nhằm góp phần giải quyết công ăn việc làm ổn định cho tầng lớp tri thức trẻ tại Campuchia.

Từ trái qua: ông Nguyễn Nhị Thanh - Tổng giám đốc Sacombank (Cambodia) Plc., ông Phan Huy Khang - Tổng giám đốc Sacombank, bà Ouk Maly - Phó Thống đốc Ngân hàng quốc gia Campuchia, Đại tướng Deang Sarunn - Cố vấn Thủ tướng Hun Sen kiêm Phó Tổng cục cảnh vệ Thủ tướng Hun Sen, ông Trầm Bê - Phó Chủ tịch HĐQT Sacombank, ông Vũ Thịnh Cường – Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia tại lễ kỷ niệm 1 năm ngày thành lập Sacombank (Cambodia) Plc. vào ngày 01/10/2012.

Còn định hướng của Sacombank tại Lào thì sao, thưa ông?

Có thể nói, sau gần 4 năm hoạt động tại Lào, Sacombank đã tạo dựng được hình ảnh một ngân hàng chuyên nghiệp và được đông đảo người dân địa phương đón nhận. Chi nhánh cũng đã đón nhận nhiều lời khen ngợi từ Ngân hàng Nhà nước Lào, bằng khen từ Đại sứ quán Việt Nam, Hội Việt kiều tại Lào cho những kết quả về mặt kinh tế cũng như những đóng góp tích cực trong công tác xã hội, hướng đến cộng đồng tại địa phương. Hiện Sacombank đã được Ngân hàng Nhà nước Lào chấp thuận chủ trương nâng cấp Chi nhánh Lào thành Ngân hàng 100% vốn nước ngoài và hiện đang thực hiện các thủ tục để hoàn thành mục tiêu này trong năm 2012. Đây là một bước ngoặt quan trọng để Sacombank mở rộng mạng lưới tại thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh, thành kinh tế trọng điểm khác tại Lào.

Vậy còn hoạt động của ngân hàng mẹ Sacombank tại Việt Nam có khả quan trong năm nay?

Trong năm 2012, Sacombank chủ trương đặt an toàn và hiệu quả lên hàng đầu. Hiện Sacombank đang tận dụng tối đa lợi thế về mạng lưới rộng khắp để triển khai các sản phẩm dịch vụ ngân hàng bán lẻ, cũng như ổn định được nguồn huy động từ dân cư. Bên cạnh đó, Sacombank cũng đang được các tổ chức tài chính quốc tế như IFC, FMO, ADB, Proparco… tin tưởng, tín nhiệm ủy thác cho nguồn vốn có giá thành hợp lý hỗ trợ hoạt động.

Diễn biến của thị trường không mấy thuận lợi trong 9 tháng đầu năm nay đã khiến hoạt động của ngành ngân hàng rơi vào khó khăn khi tín dụng tăng trưởng âm, nợ xấu gia tăng. Song với Sacombank, kết quả đạt được vẫn khả quan, bởi việc kiểm soát chất lượng tín dụng luôn được Ngân hàng đặt lên hàng đầu nhằm hạn chế rủi ro, nợ xấu chỉ ở mức 1,29% trên tổng dư nợ cho vay. Vừa qua, Sacombank đã được các tổ chức xếp hạng quốc tế Moody’s, S&P, Fitch đánh giá triển vọng phát triển ổn định. Riêng S&P đã nâng hạng mức tín nhiệm dài hạn của Sacombank từ mức B+ lên mức BB- với triển vọng ổn định. Các thứ hạng tín nhiệm này được đánh giá dựa trên vị thế kinh doanh, tốc độ tăng trưởng vốn và lợi nhuận, năng lực quản trị rủi ro và nguồn thanh khoản ổn định của Sacombank.

Theo Minh Ngọc (Đầu tư chứng khoán)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.