Chỉ bằng những chiếc bao thư phân chia tiền hợp lý, nhiều người hoàn toàn có thể tránh được tình trạng “cháy túi” vào mỗi cuối tháng.

Phương pháp này đòi hỏi bạn phải tuyệt đối trung thực với bản thân, tuân thủ nguyên tắc và kiên nhẫn. Nếu không, bạn không những không thoát được tình trạng “viêm màng túi” mà còn làm cơn cuồng chi tiêu của mình tăng lên.

Phân chia tiền chi tiêu vào từng bao thư tưởng đơn giản nhưng rất hiệu quả cho việc quản lý

Trước hết, bạn cần thu thập lại tất cả những hóa đơn, thông tin chi tiêu của mình trong vòng 2-3 tháng gần nhất. Từ đó, bạn sẽ xác định được tỷ lệ trong khoản chi tiêu của mình và tỷ lệ đó không chênh lệch với nhau là mấy qua các tháng. Có những khoản cố định mà bạn cần phải có là: tiền ăn uống, tiền đi lại (gồm tiền xăng và phí sửa xe), tiền điện thoại, tiền học cho con cái (nếu có), tiền gas, tiền điện nước + thuê nhà (nếu bạn không có nhà riêng), tiền gặp mặt bạn bè, giao tiếp. Ngoài ra, bạn cũng có thể chia thêm những khoản phát sinh như tiền mua sắm quần áo, tiền chăm sóc sức khỏe (mỹ phẩm, thuốc men…)

Sau khi nắm rõ tỷ lệ các khoản chi tiêu, hãy viết ra giấy, hoặc bao thư trắng tên các khoản chi tiêu đó. Bạn nên là người hiểu rõ nhất những gì mình viết ra. Nếu được, hãy giải thích cặn kẽ từng hạng mục. Chẳng hạn đối với tiền ăn, bạn nên ghi rõ tiền này là dùng để ăn các bữa nào, hoặc những tình huống nào sẽ sử dụng phần tiền này. Và nhớ là viết sao cho dễ đọc để không có sự nhầm lẫn.

Tiếp theo, điều bạn cần làm là phân chia tiền vào các bao thư. Số tiền đưa vào bao thư cũng tùy thuộc theo số tiền từng giai đoạn bạn có. Chẳng hạn, bạn nhận được lương 5 triệu đồng một tháng và lĩnh vào 2 lần. Như vậy, tiền mua nhu yếu phẩm bỏ vào phong thư mỗi tháng cũng phải được chia làm 2 lần, nếu bạn đã dùng hết số tiền trong lần một, hãy đợi đợt lương tiếp theo. Và hãy chú ý, mỗi lần bạn lấy ra ở phong thư nào bao nhiêu tiền thì nên ghi chú lại số tiền và mục đích chi tiêu, để đến cuối tháng bạn sẽ có cơ sở để điều chỉnh lượng chi tiêu phù hợp. Việc ghi chép lúc đầu có thể hơi mất công, nhưng hãy tập thành thói quen.

Hãy nhớ, bao thư của hạng mục nào thì sử dụng cho hạng mục đó. Nếu như bạn muốn đi siêu thị, nhưng quên mang theo bao thư cho mục đó. Hãy quay trở lại nhà để lấy bao thư dành cho đi siêu thị để dùng. Đừng sử dụng chồng chéo các hạng mục với nhau, vì như vậy sẽ rất khó kiểm soát, và dễ dẫn tới việc bạn sử dụng vượt mức cho phép.

Ngoài ra, khi bạn tiêu hết phần tiền trong một bao thư trước ngày cuối tháng, hạn chế việc dùng tiền của bao thư khác để “bù đắp”, trừ những trường hợp khẩn cấp. Và tất nhiên, đợt tiền sau của bạn cho bao thư đó phải trích một phần để “trả nợ”.

Và cuối cùng, ngày cuối tháng là ngày tổng kết các bao thư. Hãy kiểm tra xem tất cả các bao thư. Nếu có khoản bạn không sử dụng hết, phần tiền dư hãy gửi tiết kiệm, xem như phần tiền tháng trước đã hết, và tiếp tục lấp đầy các bao thư bằng đợt tiền của tháng mới.

Ngọc Trần (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.