Người Trung Quốc kém trung thực nhất, trong khi người Anh và người Nhật là những người trung thực nhất - theo kết quả một cuộc nghiên cứu được thực hiện với sự tham gia của 1.500 người từ 15 quốc gia.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) của Hồng Kông cho hay, Đại học East Anglia của Anh đã thực hiện cuộc nghiên cứu trên bằng hai bài kiểm tra.
Trong bài kiểm tra đầu tiên, người tham gia được đề nghị tung một đồng xu và sau đó nói đồng xu đó rơi xuống “sấp” hay “ngửa”. Người tham gia được thông báo trước nếu đồng xu ngửa, họ sẽ được thưởng số tiền 3 USD hoặc 5 USD.
Các nhà nghiên cứu thực hiện cuộc thăm dò nói, nếu tỷ lệ số người nói đồng xu ngửa lớn hơn 50% ở một quốc gia nào đó, thì điều này cho thấy có nói dối.
Người Trung Quốc tham gia cuộc thăm dò bị cho là kém trung thực nhất, với khoảng 70% bị cho là đã nói dối về việc đồng xu nằm sấp hay ngửa, so với chỉ 3,4% người Anh - những người được cho là trung thực nhất trong cuộc thăm dò này.
Sau bài kiểm tra thứ nhất, người tham gia cuộc nghiên cứu được đề nghị hoàn thành một bài kiểm tra trắc nghiệm về âm nhạc. Nếu trả lời đúng tất cả các câu hỏi, họ sẽ được thưởng tiền.
Một yêu cầu đặt ra là người chơi không được tìm kiếm câu trả lời trên mạng Internet và phải đánh dấu vào câu trả lời mà họ tự lựa chọn trước khi chuyển sang câu hỏi tiếp theo.
Có 3 trong số các câu hỏi là những câu hỏi rất khó nhằm khiến người tham gia không thể tự trả lời được mà phải tra cứu để tìm câu trả lời. Điều này đồng nghĩa với việc trả lời đúng được nhiều hơn 1 trong số 3 câu hỏi này cho thấy người tham gia có thể nói dối.
Kết quả, người tham gia ở Nhật được cho là đưa ra những câu trả lời trung thực nhất trong bài kiểm tra, tiếp theo là người Anh. Kém trung thực nhất là những người ở Thổ Nhĩ Kỳ, tiếp đến là người Trung Quốc.
15 quốc gia được khảo sát, gồm Brazil, Trung Quốc, Hy Lạp, Nhật Bản, Nga, Thụy Sỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Argentina, Đan Mạch, Anh, Ấn Độ, Bồ Đào Nam, Nam Phi, và Hàn Quốc, được lựa chọn để đảm bảo sự đa dạng về khu vực, trình độ phát triển, và lòng tin trong xã hội.
Trưởng nhóm nghiên cứu, tiến sỹ David Hugh-Jones, giảng viên lâu năm thuộc Trường Kinh tế thuộc Đại học East Anglia, nhấn mạnh rằng sự trung thực của người dân có liên quan tới tốc độ tăng trưởng kinh tế của mỗi quốc gia.
Theo ông Hugh-Jones, những người đến từ các nước nghèo ít trung thực hơn những người đến từ các nước giàu. Tuy nhiên, mối quan hệ này mạnh hơn đối với tăng trưởng kinh tế trước năm 1950.
“Tôi cho rằng mối quan hệ giữa sự trung thực và tăng trưởng kinh tế đã yếu đi trong 60 năm qua, và hiện tại hầu như không có bằng chứng về mối liên hệ giữa tăng trưởng kinh tế hiện nay với sự trung thực”, ông Hugh-Jones phát biểu.
“Một lý giải ở đây là khi các thể chế và công nghệ còn chưa phát triển, lòng trung thực là sự thay thế quan trọng cho việc cưỡng chế thực thi các thỏa thuận hợp đồng. Các quốc gia phát triển được văn hóa đề cao giá trị của sự trung thực vì thế gặt hái được những thành quả lớn về kinh tế. Về sau, khi tăng trưởng kinh tế giúp cải thiện thể chế và công nghệ, giúp việc giám sát và cưỡng chế thực thi hợp đồng dễ dàng hơn, thì văn hóa trung thực cũng không còn cần thiết cho tăng trưởng kinh tế nữa”, ông Hughe-Jones nói.
Diệp Vũ (VnEconomy)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.