Nghĩ lại những tháng ngày làm thuê cho các công ty nước ngoài, Bùi Đức Huyên cay đắng nhận ra rằng: "Mình là người Việt, am hiểu truyền thống, văn hoá Việt, tại sao lại để người nước ngoài chiếm lĩnh thị trường?! Không thể được, trí tuệ, bản lĩnh người Việt đâu thua kém, tại sao lại để thua ngay trên sân nhà?!...”. Từ những ý nghĩ đó anh quyết định phải làm một cái gì đó... mang thương hiệu thuần Việt. Từ những lăn lộn, dày vò, "ngã lên, ngã xuống” với bước đường kinh doanh sản xuất an

Người đi tìm thương hiệu thuần Việt Hành trình gian nan

Sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp, chàng kỹ sư trẻ Bùi Đức Huyên bắt đầu những tháng ngày lăn lộn với cuộc sống đầy gian nan và thử thách. Chẳng có gì ngoài hai bàn tay trắng và tấm bằng giỏi trong tay, suy đi tính lại mãi, Huyên không còn cách nào khác, phải đi làm thuê để học hỏi kinh nghiệm và để cái bụng mình... không đói nữa. Làm thêm, ngoài việc mưu sinh, cốt lõi chính của anh là học kinh nghiệm thực tiễn, để xem cái mớ lý thuyết học trong trường sẽ áp dụng ra sao! Mượn chiếc xe đạp của người bạn, Huyên cầm hồ sơ xin việc. Chạy ngược chạy xuôi, ròng rã cả tháng trời... cuối cùng, chàng kỹ sư trẻ cũng xin được vào làm ở công ty thức ăn gia súc của Mỹ.

Là người thông minh, lại được làm đúng với công việc học tập và đào tạo ở trường, Huyên hoà nhập khá nhanh chóng. Làm việc, tiếp xúc với các đối tác nước ngoài, Huyên nhận ra rằng, họ chưa chắc giỏi hơn người Việt Nam, chỉ có điều họ rất biết nắm bắt thời cơ, tạo nên cơ hội. Người Việt Nam thông minh, tại sao không tìm chiến lược kinh doanh cho mình? Tại sao các sản phẩm cứ phải gắn mác ngoại? Tại sao thương hiệu Việt lại bị người tiêu dùng thờ ơ, thậm chí không đón nhận? ... Những câu hỏi ngày một nhiều lên trong đầu, bắt Huyên trả lời. "Mình phải làm một cái gì đó để người Việt Nam dùng hàng Việt Nam”- Huyên tự nhủ với bản thân mình.

Làm thêm một thời gian nữa cho Công ty thức ăn gia súc của Mỹ, Huyên đưa ra quyết định nghỉ việc, để thực hiện hoài bão của mình. Phải mạnh dạn, nếu không chẳng bao giờ làm được. Mặc dù, trong tay lúc đó không có gì ngoài chiếc máy vi tính và sức trẻ mang ý chí quyết tâm.

Nằm ở nhà, lại vắt tay lên trán, suy nghĩ... Muốn làm được phải mở công ty. Nhưng mở công ty kinh doanh cái gì? Thì kinh doanh chính cái mình đã được học, được thực tập trong suốt thời gian qua. Nhưng lấy tiền ở đâu, là bài toán hóc búa nhất đang cần lời giải.

Đem suy nghĩ của mình ra chia sẻ với mấy người bạn, không ngờ lại nhận được sự đón nhận. Được anh em, bạn bè giúp đỡ Huyên cùng với 3 người bạn của mình đứng ra thành lập công ty thức ăn gia súc với cái tên Tân Phương Đông có trụ sở tại Đông Anh (Hà Nội), khởi đầu cho một bước đi mới.

Công ty Tân Phương Đông hoạt động được một thời gian dài, đem lại hiệu quả kinh tế cao, được nhiều khách hàng để mắt tới nhưng sự thành công đó vẫn chưa làm Huyên thỏa mãn. Anh muốn có một công ty của chính mình nên khi đã có được một số vốn và kinh nghiệm anh đứng ra thành lập công ty riêng lấy tên là Việt Tín.

Tốt gỗ phải... tốt cả nước sơn

Ngày 23-11-2003 Công ty CP dinh dưỡng Việt Tín chính thức được thành lập và bắt đầu đi vào hoạt động vào tháng 12-2004. Nhớ lại những ngày đầu thành lập, Tổng giám đốc Bùi Đức Huyên tâm sự: "Khi công ty mới ra đời, có thể gọi là một "tổ sản xuất” thì đúng hơn vì số tiền huy động lại cũng chỉ mua được một số dụng cụ sản xuất và nguyên liệu sản xuất rất thô sơ, sản phẩm làm ra hạn chế”.

Từ "tổ sản xuất” làm thế nào để công ty tạo được thương hiệu và uy tín trên thị trường là cả một quá trình không đơn giản. Khi công ty đi vào hoạt động, tiền bạc chắt chiu được chả thấm tháp vào đâu. Để có thêm tiền, tất cả tài sản từ nhà cửa, đất đai được giám đốc Huyên mang ra ngân hàng thế chấp lấy tiền mua máy móc và thuê nhân công. Chỉ trong một thời gian ngắn mà anh đã có tới... 9 lần "cơ cấu” lại công ty. Mỗi lần thay đổi, là một lần phải suy nghĩ, tính toán rành mạch, rạch ròi, sao cho đơn giản, gọn mà đạt hiệu quả cao nhất.

Nhờ những lần cơ cấu đó, mà Việt Tín có bước chuyển biến rõ rệt, số lượng thành phẩm làm ra nhiều và chất lượng ngày càng hoàn hảo hơn. Doanh thu bán hàng cũng tăng lên một cách rõ rệt. Nếu như khi mới thành lập, doanh thu năm 2005 là 150 triệu thì đến năm 2008 đã là 1,2 tỷ/tháng và cho đến hết thời điểm này doanh thu đã đạt 400 tỷ đồng, nâng mức tăng trưởng lên 30%/ năm.

Để có uy tín, trong sản xuất kinh doanh, Bùi Đức Huyên quán triệt một triết lý sống còn của cá nhân: "Tốt gỗ phải... tốt cả nước sơn”. Vì sản phẩm có chất lượng và bán được hay không là do yếu tố con người làm ra sản phẩm. Biết rõ hơn ai hết, anh không ngần ngại mời các chuyên gia nước ngoài về làm việc tại công ty và giao cho họ nắm giữ những vị trí quan trọng, lựa chọn và ưu tiên các cử nhân Đại học, thường xuyên bổ sung thêm đội ngũ cán bộ có kinh nghiệm trong công tác quản lý. Còn về công nhân viên thì ưu tiên lao động địa phương nhằm tạo công ăn việc làm tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ.

Nguyên liệu sản xuất thức ăn gia súc của Việt Tín chủ yếu là ngô, khô đậu... Nhưng có điều, anh Huyên còn trăn trở, tuy Việt Nam là một đất nước nông nghiệp, sản phẩm làm ra không thiếu nhưng vẫn phải nhập từ nước ngoài vào. Cái yếu không phải là không có sản phẩm mà ở khâu bảo quản sau thu hoạch, cho nên việc sản xuất của công ty phụ thuộc hoàn toàn vào nguyên liệu nước ngoài. Vậy nên việc bảo quản nguyên liệu đã được công ty chú trọng triển khai. Ngoài việc tạo cho mình một nguồn nguyên liệu chủ động thì Việt Tín còn giúp bà con có thêm thu nhập và gỡ về đầu ra cho nông sản. Anh cùng công ty luôn chủ động đưa nhà máy về gần với dân, gần vùng nguyên liệu để giúp đỡ bà con. Sau Sóc Sơn, sắp tới anh sẽ khánh thành một nhà máy nữa ở Yên Bái.

Dưới bàn tay lãnh đạo tài tình và lòng nhiệt huyết đến cháy bỏng của tổng giám đốc Huyên, từ "cơ sở sản xuất” đến nay Công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Tín có trên 100 cán bộ công nhân viên. Trong đó, có 16 cán bộ chuyên làm nhiệm vụ phát triển thị trường, còn lại là kĩ thuật và công nhân. Điều làm cho khách hàng hài lòng nhất không chỉ vì sản phẩm đạt chất lượng được người dân tin dùng mà còn vì sự nhiệt huyết và năng động của đội ngũ bán hàng. Đội ngũ tư vấn được thành lập, với nội quy và đạo đức được quán triệt, họ tư vấn cho người dân cặn kẽ từ cách chọn vật nuôi, cách thức chăm sóc sao cho phù hợp đến việc cho vật nuôi ăn như thế nào là khoa học để đem lại năng suất cao.

Hiện nay, mỗi tháng, công ty xuất 1.750 tấn sản phẩm thức ăn đến với người tiêu dùng và con số này chắc chắn còn tăng lên trong nay mai. Mặc dù, đang trong thời kì nền kinh tế có nhiều khó khăn, các DN phải cắt giảm nhưng Việt Tín không ngừng tuyển thêm nhân viên. Công ty cổ phần dinh dưỡng Việt Tín, không chỉ đơn thuần là tên gọi mà nó bao hàm nhiều ý nghĩa, trong đó, uy tín của người Việt là thông điệp lớn nhất mà công ty muốn gửi tới khách hàng..


Theo Phương Nguyên – Việt Lương (Đại Đoàn Kết)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Người đi tìm thương hiệu thuần Việt

    Người đi tìm thương hiệu thuần Việt

    13/02/2012 1:25 AM

    Nghĩ lại những tháng ngày làm thuê cho các công ty nước ngoài, Bùi Đức Huyên cay đắng nhận ra rằng: "Mình là người Việt, am hiểu truyền thống, văn hoá Việt, tại sao lại để người nước ngoài chiếm lĩnh thị trường?! Không thể được, trí tuệ, bản lĩnh người Việt đâu thua kém, tại sao lại để thua ngay trên sân nhà?!...”. Từ những ý nghĩ đó anh quyết định phải làm một cái gì đó... mang thương hiệu thuần Việt. Từ những lăn lộn, dày vò, "ngã lên, ngã xuống” với bước đường kinh doanh sản xuất an

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.