Tháng 1/2007, nguyên Thủ tướng Singapore, Lý Quang Diệu đến thăm tỉnh Bình Dương. Sau khi gặp lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp mà ông Diệu đến thăm đầu tiên chính là Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP). Tại đây, người ta chứng kiến sự gặp gỡ rất thân tình giữa vị cựu Thủ tướng với người đại diện đứng đầu VSIP, bà Low Sin Leng đồng Chủ tịch tập đoàn Sembcorp.


VSIP được coi là biểu tượng của sự thành công trong hợp tác từ cấp chính phủ đến chính phủ. Trong đó, phía Việt Nam có Becamex IDC và Singapore là Công ty Sembcorp Industrial Parks, thuộc Tập đoàn Sembcorp Industries.

Thế nhưng, bà Low đã từng chia sẻ: “Khi quyết định đầu tư vào Việt Nam, nhiều đối tác đã ngăn cản tôi. Tuy nhiên, tôi đã đúng khi tin vào tiềm lực và thế mạnh của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, và biến chúng thành khu cơ sở hạ tầng để phát triển công nghiệp thành công tại đây”.


Khởi đầu khó khăn là vậy, nhưng giới chuyên gia kinh tế đánh giá, giờ đây mới chính là thời điểm thể hiện sự thành công nhất của mô hình VSIP. Bà Low kể:


“Chỉ hai năm sau khi VSIP II đi vào hoạt động, tức năm 2008, toàn bộ diện tích của chúng tôi đã được lắp đầy. Với VSIP I và II, chúng tôi đã thu hút hơn 2 tỷ USD vốn và hơn 63.000 lao động vào làm việc. Đó là tiền để để chúng tôi mở rộng thêm 1.700ha nữa, cạnh VSIP II”.


Xét về tốc độ mở rộng, đến năm 2010, những đầu tư của Sembcorp vào Việt Nam đã tăng đáng kể khi họ tham gia mở 4 KCN mang thương hiệu VSIP, với tổng diện tích 4.845 ha (thu hút 4 tỷ USD vốn đầu tư và giải quyết việc làm cho hơn 100.000 lao động).


Nói về chiến lược phát triển của VSIP trong 10 năm tới, bà Low cho biết, sẽ tiếp tục quảng bá các KCN do liên doanh phát triển với các nhà đầu tư toàn cầu, đặc biệt là các công ty Singapore.


“Điều mà chúng tôi mong muốn là mang đến giải pháp toàn diện cho nhà đầu tư và họ là một phần trong khu phức hợp của chúng tôi chứ không phải sự tách biệt. Chúng tôi quan tâm đến sự phát triển bền vững, trong đó chú trọng yếu tố môi trường”, Chủ tịch Sembcorp Industrial Parks nói.


Bà Low nhận xét, Việt Nam không tránh được sự so sánh trong tương quan với các nước Thái Lan, Malaysia, Trung Quốc và Indonesia khi một nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào châu Á.


Điều quan trọng là Việt Nam nên tranh thủ những lợi thế của mình, cụ thể là Việt Nam có một nền chính trị ổn định, thị trường nội địa lớn lớn và lực lượng lao động dồi dào.


“Một khi Việt Nam duy trì được chủ trương công nghiệp hóa thì tôi tin là thu nhập chung sẽ được cải thiện và nâng tầng lớp trung lưu trong xã hội. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần cải thiện về cơ sở hạ tầng, điện, nước tại các thành phố lớn, như thế sẽ tạo nhiều cơ hội thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài”, bà Low chia sẻ.



Trở lại mối thâm tình của Lý Quang Diệu và bà Low, sẽ phần nào lý giải được vì sao một dự án công nghiệp lớn như VSIP lại thành công dưới sự lèo lái của một người phụ nữ.


Trong khi những nữ sinh cùng trường Đại học Alberta, Canada (chọn ngành giáo dục hay tâm lý học, bà Low Sin Leng đã quyết định ghi tên vào khóa kỹ sư. Và thực tế thì bà đã trở thành một trong số hai nữ sinh tham gia học khóa này của trường UOA.


“Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình đặt bút để chọn ngành này nhưng tất cả những gì tôi muốn là học được những kinh nghiệm quốc tế”, bà Low nói.


Nữ lãnh đạo của Sembcorp Industrial Parks đã đến Alberta bằng học bổng của Thủ tướng Singapore và học bổng Colombo Plan Scholarship. Song, điều quan trọng là bà đã làm gì để có được hai học bổng danh giá này?


Khu Công nghiệp Việt Nam - Singapore VSIP


Bà Low chia sẻ, trong suốt buổi phỏng vấn, các vị chủ tọa đã liên tục hỏi bà những câu, đại loại như: Tại sao bạn chọn ngành kỹ sư? Bạn có biết bất kỳ điều gì về những kỹ sư hay không? Bạn sẽ làm gì khi bạn tốt nghiệp?...

“Tôi đã khá thẳng thắn với họ rằng, tôi không chắc lắm những gì tôi sẽ làm khi trở thành một kỹ sư nhưng tôi biết chắc rằng, những kỹ sư có thể xây dựng nhiều thứ và là khởi nguồn cho nhiều thứ khác nữa. Họ có thể xây cầu, phát minh máy móc, cải tiến kỹ thuật và tôi nghĩ đó là điều vô cùng thú vị”, bà Low nói.


Bà tốt nghiệp Đại học Alberta vào năm 1975 và vinh dự nhận bằng hạng ưu cao nhất của khóa kỹ sư, chuyên ngành điện – điện tử. Cũng trong năm đó, Low đã trở về Singapore và làm việc trong bộ phận kỹ thuật của Đài Phát thanh Truyền hình Quốc gia Singapore.


Lúc bấy giờ, bà Low trở thành nữ kỹ sư đầu tiên và duy nhất tại đây. Năm 1978, khi Thủ tướng Lý Quang Diệu cần những kỹ sư giỏi cho chính quyền (Administrative Services), bà Low là một trong những kỹ sư tham gia vào cuộc nói chuyện đó.


Bà khá thuyết phục với những ý tưởng rằng, bà muốn tham gia vào việc xây dựng đất nước và đóng góp cho cộng đồng, những người đã giúp bà có cơ hội đi du học.


Cũng cần phải nói thêm, trong giai đoạn này, Chính phủ của Thủ tướng Lý Quang Diệu đang đẩy mạnh nuôi dưỡng và thu hút nhân tài, bởi vào cuối những năm 70, nạn “chảy máu chất xám” ở Singapore khá trầm trọng do những chính sách “mở” cho người châu Á nhập cư của các nước phương Tây.


Sau buổi nói chuyện đó, bà Low đã nhận được cuộc gọi từ Tiến sĩ Goh Keng Swee, sau này là Phó Thủ tướng. Ông ta mang trọng trách cải cách hệ thống giáo dục Singapore và đang cần có một đội ngũ kỹ sư tham gia vào việc này.


Nhiều năm qua, bà Low đã đảm nhận những vai trò khác nhau tại các cơ quan quản lý của Singapore như: Bộ Tài chính, Bộ Thương mại và Công nghiệp cũng như vai trò quản lý trong SP Telecommunications và Singapore Power.


Cũng chính nhờ những kinh nghiệm làm việc tại công ty này, năm 2000, bà Low được mời tham gia vào đội ngũ lãnh đạo của Tập đoàn Sembcorp để phát triển mảng kinh doanh của tập đoàn này và đến nay đây vẫn là “mái nhà” của mình.

Theo Đỗ Hải - Nguyệt Minh (Doanh nhân SG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.