"Hôm nay chúng ta mất một vụ làm ăn về tay Deutsche Bank, vì mùa hè này họ đã tuyển dụng con gái của chủ tịch công ty đối tác", một giám đốc ngân hàng JP Morgan than thở với đồng nghiệp về việc mất một bạn hàng Trung Quốc.

Trụ sở ngân hàng JP Morgan tại Hong Kong. Ảnh: KPF

Phi vụ làm ăn trên diễn ra vào năm 2009, trong thời điểm ngân hàng JP Morgan còn bị đối thủ cạnh tranh khác giành được nhiều hợp đồng béo bở với các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt, các công ty nhà nước Trung Quốc phát hành hàng tỷ USD cổ phiếu và trái phiếu thông qua hệ thống ngân hàng quốc tế. "JP Morgan là ngân hàng đi sau trong lĩnh vực trên. Cuối cùng, thông qua hình thức email, lãnh đạo ngân hàng quyết định tuyển dụng con cái quan chức và người đứng đầu doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, như một biện pháp giải quyết hiệu quả", phóng viên Ben Protess của tờ New York Times cho biết.

"Tôi tán thành thực hiện chiến lược tuyển dụng trên", một lãnh đạo ngân hàng viết trong email. Chiến lược này được biết đến với tên gọi "Chương trình con trai và con gái" (Sons and Daughters program). Trong những năm sau đó, JP Morgan đã tuyển hàng chục nhân viên mà gia đình có địa vị trên chính trường Bắc Kinh và tiến hành thống kê mối liên hệ giữa các nhân viên này cùng giao dịch mà ngân hàng đạt được với Trung Quốc.

Chương trình trên vốn được thiết lập từ năm 2006, nhằm đảm bảo hành vi tuyển dụng phù hợp quy định pháp luật, nhưng hoạt động không hiệu quả trong ba năm đầu. Sau thất bại trước Deutsche Bank trong năm 2009, một lãnh đạo của JP Morgan viết: "Liệu chúng ta có thể thành lập một chương trình để hỗ trợ cho công việc không?"

Bộ phận đầu tư của ngân hàng này sau đó triển khai một chương trình mới với nội dung cung cấp vị trí tuyển dụng cho các nhân viên có mối quan hệ xã hội quan trọng. Mức lương một năm dao động từ 70.000 đến 100.000 USD. Tuy nhiên lãnh đạo của JP Morgan yêu cầu mở rộng chương trình con trai và con gái, với cơ chế ứng viên tuyển dụng được khách hàng giới thiệu, để đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh khác.

"Việc tuyển dụng như trên của chúng ta còn quá ít, quá ít. Tôi thường xuyên nhắc bộ phận Trung Quốc về chương trình này. Nhất định phải đưa được con trai của người có quyền thứ hai tại Sino Truck về bộ phận của tôi", một giám đốc bộ phận của JP Morgan viết trong email gửi đồng nghiệp. Sino Truck là doanh nghiệp quốc doanh chế tạo ô tô lớn thứ ba tại Trung Quốc.

Theo điều tra của tờ New York Times, động cơ dẫn đến quyết định này của JP Morgan là áp lực cạnh tranh trong bối cảnh cục diện kinh tế thế giới không ổn định sau khủng hoảng kinh tế năm 2008. Theo số liệu của Thomson Reuters, từ năm 2009 đến nay, JP Morgan khôi phục được thị phần của mình ở Trung Quốc, với tổng lượng giao dịch tại Hong Kong cũng như Đại lục xếp thứ ba trong năm 2013, tăng 10 bậc so với năm 2009.

Tuy nhiên số liệu trên không chỉ ra trực tiếp mối liên hệ giữa tốc độ tăng trưởng của ngân hàng này và việc tuyển dụng con ông cháu cha Trung Quốc. Mặc dù vậy, chương trình tuyển dụng này vẫn đang bị Ủy ban Giao dịch chứng khoán Mỹ (SEC) và Kiểm sát liên bang khu Brooklyn điều tra.

Ông Đường Song Ninh (cầm giấy), Chủ tịch Tập đoàn Quang Đại, có con trai từng làm việc và thực tập tại nhiều ngân hàng quốc tế, như JP Morgan, Goldman Sachs và Citigroup. Ảnh: AFP

JP Morgan không phải là ngân hàng duy nhất có chính sách tuyển dụng con ông cháu cha Trung Quốc. Hàng loạt ngân hàng của Mỹ khác cũng nằm trong diện điều tra, bao gồm Citigroup, Credit Suisse, Deutsche Bank, Goldman Sachs, Morgan Stanley và UBS.

Chuỗi email liên quan của giới lãnh đạo JP Morgan cho thấy các ngân hàng có xu hướng học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau trong việc tuyển dụng con cháu quan chức Trung Quốc. "Chúng ta học được từ Goldman Sachs kinh nghiệm này", một lãnh đạo ngân hàng viết.

Năm 2010, JP Morgan tuyển dụng Đường Tiểu Ninh, con trai của ông Đường Song Ninh, chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn Quang Đại, một trong các doanh nghiệp tài chính nhà nước hàng đầu Trung Quốc. Con trai ông Đường từng thực tập tài Citigroup và Goldman Sachs. Sau lần tuyển dụng này, các công ty con của Quang Đại có ba lần tiến hành giao dịch với JP Morgan.

Việc Mỹ tăng cường mức độ tự do hóa của thị trường khiến chính sách tuyển dụng gây tranh cãi trên thoát được sự thẩm tra của chính phủ. Thực tế này kết hợp với việc nền kinh tế Trung Quốc không ngừng phát triển trong suốt hơn 20 năm qua, là nguyên nhân dẫn khiến các tổ chức tài chính đua nhau tuyển dụng sinh viên Trung Quốc thuộc tầng lớp tinh hoa.

Tuy nhiên, trong những tháng cuối năm 2013, Washington có thái độ cứng rắn hơn với việc Phố Wall đạt được giao dịch với chính phủ nước ngoài thông qua hành vi cung cấp cơ hội tuyển dụng. Luật chống tham nhũng nước ngoài của Mỹ quy định các công ty nước này không được phép cung cấp "bất kỳ nguồn lợi có giá trị" cho quan chức nước ngoài để giành "ưu thế không chính đáng".

Kết quả điều tra sẽ ảnh hưởng mối quan hệ giữa ngân hàng này và các khách hàng Trung Quốc. Báo này dẫn lời một số nhân viên liên quan của JP Morgan cho biết, một số ngân hàng đã tạm dừng chính sách tuyển dụng trên và bản thân JP Morgan thậm chí còn từ bỏ một số giao dịch thương mại với Trung Quốc, để chứng tỏ thái độ hợp tác điều tra.

Giao dịch bị tạm dừng đáng chú ý nhất là JP Morgan từ chối không tiếp tục làm tư vấn tài chính cho Tập đoàn Trung Lương, một trong các công ty xuất nhập khẩu thực phẩm hàng đầu Trung Quốc. Con gái của ông Ninh Cao Ninh, chủ tịch tập đoàn, từng hai lần thực tập tại JP Morgan trong các năm 2011 và 2012.

Đức Dương (VnExpress)
  • Facebook
  • Chia sẻ
  •   Lưu tin
  •   Báo cáo

    Báo cáo vi phạm
     
  • Ngân hàng quốc tế đua tuyển con quan Trung Quốc

    Ngân hàng quốc tế đua tuyển con quan Trung Quốc

    04/01/2014 7:41 AM

    "Hôm nay chúng ta mất một vụ làm ăn về tay Deutsche Bank, vì mùa hè này họ đã tuyển dụng con gái của chủ tịch công ty đối tác", một giám đốc ngân hàng JP Morgan than thở với đồng nghiệp về việc mất một bạn hàng Trung Quốc.

  • VIB sắp xếp lại nhân sự cấp cao

    VIB sắp xếp lại nhân sự cấp cao

    17/09/2013 5:00 PM

    Ông Đặng Khắc Vỹ giữ chức Chủ tịch HĐQT thay ông Hàn Ngọc Vũ vừa được cử làm Tổng giám đốc VIB, sau khi bà Đàm Bích Thủy từ nhiệm.

Xem Thêm >>
Mọi ý kiến đóng góp cũng như thắc mắc liên quan đến thị trường bất động sản xin gửi về địa chỉ email: [email protected]; Đường dây nóng: 0942.825.711.