Cập nhật 28/09/2019 9:43 AM
Nhỏ và nhẹ, ống hút nhựa đã qua sử dụng dễ dàng trôi xuống biển. Chỉ một chiếc ống hút nhỏ cũng có thể giết chết một con rùa.

Ô nhiễm nhựa đang trở thành một vấn đề toàn cầu. Chỉ trong một ngày năm 2018, tình nguyện viên trên khắp thế giới đã thu được hơn 3,6 triệu ống hút nhựa trên biển và các bãi cát. Ảnh: NBC.

Một thống kê cho thấy 500 triệu ống hút nhựa được sử dụng trong một ngày chỉ riêng ở nước Mỹ. Chiến dịch không sử dụng ống hút nhựa cũng lan tỏa nhanh chóng tại quốc gia này. Tính đến nay, Baltimore, Seattle, San Francisco, New York và Washington là các thành phố lớn cấm ống hút nhựa. Năm 2018, thống đốc California cũng ký ban hành luật cấm các nhà hàng phục vụ ống hút nhựa cho khách hàng trừ khi khách hàng yêu cầu. Ảnh: The Atlantic Current.

Chuỗi cà phê Starbucks loại bỏ ống hút bằng nhựa và thay thế bằng nắp đậy có thể tái chế. Hơn 8.000 cửa hiệu Starbucks ở Mỹ và Canada đã áp dụng chiến dịch này. Ảnh: Stranger.

Đối với một thương hiệu lớn như Starbucks, việc "xóa sổ" ống hút nhựa từ 28.000 cửa hàng trên thế giới có thể loại bỏ 1 tỷ ống hút nhựa mỗi năm. Bên cạnh đó, hãng cho biết đang thử nghiệm với ống hút giấy tại các cửa hàng ở Mỹ. Ảnh: Daily Mail.

Chuỗi khách sạn đa quốc gia Hyatt cũng tuyên bố loại bỏ ống hút và ly nhựa kể từ tháng 9/2018. Tập đoàn này đã giới thiệu chương trình Tầm nhìn Bền vững Môi trường 2020 từ 4 năm về trước với mục tiêu giảm 25% lượng khí thải nhà kính trên tất cả khu vực. Hyatt cũng hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận Clean the World để phân phối các khăn tắm không sử dụng đến nơi có nhu cầu. Ảnh: Lodging.

Bên cạnh những chuỗi nhà hàng và khách sạn, Hãng hàng không American Airlines cũng tuyên bố loại bỏ ống hút nhựa ra khỏi phòng chờ và thay thế bằng ống hút, thìa khuấy thân thiện với môi trường. Đồ dùng sử dụng trong các bữa ăn trên máy bay được chuyển từ chất liệu nhựa sang tre từ cuối năm 2018. Hãng cho biết thay đổi này sẽ loại bỏ hơn 32.000 kg nhựa mỗi năm. Ảnh: Newsroom.

Hàng loạt nhà hàng lớn từ khắp các bang ở Mỹ như chuỗi nhà hàng The Dinex của bếp trưởng Daniel Boulud, nhà hàng Ý 312 Chicago, nhà hàng Outlier ở Seattle, Taco Rosa tại California và nhiều nhà hàng vừa và nhỏ khác cũng tuyên bố không sử dụng ống hút nhựa. Ảnh: Taco Rosa.

"Đây sẽ là chiếc ống hút nhựa cuối cùng. Người Mỹ đã tiêu tốn 500 triệu ống hút nhựa mỗi ngày. Chúng tôi sẽ không còn nằm trong số đó nữa, 14 nhà hàng của chúng tôi trên khắp nước Mỹ sẽ ngừng sử dụng ống hút nhựa", nhà hàng DMK tuyên bố trên Instagram. Ảnh: Medill Reports Chicago.

Bếp trưởng Michael Cimarusti, chủ sở hữu các nhà hàng Providence, Connie và Ted, tiết lộ: "Tôi là một người sử dụng ống hút 'kinh niên' nhưng giờ đây đã có thể thưởng thức đồ uống mà không cần ống hút". Thay thế cho ống hút nhựa, các nhà hàng của ông sử dụng ống hút làm từ lúa mạch đen. Ảnh: Insideaccess.

Khách sạn NoMad ở Los Angeles sử dụng ống hút kim loại có thể tái sử dụng tại quán bar Giannini, nhà hàng tầng trệt và ống hút cỏ cho quầy bar trên sân thượng. Adam George Fournier, quản lý quán bar NoMad, cho biết phản ứng của khách hàng là bất ngờ và thích thú khi tưởng rằng ống hút cỏ chỉ dùng để trang trí. Ảnh: Eater NY.

Khi Malibu cấm ống hút nhựa vào năm ngoái, Bob Morris, chủ sở hữu của Paradise Cove Beach Café, đã sáng chế ra ống hút làm từ mì ống để sử dụng cho quán cà phê của mình. Ảnh: Mainichi.

Sản phẩm của ông đã phục vụ hơn 700.000 người trong năm vừa qua. Ảnh: Yelp.

Bên cạnh hiệu ăn và các chuỗi khách sạn, chuỗi cửa hàng Whole Food cũng loại bỏ ống nhựa khỏi 500 cửa hàng của mình ở Mỹ và Canada. Theo thông báo hồi tháng 7, chuỗi cửa hàng này sẽ không sử dụng ống hút nhựa tại các quán nước trái cây, quán cà phê và sử dụng ống hút giấy có thể tái chế theo yêu cầu. Ảnh: Whole Foods Market.

Chuỗi siêu thị Walmart cũng tiết lộ chiến lược giảm thiểu chất thải nhựa từ bao bì thương hiệu riêng. Ảnh: Getty.

Tuy nhiên, không phải chiến dịch nói không với ống hút nhựa nào cũng diễn ra thuận lợi. Chuỗi thức ăn nhanh McDonald's quyết định chuyển từ ống hút nhựa có thể tái chế sang ống hút giấy tại 1.361 cửa hàng tại Anh và Ireland vì áp lực bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, không bao lâu sau, 50.000 thực khách của McDonald's ký vào kiến nghị yêu cầu McDonald's trở lại ống hút nhựa truyền thống. Ảnh: Twitter.

Đa số khách hàng phàn nàn rằng ống hút giấy có vị lạ và tan quá nhanh. Chúng thậm chí bị nhão ra trước khi người dùng kịp uống xong ly nước. Thêm vào đó, ống hút giấy của McDonald's không thể tái chế. Tính đến tháng 8/2019, hãng đồ ăn nhanh vẫn phải vứt bỏ toàn bộ ống hút giấy đã qua sử dụng. Ảnh: Taste.

"Rất khó để thay thế ống hút nhựa", Nghị sĩ Anh Ed Davey, cựu lãnh đạo tổ chức Biển đổi Khí hậu Anh, thừa nhận. Ảnh: Getty.

Trở lại với trường hợp của Starbucks, ống hút nhựa giờ được thay bằng nắp nhựa có thể tái chế, nhưng những nắp đậy làm từ polypropylene (nhựa loại 5) này cũng bị một số thành phố tuyên bố từ chối nhận tái chế, trong đó có Sacramento (California, Mỹ). Ảnh: Starbucks.

Thêm vào đó, trong khi số lượng cửa hàng Starbucks ở Đông Nam Á ngày càng gia tăng, một số địa điểm tại khu vực này không đủ cơ sở hạ tầng để xử lý nắp nhựa ngay cả khi chúng dễ tái chế hơn ống hút. "Starbucks không xem xét vấn đề này một cách toàn diện, hệ thống và toàn cầu", Shilpi Chhotray, người phụ trách truyền thông của phong trào Break Free From Plastic, chỉ trích. Ảnh: Pulse.

Phương Thảo (ZN)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
CafeLand.vn là Network bất động sản hàng đầu Việt Nam. Cung cấp thông tin bất động sản, thông tin mới nhất thị trường nhà đất và mua bán nhà đất tại Việt Nam. Network CafeLand gồm có: CafeLand Nhà Đất, CafeLand TV, CafeLand Map, CafeLand Proptech….