Hàng loạt video quảng cáo cho vay online thúc đẩy khách hàng nợ tiền để hưởng thụ cuộc sống. Đây bị coi là vấn nạn gây lệch lạc tư tưởng người trẻ, vi phạm pháp luật.

China News Network đưa tin thời gian gần đây, một quảng cáo cho vay tiền với nội dung phản cảm đã đẩy JD Finance - một công ty về dịch vụ tài chính - lên top đầu tìm kiếm. Trước sự chỉ trích từ dân mạng, JD Finance cũng như JD Group đã phải lên tiếng xin lỗi.

Tháng 9 năm nay, trang 360 IOU bị dư luận chỉ trích vì quảng cáo cho vay, trong đó có đoạn nữ tiếp viên hàng không nói với một người đàn ông nghèo rằng anh ta chỉ có thể kết hôn với cô bằng cách đi vay tiền. 360 IOU đã phải lên tiếng xin lỗi vì xúc phạm người có thu nhập thấp và gỡ bỏ đoạn video.

Những video đó là một trong vô vàn sản phẩm tiếp thị cho vay ngập tràn các trang mạng xã hội Trung Quốc. Theo một cuộc khảo sát, các video ngắn quảng cáo cho vay được đăng lên các nền tảng mạng không được kiểm soát nội dung, thường dùng hình thức nói phóng đại để thu hút khách hàng.

"Các quảng cáo tương tự rất dễ gây hiểu lầm cho những người trẻ mới bước vào xã hội, yếu kém trong khả năng kiểm soát chi tiêu, chưa nói đến sức mạnh tài chính. Nếu không đủ khả năng chi trả, người trẻ sẽ bắt đầu gánh nợ trước khi tự làm ra tiền. Đó là vấn nạn xã hội", luật sư Zhang Xiaoju, đối tác của Công ty Luật Zhongwen, nói.

quang cao cho vay anh 1

Đoạn quảng cáo của 360 IOU bị cho là phản cảm, xúc phạm người có thu nhập thấp. Ảnh cắt từ clip.

Quảng cáo phi lý

Theo quan sát của phóng viên The Paper, trên các nền tảng video ngắn không thiếu các quảng cáo cho vay có nội dung lố lăng, trong đó những câu chuyện cực đoan đến mức phi lý được sử dụng để thu hút sự chú ý.

Ví dụ người đi phỏng vấn xin việc bị đánh trượt vì không biết đến nền tảng cho vay nào đó; lãnh đạo công ty có lý tưởng cao cả về việc tung ra sản phẩm cho vay không vì lợi nhuận mà để tạo sự thuận tiện cho người đi vay tiền; hay khách hàng thấy nền tảng cho vay quá thuận tiện, đến mức triệt tiêu áp lực cuộc sống và cho rằng bản thân không cần nỗ lực gì nữa…

Hơn thế, các quảng cáo đều kết thúc bằng việc nêu bật sự tiện lợi của nền tảng cho vay: chỉ cần có điện thoại hoặc chứng minh nhân dân, không cần bảo lãnh hay thế chấp, thao tác đơn giản, cho vay nhanh chóng, không lãi suất hay lãi suất cực thấp chỉ bằng giá một chai nước.

Một số quảng cáo khác đi theo hướng “nịnh” hay “ru ngủ” khách hàng bằng những nội dung tô hồng cuộc sống. Với châm ngôn “không nên tiếc tiền cho thứ mình yêu thích”, các quảng cáo khuyên khách hàng vay mượn để mua chiếc saxophone mình mơ ước theo hình thức trả góp; vay tiền mừng sinh nhật con gái; vay tiền đi du lịch vòng quanh thế giới trước khi quá muộn.

Các quảng cáo khuyến khích người tiêu dùng vay nợ để hưởng thụ cuộc sống, không cần đau đầu suy tính về tài chính cá nhân.

Tuy nhiên dù đi theo hình thức nào, các quảng cáo này vẫn bị dân mạng đánh giá đang “bóp méo sự thật”, khiến người xem bị lệch lạc suy nghĩ và tư tưởng.

Không chỉ người trẻ tuổi đang bị ảnh hưởng bởi quảng cáo cho vay. Theo báo cáo, không ít người đã nợ trên 500.000 nhân dân tệ từ nhiều nền tảng cho vay khác nhau dưới sự lôi kéo của các quảng cáo dạng này. Lãi suất của một số nơi cao hơn 30%.

Có trường hợp người vay đã phải bán hết tài sản để trả nợ, khiến gia đình rơi vào cảnh túng quẫn.

Thách thức pháp luật

Theo Zhang Xiaoju, loại hình quảng cáo này không chỉ liên quan đến các vấn đề về giá trị đạo đức mà còn có thể vi phạm các quy định liên quan của Luật Quảng cáo của Trung Quốc.

Lấy sự cố của JD Finance làm ví dụ, Zhang Xiaoju tin rằng quảng cáo này hướng người xem tới suy nghĩ họ có thể đạt được cuộc sống tốt hơn mà không cần phải nỗ lực hay dựa vào sức lao động của chính mình, chỉ cần vay để hưởng thụ.

Điều đó vi phạm quy định tại Điều 3 Luật Quảng cáo, phải thể hiện nội dung quảng cáo dưới hình thức lành mạnh, phù hợp với quy định về xây dựng văn minh, tinh thần xã hội chủ nghĩa và phát huy văn hóa truyền thống đặc sắc của đất nước.

Vị luật sư nói thêm Điều 4 của Luật Quảng cáo quy định rõ quảng cáo không được có nội dung sai lệch, gây hiểu lầm và không được lừa dối người tiêu dùng.

“Trong các quảng cáo không nói rõ sau khi vay có tính lãi không, lãi cụ thể bao nhiêu, trả nợ bằng cách nào… Như vậy là không chính xác, thiếu minh bạch và rõ ràng. Nội dung gây hiểu lầm hoặc đánh lừa người tiêu dùng cấu thành tội quảng cáo sai sự thật”.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 56 Luật Quảng cáo, nếu phát hành quảng cáo sai sự thật nhằm lừa dối và xâm hại đến quyền cùng lợi ích hợp pháp của người mua hàng hóa, sử dụng dịch vụ, nhà quảng cáo phải chịu trách nhiệm dân sự theo quy định của pháp luật.

Nếu người điều hành và người phát hành quảng cáo không thể cung cấp tên thật, địa chỉ, thông tin liên hệ hiệu quả thì người tiêu dùng có thể yêu cầu đại lý quảng cáo và người đăng quảng cáo bồi thường trước.

Về việc quản lý các quảng cáo cho vay, Huang Zhen nói rằng: "Hiệp hội Tài chính Internet Trung Quốc trước đây đã ban hành các hướng dẫn về quảng cáo và tiếp thị cho vay trực tuyến”.

Tháng 3/2019, một số tổ chức cho vay trực tuyến phát hành quảng cáo sai sự thật thông qua các nền tảng video ngắn, trong đó họ bị nghi ngờ tiếp thị các sản phẩm bất hợp pháp và quảng bá các hoạt động bất hợp pháp.

Nhiều người cho rằng công ty vi phạm chỉ xin lỗi hoặc gỡ quảng cáo như hiện nay là quá nhẹ nhàng. Cần có hình thức xử lý nghiêm với các quảng cáo cho vay gây sai lệch, hiểu lầm để răn đe.

Đinh Phạm (Zingnews)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.