Công ty BJ&T vừa ký được hợp đồng cung ứng dài hạn tàu hủ ky sang Nhật gần 1 triệu USD.
Tàu hủ ky, lá khoai mì, lá chuối hay ngải bún là những sản phẩm không xa lạ. Nhưng mấy ai nghĩ chúng lại có thể mang đến doanh thu xuất khẩu gần 3 triệu USD cho một công ty khá nhỏ về quy mô và còn đang ở giai đoạn khởi đầu. Ðó là câu chuyện của Công ty Cổ phần BJ&T, được doanh nhân Nguyễn Nhật Trường thành lập vào năm 2014 sau khi tự nghiên cứu thành công cách sản xuất tàu hủ ky theo công nghệ lò hơi.
Với chi phí đầu tư sơ khai chỉ gần 3 tỉ đồng, công nghệ sản xuất tàu hủ ky của ông Trường được lắp ráp và sản xuất 100% bởi thợ máy người Việt. Nhờ đạt được tiêu chuẩn an toàn thực phẩm HACCP nên ngay trong sau năm đầu tiên tung sản phẩm ra thị trường, BJ&T đã có hợp đồng cung cấp cho 3 hệ thống siêu thị Metro, BigC và Vinmart. Không lâu sau, công ty này tiếp tục xuất khẩu tàu hủ ky sang Úc với đơn hàng gần 30 tấn/năm, giá xuất khẩu 4,4 USD/kg. BJ&T cũng vừa ký được hợp đồng cung ứng dài hạn tàu hủ ky sang Nhật gần 1 triệu USD.
Tàu hủ ky là sản phẩm ngách đầy tiềm năng nếu biết khai thác. Tuy nhiên, do đây là sản phẩm truyền thống nên cũng được rất nhiều cơ sở nhỏ lẻ sản xuất, dẫn đến mức độ cạnh tranh về giá rất gay gắt. Theo ông Trường, vấn đề này đã được xem xét trước khi bắt tay thiết kế công nghệ lò hơi sản xuất tàu hủ ky. “Tôi cũng đã thử qua các cách như dùng điện hoặc ga nhưng giá thành cao, sản phẩm sẽ khó cạnh tranh”, ông kể.
Với công nghệ sản xuất tàu hủ ky tự nghiên cứu, trung bình mỗi tháng, BJ&T cung ứng cho các hệ thống siêu thị trong nước khoảng 21 tấn. Mặt khác, Công ty vẫn đẩy mạnh khai phá thị trường nước ngoài. “Ở Nhật, nhu cầu tiêu thụ tàu hủ ky rất lớn nhưng cung không đủ cầu, buộc họ phải nhập khẩu thêm. Còn tại Úc, tàu hủ ky của BJ&T dù phải cạnh tranh với sản phẩm Trung Quốc, nhưng nhờ người tiêu dùng lo ngại hóa chất độc hại nên sản phẩm xuất xứ từ Việt Nam và Thái Lan vẫn được ưu tiên lựa chọn”, ông nói.
Nhật là quốc gia có quy định rất nghiêm ngặt đối với các sản phẩm có nguồn gốc từ nguyên liệu biến đổi gen. Thế nên, để vào được thị trường khó tính này, BJ&T phải nhập hạt đậu nành không biến đổi gen nguyên liệu từ Canada. Dù vậy, ông Trường cho biết đang cân nhắc kế hoạch phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất và nâng cao lợi nhuận.
Ðáng nói, tàu hủ ky tuy là sản phẩm tiềm năng giúp BJ&T tạo được thương hiệu, nhưng vẫn chưa phải là sản phẩm mang lại nguồn doanh thu xuất khẩu chính. Ðóng góp lớn nhất vào doanh thu Công ty cho đến hiện tại chính là nhóm sản phẩm bún, bánh hỏi, phở, hủ tiếu. Ðặc biệt, BJ&T còn xuất cả đọt lá khoai mì sang một số quốc gia châu Phi.
“Ðọt lá khoai mì được họ xay ra và dùng để nấu như một loại canh. Chúng tôi thu mua mặt hàng này với giá 3.500 đồng/kg, rồi xuất bán với giá gần 1 USD/kg, mỗi năm xuất trung bình 100 tấn”, ông Trường tiết lộ.
Ngoài ra, BJ&T cũng xuất khẩu ngải bún, nghệ, gừng, khoai môn, khoai lang, ớt, khoai mỡ, khoai mì, hạt sen, củ năng, đậu bắp, tỏi, đậu phộng... Mỗi mặt hàng, Công ty xuất khẩu trung bình 4-5 container/tháng. “Các sản phẩm này chưa thực sự có nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu. Từng loại tuy giá trị xuất khẩu không cao, nhưng việc tập trung xuất khẩu nhiều mặt hàng có tính tương đồng, dùng chung hệ thống nhà xưởng giúp chúng tôi nâng cao lợi nhuận”, ông lý giải.
Trong năm 2015, BJ&T đạt tổng doanh thu gần 100 tỉ đồng, trong đó mảng xuất khẩu đóng góp đến 75%. Con số lợi nhuận không được chia sẻ cụ thể, nhưng đại diện Công ty cho biết tỉ lệ này cũng xấp xỉ 10% tổng doanh thu.
Hoàng Quân (NCĐT)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.