Ở Việt Nam, người xây dựng thương hiệu cũng phải là người phát triển nhượng quyền thương hiệu đó, tương tự như họa sĩ cũng phải biết bán tranh.
Ông chủ Phở 24: Kinh doanh nhượng quyền phải chia sẻ bí mật an toàn Kinh doanh nhượng quyền đã xuất hiện nhiều và trở nên phổ biến ở Việt Nam, tuy nhiên số lượng thương hiệu thành công còn khiêm tốn. CafeF đã có buổi phỏng vấn với ông Lý Quý Trung, sáng lập thương hiệu Phở 24h, một chuyên gia trong lĩnh vực nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam để tìm câu trả lời cho bí quyết nào dẫn tới thành công kinh doanh nhượng quyền.


Kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đã xuất hiện nhiều trên thị trường. Tuy nhiên sự thành công của các thương hiệu Việt Nam khi nhượng quyền là rất ít. Với thành công trong nhượng quyền thương hiệu Phở 24, anh có thể chia sẻ lý do vì sao kinh doanh nhượng quyền lại có ít thành công như vậy?


Nhượng quyền thương mại thời điểm hiện nay kinh doanh nhượng quyền thương mại có thuận lợi hơn nhiều so với 7-8 năm trước khi Phở 24 bắt đầu. Thuận lợi hơn vì nhượng quyền thương mại phổ biến hơn, thông tin báo đài phổ biến hớn. đây là thuận lợi lớn


Hiện nay trên thị trường có nhiều thương hiệu đang kinh doanh nhượng quyền, tương đối thành công nhưng đa số mà mua thương hiệu nước ngoài còn thương hiệu “Made in Vietnam” và nhượng quyền tại việt nam thì chưa có nhiều thành công.


Lý do để có ít các doanh nghiệp thành công là do chưa thông hiểu về kinh doanh nhượng quyền. Ở các nước phát triển khác thì người xây dựng lên thương hiệu không nhất thiết phải là người thông hiểu về nhượng quyền. Bên Mỹ muốn tìm công ty tư vấn về nhượng quyền thì hàng ngàn công ty, nói cách khác cơ sở hạ tầng đề phát triển nhượng quyền đầy đủ, còn tại Việt Nam thì gần như không có.


Ở Việt Nam thì người xây dựng thương hiệu cũng phải là người phát triển nhượng quyền thương hiệu đó. Tương tự như họa sĩ cũng phải biết bán tranh. Thực tế đôi khi người họa sĩ giỏi chưa chắc đã bán được tranh. Đó là khó khăn rất lớn.


Tôi làm phở 24 thì may mắn trước khi làm họa sĩ thì tôi đã nghiên cứu bán tranh. Từ thời đi học ở nước ngoài, sinh sống nước ngoài tôi đã nghiên cứu mô hình nhượng quyền rồi. Sau đó về VN đi làm rồi làm Phở 24h áp dụng nhượng quyền. Đó là trường hợp may mắn là mình đã có kiến thức chắc về nhượng quyền nên không cần nhà tư vấn.


Với nhiều thương hiệu khó có thể trông mong cùng một người chủ thương hiệu, có đủ thời gian, kinh nghiệm để làm nhượng quyền thương mại.


Ngoài trở ngại đó, những doanh nghiệp muốn theo đuổi kinh doanh nhượng quyền còn khó khăn gì khác nữa?


Bên cạnh đó là trở ngại rất lớn từ hành ăn cắp thương hiệu của người kinh doanh không chân chính. Nhượng quyền thương hiệu gồm có nhiều vấn đề như đào tạo nhân viên, bí kíp kinh doanh…nhưng cái tên, thương hiệu là tài sản quan trọng được chuyển giao. Nếu cái tên đó không được độc quyền thì nhượng quyền thương hiệu đâu còn gì để chuyển giao.


Với những trở ngại đó liệu nhượng quyền thương hiệu có phát triển ở Việt Nam hay không?


Thị trường nhượng quyền thương hiệu trước sau gì cũng sẽ hình thành do nhiều thương hiệu nước ngoài đã được nhượng quyền thành công ở Việt Nam. Ít nhất chúng ta có mẫu để noi theo. Học từ thực tế là tốt nhất. Bây giờ mọi người có thể thấy nhiều thương hiệu nước ngoài từ quần áo, thời trang, cửa hàng ăn uống, café đều đã có mặt Việt Nam. Có lẽ chỉ còn thiếu McDonald, Starbucks.


Nếu một người khởi nghiệp, muốn phát triển kinh doanh theo hướng nhượng quyền thương hiệu như Phở 24h đã làm, thì phải bắt đầu như thế nào?


Để phục vụ cho kinh doanh thương hiệu trước tiên là phải đăng ký thương hiệu của mình, giống như đẻ ra phải có khai sinh. Đó là cơ bản nhất. Sau đó nếu mô hình kinh doanh đặc biệt thì phải xin cầu chứng những phương thức kinh doanh của mình. Ví dụ nếu trong mô hình sản xuất kinh doanh của mình có một máy, hay thiết bị đặc biệt thì phải đăng ký sở hữu trí tuệ. Đó là bước đầu tiên.


Tiếp đó tìm hiểu nhượng quyền là gì, dù sau này thuê công ty tư vấn thì cũng phải biết về kiến thức này. Ví dụ như mở 1 bệnh viện thì phải có kiến thức y khoa. Kinh doanh nhượng quyền phải có kiến thức nhượng quyền. Những kiến thức này có thể tìm trên internet, các khóa học ngắn hạn nước ngoài. Nếu đã quyết tâm làm về kinh doanh nhượng quyền thì phải học trước khi áp dụng tránh những bất cập.


Sau này luật nhượng quyền ở Việt Nam càng ngày chặt chẽ hơn thì nếu làm không chặt chẽ ngày từ đầu sẽ vi phạm và có thể bị kiện ngược lại. Ví dụ như sau bao lâu thì được phép nhượng quyền? Phải đáp ứng được mở bao lâu? Bao nhiêu cửa hàng? Mô hình kinh doanh phải có lãi? Cung cấp thông tin gì cho người nhận nhượng quyền?


Bối cảnh kinh tế 2012 được dự báo là nhiều biến động khó khăn, các doanh nghiệp nhiều khả năng phải đối mặt với những cú sốc kinh tế. Theo anh, liệu có cơ hội cho kinh doanh nhượng quyền hay không?


Tôi nghĩ rằng kinh tế khó khăn vừa xấu nhưng cũng vừa tốt với kinh doanh nhượng quyền. Trước tiên xấu thì ai cũng biết là mọi người đều khó khăn, ít chịu chi tiền đầu tư mà chỉ muốn giữ tiền để thủ thân.


Tuy nhiên nó cũng là cái tốt. Tốt trước tiên là cơ hội nhiều hơn. Cơ hội ở đâu hiểu là nhiều loại cơ hội. Cơ hội đến từ đối thủ cạnh tranh ít bành trướng hớn, chi phí thuê mặt bằng giảm đi nhiều.


Cái tốt nữa mà càng đúng với kinh doanh nhượng quyền là chia sẻ gánh nặng tài chính. Tình hình kinh tế khó khăn như vậy thay vì tự mình mở 10 cửa hàng thì nay để 9 cửa hàng cho đối tác cùng mở với mình. Như vậy vốn đầu tư ít hơn nhưng thương hiệu vẫn được nhân lên, mở rộng.


Công ty nếu có đủ tiềm lực tài chính để mở rộng thì cũng làm được nhưng rõ ràng trong bối cảnh khó khăn hiện nay thì rủi ro càng lớn Như vậy nhượng quyền càng đúng càng hợp thời, càng đúng lúc.


Việc còn lại là chọn đúng người, đúng đối tác, đúng địa điểm thì rất phù hợp.


Anh nói đến việc phải chọn đúng đối tác. Vậy anh có thể chia sẻ rõ hơn về điểm này không?


Lựa chọn đối tác cũng phải rất khôn ngoan. Đối tác có đủ tài chính chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ còn lại tôi có thể đưa ra một số ý quan trọng. Người đó có đam mê mô hình kinh doanh của mình không, nếu không thì họ sẽ sáng tác thêm.


Người đó có thời gian để quan tâm đến cửa hàng không hay chỉ có tiền mở cửa hàng. Nếu không quan tâm cửa hàng đó thất bại là chắc chắn.


Tiếp đến là đối tác phải có kinh nghiệm quản trị, có thể là kinh nghiệm quản trị trong cơ quan nhà nước hay doanh nghiệp tư nhân. Nhất thiết phải có kỹ năng này.


Quan trọng hơn cả là đàm phán tìm đối tác phải tìm được người đàng hoàng. Cuộc đàm phán, phỏng vấn này này rất quan trọng, tương tự như tìm hiểu để lấy chồng hay lấy vợ vậy. Điều này không thể đong đếm bằng coi sơ yếu lý lịch, báo cáo của ngân hàng.


Cần hiểu rằng mỗi cuộc chia tay hợp đồng nhượng quyền là đầy khó khăn vì những người đối tác đều là người có tiềm lực tài chính, có quyền thế. Nếu làm không chuẩn thì rất dễ bị thưa kiện dẫn đến nhiều rắc rối về sau.


Tôi có để ý là ở Việt Nam thì ngoài những yếu tố thông thường cản trở sự phát triển kinh doanh nhượng quyền, còn có yếu tố thuộc về văn hóa, bản chất của người Việt Nam. Anh có chia sẻ quan điểm đó không?


Theo tôi cũng có. Ví dụ tôi đi hớt tóc tại một tiệm quen thấy khách rất đông nên nói với ông chủ là sao không mở 10 tiệm mà chỉ có 1 tiệm. Ông chủ tiệm cho rằng bản thân không thể đứng tại nhiều tiệm để cắt nên sợ chất lượng không đảm bảo.


Người Việt Nam mình vẫn có cái lo lắng, sợ mất bí kíp, bí mật. Tôi cho rằng đó là một sai lầm. Nếu mình cứ giữ bí kíp đó mãi thì đến một ngày mình cũng sẽ chết theo nó. Tìm cách nhân rộng lên mà nó vẫn là của mình mới là cách khôn ngoan. Thế giới người ta đã làm như vậy rồi.


Ngay như chuỗi Mcdonald thì người ta sẵn sàng cho khách vào xem tổ chức bếp. Quan trọng là thương hiệu, uy tín, cách làm mới quan trọng chứ không phải cách tổ chức bếp. Dù cho người khác có làm 1 hamberger giống hệt Mcdonald thì cũng không thể cạnh tranh được


McDonald bán không phải là cái bánh mà bán cái uy tín, hình ảnh của mình. Cái đó có giá trị hơn cái bánh hamberger.


Vì thế người chủ tiệm hớt tóc hiện tại chỉ xây dựng thương hiệu cá nhân hơn là thương hiệu của tiệm. Chỉ khi nào tách được thương hiệu cá nhân ra khỏi thương hiệu của tiệm thì mới có thể nhượng quyền được.


Bên cạnh những điều vừa chia sẻ, còn vấn đề về quản trị doanh nghiệp trong kinh doanh nhượng quyền. Quản trị kinh doanh nhượng quyền có gì khác với hình thức kinh doanh thông thường?


Đó là quản trị chuỗi. Đây là phương pháp quản trị áp dụng với mô hình kinh doanh có nhiều cửa hàng, địa điểm. Ban đầu sẽ là quản trị chuỗi của công ty mình, nhưng sau khi nhượng quyền thì sẽ phải quản lý chuỗi với đối tác.


Chuỗi là nói đến câu chuyện cung ứng, chất lượng, kiểm tra quản trị trong hệ thống của mình. Nhiều người sai lầm khi mới có mô hình kinh doanh của mình thành công đã tìm cách nhượng quyền. Như thế chỉ giúp làm ra 1 cửa hàng giống mình nhưng không thể quản lý được.


Ngoài ra người làm kinh doanh nhượng quyền phải biết chia sẻ công thực thành công, chia sẻ bí mật an toàn. Khi kinh doanh theo chuỗi thì không thể ôm bí mật cho riêng mình nhưng cũng không thể chuyển giao hết thì người nhận nhượng quyền vì như thế họ sẽ không còn cần đến mình. Do vậy làm thế nào chia sẻ bí mật kinh doanh an toàn là bí quyết thành công kinh doanh nhượng quyền.


Pepsi cũng là kinh doanh nhượng quyền. Các công ty sản xuất Pépi trên thế giới đều được cho biết hết quy trình sản xuất nhưng chỉ có 1 vài nguyên liệu vẫn phải nhập từ công ty mẹ. Đó cũng là cách để chia sẻ bí mật an toàn, để đối tác vẫn cần đến mình.


Xin cảm ơn anh!

Theo Cao Sơn (TTVN/Cafef)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Người mang phở Việt ra thế giới

    Người mang phở Việt ra thế giới

    30/01/2012 2:19 AM

    Thông qua phương thức nhượng quyền thương mại (franchise, franchising), Phở 24 đã có mặt hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước, từ Hà Nội, Tp.HCM, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, Đà Nẵng,... rồi vươn ra nhiều nước khác trong khu vực: Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Singapore...

  • Ông chủ Phở 24: Kinh doanh nhượng quyền phải chia sẻ bí mật an toàn

    Ông chủ Phở 24: Kinh doanh nhượng quyền phải chia sẻ bí mật an toàn

    30/01/2012 12:49 AM

    Ở Việt Nam, người xây dựng thương hiệu cũng phải là người phát triển nhượng quyền thương hiệu đó, tương tự như họa sĩ cũng phải biết bán tranh.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.