Sau hơn 10 năm hình thành và phát triển diện mạo mới cho thị trường bán lẻ điện máy tại TP.HCM, tham vọng mới của gia đình họ Trang đặt vào cô con dâu Trang Kathy Phú.
Nữ GĐ Trang Kathy Phú - Người con dâu được
Trang Kathy Phú - Giám đốc Siêu thị nội thất Thái Lan Index Living Mall

Ông Trang Sở Lương được xem là người đã hình thành diện mạo mới của thị trường bán lẻ điện máy tại TP.HCM với chuỗi 19 Siêu thị Điện máy - Nội thất Chợ Lớn. Hơn mười năm sau, Index Living Mall (Thái Lan) được chuyển nhượng thương hiệu cho Điện máy Chợ Lớn với quy mô 7.000m2, cho thấy tham vọng mới của gia đình họ Trang trong thị trường điện máy và nội thất. Nhưng người được chọn mặt gửi vàng để điều hành mô hình thương mại mới đi đúng mục tiêu lần này là cô con dâu Trang Kathy Phú.

* Quyết định mở siêu thị vào thời điểm kinh tế khó khăn, người dân cắt giảm tối đa chi phí cho việc mua sắm, nguồn khách tiềm năng của siêu thị là các dự án căn hộ cũng bị giảm sút do thị trường bất động sản đóng băng..., chắc hẳn đây là thử thách rất lớn với chị?


- Tôi đã có 10 năm làm việc trong Ban điều hành của siêu thị Điện máy Chợ Lớn. Trong quá trình công tác, do siêu thị điện máy cũng có khu vực bán đồ nội thất nên tôi đã đi rất nhiều nước để tìm hiểu thị trường và nguồn hàng.


Thường xuyên qua Thái Lan, vợ chồng tôi thấy đồ nội thất của họ rất đẹp, mẫu mã phong phú, giá cả lại phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam, nên bàn với ba chồng tôi (ông Trang Sở Lương, Tổng giám đốc siêu thị Điện máy Chợ Lớn) mở thêm siêu thị chuyên bán đồ nội thất Index Living Mall - mô hình nhượng quyền thương hiệu của siêu thị nội thất Thái Lan tại Việt Nam.


Trước khi đi tới quyết định này, chúng tôi đã có hơn ba năm tìm hiểu rất kỹ thị trường cũng như sở thích, nhu cầu tiêu dùng của người Việt mình, nhưng phải chờ thời điểm thuận lợi, thích hợp mới chính thức đưa Index Living Mall vào hoạt động.


* Vậy theo chị thì thời điểm này là hoàn toàn thuận lợi?


- Với kinh nghiệm hơn 10 năm quản lý trong ngành bán lẻ, tôi phát hiện ra sự phù hợp toàn diện của thương hiệu Index Living Mall của tập đoàn Index Interfurn (Thái Lan) với nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam.


Sau 3 năm nghiên cứu thị trường, Index Living Mall chính thức được nhượng quyền thương hiệu tại Việt Nam, là mô hình kinh doanh thành viên song hành cùng chuỗi hệ thống siêu thị Điện máy Chợ Lớn.


Ở thời điểm này, không ít người cho rằng kinh doanh sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhưng đối với chúng tôi đây lại là thời điểm thuận lợi vì nhiều nhà đầu tư tỏ ra dè dặt. Ngoài ra, thị trường địa ốc chựng lại, nên Index Living Mall có nhiều cơ hội chọn lựa mặt bằng phù hợp.


Bởi vì, Index Living Mall định vị tại thị trường là mô hình thương mại hơn 7.000m2, quy mô lớn nhất hiện nay và là nơi đầu tiên đáp ứng được như cầu mua sắm trọn gói mọi vật dụng (đồ gỗ, vật dụng trang trí, điện tử, điện gia dụng, nệm...). Vì vậy, yếu tố diện tích là rất quan trọng trong mô hình của Index Living Mall.


Thị trường nội thất Việt Nam hầu hết là các điểm bán nhập hàng từ nhiều nguồn với giá khá đắt đỏ, thực tế chưa có một đơn vị chính thống cung cấp hàng hóa trong quy trình khép kín (từ sản xuất, thiết kế, kiểm định chất lượng, giá trực tiếp từ nhà sản xuất đến người dùng cuối...).


Người tiêu dùng thế hệ trẻ mang theo xu hướng tiêu dùng nội thất mới: thiêng về phong cách, thích thay đổi, ngôi nhà mang dấu ấn cá nhân. Đặc biệt, người tiêu dùng thế hệ mới là người chấp nhận sự thay đổi và theo xu hướng tiêu dùng nhanh, và không thích sống trong gia đình nhiều thế hệ.


Về khoản chi tiêu cho mua sắm của người dân, tuy phải thắt lưng buộc bụng, song nhu cầu mua sắm vật dụng cho gia đình vẫn cao, nhất là giới trẻ đang có xu hướng dọn ra ở riêng và rất quan tâm chăm chút nhà cửa của mình bằng những vật dụng trang trí nội thất theo xu hướng mới.


* Vậy sao trong kế hoạch dự trù chị vẫn chưa tự tin siêu thị sẽ có lãi trong một, hai năm?


- Bất cứ dự án kinh doanh nào cũng phải có thời gian và kinh phí dự trù cho một, hai, thậm chí là ba năm đầu tiên. Mặc dù mô hình siêu thị của chúng tôi có khá nhiều lợi thế và nhiều điểm khác biệt so với các siêu thị nội thất khác, như: sản phẩm đa dạng; nhiều mẫu mã (trên 100.000 sản phẩm); mua sắm tiện lợi vì “đến một nơi có thể mua tất cả những gì cần cho một gia đình”, từ sản phẩm trong nhà bếp (tủ bếp, vòi nước, chậu rửa, nồi nấu, chén bát, đồ trang trí phòng ăn...) đến nội thất phòng ngủ, phòng khách, phòng đọc sách, phòng học trẻ em...


Đặc biệt, siêu thị có không gian trưng bày, mô phỏng theo một căn nhà thực sự, tạo ra ý tưởng cho khách hàng trong việc chọn lựa sản phẩm, dịch vụ thiết kế 3D miễn phí giúp khách hàng dễ dàng chọn được sản phẩm phù hợp với ngôi nhà và kinh phí có sẵn.


Ngoài ra, hầu hết các đồ nội thất ở đây đều có nhiều kích thước, dễ lắp ráp, giá bán lại phải chăng vì hàng nhập khẩu từ Thái Lan thuế suất chỉ 5% (trong khi hàng nhập từ Trung Quốc thuế cao hơn), thời gian vận chuyển cũng nhanh hơn nhập từ các nước khác.


Tuy có nhiều lợi thế khác biệt, nhưng Index Living Mall vẫn có những khó khăn bước đầu, do thương hiệu còn quá mới tại Việt Nam. Bên cạnh đó, người tiêu dùng vẫn giữ thói quen thích sử dụng đồ gỗ, thích đặt hàng sản xuất theo ý riêng...


* Mười năm làm Giám đốc Nhân sự, chị thường tự hào vì có đội ngũ tâm huyết, gắn bó, chị có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm về cách tuyển dụng, đào tạo và giữ nhân sự?


- Tôi quan niệm, giám đốc là người dẫn dắt nhân viên chứ không phải người chủ, vì vậy, trong công việc mình phải là người làm gương, phải đi trước. Suốt mười năm phụ trách nhân sự, mỗi năm tôi đều rút ra một vài kinh nghiệm và điều tôi hài lòng nhất là tỷ lệ biến động nhân sự ở công ty rất thấp.


Theo tôi, không có công thức nhất định cho người làm công tác nhân sự, mà phải linh hoạt tùy theo thời điểm, tình hình của công ty, phải đón trước những thay đổi về kinh tế để có những chính sách phù hợp, đáp ứng kịp thời nhu cầu trong cuộc sống và biết lắng nghe tâm tư của nhân viên, có chế độ đãi ngộ xứng đáng để khuyến khích tinh thần làm việc của họ.


Song, quan trọng nhất là người lãnh đạo luôn truyền tải được cho nhân viên định hướng công ty phát triển để họ có niềm tin vững chắc vào sự phát triển của công ty. Việc luôn hướng nhân viên phân biệt giữa công việc và nghề nghiệp để họ xác định được tương lai phát triển.


Từ đó, họ có sự gắn bó tự nguyện giữa sự phát triển của cá nhân với sự phát triển của công ty. Khi cả hai hòa làm một tổng thể chung thì việc nhân sự rời bỏ công ty là điều hiếm khi xảy ra. Đây là cách giữ chân những nhân viên chủ chốt.


Khác với nhiều công ty, chính sách đào tạo của chúng tôi là đào tạo ngay trong việc khuyến khích nhân viên tự có kế hoạch nâng cao trình độ bằng chính sách tuyên dương, thưởng hoăc hoàn học phí...


* Theo chị, hạn chế lớn nhất của đội ngũ nhân viên hiện nay là gì?


- Tôi nghĩ nhân sự ở Việt Nam chưa có tầm nhìn tương lai. Mỗi lần tuyển dụng nhân sự, tôi đều hỏi: “Bạn có phân biệt được nghề nghiệp với công việc không?"


Ở Mỹ, hai khái niệm này rất khác nhau, muốn phát triển nghề nghiệp thì phải xác định sự phấn đấu, gắn bó lâu dài với công ty và phải có kế hoạch làm việc nghiêm túc. Còn công việc chỉ là việc làm ngắn hạn, mang đến thu nhập trong ngắn hạn.


Ở Việt Nam, hầu như các ứng viên khi tham gia phỏng vấn tuyển dụng đều chỉ quan tâm đến tiền lương, chứ không phải muốn tìm một công việc mình yêu thích và không định hướng được tương lai. Những ứng viên như vậy sẽ khó chiếm được vị trí cao trong danh sách tuyển dụng của chúng tôi.


* Làm việc trong công ty gia đình, dưới sự dẫn dắt của ba chị, chị học được ở ông đức tính gì mà một người làm kinh doanh cần phải có?


- Ba mẹ chồng tôi đã có hơn 20 năm kinh doanh trong lĩnh vực điện tử. Sau nhiều năm phân phối hàng điện tử theo kênh bán sỉ, tình cờ năm 1997, ba chồng tôi sang Hàn Quốc và có dịp đến thăm một siêu thị bán đồ điện máy.


Thấy trong nước thời điểm đó chưa có ai kinh doanh siêu thị điện máy nên năm 1999, ba tôi mở siêu thị Điện máy Chợ Lớn đầu tiên ở quận 5. Lúc đó, ai cũng bảo ba tôi điên vì ông đang có nhiều cửa hàng bán sỉ, kinh doanh lại phát triển tốt. Nếu ra bán lẻ, không những phải đầu tư chi phí lớn, mà không chừng lại thất bại.


Nhưng ba tôi vẫn quyết tâm làm, và chỉ trong vòng mười năm ông đã mở thêm hệ thống siêu thị ở quận Bình Thạnh, Co.opMart Đinh Tiên Hoàng, Diamond Plaza, Maximark Cộng Hòa, Parkson...


Tôi không chỉ kinh ngạc, mà còn khâm phục ba, khâm phục ý chí, sự quyết tâm, tự tin và quyết đoán của ông. Sau này, khi bước chân vào thương trường tôi mới thấy những đức tính này của ba thật sự cần thiết cho một người đứng mũi chịu sào, lèo lái con thuyền kinh doanh.


Nhưng điều làm tôi tâm đắc nhất là khi giao cho tôi làm Giám đốc Nhân sự, ba đã giao ước: “Không được cho thôi việc bất cứ nhân viên nào. Nếu họ làm không tốt thì phải làm sao cho họ tốt, nếu không quản lý được họ bằng cách này thì phải tìm cách khác” nên tôi lo lắm.


Những năm ở Mỹ, tôi đã từng làm việc cho các công ty lớn và giữ vị trí quản lý, tôi cũng đã quen với cách làm việc tự giác, quy củ, đúng giờ. Còn ở Việt Nam, tác phong của người lao động cũng như văn hóa nơi công sở hoàn toàn khác. Mình phải theo sát nhắc nhở, hướng dẫn, thậm chí khi giao việc phải nói rõ: “Tôi muốn anh làm thế này, thế kia” thì họ mới làm tốt được.


Vì vậy, tôi bị “sốc” ngay từ đầu và quả thực công việc quản lý nhân sự lúc đó đối với tôi rất vất vả: la mắng không được, cho nghỉ việc cũng bị cấm, nên cứ phải nghĩ hết cách này đến cách khác, cách quản lý này không ổn lại thay cách quản lý khác. Nhưng bây giờ ngẫm lại, tôi thấy biết ơn ba vì ông đã rèn cho tôi nghệ thuật quản lý con người mà không ở đâu tôi học được.


* So với ba chị, chị thuộc lớp doanh nhân trẻ được ra nước ngoài để mở rộng tầm nhìn, được đào tạo bài bản, vậy khi về nước, chị có đóng góp, giúp ích được gì cho công ty gia đình phát triển hợp xu thế hơn không?


- Hạn chế lớn nhất của lớp doanh nhân thế hệ ba tôi là chỉ biết kinh doanh chứ không biết làm thương hiệu, cách quản lý cũng chưa thật quy củ. Bởi vậy, không ai biết Điện máy Chợ Lớn có cả một hệ thống siêu thị điện máy trực thuộc.


Vì vậy, khi về công ty, vợ chồng tôi đã thay đổi toàn bộ hệ thống nhận diện thương hiệu, màu sắc logo, đổi mới hệ thống quản lý, đặt ra nội quy, áp dụng cung cách làm việc có hệ thống, chuyên nghiệp hơn, thay đổi cách bài trí và xây dựng thương hiệu.


* Dù được đào tạo bài bản, cập nhật nhiều kiến thức mới từ nước ngoài, nhưng khi áp dụng vào công việc kinh doanh của công ty, nhiều người không thành công. Chị đã trải nghiệm điều này ở công ty gia đình mình chưa?


- Hai vợ chồng được một tập đoàn công nghệ thông tin của Mỹ cử về phát triển thị trường Việt Nam nhưng lại phải từ bỏ để vào công ty nhà nhưng nhận nhiệm vụ như nhân viên bình thường, phải vào kho để xếp hàng, bao nhiêu thức trắng để làm sổ sách cùng kế toán, ra cảng nhận hàng...


Tôi chưa kịp trải nghiệm thì đã được ba chồng tôi huấn luyện rồi. Nhớ ngày đầu vợ chồng tôi về công ty nhận việc, ba chẳng giao việc gì mà cũng chẳng giới thiệu với mọi người chúng tôi là ai. Ba nói: “Cứ ngồi đó coi mọi người làm việc”.


Suốt mấy tháng trời, ngày nào đến công ty cũng ngồi một chỗ, chẳng biết làm gì, mà muốn làm thì phải tự tìm hiểu. Chẳng hạn, muốn tìm hiểu hàng hóa thì tự xuống kho, muốn biết hàng bán ra sao thì lân la vào bộ phận bán hàng, bởi chẳng ai biết chúng tôi là ai, làm cái gì ở công ty mà hướng dẫn, chỉ việc.


Cho đến khi mở thêm siêu thị ở Maximark Cộng Hòa, ba mới nói: “Ngồi không nhìn người khác làm việc đủ rồi, bây giờ hai đứa lên đó làm đi”. Không nói chắc chị cũng hiểu chúng tôi bất ngờ thế nào.


Sau này, khi siêu thị đã đạt chỉ tiêu tôi đề ra, ông mới giảng giải: “Kiến thức học được không thể bê nguyên xi hoặc áp dụng một cách máy móc vào công ty, mà phải biết vận dụng linh hoạt, sát với thực tế. Muốn vậy, phải có thời gian tìm hiểu, lăn mình vào công việc, hiểu tường tận mọi lĩnh vực thì mới có những sách lược vận dụng hiệu quả. Đó mới chính là thành công, là kết quả đích thực của việc học”.


* Con em của nhiều doanh nhân được cho đi du học, nhưng không phải ai cũng có phương pháp học hiệu quả, chị có kinh nghiệm gì có thể chia sẻ với các du học sinh không?


- Thực tế, có rất nhiều bạn trẻ tỏ ra tự tin vì được đi du học hoặc được học ở những trường danh tiếng, nhưng tôi cho rằng, học ở đâu không quan trọng, mà quan trọng là mình lĩnh hội được những kiến thức gì và có tích lũy được kinh nghiệm hay không.


Nếu trong quá trình đi học, bạn chỉ đơn thuần nhận tiền tài trợ của gia đình để học trên giảng đường thì kinh nghiệm trong công việc rất hạn chế.


Người Mỹ có phương pháp đào tạo rất tốt, ngay cả trẻ em vào mùa Hè cũng phải đến các cửa hàng bán thức ăn nhanh để vừa làm vừa học, qua công việc họ dạy cho các em cách làm việc theo đội nhóm, thái độ tuân thủ của người cấp dưới với từng cấp lãnh đạo trong công việc.


Khi ở Mỹ, tôi cũng vừa đi học vừa đi làm, nên tích lũy được nhiều kiến thức và kinh nghiệm. Khi vừa ra trường, tôi được nhận vào làm ở vị trí quản lý ngay.


* Từng làm quản lý cho công ty nước ngoài, vậy khi làm quản lý cho công ty của chính mình, chị có thấy trách nhiệm “nhẹ” hơn vì không bị áp lực của tâm lý là người làm thuê?


- Dù làm ở đâu, cho ai tôi cũng làm hết tâm, hết sức, vì đã xác định công việc đang làm là cho chính tôi. Tôi cũng thường khuyên nhân viên: “Đừng bao giờ nghĩ mình đang làm cho công ty, mà hãy nghĩ đang làm cho chính mình, đang tích lũy kinh nghiệm cho mình. Bởi tôi tâm niệm: “Cứ làm việc với chữ tâm, sớm muộn gì thành công cũng sẽ đến”.


* Hỏi thật nhé, chị có cảm thấy mình giỏi?


- Tôi may mắn là có chồng đồng hành trong cuộc sống và kinh doanh nên tôi thấy luôn an tâm trong mọi quyết định. Tôi cảm thấy hài lòng với những gì đã làm được, tuy nhiên, vẫn chưa thấy thỏa mãn và nghĩ mình cần phải làm tốt hơn nữa. Sự hậu thuẫn kinh tế của gia đình, may mắn chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ nếu thiếu ý thức phát triển bản thân.


Thành công không phân biệt điểm xuất phát, thành công chỉ đến với những người có mục đích rõ ràng và biết hết mình. Chính vậy, tôi chưa bằng lòng với bản thân, luôn phấn đấu hoàn thiện từng ngày.


* Vâng, xin chúc mừng hạnh phúc của chị và cảm ơn chị về buổi trò chuyện này!
Theo Theo Lữ Ý Nhi (Doanh nhân Sài Gòn)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.