Thật kỳ lạ là một ông lão ngoài tám mươi như Li Ka shing lại có một sự nhạy cảm phi thường với những gì diễn ra trong thế giới kỹ thuật số. Li nói ông chỉ suy nghĩ 5 phút để quyết định đầu tư vào Facebook hồi tháng 12/2007, cho dù khi đó, công ty non trẻ này hầu như chưa có doanh thu gì, nhưng lại tìm kiếm những khoản đầu tư lớn với mức định giá công ty là 15 tỷ USD.
Ông già 80 và thú vui

"Đầu tư vào công nghệ khiến tôi trẻ hơn"

Lần đầu tiên, tỷ phú giàu nhất châu Á Li Ka-shing tỏ ra cởi mở về một chủ đề đáng ngạc nhiên nhất trong sự nghiệp tiếng tăm của mình: những khoản đầu tư vào công nghệ gần đây đã khiến ông được so sánh với Yuri Milner – một nhà đầu tư có tầm nhìn xa đáng nể và có “bàn tay vàng”: sự tham gia của họ có thể đảm bảo cho sự thành công của một nhân tài công nghệ trẻ. Ông nói :"Đầu tư vào công nghệ khiến tôi cảm thấy mình trẻ hơn"

Li đã bị thu hút bởi tốc độ tăng trưởng người dùng của Facebook và triển vọng của nó trên điện thoại, ông nhanh chóng chấp nhận chi 120 triệu USD để mua 0,8% cổ phần. Sau đó, ông còn mua thêm một số lớn cổ phần nhưng không công bố. Khi Facebook tiến hành IPO hồi đầu năm nay với giá trị hơn 100 tỷ USD, Li chắc chắn sẽ có thêm ít nhất 1 tỷ USD vào danh mục tài sản.

Thành công của Li với Facebook chỉ là một “bàn thắng” ấn tượng nhất trong danh mục đầu tư vào công nghệ. Công ty đầu tư công nghệ Horizons Ventures của ông đã đầu tư vào Skype một năm trước khi eBay trả 2,5 tỷ USD cho nó. Siri, hãng đầu tư do Li đứng đằng sau, đã được bán cho Apple, sau khi Li đầu tư 7,5 triệu USD vào đó. Gần đây, Li còn đầu tư vào trang âm nhạc Spotify, công cụ hỗ trợ định hướng Waze.

“Một trong những điều thú vị nhất về ông và các cộng sự là họ hiểu rõ về diễn biến của thị trường trong tương lai”, CEO 29 tuổi của Spotify, Daniel Ek, người đáng tuổi cháu của Li, nói, “Từ khi quyết định đầu tư, ông ấy luôn để Spotify trong ô tô của mình. Đó là thời điểm năm 2009, trước khi Spotify chỉ là một ứng dụng di động. Ông ấy cho rằng Spotify sẽ có mặt khắp nơi. Ông đã không thấy giới hạn của công nghệ.

Với những mối quan hệ mật thiết ở khắp châu Á, Horizons là địa chỉ tin cậy và mơ ước của các công ty trẻ đang muốn thâm nhập thị trường Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Mới đây, Li đặc biệt quan tâm đến tiềm năng kinh doanh của lĩnh vực truyền dữ liệu ảo. Ngoài khoản đầu tư 7,5 triệu USD vào Siri, hiện đang được sử dụng trên iPhone, ông đã bỏ 300.000 USD cách đây 3 tháng cho một công cụ tìm kiếm tổng hợp do một cậu bé 16 tuổi điều hành. Ông tin rằng, công cụ tìm kiếm này sẽ đặc biệt ứng dụng trong giáo dục, nơi việc “học theo yêu cầu” sẽ gắn chặt với các thiết bị cá nhân.

Đam mê học hỏi

Để hiểu sự đam mê cố hữu của Li với giáo dục, phải nhìn lại thời kỳ tuổi trẻ của Li, một câu chuyện nổi tiếng trên cộng đồng người Trung Quốc ở khắp thế giới. Sinh ra ở Chaozhou, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc năm 1928, Li và gia đình đã phải chạy nạn trong cuộc chiến Trung – Nhật. Ông nhớ lại “Khi tôi đang học tiểu học thì người Nhật ném bom xuống Chaozhou”. Họ định cư ở gần Hồng Kông. Không lâu sau khi họ đến Hồng Koon, cha Li, một hiệu trưởng trường tiểu học đã chết vì bệnh lao.

“Đó là điều khủng khiếp nhất trong suốt tuổi thơ của tôi. Gánh nặng của sự nghèo đói, cảm giác cay đắng vì mất nơi nương tựa và sự cô độc đã in dấu nơi tôi những câu hỏi đeo đẳng suốt cả cuộc đời. Liệu có thể thay đổi số phận một con người không? Có thể tăng cơ hội thành công bằng việc lập kế hoạch chi tiết và thực hiện nó kiên trì hay không?”

Li đã tự đi tìm kiếm câu trả lời cho mình không qua một trường lớp nào. Ông đã bỏ học năm 12 tuổi và đi làm công nhân cho nhà máy sản xuất dây đeo đồng hồ. 14 tuổi, ông đi làm cho nhà máy nhựa để nuôi gia đình. Năm 1950, Li bỏ việc để mở xưởng sản xuất đồ chơi và nhựa gia dụng. Ông chuyển sang sản xuất hoa nhựa sau khi đọc báo về ưa chuộng mặt hàng này ở Italia. Ông đặt tên công ty đầu tiên là Cheung Kong, theo tên con sông lớn Dương Tử, được hình thành từ hàng ngàn con suối nhỏ.

Với lợi nhuận từ ngành nhựa, Li bắt đầu mua các toà nhà và nhà máy quanh thành phố trong những năm 1960, thời kỳ thị trường đang rất bất ổn với tình trạng bạo động và nội chiến. Tuy nhiên, khi thị trường phục hồi, ông đã thu những khoản lợi nhuận khổng lồ. Năm 1979, ông là người Trung Quốc đầu tiên mua cổ phần kiểm soát ở một công ty bất động sản lâu đời của Anh, sau đó là Hutchison Whampoa. Năm 1987, ông đã có mặt trong danh sách tỷ phú lần đầu tiên được công bố của Forbes. Li và các đối tác đã trả 500 triệu USD để mua một nửa công ty dầu mỏ thua lỗ Husky Oil của Canada. Sau khi tái cơ cấu và sáp nhập, hiện cá nhân ông vẫn giữ cổ phần trị giá hơn 8 tỷ USD tại đó. Làm ăn phát đạt trong thời kỳ Trung Quốc bùng nổ, tài sản của ông hiện khoảng 25,5 tỷ USD, giảm 500 triệu USD so với năm ngoái nhưng vẫn đủ để ông trở lại làm người giàu nhất châu Á lần đầu kể từ năm 2007.

Không dừng lại ở bất động sản hay vận tải, Li coi các khoản đầu tư vào các công ty công nghệ trẻ ở phương Tây như một “thú vui mạo hiểm”. Ông không sử dụng tiền hay tên tuổi của công ty để đầu tư mà dùng tiền cá nhân đầu tư thông qua công ty Horizons Ventures của người bạn thân lâu năm. Nếu thua lỗ, ông mất tiền, nếu thành công, ông chuyển số tiền hay cổ phần đó cho Quỹ từ hiện Li Ka Shing, nơi mà ông gọi là “con trai thứ ba” của mình, bên cạnh 2 người con trai.

Quỹ này đã dành hơn 1,6 tỷ USD cho hoạt động từ thiện, trong tổng số tài sản là 8,3 tỷ USD. Không ngạc nhiên khi phần lớn số tiền được dành cho giáo dục.

Chưa hề định nghỉ hưu

Một vài người tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với “vương triều” của ông sau khi ông về hưu. Theo các điều khoản của công ty, Li đã chỉ định người con trai lớn Victor làm người kế nhiệm. Victor, 48 tuổi, hiện đang làm chủ tịch và giám đốc quản lý tập đoàn Cheung Kong và phó chủ tịch Hutchison Whampoa. Li tự tin nói :”Nếu bảo Victor chỉ 2 phút trước khi tôi thông báo rằng tôi sẽ đi nghỉ hai tháng, tôi khẳng định rằng công ty sẽ vẫn hoạt động trôi chảy như thường lệ. Tôi đã dạy Victor những bài học về cách làm lãnh đạo từ khi nó còn là một đứa trẻ”.

Người con trai thứ hai Richard, nổi tiếng hơn ông anh của mình, hiện cũng có cổ phần trong các công ty của gia đình nhưng đang điều hành một công ty viễn thông của riêng mình. Ông nói mình học hỏi từ những kinh nghiệm kinh doanh của bố. Từ lúc còn nhỏ, ông đã được bố dạy rằng thành công tất cả là do việc lập kế hoạch, tìm hiểu kỹ những mặt trái rủi ro và chi tiết thực hiện, “Kiêu căng sẽ dẫn đến thất bại”.

“Tôi chưa có kế hoạch về hưu - Tôi vẫn rất khỏe mạnh”. Và ông nói thêm, cho dù có về hưu ông vẫn tiếp tục quản lý quỹ của mình, điều đó giúp ông cảm thấy mình vẫn trẻ để tiếp tục đầu tư vào công nghệ trong tương lai.

Theo VnMedia
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.