Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hồi năm 2015 về đề tài "Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý: Trên đà phát triển" đã dẫn chứng dữ liệu từ Dự án CEO toàn cầu (do Intelligence Financial Research and Consulting thực hiện) cho thấy, chỉ có khoảng 5% CEO của các công ty lớn trên thế giới là phụ nữ. Công ty càng lớn, càng ít khả năng người đứng đầu là phụ nữ. Với trường hợp của Việt Nam, chỉ 7% các CEO trên tổng số hơn 600 công ty được khảo sát là phụ nữ và 14% tham gia HĐQT.

Bà Đặng Thị Kim Oanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Kim Oanh

Theo ILO, dù tình hình đã được cải thiện nhưng Việt Nam vẫn đứng thứ 76/108 quốc gia với 23% phụ nữ đảm nhiệm vai trò lãnh đạo và quản lý tại các doanh nghiệp (DN) (trong khi Philippines là 47,6% và Mông Cổ là 41,9%). Tuy chiếm tỷ lệ khá "khiêm tốn" so với các nam doanh nhân nhưng ngày nay, trong tiến trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, nữ lãnh đạo DN Việt Nam ý thức rất rõ về vai trò bình đẳng của họ trước các cơ hội kinh doanh.

Liên quan đến vấn đề này và cũng nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3,Doanh Nhân Sài Gòn đã trò chuyện với ba "nữ tướng" của DN thuộc những ngành nghề mà lãnh đạo là phụ nữ chỉ "đếm trên đầu ngón tay": bất động sản (BĐS), hạ tầng tiện ích và sản xuất, cung ứng vật liệu xây dựng.

* Trong quản trị DN, nữ lãnh đạo thường bị "gán ghép" là hay có những quyết định cảm tính, song, để công ty phát triển bền vững và lớn mạnh đòi hỏi người lãnh đạo phải có tầm nhìn chiến lược. Ở điểm này, nam doanh nhân có vẻ vượt trội hơn. Quan điểm của bà về nhận định này như thế nào?

- Bà Đặng Thị Kim Oanh (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Địa ốc Kim Oanh): Cảm tính không phải là "đặc tính" chỉ của riêng nữ giới mà tùy thuộc vào nhiều yếu tố như không gian, thời gian, tâm trạng, mối quan hệ... Điểm này thì không ai giống ai, không phân biệt nam hay nữ lãnh đạo DN.

Tuy nhiên, với vai trò đầu tàu, bất cứ quyết định nào của người lãnh đạo nếu chỉ dựa trên sự ngẫu hứng hay cảm tính cũng đều tiềm ẩn rủi ro cao hơn so với căn cứ trên những tính toán khoa học, những dữ liệu được thu thập đầy đủ và chính xác.

Thực tế Việt Nam hiện nay không thiếu những nữ doanh nhân nhạy bén, có tầm nhìn chiến lược mà tiếng tăm của họ còn vượt trên cả nam doanh nhân, điều này được minh chứng qua sự thành công của những DN lớn như Vinamilk, REE hay Nam Á...

- Bà Nguyễn Thị Mai Thanh (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh REE): Cảm tính là điều không thể nào tránh khỏi. Tuy nhiên, ngày nay, xu thế kinh doanh đã có nhiều thay đổi, nền kinh tế của đất nước đã hội nhập sâu rộng hơn, quản trị DN cần đi theo những thông lệ tốt và tuân thủ luật pháp không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Cho nên, bất kỳ quyết định cảm tính nào của người lãnh đạo DN cũng có thể mang đến những rủi ro không đáng có, chẳng hạn như không đánh giá đúng khách hàng, đối tác, hoặc đối xử không công bằng với nhân viên.

- Bà Nguyễn Thị Hòe (Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA): Khối lượng công việc mà phụ nữ nói chung đang đảm trách đã gấp đôi so với nam giới nên họ phải có sức khỏe tốt, nghị lực và sự bền bỉ. Theo tôi, tỷ lệ nữ lãnh đạo DN ít là do bị hạn chế về mặt không gian và phải "phân thân" cho những vai trò khác chứ không phải do kém cỏi hơn nam giới.

Dù có không ít ý kiến cho rằng, ảnh hưởng từ việc là "tay hòm chìa khóa" trong gia đình nên nữ lãnh đạo DN sẽ rất "kỹ tính" trong việc chi tiêu trong DN, và đôi khi chính điều này làm họ bỏ lỡ những cơ hội lớn trong kinh doanh.

Nhưng cá nhân tôi thấy, đã quản lý, điều hành DN, bên dưới mình còn biết bao lao động và nhiều vấn đề khác phải lo nghĩ, tính toán nên tính tiết kiệm của phụ nữ là cần thiết. Ở đây, tiết kiệm được hiểu là chi tiêu một cách khoa học, đúng mực, đừng nhầm lẫn với tính chắt bóp có thể gây phản cảm với đối tác, khách hàng và cả với người lao động.

* Người ta thường ví von "Đằng sau thành công của người đàn ông thường có bóng dáng người phụ nữ", nhưng "Đằng sau thành công của người phụ nữ thường là cả sự cô đơn". Bà nghĩ sao về điều này?

- Bà Đặng Thị Kim Oanh: Trong cuộc sống, điều này hoàn toàn đúng nhưng với bản thân, tôi thấy mình may mắn vì có được người chồng không khác gì người bạn tri kỷ, chúng tôi có thể chia sẻ với nhau tất cả mọi chuyện vui, buồn trong cuộc sống và luôn đồng cam cộng khổ trong công việc.

Dù cả hai luôn bận rộn nhưng chúng tôi vẫn giữ được nếp truyền thống của một gia đình gốc Huế, phải luôn quây quần bên mâm cơm hằng ngày để giữ sự ấm áp trong gia đình. Gia đình chính là động lực giúp tôi làm việc hăng say, đồng thời cũng là nơi tôi tìm thấy nhiều niềm vui nhất mỗi khi tạm rời công việc.

Và bất cứ ai khi xác định được điều này tự khắc sẽ sắp xếp được thời gian để vun vén cho tổ ấm của mình, cân bằng giữa công việc và thiên chức của người phụ nữ.

- Bà Nguyễn Thị Mai Thanh: "Cô đơn" hay "hạnh phúc" là tùy vào cách suy nghĩ của mỗi người. Gia đình đóng vai trò quan trọng trong thành công của tôi, không có sự hỗ trợ và chia sẻ của những người trong gia đình, tôi sẽ không được như hôm nay.

Ngoài gia đình nhỏ, tôi cũng may mắn khi có được gia đình lớn hơn ủng hộ, đó là những cộng sự tại REE, những người luôn sát cánh với tôi trong quá trình phát triển Công ty.

* Trong kinh doanh, lãnh đạo nữ luôn "đứng mũi chịu sào" trước không ít áp lực, từ những thay đổi về chính sách, đối thủ cạnh tranh, tài chính... cho đến vấn đề "ngoại giao" để tìm kiếm cơ hội kinh doanh mà khả năng chịu đựng cũng như đương đầu với áp lực thường hạn chế hơn so với lãnh đạo nam. Bà có xem đây là trở ngại và đã vượt qua bằng cách nào?

- Bà Nguyễn Thị Mai Thanh: Nếu cơ hội đầu tư, kinh doanh đến từ Nhà nước thì cần phải được công khai, minh bạch, thông tin rõ ràng để tất cả DN đều có thể tham gia đấu thầu.

Với tôi, trên thương trường, cơ hội cho DN là như nhau, cho dù DN đó được điều hành bởi nam hay nữ doanh nhân. Với nam lãnh đạo, họ có thể tìm kiếm đối tác và cơ hội kinh doanh thông qua những hoạt động bên lề như chơi thể thao, ăn nhậu, nhưng nữ lãnh đạo vẫn có những cách tiếp cận khác để nắm được cơ hội, vấn đề là hiệu quả công việc mang lại như thế nào thôi.

- Bà Nguyễn Thị Hòe: Hiện nay, có nhiều cách ví von để so sánh nam lãnh đạo và nữ lãnh đạo DN. Bản thân tôi có dịp tiếp xúc với nhiều nữ doanh nhân trên thế giới và nhận thấy, phụ nữ lãnh đạo cũng khá ít nhưng họ không bận bịu gia đình như nữ lãnh đạo ở Việt Nam.

Có thể, trong vấn đề ngoại giao, hạn chế của nữ lãnh đạo DN là không nhậu được như nam lãnh đạo nhưng trong suốt quá trình dẫn dắt một tập đoàn như KOVA, với 12 công ty ở 6 quốc gia, khi lên bàn đàm phán cùng đối tác, tôi chưa từng bị họ xem thường do mình là nữ lãnh đạo, bởi một khi đã vào công việc, họ đánh giá mình ở uy tín, sự sáng tạo, sự chân thành và tự tin, làm việc có khoa học hay không.

Thậm chí, khi thảo luận một vấn đề kinh doanh, đôi khi chính sự mềm mại, dễ cảm thông của nữ doanh nhân có thể dung hòa được lợi ích các bên.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ điện lạnh REE

* Hiện nay, nền kinh tế đất nước đang bước vào hội nhập sâu rộng với việc là thành viên của nhiều hiệp định kinh tế. Điều này đồng nghĩa với DN Việt đã bước vào "sân chơi" lớn hơn, cạnh tranh khốc liệt hơn. Theo bà, nữ lãnh đạo DN cần chú ý đến những yếu tố gì để hội nhập nhanh và có đủ "sức đề kháng" để ra "biển lớn"?

- Bà Nguyễn Thị Mai Thanh: Trước hết, nữ lãnh đạo cần phải củng cố vị thế cạnh tranh của DN mình. Lợi thế cạnh tranh của DN hàm chứa nhiều yếu tố, trong đó có việc soát xét quy trình sản xuất, hệ thống quản trị, sự am hiểu luật pháp, thông lệ quốc tế để tránh những rủi ro cho DN và dễ dàng làm ăn với đối tác ngoại.

Về thị trường trong nước, DN phải hiểu được khách hàng, biết khách hàng muốn gì, phải biết lắng nghe, nhưng cũng có những sản phẩm mình phải chủ động để vạch ra xu hướng cho họ. Với lãnh đạo DN, lắng nghe và chủ động là hai yếu tố quan trọng nhất để hoạch định chiến lược kinh doanh phù hợp với DN.

- Bà Nguyễn Thị Hòe: Nền kinh tế Việt Nam đã và đang hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, đặc biệt, việc tham gia nhiều hiệp định kinh tế quan trọng, trong đó có Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi nữ lãnh đạo DN phải có tầm nhìn chiến lược.

Trước hết là xem xét vấn đề tuyển dụng và nâng cao hiệu quả công việc cho người lao động. Tại sao người Việt được đánh giá là khéo tay, tiếp thu nhanh nhưng năng suất lao động so với Singapore chỉ bằng 1/15, so với Malaysia chỉ bằng 1/5 và so với Thái Lan là 3/5? Đó là do mình đã tạo ra nếp làm việc khiến cho nhân viên không năng nổ.

Cho nên, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, theo tôi, việc đầu tiên là phải thay đổi cách suy nghĩ, thái độ của người lao động với công việc. Đặc biệt, khi tham gia TPP, với những lao động làm việc không hiệu quả, DN cần phải có biện pháp tinh giảm hoặc thuyên chuyển vào vị trí thích hợp..., đồng thời tạo điều kiện về mặt kinh tế, môi trường làm việc thuận lợi cho những nhân viên đạt hiệu quả công việc cao. Đó cũng là cách để động viên và giữ chân nhân tài.

Ngoài nhân lực, nữ lãnh đạo phải có tầm nhìn về sản phẩm do DN tạo ra, phải nghiên cứu, xem xét lại tính cạnh tranh của sản phẩm so với hàng hóa các nước. Cụ thể là chất lượng sản phẩm, cách phục vụ và giá cả phải cạnh tranh. Tôi vẫn luôn ghi nhớ triết lý kinh doanh của cha đẻ Tập đoàn Ford Motor: "Thị trường sẽ không bị bão hòa với một sản phẩm tốt nhưng nó sẽ bị bão hòa rất nhanh với một sản phẩm tồi".

Vấn đề thứ ba mà theo tôi nữ lãnh đạo không nên bỏ qua, đó là chiến lược đầu tư của DN, trong đó quan trọng là phải đầu tư công nghệ, máy móc hiện đại để giá thành sản phẩm cạnh tranh.

Như KOVA, sắp tới, chúng tôi sẽ đầu tư một số nhà máy hiện đại, ở góc độ nào đó, sự đổi mới này có thể giảm lượng lao động yếu kỹ thuật và tạo ra sự thay đổi trong tư duy, họ phải liên tục nâng cao trình độ và tư duy trong công việc, không phải làm hết giờ mà là hết việc.

Nữ lãnh đạo DN đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức trong kinh doanh nên bản thân cần phải mạnh dạn đi nhiều, chịu khó học hỏi từ kinh nghiệm các nước, suy nghĩ khoa học để chọn hướng đi phù hợp cho DN mình.

- Bà Đặng Thị Kim Oanh: Theo tôi, để hội nhập thành công và phát triển bền vững, mỗi DN đều cần có chiến lược dài hạn nhưng linh hoạt để ứng phó với những thay đổi khó lường trên thương trường. Bên cạnh đó, việc xây dựng bản sắc và văn hóa DN là yếu tố rất quan trọng, nó giúp DN có sự khác biệt so với DN khác.

PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe, Chủ tịch Tập đoàn Sơn KOVA

* Không chỉ là kinh doanh sinh lợi, với nữ lãnh đạo DN, họ thường dành mối quan tâm đặc biệt cho những vấn đề mang tính cộng đồng, tạm gọi là "trách nhiệm xã hội - CSR". Khái niệm này bao hàm những mục tiêu khá lớn, với bà, nó được nhìn ở góc độ nào và DN của bà đã có những chương trình gì để thể hiện "trách nhiệm" đó?

- Bà Nguyễn Thị Mai Thanh: Theo tôi, tất cả DN đều quan tâm đến trách nhiệm của mình với xã hội. Xã hội là cộng đồng mà DN cung cấp sản phẩm. Dĩ nhiên, khái niệm "trách nhiệm xã hội" còn được hiểu theo nghĩa rộng hơn, không chỉ là tài trợ hay làm từ thiện mà còn là tính hữu ích của sản phẩm DN mình làm ra, thái độ của DN với vấn đề ô nhiễm môi trường, sử dụng tài nguyên thiên nhiên như thế nào...

Ngay như REE, khi đi theo hạ tầng nước (đầu tư nhà máy nước), chúng tôi nghĩ rằng, đây là tiện ích tối thiểu nhưng rất quan trọng trong cuộc sống, người ta có thể sống thiếu điện nhưng không thể thiếu nước. Mọi người có thể hình dung điều này qua những thông tin như nhiều vùng ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang bị ngập mặn, nhu cầu về nước ngọt rất cấp thiết.

- Bà Đặng Thị Kim Oanh: Bươn chải kiếm sống bằng đủ thứ nghề, tôi cảm nhận sâu sắc sự cô đơn và hy vọng của những mảnh đời thiếu may mắn trong xã hội. Họ cần một bàn tay nâng đỡ, tiếp sức để có thêm niềm tin vào cuộc sống. Hơn nữa, tôi muốn đóng góp một phần sức mọn của mình cho sự phát triển chung của xã hội và tìm thấy niềm vui sau mỗi chương trình thiện nguyện.

Với tôi, hạnh phúc sẽ nhân đôi khi xung quanh ta ai cũng bình an và no đủ. Tại Công ty Kim Oanh, ban lãnh đạo luôn tạo điều kiện và khuyến khích nhân viên tham gia công tác thiện nguyện. Mỗi chương trình đều thông báo rộng rãi trong hệ thống và chính nhân viên là những người trực tiếp tham gia, thực hiện.

Khi đến tận nơi, biết được hoàn cảnh của một trường hợp cụ thể nào đó, họ sẽ cảm nhận được mình vẫn còn may mắn hơn nhiều người trong xã hội và biết cần phải làm gì.

Sắp tới đây, chúng tôi sẽ ra mắt Quỹ Từ thiện Kim Oanh để tăng thêm các hoạt động hướng đến cộng đồng, thực hiện các chương trình dài hơi và hiệu quả hơn. Trực tiếp điều hành quỹ này cũng chính là nhân viên và một số lãnh đạo trong Kim Oanh Group.

- Bà Nguyễn Thị Hòe: Từ năm 2002, Tập đoàn KOVA đã khởi xướng thành lập Ủy ban Giải thưởng KOVA (nay do Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan làm Chủ tịch). Giải thưởng này được tổ chức hằng năm, nhằm khuyến khích, động viên sinh viên nghèo vượt khó học giỏi và những người có đóng góp cho sự phát triển chung của xã hội.

Đến thời điểm này, chúng tôi đã trao học bổng cho hơn 1.000 sinh viên, nhiều người trong số đó đã ra trường và rất thành công trong công việc. Với tôi, "trách nhiệm xã hội" còn bao hàm cả việc DN phải chăm lo tốt đời sống của cán bộ, nhân viên. Đó là lý do mà hơn 3.000 nhân viên của KOVA đều được hưởng lương và chính sách đãi ngộ xứng đáng với năng lực cũng như đóng góp của họ cho Công ty.

Khi nhân viên được quan tâm, họ sẽ hết lòng cống hiến và gắn bó với công ty, kể cả trong giai đoạn khó khăn, thậm chí khi họ bị DN khác lôi kéo bằng cách trả lương cao hơn thì "cái tình" của người lãnh đạo sẽ là chất keo giữ họ ở lại.

Công ty CP Địa ốc Kim Oanh: Là DN trẻ (khởi nghiệp từ năm 2006) trong lĩnh vực BĐS nhưng lại nổi bật ở phân khúc sản phẩm đất nền và nhà xây sẵn giá rẻ ở vùng ven TP.HCM. Trong 3 năm gần đây, Kim Oanh tăng trưởng đột phá với 2.000 nền đất được tiêu thụ trong năm 2013, 3.000 nền năm 2014 và 4.000 đất nền, nhà phố năm 2015.

REE Corporation: Ra đời từ năm 1977 (DN nhà nước), là một trong những công ty niêm yết cổ phiếu đầu tiên trên HoSE và nằm trong Top 30 công ty có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường. REE hoạt động trong các lĩnh vực dịch vụ cơ điện lạnh công trình, điện lạnh, quản lý kinh doanh BĐS (văn phòng cho thuê) và cơ sở hạ tầng tiện ích (điện, nước).

Tập đoàn Sơn KOVA: Từ năm 1993, thương hiệu KOVA chính thức có mặt trên thị trường sơn và chống thấm Việt Nam. Đến nay, sơn KOVA đã có mặt ở 6 quốc gia: Việt Nam, Mỹ, Singapore, Campuchia, Malaysia và Indonesia, cùng nhiều nhà máy sản xuất với công suất cao ở trong và ngoài nước. Riêng PGS-TS. Nguyễn Thị Hòe có tên trong danh sách 1.000 phụ nữ được đề cử nhận giải thưởng Nobel Hòa bình Thế giới.

Nguyên Bảo - Hải Âu (DNSG)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • [Hồ sơ doanh nhân] Đặng Thị Kim Oanh, người xây tập đoàn địa ốc từ quán nước ven đường

    [Hồ sơ doanh nhân] Đặng Thị Kim Oanh, người xây tập đoàn địa ốc từ quán nước ven đường

    12/10/2020 6:41 AM

    CafeLand - Sinh ra tại cố đô Huế, vùng đất Thần Kinh, doanh nhân Đặng Thị Kim Oanh lại chọn Bình Dương làm nơi xây dựng cơ nghiệp. Bà là người sáng lập Tập đoàn địa ốc Kim Oanh, đang đảm nhiệm vị trí CEO tại Kim Oanh Real.

  • "Nữ tướng" nói về quản trị doanh nghiệp

    "Nữ tướng" nói về quản trị doanh nghiệp

    11/03/2016 7:55 AM

    Một báo cáo của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) hồi năm 2015 về đề tài "Phụ nữ trong kinh doanh và quản lý: Trên đà phát triển" đã dẫn chứng dữ liệu từ Dự án CEO toàn cầu (do Intelligence Financial Research and Consulting thực hiện) cho thấy, chỉ có khoảng 5% CEO của các công ty lớn trên thế giới là phụ nữ. Công ty càng lớn, càng ít khả năng người đứng đầu là phụ nữ. Với trường hợp của Việt Nam, chỉ 7% các CEO trên tổng số hơn 600 công ty được khảo sát là phụ nữ và 14% tham gia HĐQT.

  • Bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Kim Oanh: Chúng tôi bán sản phẩm thật, giá thật

    Bà Đặng Thị Kim Oanh - Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Kim Oanh: Chúng tôi bán sản phẩm thật, giá thật

    27/12/2011 8:43 AM

    Trong giới địa ốc, cái tên Kim Oanh chiếm vị trí rất khiêm tốn. Thương hiệu này gắn liền với tên của người điều hành Công ty, bà Đặng Thị Kim Oanh. Từ năm 2009 đến nay, bà đã đưa Kim Oanh trở thành một trong những công ty phân phối dự án đất nền hàng đầu của tỉnh Bình Dương. Trò chuyện với người phụ nữ đầy “chất”Huế này, chúng tôi nhận ra bà là người phụ nữ mạnh mẽ và hết lòng đam mê công việc.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.