Tiền không phải là vấn đề khó khăn nhất khi việt nam triển khai dự án làm vi mạch bán dẫn. Điều đáng ngại nhất là nguồn nhân lực. Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Phó trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ Cao Sài Gòn, nhận định về hướng đi của ngành vi mạch bán dẫn.

Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Phó trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ Cao Sài Gòn.

Ông nghĩ gì về triển vọng của ngành vi mạch bán dẫn Việt Nam?

Trong hội nhập quốc tế, không nên nghĩ rằng mình sẽ vươn lên mạnh mẽ như Đài Loan và Hàn Quốc, những nơi đã sản xuất được điện thoại và máy tính. Chúng ta sẽ đi vào những ngành mình có lợi thế như nông nghiệp. Tức là vi mạch bán dẫn phải phục vụ cho những ngành Việt Nam có thế mạnh, phục vụ y sinh học và cả đời sống của người dân. Về lâu dài, sẽ nhắm đến những sản phẩm có thể cạnh tranh được ở nước ngoài.

Trước mắt chúng ta phải đi lên từ nhu cầu của thị trường trong nước, của nền kinh tế như nhu cầu chip RFID, một loại chip nhận dạng sóng vô tuyến từ xa. Thẻ RFID được gắn lên các sản phẩm khác nhau và quản lý từ xa thông qua máy tính. Việc dùng máy cầm tay quét qua sản phẩm tại các siêu thị để tính tiền là một ví dụ của ứng dụng này.

Cũng phải nói thêm, nếu chỉ lắp ráp không thôi thì giá trị gia tăng không cao. Trong khi việc sản xuất vi mạch bán dẫn dùng trong các sản phẩm như máy đo mực nước, cảnh báo khói bụi, đo huyết áp tự động, máy định vị cho tàu đánh cá… đều nằm trong tầm tay chúng ta.

Ngoài việc cung cấp thương mại, ngành vi mạch bán dẫn còn có thể giải quyết được một số việc khác, đặc biệt là an ninh quốc phòng như chip dùng trong chế tạo robot rà phá bom mìn, chip thông tin liên lạc cho các đảo, các đội tàu ngoài khơi.

Ông có thể cho biết về hướng đi sắp tới của ngành công nghệ vi mạch TP.HCM?

Ngành vi mạch bán dẫn có nhiều phân khúc, cao cấp nhất là bộ vi xử lý của Intel hoặc AMD. Tất nhiên, chúng ta khó mà đạt trình độ như vậy vì xây dựng một nhà máy sản xuất vi mạch bán dẫn trung bình cần đầu tư từ 1-3 tỉ USD. Về nhân lực, chúng ta cũng không thể đáp ứng được.

Qua kinh nghiệm có được trong các năm qua, chúng ta sẽ phát triển các vi mạch bán dẫn có sức lan tỏa đến những ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam. Đó là những ngành có thể quyết định đến việc nâng cao năng suất lao động; các chương trình sản phẩm chủ lực quốc gia, cả trong các ngành tự động hóa. Và chúng ta sẽ triển khai dự án chip RFID.

Thị trường của con chip này rất lớn, chỉ tính riêng trong nước không thôi, đã lên đến hàng trăm triệu sản phẩm/năm. Đây là sản phẩm nằm trong tầm tay của các nhà khoa học Việt Nam.

Chúng ta đã đầu tư như thế nào cho việc thiết kế, sản xuất con chip RFID này?

Cuối năm ngoái, Bộ Khoa học và Công nghệ đã giao cho Đại học Quốc gia TP.HCM khoảng gần 150 tỉ đồng để thiết kế chip RFID. Từ thiết kế này, chúng ta đã đưa ra nước ngoài thử nghiệm, chế tạo và sản phẩm đã hoạt động rất tốt. Sắp tới, chúng ta sẽ tính toán đầu tư, xem mức độ nào là vừa. Tôi hy vọng nhà máy sản xuất chip RFID sẽ ra đời trong vài năm tới.

Sẽ phải đầu tư khoảng bao nhiêu tiền cho nhà máy nói trên?

Theo tính toán, sẽ cần từ 200-300 triệu USD cho nhà máy, dự kiến đặt tại Khu Công nghệ Cao Sài Gòn. Tuy nhiên, tài chính không phải là vấn đề khó khăn nhất. Điều tôi lo lắng nhất chính là nguồn nhân lực. Chúng ta đang cần những kỹ sư có khả năng vận hành các loại máy móc để cho ra những sản phẩm tốt, đảm bảo chất lượng, đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Về vi mạch, đào tạo phải đi song song với thiết kế, chạy thử...

Vậy cho đến nay, nguồn nhân lực đã được chuẩn bị như thế nào?

Bên cạnh các chuyên gia có kinh nghiệm và năng lực, chúng ta đã đào tạo được một số lượng nhất định chuyên gia trẻ có tri thức về công nghệ vật liệu, vi mạch bán dẫn.

Chúng tôi cũng đánh giá rất cao những thành tựu của Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch của Đại học Quốc gia TP.HCM, nơi đã đào tạo được một đội ngũ kỹ sư có chất lượng. Đội ngũ này được quốc tế coi trọng. Liên tiếp trong những năm qua, các kỹ sư trẻ của Trung tâm đã đạt giải nhất trong các cuộc thi thiết kế vi mạch của châu Á. Việc đầu tư đào tạo nguồn nhân lực này phải được tiếp tục trong những năm tới vì nhu cầu đang rất lớn.

Khu công nghệ cao có đào tạo nhân lực cho lĩnh vực thiết kế vi mạch này không?

Đây chính là một trong những nhiệm vụ của Khu Công nghệ Cao Sài Gòn. Chúng tôi đã áp dụng chính sách ưu đãi và khuyến khích các doanh nghiệp đào tạo nhân lực. Công ty Intel đã đưa hàng trăm kỹ sư mới ra trường của chúng ta sang Mỹ đào tạo về vi mạch bán dẫn. Kết quả thật ấn tượng. Nhiều bạn trẻ đã đứng đầu lớp và được lãnh đạo các trường đại học của Mỹ đánh giá cao.

Ngoài ra, các công ty như GES (Mỹ), Nidec (Nhật) cũng đang có chương trình đào tạo riêng. Chúng tôi rất hoan nghênh các công ty lắp ráp linh kiện cơ điện tử như Jabil (Mỹ). Ngoài các chương trình đào tạo nội bộ, họ còn gửi kỹ sư đi nước ngoài để học tập.

Chúng tôi đang củng cố và phát triển trung tâm đào tạo của khu công nghệ cao. Đây là đầu mối liên kết đào tạo theo nhu cầu của các doanh nghiệp công nghệ cao trong và ngoài Khu Công nghệ Cao Sài Gòn. Chúng tôi hy vọng qua đó sẽ đáp ứng được một phần nhân lực cho khu công nghệ này. Phần còn lại phải nhờ vào các trường đại học.

Những kỹ sư Việt Nam đi học về đã có những đóng góp gì cho Intel?

Vừa rồi Intel đã công bố một số gương mặt kỹ thuật viên của Công ty tại Việt Nam được biểu dương toàn châu Á. Bên cạnh đó, phế phẩm của Intel tại Việt Nam đang ở mức thấp nhất trong các nhà máy cùng loại. Intel đánh giá cao việc này và sắp tới có thể sẽ đầu tư nhiều hơn vào Việt Nam, tăng cường khâu nghiên cứu và phát triển. Chúng tôi nghĩ rằng không chỉ Intel mà các công ty khác cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào đất nước chúng ta.

Ông có gợi ý gì về những thay đổi cho các trường đại học để họ làm tốt hơn nữa nhiệm vụ đào tạo nhân lực?

Chúng tôi nghĩ các trường đại học phải nghiên cứu và tiếp thu để đổi mới, đào tạo nhân lực theo nhu cầu phát triển của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp than phiền nhiều về chất lượng đào tạo của các trường đại học, hiện chưa theo kịp trình độ sản xuất với công nghệ tiên tiến của họ.

Theo Nhịp cầu Đầu tư
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Trung Quốc xây nhà máy chip 2,35 tỷ USD

    Trung Quốc xây nhà máy chip 2,35 tỷ USD

    19/03/2021 5:22 PM

    Hãng sản xuất chip hàng đầu Trung Quốc SMIC đang xây nhà máy mới trị giá 2,35 tỷ USD tại Thâm Quyến.

  • Nhà máy chip: Tiền không là vấn đề

    Nhà máy chip: Tiền không là vấn đề

    17/09/2012 10:28 AM

    Tiền không phải là vấn đề khó khăn nhất khi việt nam triển khai dự án làm vi mạch bán dẫn. Điều đáng ngại nhất là nguồn nhân lực. Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Phó trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ Cao Sài Gòn, nhận định về hướng đi của ngành vi mạch bán dẫn.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.