Cập nhật 19/08/2012 6:56 AM
“Chữ S trong cái tên Esuhai nghe có vẻ rất Nhật nghĩa là Việt Nam”, ông Lê Long Sơn, Tổng giám đốc Công ty Esuhai giải thích như vậy.

Niềm đam mê Nhật Bản mà tôi cảm nhận trong câu chuyện với người được coi là “hướng dẫn viên” của nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đến Việt Nam không đơn thuần xuất phát từ cơ duyên tiếp cận ngành cơ khí Nhật Bản, mà chính từ những trăn trở về con đường phát triển của kỹ thuật công nghiệp Việt Nam, về tương lai xán lạn của một đội ngũ công nhân kỹ thuật tay nghề cao, được đào tạo bài bản…

Từ con đường Đông du…

Cũng như nhiều sinh viên có cơ hội ra nước ngoài học tập, năm 1995, chàng nghiên cứu sinh Trường Tokyo Noko University, ngành cơ khí khuôn mẫu thực sự choáng váng trước công nghệ hiện đại và kỹ thuật đẳng cấp hàng đầu thế giới của người Nhật. Hoá ra, công nghiệp Nhật Bản đi nhanh, đi mạnh không chỉ nhờ vào các tập đoàn danh tiếng như nhiều người vẫn nghĩ, mà nền tảng chính là từ các doanh nghiệp gia đình quy mô nhỏ, nhưng nắm trong tay những kỹ thuật công nghệ cao hàng đầu thế giới.

“Tôi đã rất ngạc nhiên khi đến những doanh nghiệp chỉ có vài kỹ thuật viên là những thành viên trong một gia đình, song sản phẩm làm ra lại là những bộ phận tinh xảo trong nhiều ngành công nghiệp hiện đại, như công nghiệp vũ trụ, thiên văn, tự động hóa…”, ông Sơn kể lại cảm giác của người lần đầu khám phá một bí ẩn.

Tại sao Việt Nam không đi theo con đường này, hoặc đi cùng các doanh nghiệp Nhật Bản? Ông Sơn đã tự đặt câu hỏi này khi chứng kiến mắt xích chặt chẽ của hàng chục, hàng trăm doanh nghiệp nhỏ bé của Nhật Bản trong mối liên kết với các tập đoàn lớn.

Thực ra, mô hình liên kết của các doanh nghiệp Nhật Bản lâu nay vẫn được coi là điển hình của nền công nghiệp phụ trợ. Những sản phẩm nổi tiếng của các tập đoàn của Nhật Bản là sự kết tinh hàng trăm, hàng nghìn sản phẩm chi tiết của các doanh nghiệp nhỏ. Sự chuyên môn hóa đã được nói nhiều ở những thập kỷ trước, nhưng với người Nhật, mô hình này được đẩy lên đỉnh cao, thông qua sự sắp xếp tài tình và khó có thể thay thế của những bậc thang kỹ thuật. Chính vì vậy, mặc dù là những doanh nghiệp gia đình, nhưng sự gắn kết của chúng trong chuỗi tổng thể lại không thể tách rời, không cần bất cứ quy trình quản lý phức tạp nào.

…đến sức mạnh của lao động Việt

Càng sống với người Nhật, học tập trong môi trường Nhật Bản, ông Sơn càng thấy tiếc khi tiềm năng phát triển kỹ thuật cao của lao động Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam chưa được phát huy nhiều, nhất là khi người Nhật đang già đi nhanh chóng và lực lượng trẻ để kế tiếp và phát triển những bí quyết kỹ thuật này đang thiếu hụt.

“Đây là cơ hội của các nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam, với nguồn nhân lực trẻ, nhiều đam mê và ham học hỏi. Điều mà chúng ta cần từ Nhật Bản không chỉ là nguồn vốn, mà quan trọng hơn là sự chuyển giao công nghệ, kỹ thuật, để Việt Nam có thể có tên trong chuỗi liên kết toàn cầu trong công nghệ cao”, ông Sơn trăn trở và cho biết, Esuhai đã ra đời trước nguy cơ một nền công nghiệp tạo dựng 30 năm không có “người nối dõi”.

“Nhật Bản đầu tư ra nước ngoài là tất yếu. Chính vì vậy, cách làm của tôi là đặt vấn đề thẳng với họ về việc xem Việt Nam như một điểm đến đầu tư đầy tin tưởng để chuyển giao công nghệ và phát triển. Họ không chỉ tận dụng cơ hội về nhà xưởng, địa bàn, cơ chế khuyến khích đầu tư… của Việt Nam, mà còn cả một thế hệ tu nghiệp sinh Việt Nam được đào tạo bài bản, được sống và làm việc trong môi trường văn hoá ở Nhật Bản trở về nước. Chính các tu nghiệp sinh này, với sự thông hiểu cả hai nền văn hoá, đã thu ngắn quãng đường đầu tư của nhiều doanh nhân Nhật Bản tới Việt Nam”, ông Sơn nối dài câu chuyện về kết nối đầu tư với người Nhật.

Quãng thời gian 10 năm sinh sống và học tập tại Nhật Bản đã khiến ông Sơn dẫn đuờng Esuhai theo hướng đi thực tế và gần hơn cả trong tiếp cận các nhà đầu tư Nhật Bản. Thông qua các nghiệp đoàn Nhật Bản, Esuhai tìm đến các công ty gia đình Nhật Bản từng tiếp nhận tu nghiệp sinh Việt Nam. Chính họ hiểu rằng, với tính cách ham học hỏi của người Việt Nam, việc chuyển giao kỹ thuật, công nghệ cao không có rào cản.

“Nhiều ông chủ Nhật Bản đã theo chân tu nghiệp sinh sang Việt Nam đầu tư những mô hình sản xuất như bên Nhật Bản. Đến nay, Esuhai đã kết nối đầu tư theo phương thức này cho hơn 200 doanh nghiệp nhỏ và vừa Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo sang Việt Nam đầu tư”, ông Sơn hồ hởi.

Tất nhiên, chặng đường nào chẳng gian nan, nhất là khi môi trường đầu tư Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện. Ông Sơn vẫn nhớ lúc cùng Công ty Yoshikawa, một công ty gia đình nhỏ, nhưng nắm giữ kỹ thuật tinh xảo về gia công cơ khí chính xác đến từng micromet, đi tìm địa điểm để đặt khoảng 2.000 m2 nhà xưởng.

“Khi đó, nhiều khu công nghiệp đang mải mê với các dự án rộng hàng chục nghìn, trăm nghìn mét vuông đất, nên khi thấy nhà đầu tư nhỏ có nhu cầu quá thấp về diện tích sử dụng đất, thì kém hồ hởi. Có lẽ cũng nhờ sự tin tưởng vào nguồn lao động có sẵn là các tu nghiệp sinh Việt Nam trở về nước, nên Công ty Yoshikawa quyết tâm ở lại Việt Nam, chấp nhận thuê lại một nhà xưởng của một doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp tại huyện Củ Chi, TP.HCM”, ông Sơn nhớ lại.

Chọn những nhịp cầu

Không thể không nhắc tới điểm yếu của môi trường đầu tư Việt Nam khi hồi kết về các kế hoạch chuyển giao công nghệ vẫn rời rạc, lỗ chỗ. Không phải không có những nhà đầu tư đã đến Việt Nam bởi sự hấp dẫn của một nền kinh tế mới nổi, trẻ trung, năng động, nhưng rồi họ lại ra đi bởi không tìm được khu công nghiệp có quy mô vừa phải, với những nhà xưởng được thiết kế tiện dụng theo phong cách Nhật Bản. Nhiều tập đoàn Nhật Bản cũng chưa giải xong bài toán về tìm kiếm các doanh nghiệp phụ trợ nội địa đủ tiềm lực, năng lực tham gia chuỗi liên kết toàn cầu.

“Nếu chúng ta làm không khéo, thì rất có thể, Việt Nam chỉ có những xưởng sản xuất rời rạc và không thể thoát khỏi thực tế mà người ta thường nói là, sản phẩm hỗ trợ nhưng không biết hỗ trợ cho ai và cho sản phẩm nào. Do đó, bức tranh công nghiệp Việt Nam trông “lộn xộn” với quá nhiều gam màu được sắp xếp không theo một quy luật nào”, ông Sơn lo ngại.

Lo ngại của ông Sơn là có cơ sở, bởi với “phông nền” công nghiệp như vậy, nhà đầu tư Nhật Bản có thể sẽ chấp nhận trong giai đoạn đầu đến Việt Nam, nhưng không thể kéo dài mãi sự chắp vá. Họ cần nhìn thấy điều kiện đủ cho các kế hoạch sản xuất công đoạn cuối cùng của sản phẩm tại Việt Nam, thay vì chỉ là những sản phẩm đơn lẻ.

Người chắp nhịp cầu cho công nghiệp Việt - Nhật, hay người vận chuyển công nghệ Nhật về Việt Nam ấy đang lên nhiều kế hoạch lớn lao hơn, mạnh bạo hơn cho ngành công nghiệp Việt Nam. “Phải có những khu công nghiệp của các nhà đầu tư Nhật Bản”, ông Sơn nói như khẳng định và cho biết, Esuhai đang kết hợp với các công ty xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp để hợp tác toàn diện trong việc tư vấn từ khâu xây dựng nhà xưởng, kêu gọi đầu tư từ Nhật Bản đến tuyển dụng lao động.

Nhắc đến vấn đề lao động, ông Sơn trầm tư chia sẻ, điểm mạnh của lao động Việt Nam rất rõ, rất tốt, nhưng thiếu tác phong công nghiệp vẫn là điểm yếu. “Chúng tôi trăn trở, bằng mọi cách phải khắc phục điểm yếu này. Với sự giúp đỡ của Tổ chức Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Trung tâm Đào tạo Kaizen được đầu tư xây dựng. Đây là nơi đào tạo, huấn luyện tác phong làm việc công nghiệp cho các công nhân, kỹ sư đã hoàn thành chương trình nghề hay đại học, chuẩn bị vào làm việc trong các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam”, ông Sơn cho biết.

Không chỉ đơn giản là kết nối, Esuhai đang lập một quy trình trọn gói, từ chuẩn bị về nguồn nhân lực đến các giai đoạn đầu tư, mời gọi và xúc tiến đầu tư. Để hiểu và làm được điều này, ông Sơn đã mất đến 10 năm sống, làm việc tại Nhật Bản và 8 năm chuẩn bị tại Việt Nam. Lúc này, ông tin chắc rằng, đây là thời điểm chín muồi của sự chuyển giao công nghệ sản xuất từ các doanh nghiệp Nhật Bản cho doanh nghiệp Việt Nam. Tôi cũng tin vào điều ông nói.

Năm 1995: Sang Nhật Bản du học và làm việc, sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ khí, Trường đại học Bách khoa TP.HCM.

Năm 2000: Tốt nghiệp thạc sĩ ngành cơ khí khuôn mẫu Trường Tokyo Noko University.

Năm 2001 đến nay: Cố vấn cho tổ chức, doanh nghiệp nhỏ và vừa thuộc Bộ Kinh tế Công thương Nhật Bản; thành lập Công ty Esuhai, Trung tâm Đào tạo Kaizen, đào tạo nguồn nhân lực tiếp thu công nghệ kỹ thuật và văn hóa Nhật Bản, tư vấn và kết nối đầu tư…

Theo Báo Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….