Vấp phải sự cạnh tranh mạnh từ các hãng điện thoại khác là một lý do quan trọng khiến Nokia liên tục thay đổi chiến lược phân phối tại thị trường Việt Nam.

Quý I/2012, Nokia vẫn chiếm trên 50% thị phần điện thoại di động tại Việt Nam. Ảnh: Lê Toàn

Kể từ ngày 5/8 tới, Nokia sẽ chính thức ngừng việc hợp tác phân phối sản phẩm với Công ty cổ phần Dịch vụ Phân phối Dầu khí (PSD), nhà phân phối đã từng có giai đoạn nắm giữ trên 40% thị phần phân phối sản phẩm của Nokia tại Việt Nam.

Hãng điện thoại Phần Lan này sẽ chỉ giữ lại hai nhà phân phối tại Việt Nam là Chi nhánh Công ty TNHH Phân phối công nghệ viễn thông FPT (TP. Hà Nội) và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu thiết bị viễn thông May Mắn (Lucky). Cụ thể, FPT phụ trách miền Bắc và Bắc Trung bộ, Lucky phụ trách miền Nam và Nam Trung bộ.

Đây không phải lần đầu tiên, Nokia thay đổi chiến lược phân phối tại Việt Nam trong vòng hơn 1 năm qua. Đầu năm 2011, Nokia cũng thay đổi chiến lược phân phối thông qua việc khoanh vùng lại địa bàn phân phối đối với các nhà phân phối Việt Nam. Theo đó, thay vì được phép phân phối và cạnh tranh trên phạm vi toàn quốc, mỗi nhà phân phối tại Việt Nam của Nokia chỉ được phép phân phối sản phẩm tại một khu vực nhất định. Cụ thể là, FPT phân phối sản phẩm tại khu vực từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc, hai nhà phân phối còn lại là Lucky và PSD phụ trách khu vực từ Đà Nẵng trở vào phía Nam.

Lý giải cho việc thay đổi chiến lược phân phối của Nokia tại Việt Nam, ông William Hamilton-Whyte, Phó chủ tịch Nokia Đông Dương và Philippines cho biết, ngành công nghiệp di động và thị trường điện thoại di động đã phát triển rất nhanh, do vậy, việc ngừng hợp đồng với PSD sẽ hỗ trợ Nokia đẩy mạnh chiến lược tập trung cũng như cải tiến quy trình vận hành.

Bình luận về việc Nokia thay đổi chiến lược phân phối tại Việt Nam, ông Võ Lê Tâm Thanh, chuyên viên phân tích thị trường, thuộc Nhóm nghiên cứu thiết bị người dùng thuộc hãng Nghiên cứu thị trường IDC bình luận, việc thay đổi hay chấm dứt hợp đồng đối với một hay nhiều nhà phân phối của một hãng là điều bình thường trong kinh doanh. Sự thay đổi này đến từ chiến lược cấu trúc lại mô hình phân phối của hãng, cũng có thể đến từ việc thay đổi trong chiến lược kinh doanh của chính nhà phân phối đó.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, thị trường điện thoại Việt Nam hiện nay đang có sự cạnh tranh không những ở phân khúc giá rẻ mà còn diễn ra ở các dòng điện thoại thông minh. Trong khi đó, Nokia lại đang giữ thị phần khá lớn tại Việt Nam. Vì thế, để chia sẻ miếng bánh thị trường điện thoại di động tại Việt Nam thì Nokia sẽ là mục tiêu đầu tiên mà các hãng khác nhắm tới.

Còn theo một lãnh đạo của FPT, việc thay đổi chiến lược phân phối của Nokia, là do hãng gặp phải cạnh tranh rất lớn từ các hãng điện thoại khác tại thị trường Việt Nam.

Theo số liệu thống kê của IDC công bố mới đây, Nokia hiện vẫn là hãng điện thoại chiếm thị phần lớn nhất tại Việt Nam. Quý I/2012, hãng này chiếm trên 50% thị phần điện thoại di động tại Việt Nam. Nokia có được thị phần này là nhờ vào dòng điện thoại 2 SIM với chi phí thấp, tuy nhiên, đây lại là phân khúc sản phẩm đang cạnh tranh khốc liệt tại thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, giống như các hãng điện thoại khác, Nokia đang vấp phải sự sụt giảm về doanh số do sức mua của thị trường yếu. Theo thống kê của hệ thống bán lẻ điện thoại Thegioididong.com vừa công bố, trong 6 tháng đầu năm, tổng số điện thoại nhập khẩu vào Việt Nam giảm 23,72% về số lượng so với cùng kỳ năm 2011, tương đương với con số 6,26 triệu máy. Trong đó, tính riêng tại Thegioididong.com, trong tháng 6/2012, lượng điện thoại bán ra giảm 2% so với tháng 5.

Theo Báo Đầu Tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.
Tags: Nokia, PSD, FPT