John Sculley là một trong những doanh nhân, nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất nước Mỹ, một “kẻ khó ưa” dám đi ngược lại tầm nhìn của Steve Jobs và đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử công nghệ của Apple. Ông cũng là một trong số rất ít doanh nhân thành công ở nhiều lĩnh vực: viễn thông, dịch vụ tài chính, y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao... Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn đi khắp nơi, từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc đến châu Á, để nói chuyện và truyền cảm hứng cho những người mới khởi nghiệp.
Ông John Sulley - Cựu CEO của Pepsi và Apple:
Ông John Sculley - Cựu CEO của Pepsi và Apple

John Sculley được biết đến nhiều nhất với tư cách là cựu CEO của Apple và Pepsi. Năm 1967, ông bắt đầu sự nghiệp tại Pepsi với vị trí quản trị viên tập sự.

Ba năm sau, ông trở thành Phó chủ tịch marketing trẻ nhất trong lịch sử Công ty khi thành công với ý tưởng “marketing dựa trên sự trải nghiệm” trong chiến dịch Pepsi Generation (Thế hệ Pepsi).


Ông cũng là người mở màn chiến dịch thử mùi vị “Thử thách Pepsi”, góp phần hạ bệ Coca-Cola. Năm 1977, ông trở thành Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc trẻ nhất trong lịch sử Pepsi Cola.



Dù đang rất thành công tại Pepsi nhưng ông vẫn quyết định về với Apple khi nó còn là một công ty sản xuất máy tính cá nhân “vô danh tiểu tốt”.


Mười năm cống hiến cho Apple trong vai trò CEO và Chủ tịch, ông đã cho ra đời Desktop Publishing và dòng máy Powerbook, sản phẩm máy tính thành công nhất lúc đó. Doanh số công ty tăng 1.000% trong “thập kỷ Sculley” và Apple trở thành công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới.



Từ khi rời Apple, Sculley đã xây dựng được cho mình danh tiếng trong việc đầu tư và dẫn dắt các doanh nhân trẻ muốn tạo ra những công ty mang tính đột phá. Đã có nhiều doanh nghiệp thành công và danh sách những doanh nghiệp do Sculley dẫn dắt đang dài thêm ra.


Ngày 24/4 vừa qua ông đã có chuyến thăm Việt Nam với vai trò là một đồng sáng lập của Công ty Misfit Wearables, một công ty sáng tạo và sản xuất những phụ kiện y tế hỗ trợ sức khỏe gắn liền với công nghệ cảm ứng di động, thành lập vào tháng 10/2011.

Việt Nam đột phá

* Vì sao ông quyết định đầu tư vào một công ty mới khởi nghiệp như Misfit Wearables?

- Chúng ta đang trong giai đoạn khởi đầu của một cuộc cách mạng thứ hai trong ngành công nghệ thông tin mà theo tôi là không kém phần quan trọng so với làn sóng công nghệ đầu tiên tôi đã chứng kiến cách đây 30 năm.


Làn sóng công nghệ này được định hình bởi điện toán đám mây, và chúng ta đang ở tại thời điểm rất thú vị của công nghệ. Trên địa cầu này có 7 tỷ người thì có đến hơn 5 tỷ điện thoại di động được sử dụng.


Dự kiến, đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị kết nối di động trong khi dân số vẫn vậy. Các thiết bị không dây kết nối với điện toán đám mây và sẽ phát triển theo cấp số nhân về vận hành, dung lượng, lưu trữ... Rất nhiều máy móc được trang bị những bộ cảm biến, phục vụ trong tất cả các ngành, từ y khoa, ngân hàng cho đến viễn thông...



Tôi nghĩ, Việt Nam có thể đóng vai trò quan trọng trên thế giới trong việc phân tích những dữ liệu lớn. Việt Nam với khoảng 90 triệu dân, là nước có những ẩn số đối với nền kinh tế toàn cầu nhưng cũng có nhiều người tài năng, một dân tộc có đức tính cần cù, kiên nhẫn...


Hiện tại, Việt Nam có vẻ rất độc đáo trong lĩnh vực công nghệ cao và Misfit Wearables là một trường hợp điển hình.


Sonny Vũ khởi nghiệp với tinh thần khác lạ, đi ngược lại xu hướng của ngành công nghệ cao Mỹ: trong khi các doanh nhân trong ngành công nghệ cao chọn Thung lũng Silicon hoặc Boston để làm “đầu não” thực hiện khâu nghiên cứu và phát triển, còn những phần thấp hơn đi thuê ngoài ở các nước như Ấn Độ, Trung Quốc, Thái Lan, Việt Nam, thì Sonny Vũ đặt toàn bộ bộ phận nghiên cứu và phát triển sản phẩm tại Việt Nam chứ không phải tại Mỹ, mặc dù anh rất có uy tín trong giới công nghệ cao tại đây.


Không chỉ thế, nhóm nghiên cứu của Misfit Wearables có học vị, trình độ kỹ thuật có thể sánh ngang với nhóm nghiên cứu của công ty tại Thung lũng Silicon.


Hơn nữa, chúng tôi chơi với nhau như những người bạn thân, những người có cái nhìn giống nhau về công nghệ cao. Đó là những lý do khiến tôi đến với công ty này.



* Liệu sự kết hợp giữa một người già, đầy bản lĩnh và tiếng tăm như ông với một người trẻ như Sonny Vũ có là lợi thế để Misfit Wearables phát triển?



- Dù đã nhiều năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao nhưng tôi không phải là kỹ sư. Trong lĩnh vực này có rất nhiều việc để mọi người có thể làm và cống hiến. Điều quan trọng là các bạn phải tò mò và ham thích muốn trải nghiệm.


Trong cùng một đội ngũ có nhiều người với những sở trường, sở đoản khác nhau, chúng ta phải bố trí họ ở những vị trí khác nhau sao cho phù hợp.



Như bạn đã nói, sự kết hợp giữa một người già và một người trẻ như chúng tôi cũng không đến nỗi tệ. Câu “gừng càng già càng cay” không phải muốn nói người già thông minh hơn, nhưng chắc chắn họ sẽ có những trải nghiệm có thể giúp những người trẻ như anh Vũ có những định hướng tốt hơn.


Tôi nghĩ, tôi với anh Vũ cũng có thể trở thành “cặp đôi hoàn hảo” và chúng tôi sẽ tạo ra nhiều đột phá trong ngành công nghệ cao. Mới đây, Misfit Wearables đã kết hợp với Apple tích hợp máy đo đường huyết vào điện thoại iPhone và đã nhận được giải thưởng về thiết kế Good Design Award 2012.

* Đến Việt Nam ngay thời điểm kinh tế suy thoái và các doanh nhân Việt Nam đang gặp rất nhiều khó khăn, ông có lời khuyên nào dành cho họ?

- Trong kinh doanh, các bạn đừng bao giờ trông chờ vào phép lạ, mà nên nghĩ đến vận may, tin tưởng vào vận may. Các doanh nhân dù tài giỏi đến đâu đi nữa vẫn phải chờ gặp vận may và thời điểm tốt.


Có khi những giây phút đen tối nhất đối với một số người này lại là cơ hội tốt nhất cho một số người khác. Bởi vì, khi mọi người dừng lại, trở nên e sợ, không chắc chắn, hồ nghi và không biết điều gì sẽ xảy ra thì những doanh nhân - những người dám chấp nhận rủi ro, dám bước tới trước sẽ nắm bắt được cơ hội.



Hiện nay, tôi chưa biết rõ về Việt Nam nhưng kinh nghiệm ở những thị trường đang phát triển khác cho thấy, chi phí gia tăng, việc tiếp cận đồng vốn khó khăn là hai rào cản lớn nhất đối với sự phát triển của doanh nghiệp. Nhưng muốn thành công phải tìm kiếm cơ hội và tạo vận may cho mình.



* Vậy theo ông, làm thế nào để tạo được vận may?



- Trong cuộc đời luôn có những người lạc quan và bi quan. Người bi quan không nhận thấy vận may của mình mặc dù nó lù lù trước mắt, còn người lạc quan luôn thấy vận may khi người khác không thấy.


Là doanh nhân thì phải có “cái mũi thính”, có thể “đánh hơi” được cơ hội cho mình. Ngoài ra còn phải có lòng can đảm, dũng khí để nắm bắt vận may.


Theo tôi, thành công sẽ không đến với những người lười biếng. Doanh nhân không thể “ngồi mát ăn bát vàng”, mà là người phải chịu nhiều hy sinh trong cuộc đời mình. Nhưng nếu như các bạn lạc quan, nhìn ra cơ hội, thì thế nào cũng tìm được vận may cho mình.



Bài học đắt giá



* Đến giờ, nhiều người vẫn thắc mắc vì sao đang ở đỉnh cao vinh quang tại PepsiCo ông lại từ bỏ để về với một công ty không tên tuổi như Apple lúc đó?



- Thời niên thiếu, tôi là một cậu bé tò mò, thích khám phá. Tôi hay tháo các vật dụng ra để xem bên trong có những gì. Tôi quan tâm đến tất cả những gì dính dáng đến điện tử và cơ chế vận hành của nó. Nhưng sự nghiệp ban đầu của tôi lại gắn với PepsiCo, một công ty kinh doanh nước giải khát, chẳng dính dáng gì đến điện tử.



Năm 1983, tôi gặp Steve Jobs và ông ấy đã thuyết phục tôi: “Ông muốn đi bán nước đường cả đời hay cùng đi với tôi và thay đổi thế giới?”. Thế là tôi rời bỏ vị trí Chủ tịch kiêm CEO của PepsiCo để về làm Chủ tịch và CEO của Apple.



Lúc đó, nhiều người nghĩ tôi “không bình thường”, họ không hiểu vì sao tôi lại từ bỏ một vị trí đáng mơ ước ở một công ty lớn như thế để đến với Apple - một công ty “vô danh tiểu tốt” trong lĩnh vực sản xuất máy tính.


Họ còn bảo, tôi làm cho một công ty thuộc lĩnh vực công nghệ mà có cái tên như cửa hàng bán trái cây, thực phẩm. Nhưng chẳng sao cả, cái quan trọng là tôi cảm nhận được nguồn cảm hứng từ Apple, từ Steve Jobs.



Bạn biết không, khi gia nhập Apple tôi chẳng biết “cóc khô” gì về máy vi tính. Nhưng không sao, vì đã có Steve Jobs biết hết về vi tính rồi. Steve Jobs mời tôi về là vì muốn tôi giữ cho Apple thành công về mặt thương mại.


Steve tin rằng tôi có thể tiếp thị thành công các sản phẩm của Apple cũng giống như tôi đã từng làm với PepsiCo, và máy PC sau này cũng sẽ được bán như Coca-Cola, Pepsi... Bị thôi thúc bởi niềm đam mê của Steve Jobs và cũng sợ bỏ lỡ cơ hội, nên tôi đã rời bỏ PepsiCo, “đầu quân” cho Apple.



Những khó khăn rồi cũng qua đi, trong vòng 10 năm, chúng tôi đã đưa doanh thu công ty lên 1.000%, qua mặt các đối thủ, trở thành công ty bán máy tính lớn nhất thế giới.



* Nhưng nghe nói ông cũng chính là người khiến Steve Jobs phải rời Apple?


- Nếu các bạn có thời gian đọc tự truyện của Steve Jobs sẽ thấy tôi không phải là người đuổi Steve Jobs. Tôi cũng không phải là người viết quyết định cho Steve Jobs nghỉ việc, đó chỉ là điều do người khác thêu dệt nên.


Hồi đó, tôi là CEO của Apple và tôi cũng có những bất đồng với Steve về những vấn đề về chính sách phát triển công ty. Apple là công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán nên CEO phải có trách nhiệm với cổ đông.


Năm 1985, Steve đưa ra sản phẩm Macintosh Office. Đó là thời điểm đầu tiên máy in laser tiếp nối với máy tính đồ họa, còn quá sớm cho những sản phẩm như vậy nên gây ra nhiều sai sót, trì trệ. Năm đó, sản phẩm Macintosh bán không chạy và Steve cảm thấy rất nản.



Nhiệm vụ chính của tôi là làm sao để Apple thành công về mặt thương mại, qua mặt các đối thủ cạnh tranh. Chúng tôi đã triển khai nhiều chiến dịch quảng cáo cho Apple. Sản phẩm Macintosh không tạo ra tiền nên Steve muốn hạ giá sản phẩm và muốn chuyển quảng cáo của Apple 2 sang Macintosh.


Tôi cho rằng làm vậy là sai, sẽ khiến công ty bị thua lỗ. Mâu thuẫn về mặt quản lý, chiến lược buộc chúng tôi phải trình bày quan điểm của mình trước HĐQT.


Qua nhiều cuộc phỏng vấn trực tiếp những người trong công ty, những cuộc họp bất thường của HĐQT, vài tháng sau, HĐQT đã quyết định cho Steve nghỉ việc. Tuy tôi không phải là người đuổi việc ông ấy, nhưng tôi cũng thấy mình có một phần trách nhiệm trong đó.

* Việc Steve Jobs ra khỏi Apple có phải là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời ông?

- Tuy không sa thải Steve Jobs, nhưng tôi xem việc ông ấy rời khỏi Apple cũng là thất bại lớn nhất trong cuộc đời tôi. Có thể hồi đó tôi chưa đủ thông minh nên chưa muốn mời ông ấy quay trở lại.


Thường chúng ta bị cuốn vào vòng xoáy của công việc và quên đi mình phải ứng xử như thế nào cho thích hợp. Khi nhìn lại, tôi ao ước, phải chi lúc ấy có một người hướng dẫn, kèm cặp, nói với tôi rằng hãy gượm đã, khoan thực hiện quyết định của HĐQT, mà hãy ngồi lại với Steve Jobs, cùng thảo luận lại thì chắc mọi chuyện đã khác.



“Bí kíp” thành công



* Đã từng điều hành PepsiCo, Apple và hiện nay là danh sách dài những công ty ở nhiều nước trên thế giới, ông có nghĩ mình là người tài giỏi? Và làm thế nào để giỏi như ông?



- Tôi nghĩ mình cũng bình thường như bao người khác thôi. Vấn đề là tôi may mắn gặp cơ hội và nắm bắt được những cơ hội đó. Mình phải lao động khó nhọc, dám chấp nhận rủi ro, chấp nhận thất bại thì mới thành công.


Trong kinh doanh, nếu không có lao động, không có tò mò, không có sáng tạo và không có con mắt mở to tìm kiếm cơ hội, tạo nguồn cảm hứng cho những người ở quanh chúng ta để huy động họ đi cùng trong cuộc hành trình thì chúng ta sẽ khó thành công.


Tất cả chúng ta sinh ra đều có cơ hội ngang nhau, nếu không biết tận dụng cơ hội thì sẽ không thể thành công. Các nhà lãnh đạo cũng như những vận động viên giỏi, chỉ một số ít người có tài năng bẩm sinh, còn nếu muốn thành công thì phải được đào tạo, hướng dẫn tốt, không ngừng rèn luyện và biết học từ những việc mình làm.


* Sau từng ấy năm kinh doanh và dìu dắt người trẻ khởi nghiệp, ông có lời khuyên nào dành cho những doanh nhân trẻ Việt Nam?



- Cái tôi học được qua từng ấy năm kinh doanh là ranh giới giữa thành công và thất bại rất mong manh. Một trong những điều độc đáo nhất của văn hóa Mỹ là dám chấp nhận thất bại.


Khi thấy một người nào đó thất bại, thay vì bảo là “tay đó “tiêu rồi”, người ta thường đặt câu hỏi: “Qua vụ đó anh học hỏi được gì?”. Tôi nghĩ, những người trẻ có thể làm thay đổi thế giới nếu họ có ước mơ, sáng tạo và biết chấp nhận thất bại.


Bản thân tôi cũng có nhiều lần thất bại, nhưng tôi đã dũng cảm đứng lên chứ không hề than thân trách phận. Khi còn trẻ, mỗi lần thất bại có thể mình thấy hổ thẹn, nhưng khi đã có tuổi mình sẽ thấy đó là những bài học bổ ích. Thất bại là mẹ thành công mà!

* Làm việc từ lúc còn rất trẻ và hiện đã qua tuổi nghỉ hưu nhưng ông vẫn miệt mài với chuyện kinh doanh ở rất nhiều nơi trên thế giới. Làm quá nhiều như vậy, ông không nghĩ đến chuyện hưởng thụ cuộc sống sao?

- Bạn nói tôi không hưởng thụ cuộc sống sao? Trái lại, tôi rất biết hưởng thụ đấy. Tôi đi cùng với người bạn tri kỷ đến khắp nơi trên thế giới. Trong tôi vẫn còn nguyên tính tò mò và sự hăm hở như thời trai trẻ.

Bây giờ tôi không cần phải kiếm tiền nữa, nhưng tôi yêu mến bạn bè và muốn giúp đỡ họ nên đầu tư vào công ty của họ. Tôi thấy có những người bằng tuổi tôi, thậm chí những người mới 60 tuổi, đã nghỉ hưu rồi, nhưng không hạnh phúc bằng tôi.


Có vẻ họ hưởng thụ nhiều hơn nhưng lại không có cuộc sống vui vẻ như tôi. Tôi thấy cuộc sống hiện giờ của mình vẫn rất đáng yêu, tôi vẫn ăn ngon, ngủ tốt và không bệnh tật gì. Quan trọng hơn là tôi có người bạn tri kỷ bên cạnh trong suốt các cuộc hành trình.

* Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thân tình và hữu ích.

Theo Doanh nhân SG
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • 4 chiến lược cốt lõi để phát triển và quảng bá doanh nghiệp từ cựu CEO Apple John Sculley

    4 chiến lược cốt lõi để phát triển và quảng bá doanh nghiệp từ cựu CEO Apple John Sculley

    03/08/2018 11:06 AM

    John Sculley đã giúp xây dựng thương hiệu cho nhiều công ty, đặc biệt là giúp Pepsi và Apple có được danh tiếng như ngày hôm nay. Và dưới đây là cách mà ông tạo ra những điều thần kỳ đó.

  • Nữ giám đốc Việt trong doanh nghiệp của cựu CEO Apple

    Nữ giám đốc Việt trong doanh nghiệp của cựu CEO Apple

    08/03/2013 2:43 PM

    Từ bỏ McKinsey về làm Giám đốc Chiến lược tại Công ty Misfit Wearables do John Sculley, cựu CEO Apple đồng sáng lập, Lê Diệp Kiều Trang cho biết cô chưa bao giờ hối tiếc về quyết định này.

  • John Sculley: Apple cần phải tập trung vào iPhone rẻ hơn

    John Sculley: Apple cần phải tập trung vào iPhone rẻ hơn

    16/01/2013 5:01 PM

    Sau hàng loạt tin đồn rằng Apple chuẩn bị tung ra iPhone mini với giá rẻ hơn. John Sculley cựu CEO Apple phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với truyền hình Bloomberg cho rằng: Nhà sản xuất iPhone cần phải tân trang lại chuỗi cung ứng của mình để sản xuất ra những chiếc điện thoại với mức giá rẻ hơn.A

  • Ông John Sulley - Cựu CEO của Pepsi và Apple: "Người trẻ sẽ làm thay đổi thế giới"

    Ông John Sulley - Cựu CEO của Pepsi và Apple: "Người trẻ sẽ làm thay đổi thế giới"

    11/05/2012 1:59 AM

    John Sculley là một trong những doanh nhân, nhà lãnh đạo nổi tiếng nhất nước Mỹ, một “kẻ khó ưa” dám đi ngược lại tầm nhìn của Steve Jobs và đã ghi dấu ấn đậm nét trong lịch sử công nghệ của Apple. Ông cũng là một trong số rất ít doanh nhân thành công ở nhiều lĩnh vực: viễn thông, dịch vụ tài chính, y tế, chăm sóc sức khỏe, công nghệ cao... Dù đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn đi khắp nơi, từ Bắc Mỹ, châu Âu, châu Úc đến châu Á, để nói chuyện và truyền cảm hứng cho những người mới khởi nghiệp.

  • Cựu CEO Apple và PepsiCo John Sculley: Phải nhìn nhận và trân trọng người giỏi hơn mình

    Cựu CEO Apple và PepsiCo John Sculley: Phải nhìn nhận và trân trọng người giỏi hơn mình

    02/05/2012 1:46 AM

    Với vai trò đồng sáng lập Công ty Misfit Wearables, ngày 23/4, một trong những doanh nhân nổi tiếng nhất nước Mỹ, cựu CEO Apple và PepsiCo đã đến Việt Nam thăm bộ phận nghiên cứu phát triển của công ty đặt tại TP.HCM. Ngay sau khi gặp gỡ nhóm nghiên cứu được ông đánh giá là rất quan trọng và có kiến thức, trình độ ngang bằng với những chuyên gia công nghệ cao ở thung lũng Silicon, John Sculley đã gặp gỡ với các doanh nhân, các sinh viên xuất sắc trong ngành công nghệ thông tin. John tin rằng, tr

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.