"Gắn bó với nông dân là cách chúng tôi gặt hái sự tiến bộ cả về kết quả kinh doanh lẫn vị thế thị trường tại Việt Nam" - ông Joe Stone - Phó chủ tịch Tập đoàn Cargill chuyên hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu - chia sẻ với Doanh Nhân Sài Gòn.
Cargill gắn liền với quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam. Nhìn lại quá trình đó ông đánh giá những thành quả của Cargill tại Việt Nam đến nay ra sao?
Một trong những thành quả lớn nhất của Cargill tại Việt Nam là Tập đoàn đã phát triển được đội ngũ nhân viên lớn mạnh. Trải qua hơn hai thập kỷ, có hơn 1.400 nhân viên làm việc trong ngành dinh dưỡng vật nuôi tại các cơ sở của Cargill ở Việt Nam.
Điều đặc biệt là chúng tôi đã đào tạo được đội ngũ lãnh đạo là người địa phương có khả năng chèo lái và phát triển công việc kinh doanh, gắn bó với những người chăn nuôi, giúp họ nâng cao hiệu quả và phát triển kinh tế thông qua những chương trình dinh dưỡng tiên tiến. Họ thấu hiểu khách hàng, sống và làm việc theo những giá trị của Tập đoàn, đưa Cargill Việt Nam thành một trong những đơn vị kinh doanh thành công nhất của Cargill trên nhiều quốc gia.
Lần đầu tôi đến Việt Nam cách nay 15 năm, thời điểm đó tôi ấn tượng với những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong quá trình đổi mới và đang đầu tư phát triển đường bộ, đường thủy, cầu cảng để tạo nền móng phát triển các ngành kinh tế và giao thương hiệu quả, trong đó có những lĩnh vực mà Cargill tham gia kinh doanh.
Cargill kỳ vọng rất lớn vào thị trường Việt Nam bởi chúng tôi hiểu ngành nông nghiệp chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng thể nền kinh tế Việt Nam. Hai mươi hai năm là cả một quá trình, việc kinh doanh tại Việt Nam có thể nói là khá thành công. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa bằng lòng, vẫn mong muốn làm được nhiều hơn nữa vì thị trường Việt Nam có tiềm năng rất lớn.
Đến này thì Việt Nam nằm ở vị trí nào trong bản đồ phát triển của Cargill, thưa ông?
Tại Việt Nam, chúng tôi phục vụ thị trường thông qua 3.300 đại lý và hàng ngàn nhân viên kinh doanh - tư vấn kỹ thuật cho người chăn nuôi. Tính từ năm 1997 đến nay, Cargill đã chuyển giao kiến thức, kỹ thuật và những phương pháp thực hành tốt nhất về quản lý chăn nuôi, sức khỏe và dinh dưỡng vật nuôi cho hơn 1,6 triệu người chăn nuôi.
Việt Nam là thị trường có vị thế chiến lược của Cargill, được kỳ vọng sẽ tiếp tục đóng góp lớn cho Tập đoàn, điều này càng củng cố cam kết của chúng tôi là tiếp tục đầu tư và mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.
Theo ông đâu là thách thức ở lĩnh vực hoạt động như Cargill tại Việt Nam và giải pháp cho điều đó là gì?
Nông nghiệp dù là ngành có tỷ trọng đóng góp lớn nhất trong nền kinh tế Việt Nam nhưng lại rất phân tán và chưa được hệ thống hóa. Lấy ví dụ riêng trong ngành chăn nuôi, Việt Nam có trên 3 triệu hộ chăn nuôi rải rác khắp cả nước. Đa số họ còn hạn chế trong tiếp cận các nguồn thông tin chuyên ngành, công nghệ và kỹ thuật, nguồn vốn và phương pháp chăn nuôi chuyên nghiệp.
Do hạn chế như vậy nên hiệu suất chăn nuôi chưa cao. Cargill đã và đang hỗ trợ họ dần khắc phục những hạn chế ấy. Chúng tôi chú trọng vào đào tạo, chia sẻ kiến thức cho người chăn nuôi, giúp họ nâng cao năng lực tổ chức, quản lý trang trại, sức khỏe và dinh dưỡng vật nuôi.
Để làm được điều đó, Cargill đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực, phương tiện và kỹ thuật, cung cấp giải pháp dinh dưỡng và dịch vụ tốt nhất có thể. Thông qua đó giúp nông dân nâng cao năng suất chăn nuôi và phát triển kinh tế gia đình, nhờ đó Cargill phát triển song hành với họ. Họ thành công thì Cargill thành công.
Nhưng trong môi trường còn nhiều khó khăn ắt cũng nhiều cơ hội khai phá. Ông nhìn nhận vấn đề ấy thế nào?
Thách thức cũng chính là cơ hội để Cargill tiếp tục đầu tư và phát triển. Chúng tôi tự tin là thương hiệu hàng đầu về dinh dưỡng vật nuôi và đặt mục tiêu trở thành công ty tốt nhất về dinh dưỡng vật nuôi tại Việt Nam.
Chúng tôi kỳ vọng sẽ đạt được bằng cách khai thác tối đa thế mạnh của Tập đoàn về bề dày kinh nghiệm, mạng lưới thông tin về ngành nông nghiệp và dinh dưỡng toàn cầu, lợi thế công nghệ với khả năng cung cấp cho thị trường những giải pháp phù hợp với nhu cầu thực tế của người chăn nuôi tại mỗi quốc gia.
Vào Việt Nam khá sớm nhưng nhiều lĩnh vực Cargill vẫn chưa thể dẫn đầu thị trường. Vậy đâu là lý do?
Đối với Cargill, tăng trưởng bền vững mới là yếu tố cốt lõi. Cargill không chỉ tập trung cho tăng trưởng mà còn ở chất lượng của tăng trưởng, không chỉ đảm bảo tăng trưởng nhanh mà còn phải tăng trưởng bền vững.
Trọng tâm của Cargill ở mỗi thị trường là cam kết gắn bó và giúp người chăn nuôi tìm ra hướng đi và thành công về dài hạn. Chúng tôi gắn bó với thị trường cả những lúc suy, như thời điểm này ngành chăn nuôi heo của Việt Nam gặp rất nhiều khó khăn, đẩy nhiều hộ vào tình trạng thua lỗ do giá heo xuống quá thấp.
Vì thế Cargill phải huy động thêm nguồn lực, dành thêm nhiều thời gian để đồng hành với người chăn nuôi, giúp họ cách để trụ vững và vượt qua giai đoạn khủng hoảng này. Khi vượt qua được thì sẽ phục hồi và tăng trưởng bền vững về dài hạn. Tự tin lấy người chăn nuôi làm trọng tâm thì chúng tôi sẽ tiến bộ cả về kết quả kinh doanh lẫn vị thế thị trường.
Hai hai năm qua, nền kinh tế Việt Nam thay đổi rất nhiều, Cargill thay đổi thế nào trong bối cảnh chung đó?
Thay đổi rõ nét nhất của Cargill là về quy mô thị trường. Hai hai năm trước chúng tôi khởi đầu với rất ít nhân viên và một nhà máy ở Biên Hòa công suất vài ngàn tấn thức ăn chăn nuôi mỗi tháng. Ngày nay Cargill có 11 nhà máy và đang tiếp tục đầu tư mở rộng.
Về thị trường, trong quãng thời gian ấy, yêu cầu và kỳ vọng của người chăn nuôi đã có sự thay đổi lớn cùng với sự tiến bộ của nền kinh tế. Nếu trước đây họ chỉ cho vật nuôi ăn no thì nay yêu cầu phức tạp và tinh tế hơn nhiều, nguồn thức ăn phải được sản xuất từ những nguyên liệu có nguồn gốc rõ ràng và an toàn.
Người chăn nuôi ở Việt Nam ngày càng nhận thức tốt hơn về việc để có được thịt an toàn thì vật nuôi phải có thức ăn an toàn. Điều này cũng xuất phát từ nhu cầu tất yếu của thị trường và người tiêu dùng về an toàn thực phẩm. Cargill hiểu rõ nhu cầu chính đáng đó, làm việc chặt chẽ với khách hàng để cung cấp sản phẩm theo cách thức minh bạch, có khả năng truy xuất nguồn gốc trong chuỗi cung ứng.
Nông nghiệp là lĩnh vực quan trọng của Việt Nam, tuy nhiên như ông nói, một trong những hạn chế là quy mô nhỏ và phân tán. Vậy theo ông thì làm gì để giảm thiểu tình trạng ấy?
Tôi lấy một ví dụ về ngành chăn nuôi heo hiện nay ở Việt Nam. Với giá heo giảm như hiện nay, tất yếu sẽ diễn ra sự hợp nhất về sản xuất, cụ thể là Việt Nam sẽ có số lượng trang trại ít hơn nhưng quy mô lớn hơn, được tổ chức tốt hơn, kinh doanh hiệu quả hơn.
Xu hướng này là tự nhiên theo quy luật cung cầu và đã diễn ra ở nhiều nước, nó đem lại nhiều lợi ích, chẳng hạn giảm tác động xấu đến môi trường thông qua các biện pháp chăn nuôi bền vững, kiểm soát dịch bệnh trên vật nuôi chắc chắn sẽ tốt hơn trong các trang trại được tổ chức bài bản, qua đó cải thiện vấn đề an toàn thực phẩm. Tuy nhiên điều đó diễn ra như thế nào còn tùy vào điều kiện thực tế về nguồn lực và nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Công nghệ cao đang tác động mạnh mẽ đến sản xuất nông nghiệp. Theo ông thì nó tác động đến Việt Nam như thế nào và Cargill làm gì trong xu thế đó?
Ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp là xu hướng tất yếu và nó giữ vai trò quan trọng trong việc định hình ngành nông nghiệp cả thế giới. Nông nghiệp sẽ tiếp tục là ngành kinh tế quan trọng và đầy tiềm năng của Việt Nam, dù thị trường không ngừng diễn ra điều chỉnh cung cầu.
Chính nông dân đóng vai trò cốt lõi trong việc gia tăng năng suất và gia tăng giá trị cho ngành nông nghiệp Việt Nam. Mà để làm được điều đó, họ phải được giúp đỡ để nâng cao năng lực chuyên môn. Đó là lý do mà chúng tôi gắn bó chặt chẽ với khách hàng, lắng nghe và giúp đỡ họ phát triển, dù thị trường thuận lợi hay khó khăn.
Cargill tự hào là doanh nghiệp có năng lực về công nghệ và nghiên cứu phát triển. Chúng tôi không ngừng đưa ra những giải pháp hiện đại cho ngành nông nghiệp. Tại Việt Nam, Cargill đã đầu tư trung tâm ứng dụng kỹ thuật cho ngành nuôi cá tại Tiền Giang, đồng thời đang xây dựng một trung tâm ứng dụng kỹ thuật cho ngành nuôi tôm ở Bạc Liêu nhằm phục vụ và chuyển giao công nghệ cho người chăn nuôi.
Ông có thể cho biết kế hoạch kinh doanh của Cargill tại Việt Nam?
Cargill sẽ tiếp tục đầu tư vào Việt Nam nhằm mở rộng sản xuất, tăng cường ứng dụng công nghệ, phát triển nguồn nhân lực địa phương và nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng. Ngoài ngành dinh dưỡng vật nuôi, Cargill đang tìm hiểu cơ hội cho ngành gia cầm và chế biến sản phẩm từ gia cầm tại Việt Nam.
Thế còn kinh nghiệm xây dựng môi trường làm việc đa văn hóa?
Cargill ra đời tại Hoa Kỳ 152 năm trước, hiện có hơn 155.000 nhân viên làm việc tại 70 quốc gia với 65 ngôn ngữ. Chúng tôi là một đội ngũ đông đảo và đa dạng, đúng nghĩa là một tổ chức đa văn hóa, nơi mà sự hòa nhập ảnh hưởng rất lớn đến thành công của Tập đoàn.
Điều giúp chúng tôi gắn kết và hòa hợp những khác biệt đó là dù ở đâu, mỗi người đều cùng sống và làm việc theo giá trị chung của Cargill: Tính chính trực, tôn trọng người khác, cam kết phục vụ, khát vọng thành công. Những giá trị đó luôn được xây dựng, bồi đắp, đã định hình nền văn hóa Cargill.
Chúng kết dính đội ngũ của Tập đoàn bằng sự hòa nhập và đa dạng mà mỗi thành viên đóng góp cho tổ chức. Mỗi người của Cargill gắn bó với tôn chỉ đó là đóng góp vào sự phát triển thịnh vượng trên ba nền tảng: Sự hài lòng của khách hàng, cộng đồng giàu mạnh, nhân viên gắn kết.
Cargill có cách tiếp cận về trách nhiệm xã hội khá thành công tại Việt Nam, điều đó hàm chứa triết lý kinh doanh thế nào, thưa ông?
Cargill tự hào về những đóng góp cho việc phát triển cộng đồng tại các quốc gia mà Tập đoàn hiện diện. Tại Việt Nam, ngay từ đầu Cargill đã lấy giáo dục làm ưu tiên với phương châm "nâng cao chất lượng cuộc sống thông qua giáo dục". Chương trình xây trường học cho cộng đồng dân cư nông nghiệp tại Việt Nam rất thành công, đã trở thành điển hình để Cargill ở một số nước áp dụng.
Tính đến nay, Cargill thông qua đội ngũ nhân viên tình nguyện tại Việt Nam đã xây dựng 85 trường học tại 46 tỉnh - thành, phục vụ cho khoảng 13.500 học sinh. Mục tiêu của chúng tôi đến năm 2020 sẽ hoàn thành 100 trường học phục vụ cho khoảng 15.000 học sinh.
Nhiều năm gắn bó với Việt Nam, chắc là ông có nhiều kỷ niệm...
Việt Nam có giá trị đặc biệt đối với tôi. Ngoài mối quan hệ về công việc trong nhiều năm thì về mặt cá nhân, Việt Nam còn là quê hương của cô em dâu thân thiết. Em trai tôi đã kết hôn với một cô gái Huế và đưa cô ấy sang Mỹ đã 12 năm nhưng gia đình cô ấy vẫn ở Huế và họ có một trang trại chăn nuôi quy mô nhỏ. Đó là một gia đình tuyệt vời và chúng tôi rất quý mến nhau. Mỗi lần sang Việt Nam là chúng tôi lại gặp gỡ và thăm hỏi nhau.
Tôi cũng có nhiều tình cảm với đội ngũ nhân viên Cargill tại Việt Nam. Tôi nhận thấy một đặc điểm chung của người dân Việt Nam là làm việc chăm chỉ với mục đích cho tương lai tốt đẹp hơn. Điều đáng nói là họ cố gắng hết mình không chỉ vì cá nhân mà còn vì trách nhiệm rất cao với gia đình và người thân. Họ nỗ lực vì tương lai cho đại gia đình và điều này không phải ở nước nào cũng có. Thật là đáng quý!
Tuyết Ân (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.